PHÓ CHỦ TỊCH XÃ ĐÃ SAI THẾ NÀO KHI BÚT PHÊ “XẤU” VÀO SƠ YẾU LÝ LỊCH CỦA DÂN?
PHÓ CHỦ TỊCH XÃ ĐÃ SAI THẾ NÀO
KHI BÚT PHÊ “XẤU” VÀO SƠ YẾU LÝ LỊCH CỦA DÂN?
Sự việc Phó chủ tịch xã An Bình,
huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương bút phê dòng chữ “Bản thân và gia đình chưa chấp
hành và thực hiện tốt quy định của địa phương” vào sơ yếu lý lịch của chị Nguyễn
Thị Q. đã khiến mạng xã hội xôn xao thời gian gần đây.
Trên trang Facebook cá nhân, anh
Nguyễn Danh Cường – anh trai chị Q. lý giải rõ hơn sự việc: "Tôi xin hỏi mọi
người, do đợt này xã làm đường nhưng mức đóng quá cao nên bố mẹ tôi không đủ khả
năng để đóng tiền. Nay em tôi học xong đại học muốn đi xin việc làm, nhưng xuống
xã làm hồ sơ thì các chú ở dưới xã ghi như thế này đã đúng chưa”.
Dư luận cho rằng cán bộ xã bút
phê vào sơ yếu lý lịch của người dân như vậy là trái quy định, gây ảnh hưởng lớn
tới quyền cá nhân của công dân và thêm khó khăn trong quá trình xin việc.
Trao đổi với phóng viên báo điện
tử Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, hiện
nay hầu như không có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về sơ yếu
lý lịch và thủ tục xác nhận sơ yếu lý lịch. Tuy vậy, trong thực tế sơ yếu lý lịch
vẫn được sử dụng rất phổ biến và việc xác nhận sơ yếu lý lịch đã trở thành một
thủ tục hành chính tồn tại trong một thời gian dài.
Luật sư Vũ nói tiếp, do không có
quy định cụ thể, việc xác nhận sơ yếu lý lịch trong thực tế cũng rất khác nhau ở
từng địa phương. Có nơi xác nhận toàn bộ nội dung sơ yếu lý lịch, có nơi chỉ
xác nhận nơi cư trú, có nơi chỉ chứng thực chữ ký; có nơi UBND xã trực tiếp xác
nhận, có nơi phải xác nhận trước một bước ở ấp/khu phố rồi sau đó UBND xã xác
nhận lại thông tin của người xác nhận tại ấp/khu phố...
Theo luật sư này, về mặt nội
dung, UBND cấp xã không thể xác nhận đầy đủ nội dung của bản sơ yếu lý lịch mà
chỉ có thể xác nhận những nội dung thuộc sự quản lý, thuộc thẩm quyền của UBND
cấp xã như những thông tin về hộ tịch, cư trú. Do đó, UBND cấp xã xác nhận những
nội dung trong sơ yếu lý lịch nhưng không thuộc phạm vi quản lý, không thuộc thẩm
quyền của UBND cấp xã là không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với quy định của
pháp luật.
Ông Vũ cho biết, theo Công văn số
1520/HTQTCT-CT ngày 20.3.2014 của Cục Hộ tịch – Quốc tịch – Chứng thực (Bộ Tư
pháp), đối với việc xác nhận sơ yếu lý lịch thì chỉ thực hiện chứng thực chữ ký
của người khai sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung
đã khai trong sơ yếu lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của
UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin
tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội
dung sơ yếu lý lịch là đúng.
Công văn này cũng nêu rõ: “Một số
UBND cấp xã đã xác nhận vào sơ yếu lý lịch của công dân với nội dung “không chấp
hành pháp luật, chủ trương của Nhà nước” do những hộ gia đình này không nộp đầy
đủ các khoản thu của địa phương. Nội dung xác nhận này đã làm ảnh hưởng đến quyền,
lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất lợi cho công dân khi sử dụng sơ yếu lý lịch”,
“đề nghị UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ
trương, chính sách của nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân”.
Do đó, việc UBND xã An Bình, huyện
Nam Sách, tỉnh Hải Dương bút phê vào sơ yếu lý lịch của công dân với nội
dung “bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa
phương” mà không thực hiện chứng thực chữ ký là sai quy định.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn
Ngoãn, Trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương cho biết đã
yêu cầu phòng Tư pháp huyện Nam Sách báo cáo sự việc. Vị này cho rằng việc Phó
chủ tịch xã phụ trách mảng tư pháp bút phê vào lý lịch của người dân như vậy là
sai so với các quy định hiện hành, cụ thể là vi phạm quy định tại Nghị định số
23/2015 của Chính phủ và Công văn số 1520/2014 của Cục Hộ tịch – Quốc tịch – Chứng
thực (Bộ Tư pháp).
Vị này cho biết cán bộ của Sở sẽ
trực tiếp xuống địa phương kiểm tra sự việc này.
Hoài Phong
Nhận xét
Đăng nhận xét