Giai thoại PHAN THÚC TRỰC

Giai thoại
PHAN THÚC TRỰC

Phan Thúc Trực (1808 - 1852) còn có tên là Phan Dưỡng Hạo, Phan Sư Mạnh, hiệu là Hành Quí, Cẩm Đình, Dưỡng Hạo Hiên, quê ở làng Vân Tụ, huyện Đông Thành, nay thuộc xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Phan Thúc Trực đọc nhiều sách và làu thông kinh sử, nức tiếng hay chữ, từng thi đậu Đầu xứ (năm 16 tuổi) và nhiều khoa Tú tài, nên được Hội Văn của huyện Đông Thành tôn tặng đôi câu đối:

Nhất cử thành danh thiên hạ hữu
Thập khoa liên trúng thế gian vô
Nghĩa là:
Một lần thi đậu Cử nhân thiên hạ đã có người như vậy
Mười khoa thi đều trúng thế gian chưa từng có ai

Tương truyền, thời ông dạy học ở làng Nguyệt Viên, tổng Từ Minh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Làng này có tục các cô gái vừa kéo vải vừa hát đối đáp với các chàng trai trong đêm. Đôi khi có cả những nhà nho gà cho các bên hát. Một hôm gặp ông đồ xứ Nghệ, các cô bèn ra một vế đối để thử tài:

vế xuất: Gái Nguyệt Viên vừa độ trăng tròn, ai muốn lấy mười lăm quan chẵn
Đây là một vế đối rất hóc hiểm. Nguyệt Viên là tên làng nhưng cũng có nghĩa là trăng tròn, trăng lại tròn vào hôm rằm tức mười lăm.

Ông liền đối: Trai Vân Tụ đông như mây nhóm…
Về đầu đồi rất chỉnh, vì Vân Tụ là quê ông sánh với Nguyệt Viên, và còn có nghĩa là mây nhóm. Nhưng đến vế sau "Ai muốn lấy mười lăm quan chẵn" thì ông bế tắc, đành chữa thẹn: "Mười lăm quan đắt quá, không lấy nữa". Từ ấy, ông tự thấy sở học mình còn kém, nên lại về quê tiếp tục học nữa. Nhờ đó về sau lừng danh Đình nguyên Thám hoa Phan Thúc Trực

Vế ra thoạt đầu thấy có vẻ đơn giản, nhưng khi phân tích rõ mới thấy tính hóc búa tiềm ẩn. Ở chỗ điểm chung của một địa danh, một lứa tuổi và một con số. Mà địa danh thì có là có hoặc không có là thua, con người cũng chỉ có vài lứa tuổi nhất định. Phải đến gần 200 năm sau, có người là Thiền Long Nguyễn Phước Thạnh mới tìm ra đáp án cho vế xuất của các cô gái. Khi đọc đến giai thoại trên, Thiền Long Nguyễn Phước Thạnh rất thích. Dù công việc mùa vụ cực kỳ bận rộn gần giống như đang lo hậu cần cho một trận đánh giặc, nhưng nhân vật này vẫn bị vế ra làm phân tâm. Một vế ra tuyệt hay, trong tình thế đối đáp trực tiếp thì quả thật là khó cho cụ Phan tìm ra vế đối ngay lúc ấy được. Nhưng rồi khi có thời gian gián tiếp hơn, Thiền Long Nguyễn Phước Thạnh đã tìm được đáp án trong lúc chợt nhớ về xã Nhơn Thọ là quê hương của mình.

vế đối: Lão Nhơn Thọ đến tuổi người già, khách được đãi sáu mươi mâm lẻ
Phân tích: theo từ điển Hán Việt Trần Văn Chánh, chữ "thọ" còn có nghĩa là "già, tuổi già". Vậy "Nguyệt Viên" được dịch là "trăng tròn" thì "Nhơn Thọ" cũng được dịch là "người già". Xã Nhơn Thọ thuộc huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Theo wikipedia, "người già" hay người "cao tuổi" hay người "cao niên" là những người từ 60 tuổi trở lên. Do đó 60 tuổi là một con số có tính cột mốc. Nói tới tuổi già là biết tuổi từ 60 trở lên. Trăng ngày 15 cũng tròn, trăng ngày 16 còn tròn hơn. Như vậy, điểm chung về địa danh, lứa tuổi gắn liền con số đã được giải quýêt trong vế đối trên

Nghe tin ông mất, vua Tự Ðức phái Tổng đốc Nghệ An mang phẩm vật tới tang quyến truy điệu với bốn chữ "Học cao hạnh thuần" (nghĩa là "Học vấn đã cao thâm mà đức hạnh lại thuần hậu") và truy phong cho ông hàm Chánh ngũ phẩm. Một vị túc nho ở trong huyện Yên Thành đã khóc ông với một đôi câu đối rất ai oán:
Bảng vàng bia đã ngàn thu, thương tiếc thay, người ấy!
Ðầu bạc răng long trăm nỗi, đau xót lắm, trời ơi"!



Nhận xét

Bài đăng phổ biến