NHỮNG NGHĨA KHÁC NHAU CỦA TỪ “CÁI” VÀ “CON” (1)
NHỮNG NGHĨA KHÁC NHAU
CỦA TỪ “CÁI” VÀ “CON” (1)
Vì sao "cái" và "con" được sử dụng với tư cách “loại
từ”? Con đường đã đi của các từ này có thể được hình dung là không ngắn, lại
khá quanh co, khúc khuỷu…
Trong tiếng Việt có một lớp từ đặc biệt là chiếc, quả, cục, lá,
cây, cái và con… (chẳng hạn: chiếc thuyền,
cái nhà, con mèo…), lớp từ này từng được gọi bằng nhiều cách khác
nhau: từ chứng, thể hiện từ, từ định tính, danh từ đơn vị, tiền danh từ, phó
danh từ, từ để đếm, v.v.., nhưng phổ biến nhất gọi là loại từ (hay từ
chỉ loại).
Cách gọi “loại từ” này khiến người ta có thể hiểu rằng các từ kể trên
có chức năng phân chia những từ chỉ sự vật (các danh từ) đứng sau nó thành các
loại khác nhau căn cứ vào những thuộc tính khách quan của các sự vật được biểu
thị. Theo cách hiểu như vậy, các “loại từ” dường như chỉ là các dấu hiệu thuần
túy hình thức của các “loại” khác nhau. Và người ta cố gắng tìm hiểu xem
các thuộc tính được nói đến trong mỗi “loại” ấy là gì. Chẳng hạn, từng có sự
phân tích rằng lá đi với các danh từ chỉ loại sự vật mỏng mảnh, ví dụ: lá
phiếu, lá buồm, lá cờ…; cây - với danh từ chỉ loại sự vật thường có
hình trụ, ví dụ: cây cột, cây đèn, cây súng; cái –
với danh từ chỉ sự vật (bất động vật), và con – với danh từ chỉ động
vật…
Tuy nhiên, thật khó mà cho rằng quan niệm như trên là hoàn toàn có căn
cứ bởi vì nếu như vậy thì làm sao giải thích được rằng “gan” có mỏng đâu mà được
gọi là lá gan, “đàn” có nhất thiết hình trụ đâu mà lại gọi là cây
đàn. Và càng không lý giải được vì sao vừa gọi là cái mã tấu lại
vừa con mã tấu, vừa cái thuyền vừa con thuyền, vừa cái
cò vừa con cò, vừa cái kiến vừa con kiến… Chẳng
lẽ “mã tấu, thuyền, cò, kiến” vừa là động vật (hoặc có đặc tính như động vật) lại
vừa bất động vật?
Các từ cái và con của tiếng Việt đã được xem là vốn
chỉ quan hệ thân tộc: Cái đã được xem là vốn có nghĩa nguyên thủy là
“mẹ, người mẹ” (chẳng hạn trong thành ngữ Con dại cái mang),
còn con vốn có nghĩa là “con, đứa con”. Nếu quả vậy, thì quá trình
chuyển nghĩa của hai từ này đã xảy ra vừa có phần cùng hướng, vừa có phần khác
hướng và khác phạm vi. Có thể từ nghĩa là “mẹ”, cái đã được dùng để
chỉ “giống cái” (chó cái, bò cái), chỉ tính chất “to, chính” (cột cái,
đường cái), chỉ “giống gây chua” (cái mẻ), chỉ “phần đặc trong món ăn
có nước” (ăn cả nước lẫn cái), dùng để gọi người con gái ngang hàng hoặc
hàng dưới (cái Tí)… và có những biến thể
là mái (gà mái hay mái gà), nái (lợn nái hay nái
lợn), gái (con gái).
Từ con đã được dùng để chỉ một tính chất “nhỏ, phụ” (cột con, rễ con),
“nhỏ” (buồng con, mèo con), để gọi người con gái ngang hàng hoặc
hàng dưới (con chị cõng con em)…
Nhưng vì sao cái và con lại được sử dụng với tư
cách “loại từ”? Con đường đã đi của các từ này có thể được hình dung là không
ngắn, lại khá quanh co, khúc khuỷu…
Có thể là như thế này chăng: Trong cuộc sống của cộng đồng người
Việt, có một số sự vật có ấn tượng mạnh mẽ đối với tâm lý con người. Dần
dà người ta nhìn các sự vật khác của thế giới xung quanh qua các ấn tượng này,
coi các sự vật có ấn tượng đó là “vật chuẩn”, là “đại diện” để hình dung các sự
vật khác, và rốt cuộc đã gán tính chất nào đó của “vật chuẩn”cho các sự vật
khác ấy. Tóm lại, đó là cách tri nhận thế giới như sau: coi “vật chuẩn” như cái
gương để soi vào các sự vật khác nhau, và nhận diện các sự vật khác này không
phải như chúng vốn có, mà là theo cái được nhìn thấy trong gương và
tùy thuộc cái gương đó như thế nào. Đó là một cái nhìn đầy định kiến và cảm
tính, đại khái, có phần ngây thơ, đối với thực tại.
PGS Tạ Văn Thông
Nhận xét
Đăng nhận xét