MUỐN GÌ Ở VIỆC CHỨNG LÝ LỊCH?
MUỐN GÌ Ở VIỆC CHỨNG LÝ LỊCH?
Chỉ vì gia đình chưa đóng các khoản tiền theo huy động mà một cử nhân và một tân sinh viên đã bị lãnh đạo UBND xã xác nhận vào sơ yếu lý lịch với nội dung: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương”. Chuyện xảy ra ngay tại Hải Dương và TP Hà Nội.
Càng đáng giận hơn khi đây là một sai phạm tái diễn, bởi lẽ cách đây hơn 3 năm Bộ Tư pháp từng ra văn bản chấn chỉnh sau khi những câu chuyện vô lý khó hiểu ấy xảy ra tại một số tỉnh phía Nam.
Vậy một lần nữa phải hỏi các cơ quan có yêu cầu xác nhận lý lịch và UBND cấp xã có thẩm quyền chứng lý lịch là “muốn gì ở việc chứng lý lịch?”.
Trừ cán bộ, công chức, viên chức có mẫu sơ yếu lý lịch riêng (chỉ cần cơ quan, đơn vị xác nhận), có thời điểm người dân hay sử dụng mẫu sơ yếu lý lịch do Bộ LĐ-TB&XH ban hành dành cho những trường hợp tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế...
Cũng có khi, như hai trường hợp ở Hải Dương và Hà Nội sử dụng mẫu của Bộ GD-ĐT dành cho học sinh, sinh viên trúng tuyển vào trường đại học, cao đẳng.
Các mẫu lý lịch đều đòi hỏi phải có xác nhận của UBND xã nơi cư trú nhưng xác nhận gì thì không nêu hoặc nêu như kiểu đánh đố, thử thách người có quyền chứng vào sơ yếu lý lịch. Chẳng hạn có mẫu đề nghị nhận xét thêm về tư cách nghề nghiệp và hoàn cảnh của người xin việc (?).
Riêng mẫu cũ của Bộ GD-ĐT thì là “xác nhận hộ khẩu thường trú” (mặc dù nếu cần thì học sinh, sinh viên có thể nộp bản photo hộ khẩu để thể hiện nội dung này) và “việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương”.
Dù theo quy định, UBND xã chỉ được quyền chứng thực chữ ký nhưng từ những yêu cầu xác nhận mơ hồ nêu trên đã dẫn đến chuyện mạnh ai nấy chứng. Có nơi chứng “khai đúng sự thật”, có nơi “xác nhận thường trú”, lại có nơi “chứng thực chữ ký”.
Cũng có nơi xác nhận về... gia đình của đương đơn như một hình thức cậy quyền để “bôi xấu” lý lịch nhằm bắt chẹt, o ép người dân mà hai trường hợp mới ở Hải Dương và Hà Nội là đơn cử.
Theo ý kiến của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) nêu tại công văn 1520 ngày 20-3-2014, nội dung xác nhận “không chấp hành pháp luật, chủ trương của Nhà nước” vì không nộp đầy đủ các khoản thu của địa phương như trên đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Vì thế, nơi này lưu ý UBND cấp xã chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trường hợp biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng…
Cần phải thống nhất với nhau rằng những đòi hỏi không cần thiết, không có liên quan trực tiếp đến việc học hành, lao động… của đương sự thì các cơ quan chức năng dứt khoát phải loại bỏ.
Và hơn ai hết, lãnh đạo UBND các xã cần nắm rõ mình được “phết” gì, không được “phẩy” gì trong sơ yếu lý lịch và phải chấm dứt những bút phê gây bất lợi cho công dân.
BÁ TRUNG
Nhận xét
Đăng nhận xét