Giai thoại Bà CAO THỊ NGỌC ANH

 Giai thoại
Bà CAO THỊ NGỌC ANH

 Bà Cao Thị Ngọc Anh sinh năm 1877 người làng Thịnh Mỹ phủ Diễn Châu tỉnh Nghệ An, ái nữ của Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục. Bà lấy chồng năm 19 tuổi, chồng là cử nhân Nguyễn Duy Nhiếp, người tỉnh Hà Đông, con Cần chánh Nguyễn Trọng Hiệp, sau làm quan đến chức Án sát. 

  Hai họ Cao, Nguyễn đều là lệnh tộc nức tiếng về văn học và phầm cách. Bà được thân phụ rèn cặp bút nghiên từ tấm bé, lại sẵn có tài ngâm vịnh nên sớm nổi danh trong làng văn tự. 

 Chồng mất sớm, lúc bà mới 26 tuổi, có ba con còn rất nhỏ, bà không tái giá mà ở vậy nuôi con, đem tâm sự gửi vào văn thơ. 

   Nữ sĩ không những giỏi thơ nôm mà còn cả về thơ chữ Hán. Có người đã khen bài "Đào hoa khẩu chiếm" của bà không kém bài "Đề đô thành nam trang" của Thôi Hộ đời Đường.

 Một lần, nhân giở lại tập thơ của chồng, bà cảm tác bài thơ sau:

Vong phu thi thảo

U uất thu tâm khổ bất miên,
Phần hương ngũ dạ độc di biên.
Thi từ vô hạn lăng vân tứ,
Bút thái do lưu hãn mặc duyên.
Nguyệt lãnh ngâm lâu không tịch mịch,
Đăng thuỳ lạp lệ cộng lưu liên.
Nghị hồn hà xứ như tương thức,
Ưng bổ hoa thi "Biệt hận thiên".

 Bà tự dịch ra quốc âm:
Ấm ức lòng thu ngủ chẳng yên,
Đốt lò hương dậy đọc di biên.
Bao nhiêu lời hẹn tuôn mây gió,
Để chút duyên thừa dấu bút nghiên!
Trăng dọi lầu ngâm thêm lặng lẽ,
Đèn chong lệ sáp nhỏ liên miên.
Hồn thiêng đâu đó như cùng biết,
Thêm mấy vần thơ "Biệt hận thiên!"

 Bà goá chồng trong cảnh nửa chừng xuân, tài sắc vẹn toàn, nên nhiều nhà thơ trong giới quan trường không khỏi có ý lân la, thường dùng văn thơ buông lời trêu cợt. Bà tuyệt nhiên không trả lời ai cả. 

 Một hôm, nhân nhà có giỗ, bà cho mời tất cả các vị ấy đến uống rượu. Sau đó bà mời lên cầu Hàm Rồng ngắm cảnh. 

 Đến nơi, bà nói:
- Đứng trước danh sơn thắng cảnh này, dám xin các vị thi nhân mỗi vị cho một bài làm kỷ niệm.
 Một ông đáp:
- Xin vâng, chúng tôi đâu dám chối từ, vậy xin bà cho bài xướng trước, chúng tôi mỗi người sẽ  hoạ lại sau. 

 Bà đọc rằng:

Hàm Rồng nô nức tiếng đồn om,
Rải rác nhà tranh ở mấy chòm.
Hỏi đá chờ ai ngồi nhấp nhổm,
Thương cầu vì nước đứng lom khom.
Sóng như chào khách chờn vờn nhảy,
Nguyệt cũng yêu ta lấp ló dòm.
Cửa động rêu phong mờ nét chữ,
Ai người mến cảnh chút trông nom.

  Ý tứ bài thơ rất tế nhị. Câu "Hỏi đá chờ ai ngồi nhấp nhổm" và "Sóng như chào khách chờn vờn nhảy" có ý trỏ vào các vị  thường gửi thơ văn đến trêu ghẹo bà. Câu "Thương cầu vì nước đứng lom khom" và "Cửa động rêu phong mờ nét chữ", bảy tỏ tâm sự mình, cảm thương số phận và quyết giữ tấm lòng thờ chồng. 

 Nhất là cái vần "om" lắc léo, thật khó tìm ra câu, chữ thích hợp. 

 Các vị thi bá tần ngần nghĩ không ra vần để hoạ lại, và cũng không dám trêu ghẹo trước thái độ đoan trang ấy, nên đứng chơi một lúc rồi xin lỗi chủ nhân, lẻ tẻ kéo nhau về. Từ đó không ai dám múa bút trêu bà nữa.




Nhận xét

Bài đăng phổ biến