NHÀ THƠ

NHÀ THƠ

Bài này viết về nhà thơ. Những nhà thơ thật sự chân chính đừng nên nổi nóng khi đọc bài này. Còn ai cho rằng bài này nó “chửi” mình thì hãy tự nhủ: chắc nó trừ mình ra!

Trong các sự vụ văn nghệ những ngày gần đây, sự vụ Nhã Thuyên với tôi chỉ như một đêm ầm ĩ của đám ưng khuyển hò hét đòi bỏ rọ trôi sông một cô gái chửa hoang mà dư âm của nó rồi sẽ qua nhanh. Chính trị nào sinh ra văn hóa ấy chứ không có “phi chính trị” hay “phi văn hóa” nào cả. Có độc đoán chuyên quyền thì mới sợ giải trung tâm. Có duy tâm cuồng tín đến đua nhau buôn thần bán thánh thì mới sợ giải thiêng. Phải nói rằng, sự sợ hãi cùng cực của một nhóm lợi ích đã tự lột bỏ công khai chiếc mặt nạ của mọi sự nhân danh: duy vật, dân chủ…

Tôi, kẻ đang tự nguyện đứng trong hàng ngũ những người bảo vệ chủ nghĩa Marx, bảo vệ chế độ cộng sản mà cảm thấy xấu hổ lây. Lenin nói: Dốt cộng nhiệt tình bằng phá hoại. Mà sự nhiệt tình ấy lại là sự háo danh đến trơ trẽn. Lenin chỉ rõ, đó là một trong những thói kiêu ngạo cộng sản! Sự bảo vệ chế độ bằng phương pháp ấy khác nào tự phá hủy!

Suy cho cùng, các giá trị đang bị bóp méo đến cùng cực, mặc dù Đảng và Nhà nước đang tìm mọi cách chỉnh đốn, cắt gọt cho vừa với khung khổ lí tưởng để bảo vệ lí tưởng.

Không thể không ghi nhận nỗ lực ấy của Đảng và Nhà nước, nhưng sự chỉnh đốn theo cách đẽo gọt, vo tròn như thời gian qua chỉ mang lại kết quả là gia tăng chiếc vỏ bọc cho những kẻ nhân danh mọi thứ giá trị để lừa bịp.

Không phải ngẫu nhiên mà chưa bao giờ như bây giờ, nhà thơ mọc lên như nấm. Hội Nhà văn trung ương có ngàn hội viên, trong đó có 2/3 là nhà thơ, trừ số ít nhà thơ có hạng, còn lại là loại nhà thơ làm thơ như xổ lãi, mỗi năm cho ra đời cả trăm tập thơ tốn tiền tỉ của dân để… tự sướng. Chưa tính hàng triệu nhà thơ ở các Hội tỉnh lẻ, không phấn đấu vào được Hội trung ương thì vào cái Câu lạc bộ Sáng tác nghệ thuật gì đó cũng được gọi là “trung ương” để có thể tự bỏ tiền ra in thơ, dù là thơ… đạo của tiền nhân!!!

Người ta đang phê phán và đòi bắt cái gã Chủ tịch Câu lạc bộ phi Nhà nước để kinh doanh thơ kia, nhưng theo tôi thì nên khuyến khích, và có lẽ đến lúc dùng nó thay cho cái Hội của ông Hữu Thỉnh được rồi. Lí do đơn giản. Thứ nhất, trong thời buổi kinh tế thị trường, có cầu thì có cung, người ta không thể lập danh bằng con đường nào khác thì cách dễ nhất là lập danh bằng con đường thơ, sao lại không cho phép cái gã Đăng Hạ, Chủ tịch Câu lạc bộ kia kinh doanh thơ? Với tư cách là nhà kinh doanh, ít nhất, anh ta khá nhạy ở chỗ nắm được tâm lý háo danh của một đám đông để làm giàu, đâu phải không chính đáng? Thứ hai, cái Câu lạc bộ này hoàn toàn tự thu tự chi, tự nuôi, tự vỗ béo, lời ăn lỗ chịu chứ có lấy của dân xu nào đâu. Nó chẳng hơn các Hội ăn bám – kí sinh khác ư?

Còn nếu không cho điều nói trên là có lí thì dẹp ngay cái trò thơ phú vớ vẩn trong lúc Nhà nước và Nhân dân có bao nhiêu việc cấp bách phải làm. Tôi không như GS Trần Đình Sử phải dùng nhã ngữ cho cái nghề của một hạng người, xin lỗi các nhà thơ chân chính, rất bẻm mép này đâu. Chẳng sang trọng, cũng chẳng cao quý chỗ nào. Tôi vẫn dạy cho sinh viên, rằng, đó là một “nghề” rất hèn. Không phải ngẫu nhiên mà các pho tượng điêu khắc cho nhà thơ đều mang dáng bó gối khom lưng. Chính đại thi hào Nguyễn Du nói chứ không phải ai khác, họ tồn tại chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh”. Tự nhận là tên hề của thời cuộc, bất lực chỉ biết làm thơ để mua vui, Nguyễn Du vì thế trở thành vĩ đại, khác với bọn làm thơ bây giờ, làm được vài ba bài vần vè, mặt mày vênh vang như vừa được cấp sổ đỏ là “nhà thơ”, ai phê cho một câu thì nhảy dựng lên rủa sả như kẻ chợ.

Nhà thơ lớn thường biết khiêm nhường, đúng ra họ tự biết mình là ai, dù là hèn nhưng nhân cách không mạt. Chỉ có kẻ thật hèn mạt do tự kỉ ám thị thì mới xưng xưng tự khen mình cao quý, sang trọng, hay tài giỏi. Nếu không chịu hèn mạt thì cứ thử một lần xem. Đang thanh bình thì đòi ăn trên ngồi trốc, có giặc đến thì cả bọn chạy mất dép, mặc dù suốt ngày leo lẻo cái mồm yêu nước, thương dân!?
Không phải ngẫu nhiên mà từ thời cổ đại, Solon đã gọi nhà thơ là người hay bịa chuyện, Plato đòi đuổi cổ nhà thơ ra khỏi vương quốc cộng hòa lí tưởng vì tội dối trá, xuyên tạc sự thật, còn S.Freud gọi họ thuộc con bệnh hoang tưởng, tâm thần phân liệt…

Và chính một trong những ông tổ của chủ nghĩa Marx là F.Engels trong Nguồn gốc của gia đình… gọi Anh hùng ca thời cổ đại chỉ là loại thơ đàng điếm của bọn đàn ông thời kì phụ quyền, chúng tự xưng anh hùng và viết lời tụng ca về những cuộc chiến tranh cướp bóc phụ nữ, nô lệ và tài sản, mà bản chất chẳng khác gì “sự hợp pháp hóa mại dâm và ăn cướp một cách thô bỉ”!

Nhà thơ rồi kéo theo nhà phê bình thơ ngày nay càng gia tăng cái chất đàng điếm. Thời buổi này ra đường gặp kẻ nào vênh vênh váo váo (để che đậy tư cách khom lưng) thì kẻ đó đúng là nhà thơ. Ton hót, nịnh nọt, chỉ điểm, kiêu ngạo, háo danh, rồi in thơ, in sách để thủ dâm trên mồ hôi nước mắt của dân, dùng uyển ngữ (chữ dùng của Văn Chinh) làm bùa phép sáng tạo để tiến thân và củng cố quyền lực. Họ có thứ ngôn từ ngợi ca nịnh nọt bề trên rất khéo, mà a dua, la hét, chửi bới những ai chê trách mình cũng giỏi.

Tóm lại, văn hóa xuống cấp chính là vũng lầy cho loại nhà thơ đàng điếm sinh sôi. Nhà thơ (và loại nhà phê bình ăn theo nó) thành loại “nhà” không chỉ không cần sổ đỏ mà còn không cần ống nhổ và công trình vệ sinh.


CHU MỘNG LONG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến