51. THI LANG

51.
THI LANG 
Quan Thanh “lập dị

Thi Lang vốn cũng là một nhân vật lịch sử, không chỉ lập đại công trong việc giúp triều đình nhà Thanh thống nhất Đài Loan, mà còn khuyên triều đình bố trí phủ quan tại đảo này, trong lịch sử Đài Loan của Trung Quốc, ông được coi là một nhân vật vô cùng quan trọng. Ngoài ra, mấy người con trai của Thi Lang cũng rất nổi tiếng, con trai thứ hai Thi Thế Luân chính là nhân vật chính "Thi thanh thiên" trong chuyện dân gian "Thi công án"; con trai thứ sáu là Thi Thế Phiêu làm thủy sư đề đốc Phúc Kiến, nhân cứu trợ tai họa ở Đài Loan mà hi sinh. Tôi đoán tác giả dựa theo nguyên tắc "Con nào cha ấy" mà xây dựng hình tượng Thi Lang thành vị quan thanh liêm trong bộ tiểu thuyết Lộc đỉnh ký. Có điều là vị quan thanh liêm này rất khổ sở, điêu đứng, thậm chí nhiều khi bất lực. Nguyên nhân rất đơn giản, trong một thể chế chính trị tham ô tràn lan, muốn làm một vị quan thanh liêm thì đúng là "kẻ lập dị", bị các quan từ trên xuống dưới không ưa.


I

Thi Lang sở dĩ thành "kẻ lập dị", thoạt nghe tưởng là vì ông phản bội Trịnh Thành Công, đầu hàng vương triều nhà Thanh. Như vậy, dưới con mắt người Đài Loan, Thi Lang là một kẻ phản bội, thậm chí là một tên Hán gian, đến một kẻ không phân biệt Mãn-Hán như Vi Tiểu Bảo mà cũng làm cho Thi Lang khổ sở không dám ngẩng mặt lên. Mặt khác, trong triều đình nhà Thanh, các quan viên chỉ coi Thi Lang là một viên tướng đầu hàng, một quan quân thấp kém, thậm chí là một kẻ không đáng tin cậy. Thân phận đặc thù đó khiến suốt một thời gian dài Thi Lang không được coi là người đàng mình ở trong cũng như ngoài triều đình. Thật ra, thân thế của Thi Lang rất đơn giản. Ông là một quân nhân, hơn nữa, là một quân nhân thực thụ, đúng tiêu chuẩn, một vị tướng ưu tú. Tố chất và tính cách ấy chẳng những không đem lại vận may cho Thi Lang, ngược lại, còn là căn nguyên gây bao sóng gió cho cuộc đời ông.

Nói trắng ra,Thi Lang không hiểu chính trị, nhất là không hiểu chính trị và văn hóa chính đàn Trung Quốc, không hiểu nhân tình thế cố ở bên ngoài quân đội và quân sự. Thi Lang cho rằng ông có thể không biết đến chính trị, chỉ cần coi phục tùng mệnh lệnh là thiên chức, chỉ cần trung thành, không hổ thẹn với lương tâm, thì vạn sự đại cát. Thi Lang không hiểu rằng ông không cần biết đến chính trị, thì chính trị sẽ sờ gáy ông, sẽ làm cho ông điêu đứng, thậm chí nhà tan cửa nát. Thi Lang sở dĩ chạy sang đầu hàng triều đình nhà Thanh, chỉ vì một nguyên nhân rất nhỏ: một tên sĩ quan cấp thấp là thuộc hạ của ông vi phạm quân kỷ, theo lý sẽ bị phạt nặng. Không ngờ tên đó lại chạy đến nhờ phu nhân Trịnh Thành Công che chở, bịa đặt cấp trên của hắn là Thi Lang có dị tâm này nọ.

Thế là Đổng phu nhân đứng ra xin tha tội cho tên kia, nhưng Thi Lang không chịu, quyết ý áp dụng quân luật, cuối cùng xử bắn hắn. Làm thế là đắc tội lớn với Đổng phu nhân, cũng là đắc tội với nhà đương cục tối cao. Cấp trên của Thi Lang sắp bắt ông để trị tội, ông đành bỏ trốn, không ngờ gia đình ông ở lại bị giết sạch. Vì thế Thi Lang có mối thù không đội trời chung với họ Trịnh ở Đài Loan. Thi Lang bỏ chạy vào đại lục theo triều đình nhà Thanh, thề báo thù rửa hận. Ta thấy Thi Lang là người chỉ biết đến việc trị quân, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu thuộc hạ nghiêm chỉnh tuân thủ chế độ trong quân đội để bảo đảm tác phong tốt đẹp của quân nhân. Nhưng Thi Lang không biết, trước hết, thiên hạ của Đài Loan là thiên hạ của nhà họ Trịnh, thượng ti là thượng ti đã đành, song phu nhân của thượng ti cũng là thượng ti, ý muốn của phu nhân là tuyệt đối, còn cao hơn mọi qui chế trong quân đội. Thứ nữa, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh là cần, song cũng không lợi hại bằng vài câu nói nhỏ với phu nhân thượng ti.

Thi Lang dám công nhiên đắc tội với phu nhân thượng ti, há chẳng khiến người ta nghi ông có bụng phản trắc hay sao? Thi Lang không biết chính trị là thống soái, là linh hồn, Thi Lang chỉ biết quân sự đơn thuần, chẳng trách dẫn đến đại họa. Thi Lang bỏ trốn, thượng ti không giết cả nhà ông đi mới là lạ . Vậy là ở Đài Loan không có đất sống cho Thi Lang, ông đành vào đại lục đầu hàng triều đình dị tộc. Lúc mới vào, đương nhiên được hoan nghênh nhiệt liệt, hơn nữa còn được phong làm thủy sư đề đốc Phúc Kiến, chức Tịnh Hải tướng quân. Nhưng chỉ ít lâu sau, tình hình thay đổi hẳn. Hoàng thượng triệu Thi Lang về thủ đô Bắc Kinh, nói là muốn nghe ông thuật chức, nhưng mấy năm liền cũng không cho gọi vào triều kiến. Thật không hiểu tại sao Thi Lang lại bị "ngồi chơi xơi nước" như vậy.

Hoàng thượng không gọi, đành phải tự mình tìm cách, chạy vạy khắp nơi cầu xin người này người nọ. Một viên tướng trung thành, ngay thẳng, cứ phải lo nghĩ như thế đến là khổ. Nghe nói Vi Tiểu Bảo là người được tin cậy số một trong triều đình, đường đường tướng quân Thi Lang phải hạ mình đến bái kiến gã đô thống Vi Tiểu Bảo cấp bậc thấp hơn, ít tuổi hơn hẳn mình, thuê làm một chiếc chén ngọc có khắc chữ "Vãn sinh Thi Lang kính tặng", chúc Vi Tiểu Bảo "gia quan tiến tước" một cách cung kính. Tại sao Thi Lang lại làm như thế ? Người quen của ông ở Bắc Kinh là Sách Ngạch Đồ, bạn thân của Vi Tiểu Bảo, có nói với ông rõ ràng thế này : "Lão Thi, huynh ở Bắc Kinh mấy năm, đã học được cách nói năng rồi, không như hồi mới đến Bắc Kinh, làm gì cũng đắc tội với mọi người... Huynh biết rồi đấy, Vi đại nhân là vị quan được hoàng thượng tin dùng số một trong triều đình, đến gõ cửa nhà Vi đại nhân, còn hơn là đi cầu khẩn hàng chục vị vương công đại thần". (Xem Lộc đỉnh ký).

Điều này chứng tỏ Thi Lang thoạt đầu không như thế, chẳng biết cầu cạnh người, cũng chẳng biết nói năng chốn quan trường, động một tí là đắc tội với người khác. Rõ ràng Thi Lang không hiểu chính trị. Sau mấy năm khổ sở, vị tướng cuối cùng phần nào hiểu ra, học được cách ra vào quan trường, tác phong tập tục của nha môn, bắt đầu thay đổi quan điểm và tác phong quân nhân đơn thuần, bắt đầu hiểu được chính trị. Việc đó hiệu nghiệm ngay. Vi Tiểu Bảo chỉ bẩm một lời với hoàng đế Khang Hy, Khang Hy liền hạ lệnh cho Thi Lang làm một cái chén vàng đến tặng Vi Tiểu Bảo và phục vụ dưới trướng Vi Tiểu Bảo. Tuy bảo tướng quân phải phục vụ đô thống thật trái với thể chế quân đội, rồi lại phái đường đường một vị thủy sư đề đốc đi đánh hòn đảo Thần Long nhỏ xíu, tức là "dao trâu mổ gà", nhưng cuối cùng thì anh hùng cũng có đất dụng võ, huống hồ trong đó có sự huyền diệu của chính trị.

II

Từ khi bám được vào cành cao Vi Tiểu Bảo, số phận của Thi Lang quả nhiên có chuyển biến tốt. Mấy năm sau, nhân khi Vi Tiểu Bảo ra đảo Thông Ngật, Thi Lang quả nhiên suất binh vây đánh Đài Loan, con cháu nhà họ Trịnh đành phải đầu hàng triều đình nhà Thanh. Đài Loan một lần nữa qui nhập bản đồ thống nhất của Trung Quốc. Điều lý thú là tướng Thi Lang bản tính khó cải, cho rằng mình chỉ cần một lòng tận tụy với triều đình, triều đình ắt sẽ luận công hành thưởng. Thế là ông nhanh chóng phục hồi nếp nghĩ giản đơn, tác phong ngay thẳng của một quân nhân, tóm lại là muốn phục hồi bản tính một vị quan thanh liêm, tạo phúc cho dân.

Sau khi thu phục Đài Loan, Thi Lang không hề nghĩ đến việc báo đáp cái ơn "giúp đỡ đề bạt” của đại nhân Vi Tiểu Bảo, khiến hoàng đế Khang Hy phải đích thân nhắc nhở, Thi Lang mới "phụng mệnh" ra đảo Thông Ngật cảm tạ Vi Tiểu Bảo, một kẻ mấy năm vừa rồi không làm gì vẫn cứ được thăng quan tiến tước. Hồi này Vi Tiểu Bảo căn bản không nể tình gì với Thi Lang, bởi vì Thi Lang thu phục Đài Loan, lấy được bao nhiêu vật quí của nước ngoài, đem nộp hết cho triều đình. Khang Hy bảo Thi Lang mang vài thứ tặng Vi Tiểu Bảo. Thi Lang cũng có vài món lễ vật, ấy là thổ sản của Đài Loan, như giỏ mây, chiếu cỏ, toàn là thứ thô lậu. Vi Tiểu Bảo vừa nhìn thấy, đã chán ngấy, nghĩ bụng: "Trương đại ca, Triệu nhị ca, Vương tam ca, Tôn tứ ca bình định Ngô Tam Quế, tặng ta bao nhiêu thứ quí, ngươi lại mang biếu ta mấy thứ đồ của kẻ ăn mày này, thử hỏi có coi ta ra gì hay không?" (Xem Lộc đỉnh ký).

Các bạn thấy Thi Lang hóa ra là kẻ "vong ân bội nghĩa", một gã "lập dị" phải không? Vi Tiểu Bảo tỏ ý khó chịu giận dữ, làm cho Thi Lang sợ toát mồ hôi hột, cuối cùng đành chiều theo ý chỉ của Vi Tiểu Bảo, mạo hiểm mất chức đưa Vi Tiểu Bảo đi du lãm Đài Loan, mới làm cho Vi đại nhân vui vẻ trở lại. Sau khi Thi Lang thu phục Đài Loan, nghe đồn trong triều đình có nhiều người bàn tính bỏ hòn đảo này, đưa dân cư vào đại lục, Thi Lang rất lo lắng, nghĩ mấy chục vạn dân có nguy cơ bị mất hết gia viên, khổ nỗi ông chẳng biết làm thế nào. Lại Vi Tiểu Bảo vạch kế hoạch cho ông, bố trí cho ông lên Bắc Kinh bẩm với hoàng thượng về cái hại lớn nếu bỏ đảo Đài Loan, Thi Lang mới đại ngộ , tìm ra cách giải quyết vấn đề. Quan trọng hơn, Vi Tiểu Bảo hiểu rõ nhân tâm thế cố, nắm vững bí quyết quan trường, trước khi Thi Lang vào triều, đã nhắc nhở, hỏi ông có chuẩn bị lễ vật cho các vị đại thần trong triều hay chưa. Thi Lang ban đầu còn chưa hiểu ý, cho rằng lấy được Đài Loan là nhờ uy đức của thiên tử, xương máu của binh sĩ, chứ các vị đại thần trong triều đâu có công lao gì.

Vi Tiểu Bảo lại phải lên lớp cho ông : "Lão Thi, huynh vừa đắc ý, bệnh cũ lại tái phát rồi. Huynh thu phục Đài Loan, ai ai cũng biết huynh hốt cả núi vàng núi bạc, một mình nuốt sạch, đại phát tài. Các quan trong triều ai chẳng thèm nhỏ dãi?" Thi Lang vội trần tình, ông không dám đút túi riêng một lượng bạc nào cả, thì Vi Tiểu Bảo nói toạc ra : "Huynh muốn làm vị quan thanh liêm, nhưng mọi người không ai muốn làm quan thanh liêm như huynh đâu. Huynh càng thanh liêm, người ta càng dễ nói xấu huynh, bảo huynh ở ngoài đảo Đài Loan thu phục nhân tâm, nuôi ý đồ làm phản đấy. (Xem Lộc định ký). Vi Tiểu Bảo nghe Thi Lang bảo có chuẩn bị một ít giỏ trúc, chiếu cỏ, tượng gỗ nhỏ, túi da làm lễ vật vào triều, hắn không nói gì, chỉ cười hô hô mãi, Thi Lang chẳng hiểu gì hết, cuối cùng đỏ mặt, hiểu ra, quyết định "sửa chữa sai lầm". Thế là Thi Lang nghe theo chủ ý cao minh của Vi Tiểu Bảo, để Vi Tiểu Bảo đứng ra trưng thu một khoản "phí thỉnh mệnh" tại Đài Loan, được cả trăm vạn lạng để lo quà biếu. Sau đó, Thi Lang còn được Vi Tiểu Bảo chỉ vẽ cụ thể biếu ai nhiều ít thế nào, ông mới cứ thế làm theo ở Bắc Kinh, mọi việc thuận lợi. Không có sự chỉ dẫn của Vi Tiểu Bảo, chắc hẳn ThiLang sẽ thất vọng ra về.

III

Chuyện Thi Lang trong sách miêu tả rất đơn giản, nhưng mỗi chi tiết đều điển hình. Thi Lang là người như thế nào, muốn làm một người như thế nào, về sau biến thành một người ra sao, tất cả đều rõ ràng. Tác giả không đề cập hoạt động tâm lý của Thi Lang, nhưng chúng ta dễ thấy rằng một người có tính cách như Thi Lang căn bản sẽ coi khinh Vi Tiểu Bảo, không muốn có quan hệ với hắn. Thế nhưng bước vào mái hiên thấp, người ta phải cúi đầu. Muốn báo thù rửa hận, ắt phải nhờ đến thực lực của triều đình. Mà muốn có chỗ đứng trong triều đình, phải tìm được lối đi sống còn trong cái thế giới chính đàn ấy; muốn tìm ra lối đi, phải lấy lòng gã Vi Tiểu Bảo đáng khinh bỉ. Bởi vì Vi Tiểu Bảo là người được hoàng đế tin dùng.

Lần đầu tiên đi "bái kiến" Vi Tiểu Bảo, Thi Lang trong bụng lúng túng khổ sở, nhưng ngoài mặt cố tươi cười, đối với một người như Thi Lang, như thế thật là khó chịu. Cho nên sau khi bình phục Đài Loan, Thi Lang không đi "tạ ơn" Vi Tiểu Bảo, chẳng phải ông "vong ân bội nghĩa", thậm chí cũng không phải ông quên mất Vi Tiểu Bảo, mà chủ yếu chỉ e rằng trong thâm tâm ông không muốn đi, vì làm như thế nó quá nhục. Cần phải nói rằng hình tượng Thi Lang trong bộ tiểu thuyết Lộc đỉnh ký là vị quan thanh liêm duy nhất, hoặc là người duy nhất muốn làm quan thanh liêm. Những kẻ khác đều là đồng đảng của Vi Tiểu Bảo. Chính vì thế mà Vi Tiểu Bảo mới như cá gặp nước, còn Thi Lang thì đến đâu cũng gặp trở ngại. Vi Tiểu Bảo nói rất đúng : "Huynh muốn làm quan thanh liêm, cứ việc, nhưng đừng có bảo mọi người làm quan thanh liêm!" Ngay đến hoàng đế Khang Hy cũng không chỉ coi đấy là việc không bình thường, mà còn hạ lệnh cho Thi Lang đi hối lộ Vi Tiểu Bảo.

Mà Khang Hy được coi là vị hoàng đế vĩ đại sáng suốt nhất trong lịch sử Trung Quốc, vậy thì các triều đại khác tình hình ra sao, khỏi nói cũng biết. Trong tiểu thuyết có đoạn làm cho độc giả phải suy nghĩ rất lâu, ấy là thái độ của dân chúng Đài Loan về việc này. Họ không chỉ thừa nhận, mà còn tán thành việc Vi Tiểu Bảo trưng thu khoản "phí thỉnh mệnh" một trăm vạn lượng bạc làm quà hối lộ, họ còn cảm kích hắn đến rơi nước mắt. Tuy Thi Lang thanh liêm chính trực, song dân chúng Đài Loan lại chẳng có thiện cảm gì với ông. Trong sách viết : "Tuy 'Thi thanh Vi tham', nhưng dân chúng lại cảm thấy Vi đại nhân hòa nhã dễ gần, thà để Vi đại nhân trấn thủ Đài Loan thì hơn, Thi Lang tốt nhất đừng trở về đây nữa". (Xem Lộc đỉnh ký).

Điều này chứng tỏ quan viên hủ hóa tham ô, nhận và đưa hối lộ, quan trường đen tối, hiện tượng "làm tri phủ thanh liêm ba năm, bạc trắng xóa như tuyết”, không những không phải là vấn đề kẻ xấu cá biệt, thậm chí cũng không chỉ là vấn đề thể chế xã hội, mà còn là vấn đề bản chất nghiêm trọng hơn: vấn đề truyền thống văn hóa và tính dân tộc, tính quốc dân. Mà trong thể chế xã hội như thế, Thi Lang đương nhiên muốn làm người tốt, làm quan thanh liêm là không thể được. Tác gia nổi tiếng người Đài Loan, Bá Dương tiên sinh nói văn hóa Trung Quốc truyền thống là một hũ tương lớn, thật không thể không tin. Hiện tượng Thi Lang trong bộ sách Lộc đỉnh ký cũng chỉ là một hình tượng nghệ thuật, chứ không phải truyện ký lịch sử, bên trong còn có phần hư cấu của tác giả bộ tiểu thuyết, nghĩ thế, trong lòng càng thêm buồn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến