“NGƯỜI THÂN” VÀ CHUYỆN “KHÔNG NÓI, KHÔNG BIẾT, KHÔNG CÓ”

“NGƯỜI THÂN” VÀ CHUYỆN
“KHÔNG NÓI, KHÔNG BIẾT,  KHÔNG CÓ”

"Chồng mình là con người ta/ Em chồng thì rõ chẳng bà con chi" - sáng nay một nữ nhà thơ - nhà báo đã lý giải thú vị như vậy về mối quan hệ này.

Con đường nhanh nhất để trở thành "người thân"

Tôi không dám khẳng định mối quan hệ chị dâu – em chồng ấy được gọi là gì, vì tôi không biết khi đề cập đến từ "người thân", họ nói đến người thân trong đời thường, hay trong quy định của pháp luật.

Tôi chỉ biết rằng nếu trong đời thường, em chồng và chị dâu mà còn chưa được gọi người thân, thì đời sống tình cảm của chúng ta nhạt nhẽo và đáng buồn như lời Bài không tên số 4 của Vũ Thành An: "Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa?".

Phải khẳng định rằng: Việc một người này có người thân làm việc ở cơ quan nào đó, không phải là cái lỗi của người kia. Nếu cả hai đàng hoàng thì họ còn mang lại tiếng tốt cho nhau. Nhưng nếu cơ quan chức năng chứng minh được có yếu tố bất thường, thì cụm từ "người thân" sẽ mang một ý nghĩa khác hẳn.

Ở Việt Nam, "người thân" trong cuộc sống có nghĩa rất rộng. Tại "thang bảng xếp hạng" hay được các vị lãnh đạo cảnh báo là: "Tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ, trí tuệ", thì "tiền tệ, quan hệ, đồ đệ"… đều là con đường nhanh nhất tiến đến vị thế "người thân" (rất tiếc, không phải là trí tuệ).

Tâm lý sính "người thân" lên cao đến nỗi mà chỉ cần ai đó trưng ra một tấm ảnh với ông nọ bà kia, một bức thư tay của chị K, chị H, hoặc xuất hiện cùng anh Z, anh Y trong một bữa nhậu, là có thể mang "thẻ bài cậy thế" đó đi tính chuyện làm bậy.
Theo quy định, Thủ trưởng với kế toán trưởng không được có quan hệ gia đình, nhưng trong nhiều công ty đục khoét, hai người này còn thân nhau hơn anh em ruột. Rất nhiều "sợi dây máu mủ quyền, tiền" được xác lập như thế giữa những người xa lạ.


Số phận những người "không biết" trên con tàu đắm

Cựu diễn viên điện ảnh Quỳnh Tứ đã khóc nức nở trong phiên xét xử cùng Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn. Nước mắt không có lời nhưng còn hơn ngàn vạn điều cay đắng. Sau làn nước mắt là khung hình phạt tù chung thân.

Cô cựu diễn viên đã từng đóng vai nhà báo tử tế trong phim "cảnh sát hình sự", rất nhiều lần lặp lại với quan tòa cụm từ "không biết" mình ký cái gì, đưa phong bì bao nhiêu cho Sơn, dù toàn tiền tỉ.

Thế nhưng, cô không thể nói rằng mình không biết vì sao mình lại được cất nhắc lên ghế chủ tịch một công ty con, dù chuyên môn của cô chỉ là đánh đàn tranh và diễn xuất.

Những người nghèo, biết rất rõ hôm nay đi chợ họ chỉ được tiêu mấy chục ngàn, ngày mai đóng học cho con mấy trăm ngàn, ngày kia, nếu phải đi bệnh viện thì cũng chỉ có thể tiêu số tiền bằng giá trị một đàn lợn, đàn gà mà họ có.


Một lái xe trong vụ này, ông Trần Văn Bình, cũng khăng khăng nói "không biết mình làm TGĐ", chỉ đến khi bị bắt mới ngã ngửa. Trước đó, có lẽ ông bị mộng du khi đã ký nhoay nhoáy khoản tiền đến 250 tỉ đồng.

Nguyễn Xuân Sơn rất muốn hội đồng xét xử và công luận biết rằng khoản tiền hàng trăm tỉ đối ngoại mà ông ta chi, không chỉ có ông ta được hưởng (hy vọng tình tiết giảm nhẹ).

Nhưng khi yêu cầu kể tên những vị đã thụ hưởng, thì ông Sơn xin tòa: Không thể tiết lộ danh tính họ.

Tất nhiên, ông Sơn cũng hiểu rằng, kể cả ai đó có nhận phong bao của ông, thì họ cũng sẽ điềm nhiên nói không, không và không.

Ai có thể quay lại được bằng chứng khoảnh khắc ngắn ngủi đưa chiếc phong bì?, chưa kể phần lớn nó được "bỏ quên" trong túi hoa quả, khi khách ra về rồi chủ mới cất đi. "Khẩu thiệt vô bằng".

Cùng chung thuyền khi phè phỡn, nhưng mỗi người trong số họ sẽ giằng giật nhau chiếc xuồng cứu sinh lúc tàu đắm. Khi mái tóc đã bạc gần hết chỉ sau ít ngày lao lí, chắc Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh đã thấu hiểu hai từ "người thân" hơn ai hết.

Ở quận Tây Hồ, Hà Nội vừa xảy ra một vụ việc hi hữu. Để trục lợi về thừa kế tài sản, có người đã "khai tử" bố mẹ chồng mình dù hai cụ vẫn còn sống khỏe. Công chứng viên, do không kiểm tra kỹ lưỡng chứng cứ, đã mắc lỡm.

Ngay cả bố mẹ chồng còn bị con dâu "khai tử" thì những người dân xa lạ đâu có là gì khi VN Pharma nhìn thấy những món lợi kếch xù?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải tiến hành thanh tra việc cấp phép của Bộ Y tế với công ty VN Pharma một cách rất nghiêm túc.
Hy vọng động thái quyết liệt, kịp thời này của Chính phủ sẽ làm sáng tỏ "con đường thần tốc bất thường" của cty trục lợi một cách tàn nhẫn sức khỏe của nhân dân; làm sáng tỏ hàm ý cụm từ "người thân, không nói, không biết" khiến dư luận đang nổi sóng.

BÙI NGỌC HẢI
[Nhà báo]








Nhận xét

Bài đăng phổ biến