MỘT CUỘC THI ĐÃ BỊ CHẤM SAI [4]-CÁC VỊ BGK ĐÃ CHẤM SAI GIẢI NHẤT

 MỘT CUỘC THI ĐÃ BỊ CHẤM SAI [4]
CÁC VỊ BGK ĐÃ CHẤM SAI GIẢI NHẤT
  
Báo ViẹtNamNet đã đầu tư tổ chức một cuộc thi rất hay. Tôi tin họ luôn mong muốn có một kết quả tốt đẹp để tác giả, bạn đọc tâm phục, khẩu phục.
  BTC cuộc thi có những sự luộm thuộm, nhưng hẳn họ cũng luôn mong đợi như vậy.
  Một kết quả thi công bố mà gây ra sự phản đối từ nhiều phía do ai: Hẳn lỗi đó thuộc về Hội Đồng Ban Giám khảo cuộc thi, những vị đã được báo VietNamNet và BTC cuộc thi tin tưởng và giao phó việc chấm thi.
 
 Hội đồng Ban giám khảo chung kết (BGK) cho cuộc thi theo thông tin trên VietNamNet gồm 5 vị:
1- Ông Trần Trọng Dũng – PCT Hội nhà báo Việt Nam;
2-Ông Nguyễn Trùng Khánh -Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam;
3-Bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM;
4- Ông Bùi Thạc Chuyên- Đạo diễn;
5- Ông Trương Minh Huyền Vũ – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM
 
Tôi muốn thưa với BGK rằng: họ đã chấm sai một số giải của cuộc thi, một số giải cao bài thi lẽ ra không được đưa vào chung khảo, một số giải thấp lẽ ra phải được chấm cao hơn.
   Theo quy chế đã công bố trên báo VietNamNet:
Câu chuyện phải là CÂU CHUYỆN CÓ THẬT và cái dòng sông tác giả viết về phải là dòng sông HỌ ĐÃ TỪNG GẮN BÓ TRONG ĐỜI.
   Về thể loại quy chế quy định: bút ký, nhật ký, tản văn, phản ánh, phóng sự…Ở đây với tất cả thể loại này đã bị quy chế ràng buộc CÂU CHUYỆN CÓ THẬT nên các tác phẩm dự thi tất nhiên sẽ phải là phi hư cấu.
   “THẬT’ có lẽ là tiêu chí chính của cuộc thi nên nó được nhắc đến nhiều lần trong quy chế. Ở vòng chấm giải chung kết, quy chế nhắc lại: “20 bài dự thi vào vòng chung khảo sẽ được Hội đồng Ban giám khảo xem xét chấm điểm theo các tiêu chí: TÍNH CHÂN THỰC, tính đại diện và tính sáng tạo (trong ý tưởng và cách kể chuyện).” 
   Rất nhiều tác phẩm dự thi đã bám rất sát quy chế này:
   Điển hình có thể kể: Khơi dòng Thiên Đức của Trần Vi Anh, Sông Gianh đi qua đời tôi của Lương Duy Cường, Tìm lại một dòng sông đã chết của Trung Sỹ, Ngược sông Rào Nậy của Nguyễn Hồng Lam; Thăm thẳm sông Dinh của Nguyễn Hữu Tài, Biên niên ký dòng sông quê tôi của Nguyễn Quang Lập, Sông và bến của Gia Bảo, Sông đáy quê tôi của Nguyễn Như Phong, Ngược miền gái đẹp của Mai Nam Thắng, Một đời người qua mấy dòng sông của Nguyễn Thị Hậu…
   Đó đều là những con sông tác giả gắn bó: Họ sinh ra ở đó, họ lớn lên ở đó, hoặc tác giả từng có thời gian sinh sống ở đó, làm việc, công tác… nơi con sông mà họ viết tới.
   Con sông gắn với rất nhiều ký ức, kỷ niệm với họ.
   Và, họ mong ước sự thay đổi, họ đề nghị những giải pháp, kiến nghị tương lai cho con sông của mình...

MỤC A: CÁC VỊ BGK ĐÃ CHẤM SAI GIẢI NHẤT!...
    Giải nhất cuộc thi đã được BGK chấm cho tác phẩm: LÒNG TÀU, NƠI CON SÔNG Ở LẠI của nhà văn Tống Phước Bảo (Bạn có thể xem tác phẩm này theo link dưới còm).
   Tôi rất quý nhà văn Tống Phước Bảo, đó là một nhà văn trẻ đầy tài năng, một cây bút nội lực dồi dào, ý tưởng mới mẻ, văn phong cuốn hút. TPB là một cây viết khoẻ, đa năng… Tôi tin trong một tương lai gần TPB sẽ giành được giải thưởng Hội Nhà văn hàng năm cho tác phẩm của mình, và là một trong những nhà văn trẻ Việt Nam có tác phẩm vượt ra ngoài biên giới…
   Tống Phước Bảo (TPB) đã giành được nhiều giải thưởng văn chương có giá trị và vì vậy, có lẽ, TPB không quan tâm gì nhiều đến giải thưởng của cuộc thi này.
   Thưa BGK, các vị có thể chờ để trao cho nhà văn Tống Phước Bảo những giải thưởng lớn hơn, giá trị hơn, nhưng ở cuộc thi nhỏ này, cuộc thi “Chuyện của những dòng sông”, các vị không thể trao cho “Lòng Tàu, nơi con sông ở lại” giải nhất được.
  
Tôi tạm tóm tắt bài thi “Lòng Tàu, nơi con sông ở lại” như sau:
   Một buổi sáng (có lẽ khoảng 9h) tác giả lên ca nô xuất phát từ bến Bạch Đằng, đấy cũng là lần đầu tiên tác giả ngắm thành phố từ sông (ô, vậy, tác giả chưa bao giờ đi thuyền, tàu trên con sông nào của thành phố chăng?) và là lần đầu tiên trong đời mình tác giả đi đến sông Lòng Tàu. Ca nô đưa tác giả từ sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, ra sông Lòng Tàu. Tác giả tả cảnh sông và kiến trúc hai bên bờ sông. Đến đây, tác giả nhập vào dòng chảy lịch sử kháng chiến chống Mỹ với người anh hùng Lê Bá Ước (dung lượng khoảng 850 từ /2000 từ bài thi) và nội dung này tác giả lấy từ nguồn tư liệu để viết. Sau 1h30 phút xuôi sông Lòng Tàu, tác giả thăm ấp đảo Thiềng Liềng. Tác giả có lẽ đã nghỉ ăn trưa ở đây, đến xế chiều thì theo ca nô đến núi Giồng Chùa. Tác giả tả cảnh ấp đảo Thiềng Liềng, viết về nghề muối và thuỷ sản ở ấp đảo Thiềng Liềng và núi Giồng Chùa khoảng 450 từ. Rồi có lẽ, tác giả theo ca nô quay trở về bến Bạch Đằng.
Hành trình kết thúc trong một ngày.
 
Bài thi được viết như bài báo cáo kết quả một chuyến đi thực tế.
Con sông LÒNG TÀU của tác giả Tống Phước Bảo:
-Không phải là nơi tác gỉa sinh ra;
-Không phải là nơi tác giả đang sống;
-Không phải là nơi tác giả từng công tác, từng làm việc…
-Không là quê hương của bạn bè, người yêu trong mộng của tác giả, hay đối tác làm việc…
     Đến 40 tuổi, chưa một lần tác giả đặt chân đến đấy.
     Lần đầu tiên, tác giả biết đến sông Lòng Tàu là đi khảo sát để viết bài thi này và có lẽ tất cả thời gian tác giả có với con sông chỉ trong 3-4 h đồng hồ của hành trình.
    Con sông đó không có trong kỷ niệm, hồi ức riêng tư của chính tác giả (trong bài thi không có một dòng về điều này), không có một trải nghiệm riêng tư nào với tác giả (trong bài thi thể hiện rõ điều này). Nguồn tư liệu tác giả viết về sông chủ yếu về giai đoạn chống Mỹ với người anh hùng Lê Bá Ước có thể dễ dàng tra google.
 
    Chắc chắn sông LÒNG TÀU chưa TỪNG GẮN BÓ TRONG ĐỜI với tác giả.
 
    Nó khác xa một trời một vực với SÔNG của các tác giả khác: sông của Nguyễn Quang Lập là con sông, ông ấy gắn bó từ bé thơ, từ khi chưa biết đi; Sông của Nguyễn Hồng Lam là nơi nhà báo đến và đi với bao phận người trong mấy chục năm; Sông của Nguyễn Thị Hậu là những dòng sông đã gắn bó với công việc, với những khoảng đời của tác giả;  Sông của Trung Sỹ là những kỷ niệm tuổi thơ, kỷ niệm thời đi học, là ký ức về những trận lũ; Sông Đuống trong ký ức của Trần Vi Anh là lũ, là mưu sinh tuổi thơ, là những vụ mùa; Với Lương Minh Cường là những lần trốn học chơi với sông, là chiếc quan tài của người bác nổi lềnh bềnh trên mặt nước…
    Những con sông ấy khi đọc đến chúng ta bồi hồi xúc động, chúng ta rưng rưng nước mắt, có thể độc gỉa sẽ khóc với kỷ niệm, ký ức…của tác giả.
   Đó là “THẬT” là những con sông ĐÃ GẮN BÓ TRONG ĐỜI HỌ…
   Trong bài thi “Lòng Tàu, nơi con sông ở lại” tác gỉa có một dung lượng khoảng 300 từ cho những cảm xúc, suy nghĩ của mình về sông, nhưng cũng không nói gì nhiều đến: “Những mong muốn, dự định, ý tưởng của người dự thi để thay đổi cuộc sống bên dòng sông, bằng việc khai thác tiềm năng về cảnh quan, thuỷ hải sản… của dòng sông quê hương.” là một nội dung thể lệ cuộc thi đề cập tới.
  Các tác giả khác, ở một số bài thi khác, đã thể hiện tốt điều này: Trần Vi Anh đã dùng 500 từ cho ước mơ, cho mong muốn, cho tương lai dòng sông Đuống, tác gỉa Trung Sỹ cũng có những đề nghị, giải pháp cho dòng sông Hồng của ông, Mai Nam Thắng mong muốn mở tuyến du lịch trên sông về miền gái đẹp; Nguyễn Nhu Phong cảnh báo về nạn ô nhiễm, và cất tiếng kêu cứu cho môi trường…
Với những gì đã viết ở trên, từ văn bản bài thi và Thể lệ cuộc thi, tôi nghĩ bài thi “Lòng Tàu, nơi con sông ở lại” không thể được chấm gỉai nhất cuộc thi này khi nằm bên những bài thi khác…
(Tác giả thua vì không có một con sông gắn bó. Còn nếu, có được một con sông như các tác giả khác, tôi tin với kỹ năng của mình TPB sẽ chiến thắng. Có những cuộc thi chúng ta không thể tham gia vì chúng ta thiếu điều kiện cần, như tôi bây giờ nếu báo Phụ Nữ thi: Viết 500 từ kinh nghiệm nuôi con học đại học…tôi sẽ bó tay)
     Thưa ban giám khảo. Không chỉ tôi, rất nhiều nhà văn khác qua tin nhắn đều bày tỏ sự quá đỗi ngạc nhiên trước kết qủa chấm thi của quý vị. Chúng tôi không biết căn cứ trên những tiêu chí nào quý vị chấm như vậy.
     Một cách minh bạch, như tôi đã thấy ở các cuộc thi âm nhạc nước ngoài, tôi rất mong các thành viên BGK công khai bảng chấm điểm của mình cho tác phẩm giải nhất, cũng như các tác phẩm khác…với cộng đồng, ít nhất với những người đã tham gia cuộc thi này.
  Đó là tiếng tăm, là danh dự, uy tín của quý vị, không chỉ bây giờ, mà về cả sau này…
ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN


Nhận xét

Bài đăng phổ biến