Kỳ 113 -LÊ LỢI BẤT NGỜ NAM TIẾN BẤT TRỌN Ổ GIẶC MINH


Kỳ 113
LÊ LỢI BẤT NGỜ NAM TIẾN
BẤT TRỌN Ổ GIẶC MINH

Thành quả của việc tạm hòa với giặc được đề cập trong kỳ trước là rất lớn. Sau hơn một năm hòa hoãn, quân Lam Sơn từ chỗ bị vây khốn nơi núi Chí Linh, chịu cảnh đói khát nay đã trở lại với một khí thế mạnh mẽ hơn. Giờ đây quân ta không chỉ có nhiều lương thực, khí cụ mà còn đông đảo hơn trước. Bằng sự tự tin và tinh thần quyết chiến cao độ, quân Lam Sơn tiếp tục con đường chiến đấu của mình.

Bấy giờ là năm 1424, tại nước Minh có sự thay đổi lớn. Minh Thành Tổ Chu Đệ trong lần thứ 5 thân chinh đánh Mông Cổ, đã không thể hóa giải được chiến lược của quân Ngõa Lạt Mông Cổ dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Arughtai. Quân Ngõa Lạt luôn tích cực tấn công biên giới nước Minh, cướp bóc và tiêu hao lực lượng nước Minh dần dần. Nhưng khi quân Minh điều động lực lượng lớn tấn công, quân Ngõa Lạt lại rút lui về thảo nguyên, tránh giao chiến, chờ cho quân Minh kiệt sức trong cuộc rượt đuổi phải tự lui binh. Với lực lượng hầu như thuần kỵ binh, quân Ngõa Lạt luôn giành lợi thế tuyệt đối trong các cuộc rượt đuổi trên thảo nguyên bao la. Chu Đệ lúc này đã già yếu, mệt mỏi vì cuộc hành quân bắc tiến cực nhọc và vô vọng, chết ở sông Du Mộc. Quân tướng nước Minh giữ kín tin Chu Đệ chết, rút về đến Bắc Kinh mới cho phát tang. Thái tử Chu Cao Sí lên nối ngôi, tức vua Minh Nhân Tông.

Trước đây, vì sự độc đoán của Chu Đệ, quan tướng nước Minh chỉ dám răm rắp theo lệnh. Nước Minh càng lúc càng sa lầy tại Đại Việt. Nay bạo chúa đã chết, nhà vua mới lên ngôi, trong triều đình nước Minh liền có những bàn luận sôi nổi việc nên bỏ hay cố thực hiện cái gọi là "giữ đất An Nam" (cách gọi nước ta của phương bắc thời xưa). Rõ ràng tình hình nước Minh thời bấy giờ không hề dư dả binh lực và các nguồn lực khác nữa cho cùng lúc hai mặt bắc phía bắc và phía nam. Thêm nữa, mặt trận phía bắc chống Mông Cổ đối với nước Minh là mặt trận có tầm quan trọng hơn việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa ở Đại Việt rất nhiều, nó có thể can hệ đến sự tồn vong của đế chế Minh.

Minh Nhân Tông Chu Cao Sí phân vân không quyết định được, vì ngoài vấn đề cân nhắc lợi hại, việc rút quân khỏi nước ta sẽ là một sự thừa nhận thất bại, một đòn giáng mạnh vào thể diện của Minh triều. Vua Minh cho triệu Công bộ thượng thư Hoàng Phúc bấy giờ kiêm chức Bố chính, Án sát ti tại An Nam về hỏi ý kiến. Hoàng Phúc tâu rằng: “Nếu được người giỏi phủ ngự An Nam, thì có thể giữ được vô sự”. Vua Minh cho lời ấy là phải. Hoàng Phúc được cho lưu lại nước Minh, tham mưu bên cạnh vua mới. Binh bộ thượng thư Trần Hiệp lên thay Phúc nắm quyền hai ti Bố chính, Án sát trong bộ máy đô độ giặc Minh tại nước ta.
Nước Minh vẫn chưa từ bỏ việc chiếm đóng Đại Việt, nhưng bắt đầu có thái độ mong muốn hòa hợp dân tộc, nới lỏng sự bóc lột, đồng hóa dân tộc một cách dần dần, ôn hòa hơn.

Tuy nhiên lúc này vua Minh lại được tin Trần Trí đã thất bại trong kế hoạch chiêu dụ Lê Lợi, bèn xuống chiếu trách hỏi. Trí tâu lên rằng: “Giặc Lê Lợi chạy trốn sang Lão Qua, bị Lão Qua đuổi bèn quay về huyện Côi, châu Ninh Hoá [tức Ninh Bình ngày nay]. Quan quân tiến đánh, viên Đầu mục nguỵ là bọn Phạm Ngưỡng đem trai, gái 1.600 người ra hàng. Lê Lợi tuy nói rằng sẽ đưa hơn 480 nam nữ ra hàng, nhưng rồi dừng lại tại huyện Nga Lạc, phủ Thanh Hoá; lại nghe rằng vẫn không ngừng tiếp tục tạo khí giới. Dối trá như vậy, đáng mang quân đánh dẹp.”

Minh Nhân Tông nhận được thư tâu, lại xuống chiếu căn dặn bọn Trần Trí: “Ngươi hãy ước tính mưu kế giặc, trù hoạch đúng nên tiến hay chưa? Nhưng ta nghe rằng nguyên nhân gây ra bọn giặc này, do quan ty nhũng nhiễu áp bức, bọn chúng cùng quẫn bất đắc dĩ gây ra như vậy. Nay dùng phép đại xá để thiên hạ cùng đổi mới, đối với Giao Chỉ lại càng tăng thêm sự khoan tuất. Nếu trong muôn một, lương tâm bọn giặc này chưa mất hết, chúng có thể suy nghĩ sửa đổi. Nay nếu quan quân chưa tiến, thì mang thư đến chiêu dụ, sẽ không hỏi đến lỗi xưa, lệnh cho về đất cũ an cư lạc nghiệp. Nếu bọn này chấp mê không chịu ra, vẫn tiếp tục hành động như trước, thì hãy tâu đầy đủ sự thực, để có cách khu xử khác. Nếu quan quân đã tiến, thế không thể dừng lại, phải hết sức cẩn thận. Giặc âm mưu quỷ quyệt, dựa vào chổ hiểm đặt phục binh, hãy sử dụng thám thính đằng xa để không lầm vào kế giặc. Lúc hành quân, phải ước thúc quân lính, đừng nhiễu hại nhân dân.”(theo Minh Thực Lục)

Vua mới của nước Minh vẫn nuôi hy vọng chiêu dụ Lê Lợi, bất đắc dĩ mới dùng binh tiến đánh. Trong chiếu chỉ, Minh Nhân Tông đã có ý trách móc bọn quan lại đô hộ hà hiếp dân ta nên dẫn đến việc phản kháng. Vua Minh lại hạ lệnh cho đình chỉ việc khai thác vàng bạc ở nước ta chuyển về nước, mong rằng có thể thu phục được nhân tâm. Thái độ của vua Minh Nhân Tông đối với người Việt so với Minh Thành Tổ Chu Đệ rõ ràng là nhân đạo hơn.

Nhưng vì đứng ở vị thế một vị vua phương bắc, Minh Nhân Tông không thể nào có được sự thấu hiểu với nhân dân ta, càng không thể hành động vì nguyện vọng, lợi ích của dân Việt. Vua Minh vẫn có mục tiêu là duy trì sự thống trị của nước Minh đối với nước ta, và sẵn sàng dùng vũ lực để đàn áp các cuộc khởi nghĩa. 

Tháng 10.1424, trong lúc tướng lĩnh nước Minh còn đang do dự thì Bình Định vương Lê Lợi đã chủ động ra tay đánh trước. Lê Lợi cho họp tướng sĩ, thảo luận về sách lược tiến thủ. Tướng Nguyễn Chích, bấy giờ giữ chức Thiếu úy, thưa rằng: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông. Tôi đã từng qua lại Nghệ An, nên rất thông thuộc đường đất. Nay ta nên trước hãy nên đánh lấy Trà Long, chiếm giữ bình định cho được Nghệ An để làm chỗ đất đứng chân, rồi dựa vào đấy mà lấy tiền tài sức lực. Sau sẽ quay cờ trẩy ra Đông Đô thì có thể tính xong được việc dẹp yên thiên hạ”.

Nghệ An thời bấy giờ ở xa thủ phủ Đông Quan hơn Thanh Hóa, binh lực quân Minh ở đây mỏng và yếu hơn. Người Minh chỉ mới thành lập lại được bộ máy đô độ từ năm 1414. Dân xứ Nghệ trước theo nhà Hậu Trần rất đông đảo, bị quân Minh đàn áp đẫm máu. Những người dân còn lại vẫn mang nặng lòng thù hận quân Minh tàn ngược, lại khổ sở cùng cực vì ách đô hộ, ngày ngày cầu mong có dịp đứng lên đánh đuổi giặc. Lê Lợi nghe qua lời Nguyễn Chích, khen là phải. Trước tiên muốn tiến xuống Nghệ An, Bình Định vương cho quân đánh thành Đa Căng (thuộc xã Thọ Nguyên, Thọ Xuân, Thanh Hóa) để đẩy chiến tuyến giữa ta và địch lùi về phía đông, khai thông đường tiến quân xuống phía nam, giúp hạn chế nguy cơ bị đánh tập hậu khi chuyển quân.

Thành Đa Căng do ngụy quan Lương Nhữ Hốt, giữ chức Tham chính chỉ huy. Với chiến thuật hành quân bí mật quen thuộc, Lê Lợi đem tượng binh, bộ binh tập kích thành Đa Căng dữ dội, Lương Nhữ Hốt thua trận chớp nhoáng, một thân bỏ chạy. Quân Lam Sơn giết và bắt được gần như toàn bộ lực lượng giặc tại Đa Căng, thu được khí giới, lương thực rất nhiều. Lê Lợi cho đốt hết thành lũy của giặc. Tướng Minh là Đô chỉ huy sứ Nguyễn Hoa Anh đem quân đến cứu viện cho Lương Nhữ Hốt, đến nơi thì thành đã bị quân Lam Sơn đánh hạ rồi. Quân ta thừa thế tiến đánh luôn Nguyễn Hoa Anh, cả phá được giặc. Hoa Anh thua chạy về thành Tây Đô. Hai trận thắng liên tiếp, quân Lam Sơn bắt được vợ con của quân Minh rất nhiều, Lê Lợi đều cho thả hết.

Nghĩa quân Lam Sơn theo kế hoạch đã định trước, tiến quân về hướng châu Trà Lân, phủ Nghệ An. Tin tức thành Đa Căng bị hạ, quân Lam Sơn nam tiến khiến cho tướng lĩnh nước Minh rất lo lắng và gấp rút tìm biện pháp đối phó lại.

Quốc Huy


Nhận xét

Bài đăng phổ biến