49. TRẦN CẬN NAM

49.
TRẦN CẬN NAM 
Anh hùng mạt lộ

Trần Vĩnh Hoa là một nhân vật lịch sử, từng có đóng góp quan trọng trong quá trình lịch sử thu hồi và xây dựng Đài Loan, được coi như một vị anh hùng trong lịch sử Trung Quốc. Nhân vật lừng danh Trần Cận Nam trong Lộc đỉnh ký, tuy nói là hóa danh của Trần Vinh Hoa trên giang hồ, song hình tượng và phần lớn câu chuyện đều là hư cấu của tác giả. Có thể nói nhân vật này là một anh hùng mạt lộ điển hình -cá nhân Trần Cận Nam thành anh hùng mạt lộ, cũng là người anh hùng võ hiệp cuối cùng của ngòi bút Kim Dung.

Kết cục câu chuyện cuộc đời Trần Cận Nam được coi là tấm bia, cột mốc cuối cùng trong lịch sử tiểu thuyết võ hiệp và văn hóa võ hiệp. Nhưng trên tấm bia ấy viết gì đây, thật là một câu hỏi khó. Nói về võ công và nhân phẩm, Trần Cận Nam đương nhiên đủ tiêu chuẩn là một anh hùng hiệp nghĩa, hơn nữa, còn là một bậc đại hiệp vì nước vì dân như Quách Tĩnh. Thế nhưng nhìn từ đầu chí cuối thấy bề ngoài có vẻ oanh liệt lắm, thực ra chỉ là một cuộc đời hết sức tầm thường, cuối cùng còn chết một cách oan uổng, khiến người ta không khỏi lấy làm khó hiểu.

I

Thiên địa hội coi trời là cha, đất là mẹ, coi thiên hạ là nhiệm vụ của mình. Với tư cách Tổng đà chủ của Thiên địa hội, Trần Cận Nam phải là một tấm gương tốt về mặt đó. Nhiều người cũng mong Trần Cận Nam có thể trở thành một nhân vật anh hùng, đại diện cho nguyện vọng của người Hán trong thiên hạ, cho trào lưu lịch sử. Nhưng chúng ta thấy Trần Cận Nam làm sao có thể vượt ra khỏi sự trói buộc của hiện thực và giới hạn lịch sử? Trước hết, mục tiêu căn bản của Trần Cận Nam và Thiên địa hội là phản Thanh phục Minh (chống nhà Thanh, khôi phục nhà Minh), bản thân cái đó đã là một hạn chế của lịch sử. Đứng trên lập trường dân tộc Hán, cái tình cảm trừ bỏ dị tộc, phục hồi giang sơn của người Hán ấy đương nhiên có thể thông cảm; nhưng từ tầm cao lịch sử chính trị mà xét, cuộc phản Thanh phục Minh rốt cuộc có thể đem lại điều gì tốt đẹp cho người Hán trong thiên hạ hay không, thì còn là một nghi vấn lớn. Trong cùng một thể chế chuyên chế vương quyền, hoàng đế Khang Hy so với bất cứ vị hoàng đế họ Chu nào của nhà Minh cũng đều sáng suốt hơn, quốc gia của thời Khang Hy so với bất cứ thời nào triều Minh cũng đều cường thịnh hơn. Trần Cận Nam và Thiên địa hội nếu không quên tội ác đẫm máu "mười ngày Dương Châu và "tam đồ Gia Định" sau khi người Thanh tiến vào nội địa, thì cái nhân chính trong việc phục hồi lý tưởng người Hán đương nhiên có thể chấp nhận.

Nhưng mục đích chống Thanh lại chỉ là để phục hồi sự “chính thống" của triều Minh, thì rõ ràng là không cao cả, là hạn chế của lịch sử. Hơn nữa, vấn đề còn ở chỗ dù là phản Thanh phục Minh, song họ muốn phục hồi "chính thống Long Võ”, hay là "chính thống Vĩnh Lịch" của triều Minh, Đường vương hay Quế vương, Chu tam thái tử hay Chu ngũ thái tử, còn là cả một vấn đề. Thiên địa hội muốn phản Thanh phục Minh, tập đoàn Mộc vương phủ ở Vân Nam cũng muốn phản Thanh phục Minh; lập trường phản Thanh cố nhiên giống nhau, nhưng mục tiêu phục Minh thì khác nhau. Cụ thể là Thiên địa hội muốn ủng hộ Chu tam thái tử, còn Mộc vương phủ thì muốn ủng hộ Chu ngũ thái tử. Trần Cận Nam tuy cố tìm cách tránh sự phân tranh giữa đồng đạo, nhưng lập trường chính trị của Trần không rõ ràng :"Trời không có hai vầng dương, dân không thể có hai chúa. Chu tam thái tử đang Ở Đài Loan. Đài Loan có mấy chục vạn quân dân, Thiên địa hội có mấy chục vạn huynh đệ, đã ủng hộ Chu tam thái tử từ sớm".(Xem Lộc đỉnh ký).

Xem ra, về vấn đề này, Trần Cận Nam rõ ràng còn không bằng Lý Tây Hoa là kẻ ít tuổi hơn nhiều: "Sau này con cháu họ Chu có bao nhiêu công lao, hiện giờ chẳng ai biết cả", "Việc dựng vị vua mới, là chuyện sau khi đánh đuổi Thát tử, chúng ta lo rằng đánh Thát tử chẳng xong, còn chuyện dựng ai làm vua mới thì tốt, cuối cùng sẽ tìm được thôi". (Xem Lộc đỉnh ký ). Đối với Trần Cận Nam, quan hệ lợi hại thật sự không chỉ là ủng hộ Đường vương hay Quế vương, mà quan trọng hơn còn là hai thế lực xung đột nhau trong "á triều đình" Bình quận vương phủ họ Trịnh ở Đài Loan, xung quanh hai đứa cháu gọi anh hùng Trịnh Thành Công là ông, tức Trịnh Khắc Tạng và Trịnh Khắc Sảng. Trần Cận Nam ủng hộ huynh trưởng Trịnh Khắc Tạng là con của thứ mẫu, trong khi Phùng Tích Phạm thì ủng hộ Trịnh Khắc Sảng.

Hai phái không ngừng minh tranh ám đấu với nhau, cơ hồ không đội trời chung. Tình hình thực tế hóa ra Trần Vĩnh Hoa là nhạc phụ của Trịnh Khắc Tạng, còn Phùng Tích Phạm là nhạc phụ của Trịnh Khắc Sảng; bố vợ ủng hộ con rể tranh giành quyền lợi, lý do rất giản đơn, khỏi cần nhiều lời. Thú vị là ở chỗ, về sự thực hệ trọng ấy, tác giả miêu tả rất sơ sài, chỉ chú trọng tả Trịnh Khắc Tạng thành một vị lãnh đạo vừa tài giỏi vừa rộng lượng, chỉ vì Tạng không phải là con bà vợ cả sinh ra, mà là kết quả Trịnh Kính tư thông với chị vú em, cho nên luôn bị Đổng thị phu nhân Trịnh Thành Công và bọn Phùng Tích Phạm căm ghét. Đối với Đổng thị lão phu nhân và bọn Phùng Tích Phạm thì đứa cháu thứ hai Trịnh Khắc Sảng bất tài vô đức, nhưng là đích tôn, nên quan trọng hơn thằng anh cùng cha khác mẹ của nó vạn lần. Thế là xung quanh hai anh em họ Trịnh hình thành hai trận doanh rất rõ ràng.

Lối miêu tả khen chê rõ ràng của tác giả đối với hai anh em họ Trịnh, tuy khó tránh bên trọng bên khinh, nhưng cũng phù hợp qui tắc thông thường của tiểu thuyết truyền kỳ. Ý đồ của tác giả là không để hình tượng anh hùng Trần Cận Nam bị ảnh hưởng bởi lập trường tư tình cá nhân, mà cố tả Trần Cận Nam thành một người nhất mực chí công vô tư, song rốt cuộc cũng không thể thay đổi bi kịch của người anh hùng chống chọi với sóng dữ. Cục diện lịch sử nói trên quả thật Trần Cận Nam không thể thay đổi nổi. Trần Cận Nam tài giỏi mấy cũng không thể thay đổi cái tính xấu tư tâm tự lập, thiếu đoàn kết của dân tộc Hán.

II

Làm Tổng đà chủ của Thiên địa hội, một vị anhhùng được thiên hạ kính ngưỡng. Trần Cận Nam tuy trước sau tận tâm kiệt lực, nhưng cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì . Sở dĩ như vậy, ngoài nguyên nhân hạn chế của lịch sử và hiện thực bên ngoài, hiển nhiên còn do nguyên nhân tính cách bên trong của Trần Cận Nam. Trong bộ tiểu thuyết, phục Hán hay phục Minh, ủng hộ Đường vương hay Quế vương, ủng hộ con cả hay con thứ, bề ngoài là phạm vi chính trị, thực chất là sự tranh giành quyền lực. Ngoài ra, nội bộ Thiên địa hội, cụ thể là trong Thanh Mộc đường của Thiên địa hội, cũng có sự tranh chấp quyền lực cho ai làm hương chủ.

Nếu bảo Trần Cận Nam không làm chủ được những việc ở bên ngoài Thiên địa hội, thì về lý mà nói, Trần Cận Nam phải có quyền tuyệt đối về chuyện tranh chức hương chủ trong nội bộ Thiên địa hội. Vậy mà chẳng hiểu vì bận bịu, hay vì căn bản không tìm ra biện pháp thích hợp, vấn đề trên cứ bỏ ngỏ không quyết, để Thanh Mộc đường chia năm xẻ bảy, chút nữa thì đánh nhau to. Phải đến khi Vi Tiểu Bảo xuất hiện, Trần Cận Nạm cuối cùng mới nghĩ ra được một biện pháp hết sức bất ngờ với mọi người, tức là căn cứ lời thề của huynh đệ Thanh Mộc đường, ai giết được Ngao Bái báo thù cho hương chủ tiền nhiệm, người ấy sẽ lên làm tân hương chủ Thanh Mộc đường, Trần Cận Nam nhận Vi Tiểu Bảo làm đệ tử, sau đó đưa Vi Tiểu Bảo gia nhập hội, rồi cho hắn làm hương chủ Thanh Mộc đường.

Việc này xem ra rất sáng suốt, là một mũi tên nhắm hai đích, vừa hồi ứng lời thề của mọi người, vừa chấm dứt sự giành giật trong nội bộ; nhưng ai có chút đầu óc cũng đều nghi ngờ: để một gã thiếu niên như Vi Tiểu Bảo làm hương chủ thì thật là loạn. Thứ nhất, chẳng ai biết lai lịch thật sự của Vi Tiểu Bảo, cũng chưa có điều tra thử thách gì đối với gã, đã cho giúp vào hội, như thế là vi phạm nguyên tắc tổ chức của Thiên địa hội. Thứ hai, Vi Tiểu Bảo hiển nhiên là một kẻ mồm mép giảo hoạt, võ công thấp kém, tư cách xấu xa, làm sao có thể bảo đảm gã sẽ giữ bí mật cho Thiên địa hội? Thứ ba, giả dụ Vi Tiểu Bảo có lý lịch trong sạch và tư cách chưa đến nỗi quá tệ, nhưng một gã thiếu niên mười ba, mười bơn tuổi như thế làm sao đảm đương nổi trọng nhiệm hương chủ kia chứ?

Về chuyện đó, Trần Cận Nam hầu như không cần suy nghĩ, tựa hồ tin vào "mệnh trời", cậu bé ấy đã giết Ngao Báo tức là trời sai xuống làm hương chủ. Nếu ai hỏi Trần Cận Nam dựa vào đâu mà tín nhiệm Vi Tiểu Bảo, hẳn Trần Cận Nam cứng lưỡi. Bấy giờ Trần Cận Nam từng nói với Vi Tiểu Bảo: "Nhận ngươi làm đệ tử, chỉ e sẽ là sai lầm lớn nhất của đời ta. Nhưng lấy đại sự thiên hạ làm trọng, cũng đành mạo hiểm một chuyến". Việc mạo hiểm thì đã rõ, riêng việc "lấy đại sự thiên hạ làm trọng" thì độc giả nghĩ nát óc cũng chẳng hiểu thế nào.

Trần Cận Nam nhận Vi Tiểu Bảo làm đệ tử, rồi cho gã làm hương chủ, một là vị anh hùng giết Ngao Bái nay thành đệ tử của Trần Cận Nam, hai là cho đệ tử của mình làm hương chủ, thử hỏi mọi người trong Thiên địa hội ai dám không nể mặt Trần Cận Nam? Điều lý thú là cái chiêu tưởng chừng ngớ ngẩn này của Trần Cận Nam lại hóa hay. Vi Tiểu Bảo khôngchỉ làm tốt vai trò hương chủ, lập nhiều công trạng, mà luận về bất cứ ý nghĩa nào, thì thành tựu của đồ đệ Vi Tiểu Bảo cũng khiến cho sư phụ của gã thua xa gã. Điều đó không hề chứng tỏ sự sáng suốt của Trần Cận Nam đã đành, lại còn là một thứ châm biếm đối với Trần Cận Nam.

Bởi tuy nói Vi Tiểu Bảo là đệ tử của Trần Cận Nam, nhưng chỉ là hữu danh vô thực, không hề học bất cứ công phu gì của sư phụ, hơn nữa, phương pháp đi tới thành công của Vi Tiểu Bảo đều không phải học của sư phụ, mà toàn là cách sư phụ hoặc không biết, hoặc căm ghét, hoặc phản đối. Tuy tôi không nỡ nói thế này, nhưng Trần Cận Nam cả đời không làm nên trò gì, rõ ràng có liên quan mật thiết với tư chất tầm thường bất tài của y. Y tuy võ công cao cường, uy vọng lớn, song trước sau chẳng thấy y có bất cứ biểu hiện gì của tài lãnh đạo và trí tuệ chính trị tương xứng với địa vị của y. Nói phản Thanh phục Minh, nhưng một là không cương lĩnh, hai là không hành động.

Nói đánh đổ Ngô Tam Quế, nhưng một là không có kế hoạch, hai là không hành động. Ví dụ rõ nhất là khi đứa con ngớ ngẩn của vợ chồng Qui Tân Thụ nghe lời xúi của Ngô Tam Quế, giết chết hương chủ Hồng kỳ của Thiên địa hội là Ngô Lục Ký, mà Tổng đà chủ Trần Cận Nam vẫn hoàn toàn không biết cách đối phó. Rồi cả nhà họ Qui định vào hoàng cung giết Khang Hy, Vi Tiểu Bảo tìm mọi cách ngăn cản, đôi bên tranh chấp không xong, Trần Cận Nam cũng chẳng có định kiến. Sau Vi Tiểu Bảo nghĩ ra cách hoang đường là gieo con xúc xác để quyết định, Trần Cận Nam lại cho rằng cách làm vớ vẩn đó “rất có lý", còn nói: "Việc này hết sức trọng đại, rốt cuộc đại nghiệp quang phục của chúng ta là phúc hay họa, thật là khó đoán. Cổ nhân dùng bói toán để quyết định, chúng ta gieo xúc xắc cũng là cách hay. Mọi người đừng tranh chấp nữa, hãy theo ý trời mà hành sự". (Xem Lộc đỉnh ký). Càng tức cười hơn, trong lúc gieo xúc xắc, Vi Tiểu Bảo phát hiện Qui Tân Thụ dùng miệng thổi con xúc xắc thì vị tổng đà chủ Thiên địa hội uy danh lừng lẫy lại làm ngơ, coi như không thấy.

III

Trần Cận Nam cuối cùng chết bởi tay vị thiếu chủ Trịnh Khắc Sảng của y, là một đoạn đặc sắc trong bộ tiểu thuyết. Giả sử chúng ta không biết hoặc giả vờ không biết, Trần Vĩnh Hoa là nhạc phụ của Trịnh Khắc Tạng, anh trai và kẻ thù chính trị của Trịnh Khắc Sảng, thì ngòi bút miêu tả càng đặc sắc hơn. Cái vị anh hùng quá nửa đời phấn đấu cho đại nghiệp phản Thanh phục Minh này cuối cùng lại chết hoàn toàn không phải trên trận tuyến phản Thanh phục Minh, mà ngay trong cuộc tranh chấp nội bộ tập đoàn của mình, một cái chết vô giá trị. Bất cứ xem xét từ phương diện nào, một kết cục như vậy cũng đều hết sức bất ngờ.

Tôi nói đoạn miêu tả đó đặc sắc, bởi vì tác giả biểu thị một bí mật giữ kín từ trước tới giờ của Vi Tiểu Bảo: "Hắn vốn không hề có cha, trong đáy lòng hắn vốn coi sư phụ như cha mình để bù vào chỗ trống kia, có điều là tự hắn không biết mà thôi; bây giờ sư phụ chết đi, nỗi đau đớn trong lòng trào ra như nước vỡ đê khó bề kìm nén; thì ra hắn vốn là một đứa trẻ đi hoang, không có cha". (Xem Lộc đỉnh ký). Đọc đến dòng chữ bộc lộ bí mật lòng dạ con người, tôi rưng rưng nước mắt. Tôi nói đoạn miêu tả đó đặc sắc, còn có một nguyên nhân quan trọng hơn, là kết cục bi thương của cuộc đời Trần Cận Nam có một sức lay động đạo đức mạnh mẽ.

Về một ý nghĩa nhất định mà nói, Trần Cận Nam tuy sinh tiền có tiếng anh hùng, nhưng kỳ thực bất lực; Trần Cận Nam bị gã thiếu chủ của y sát hại tàn nhẫn như vậy, tưởng là chết vô giá trị, song thực ra đã hoàn thành hình tượng anh hùng đạo đức của mình. Trần Cận Nam tuy không làm nên trò trống gì, nhưng thủy chung cúc cung tận tụy, tuy bị chết oan uổng, song chẳng những không để cho Vi Tiểu Bảo sát hại người của mình, mà còn để lại di ngôn "Thà hắn phụ ta, ta không thể bất nghĩa", "Người Hán chúng ta đồng tâm hiệp lực, cuối cùng sẽ khôi phục được giang sơn", làm sao không khiến mọi người thương tiếc và kính trọng y?

Ý của tác giả là, ý nghĩa thật sự của hình tượngTrần Cận Nam và câu chuyện đời y không phải ở chỗ y có làm nên công trạng gì, mà là ở giá trị đạo đức mà y thể hiện. Trong sách Lộc đỉnh ký, nếu nói hình tượng nhân vật tên vô lại hèn hạ Vi Tiểu Bảo làm nền cho hoàng đế Khang Hy vĩ đại sáng suốt, thì sự tầm thường bất tài của Trần Cận Nam làm nền cho tài cán hiển hách của Vi Tiểu Bảo. Nhưng hình tượng minh quân của Khang Hy không thể có ý nghĩa văn hóa bằng hình tượng nhân vật Vi Tiểu Bảo, mà hình tượng Vi Tiểu Bảo tài cán hiển hách thì làm sao bằng hồi quang phản chiếu đạo đức sáng ngời của hình tượng Trần Cận Nam?

Đương nhiên, bất kể tác giả vô tình hay cố ý, cái chết của Trần Cận Nam trong Lộc đỉnh ký đã vạch rõ sự đổ vỡ hoàn toàn của một thế giới đạo đức truyền thống mang tính hư cấu rõ rệt và bước đường cùng của người anh hùng hiệp nghĩa cổ điển. Thành công của Vi Tiểu Bảo và thất bại của Trần Cận Nam thì rõ ràng dự báo rằng lịch sử một dân tộc đã bước vào buổi hoàng hôn đạo đức sa sút, thế tục nhơ nhớp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến