Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị bắt
dưới góc nhìn truyền
thông và pháp lý
Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục là những người nổi tiếng với
hàng triệu người theo dõi. Việc cả hai bị khởi tố, bắt giam và Bộ Công an đang
mở rộng điều tra cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Không chỉ hai cái tên kể trên, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Nguyễn Thúc Thùy
Tiên cũng được xác định có liên quan vụ án kẹo rau củ Kera.
Các chuyên gia nhận định rằng sau vụ kẹo rau củ Kera thì ngành livestream
Việt Nam, đặc biệt là việc người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng tham gia quảng cáo
đang đứng trước áp lực điều chỉnh toàn diện, từ nội dung đến đạo đức hành nghề.
Tại họp báo Chính phủ chiều 6/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến
bổ sung vào Luật Quảng cáo một số điều cụ thể liên quan đến trách nhiệm của người
nổi tiếng tham gia quảng cáo.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 8/4, Thạc sĩ Lê Anh Tú - Giám đốc
điều hành iGem Agency kiêm giảng viên khoa Quan hệ công chúng, truyền thông trường
Đại học Kinh tế, tài chính TP HCM - nhận định:
"Theo tôi, người nổi tiếng Việt Nam đang hơi bị dễ dãi trong phát
ngôn, nghĩa là họ lên tiếng quảng cáo, tư vấn những sản phẩm nằm ngoài chuyên
môn của họ.
"Nhìn nhận ở góc độ quốc tế ta có thể thấy được rằng ở Pháp hay Hàn
Quốc, những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực nào thì pháp
luật quy định rõ ràng chỉ được phát ngôn trong lĩnh vực đó thôi. Như vậy cũng cần
sự đối chiếu, so sánh với pháp luật của các nước để chúng ta có thể sửa đổi luật
quảng cáo, luật an ninh mạng, những luật có chi phối, liên quan đến phát ngôn của
người nổi tiếng," ông Tú chia sẻ.
Thẩm quyền phát ngôn
Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục là những cái tên nổi tiếng trên mạng xã hội
với số lượng người theo dõi rất lớn.
Trước khi bị bắt, ông Phạm Quang Linh được biết đến với những video lao động
cùng người nông dân Angola. Trong những video này, ông thường thể hiện việc
giúp đỡ, hướng dẫn cho nông dân Angola canh tác.
Ông thường xuất hiện với hình ảnh mũ cối (mũ quân đội) và áo có hình cờ đỏ,
trở thành người truyền cảm hứng, được nhiều người coi là có công trong việc quảng
bá hình ảnh Việt Nam. Từ đó, ông tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền của
chính quyền, Đoàn Thanh niên.
Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 10 vào tháng 10/2024, ông
trở thành ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 10 và củng cố
hình ảnh tích cực của mình. Ông Linh có tổng cộng hơn 6 triệu người theo dõi
trên các nền tảng YouTube, Facebook.
Bà Nguyễn Thị Thái Hằng từng được mệnh danh là "chiến thần
livestream" với những phiên livestream giới thiệu từ 20-50 sản phẩm với lượng
bán khủng và doanh thu mỗi phiên đạt tới hàng tỷ đồng.
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng là người nổi tiếng giành được sự mến mộ
của đông đảo khán giả, đặc biệt là giới trẻ bởi với phong cách gần gũi, hài hước.
Theo quan sát của BBC News Tiếng Việt, sau khi đăng quang vào năm 2021, Thùy
Tiên là gương mặt được nhiều chương trình, nhãn hàng săn đón. Cô cũng tích cực
tham gia vào nhiều chương trình thực tế, thử sức trong một số vai diễn.
Với độ nổi tiếng và thu hút của mình, sự phối hợp của cả ba nhân vật nói
trên khi cùng quảng bá một sản phẩm càng tạo dựng được niềm tin trong lòng
khách hàng mà niềm tin đã đặt đâu thì việc "xuống tiền" dễ dàng hơn ở
đó.
Trong một phiên livestream mở bán kẹo Kera có mặt cả ba người, Công ty Chị
Em Rọt đã tuyến bố: "Với lần đầu tiên này, 3.000 sản phẩm đã được bán hết
trong vòng 5 phút."
Thạc sĩ Lê Anh Tú phân tích:
"Tôi nghĩ rằng những người nổi tiếng này có sức hút cá nhân lớn, có
sự hấp dẫn riêng về mặt cá nhân, phần này có thể định nghĩa nhiều cách: ngoại
hình đẹp, khả năng ăn nói cuốn hút, thuyết phục... Từ đó họ tạo ra quyền lực
trên không gian mạng.
"Có lẽ số đông khán giả, những người hâm mộ và công chúng nói chung
đang hơi dễ giải trong câu chuyện tiếp nhận thông điệp từ người nổi tiếng mà
không kiểm chứng ngược lại rằng những người nổi tiếng đó có thẩm quyền phát
ngôn hay không.
"Có nghĩa là công chúng hoàn toàn mù mờ về thẩm quyền phát ngôn của
người nổi tiếng, tự mặc định rằng họ nổi tiếng nên nói gì cũng đáng tin, cũng
đúng."
Thực chất, việc quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm vốn đã tồn tại từ
lâu, không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ mạng xã hội,
khi việc kiếm tiền trực tuyến trở nên dễ dàng hơn, hiện tượng người nổi tiếng tận
dụng tên tuổi để quảng bá sản phẩm ngày càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát
hơn.
Một số ý kiến cho rằng, Bộ Công an "mạnh tay" với trường hợp
Quang Ling Vlogs và Hằng Du Mục không chỉ là vấn đề sai phạm nặng mà còn mang
tính biểu tượng, răn đe khi cả hai đều là những gương mặt nổi tiếng.
Một số người dự đoán có thể Việt Nam sẽ làm giống Trung Quốc, tiến hành
"phong sát" đối với những người có sức ảnh hưởng thực hiện hành vi
bán, quảng bá sản phẩm sai sự thật hoặc trốn thuế. Việc "phong sát" của
Trung Quốc bao gồm khóa tài khoản vĩnh viễn, quản lý thuế và kiểm soát doanh
thu.
Như đã đề cập ở trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho biết
trong nghị định liên quan đến triển khai Luật Quảng cáo sẽ có điều khoản cụ thể
điều chỉnh hoạt động của những người nổi tiếng và các nghệ sĩ tham gia quảng
cáo trên mạng.
Theo đó, bộ này dự định tăng chế tài liên quan đến mức xử phạt hoặc cấm
quảng cáo, thậm chí có biện pháp hạn chế hoạt động nghệ thuật và hạn chế xuất
hiện trên truyền thông, mạng xã hội.
Trước đó, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam,
thành viên ban soạn thảo sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo - nói với báo chí rằng
sẽ xử phạt nặng và phạt bằng nhiều hình thức đối với người nổi tiếng quảng cáo
lố.
Thấy gì từ việc mở rộng vụ án?
Hiện Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục cùng 3 người khác đã bị khởi tố, tạm
giam với cáo buộc sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng theo Điều 193 và 198
Bộ luật Hình sự.
Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) cũng đã xác định Hoa hậu Nguyễn
Thúc Thùy Tiên có liên quan đến vụ án kẹo Kera. Trước đó, Công an tỉnh Đắk Lắk
trong giai đoạn đầu điều tra vụ án đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với
Thùy Tiên 60 ngày.
Bước đầu, C01 xác định kẹo rau củ Kera là hàng giả và được quảng cáo sai
sự thật trên các nền tảng mạng xã hội bởi vì nguyên liệu là bột rau không được
mua từ các nông trại, trang trại của các nhà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
mà mua sẵn bột rau có các hàm lượng đều đạt dưới mức tiêu chuẩn (từ 0,61 đến
0,75%), trong khi công bố, quảng bá là 28%. Hiện nguồn gốc bột rau này chưa được
xác định.
Bên cạnh đó, chất sobiton - nguyên liệu sử dụng làm thuốc xổ - chiếm tỉ lệ
35% trong thành phần kẹo, cùng các chất phụ gia khác, nhưng không công bố cho
người tiêu dùng biết.
Trên Facebook cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ từ Viện Nghiên cứu ung thư,
City of Hope, California, Mỹ, viết rằng, với lượng sorbitol là 33,4g/100g trong
sản phẩm kẹo rau củ Kera, tức khoảng 1g sorbitol trong mỗi viên kẹo (3,2g) thì
việc tiêu thụ khoảng 20 viên kẹo mỗi ngày có thể gây khó chịu đối với một số
người nhạy cảm với sorbitol.
Ông cho rằng, việc nhà sản xuất không hề nhắc đến thành phần này trên bao
bì và không có cảnh báo lượng sử dụng tối đa mỗi ngày thì là một "sơ suất"
không thể bỏ qua. Ông cũng nói thêm việc sử dụng sorbitol hoặc bất kỳ loại thuốc
nhuận tràng nào quá thường xuyên, cơ thể có thể trở nên phụ thuộc vào chúng để
duy trì chức năng ruột bình thường.
Điều này, theo Tiến sĩ Vũ, có thể dẫn đến táo bón mãn tính hoặc giảm khả
năng tự nhiên của ruột để thải chất thải. Ngoài ra, tác dụng phụ của nó có thể
gây ra các vấn đề về mất nước cơ thể, mất cân bằng điện giải, tổn thương ruột
và giảm nhu động ruột.
Cơ quan điều tra C01 thông báo đã có 135.000 sản phẩm được tiêu thụ và
doanh nghiệp thu lợi trên 17 tỷ đồng và đã phát thông báo tìm các tổ chức, cá
nhân đã mua số kẹo Kera này để phục vụ điều tra.
Về mặt hành chính, trước đó, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs đã bị cơ
quan chức năng xử phạt 70 triệu đồng mỗi người do quảng cáo không đúng về kẹo
rau củ Kera. Hoa hậu Thùy Tiên thì bị phạt 25 triệu. Công ty kẹo rau củ Kera bị
phạt 125 triệu đồng, thu hồi hàng hóa, nộp lại tiền đã thu.
Ngày 4/4, Bộ Công an đã phối hợp Công an tỉnh Đắk Lắk khám xét tại địa điểm
sản xuất kẹo rau củ Kera của Công ty Cổ phần Asia Life tại TP Buôn Ma Thuột.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết không hề có vườn rau nào
được trồng ở đây.
Trong podcast "5 phút thị trường", nhà báo nổi tiếng Vũ Kim Hạnh
chỉ ra rằng, thực phẩm bổ sung có chứa thành phần là rau củ quả hoặc dược liệu
cần phải truy xuất được mã số vùng trồng, vùng nguyên liệu, mà Kera không hề
có.
Trong số năm bị can bị bắt, khởi tố, ngoài bốn người thuộc Công ty Cổ phần
Tập đoàn Chị Em Rọt còn có ông Nguyễn Phong là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần
Asia Life. Ông được xác định là người tổ chức sản xuất kẹo rau củ Kera và có
hành vi chỉ đạo thu mua nguyên vật liệu không đúng.
Trong khi đó, đại diện Asia Life nói rằng công ty chỉ hợp tác gia công,
làm theo hợp đồng và dựa theo thành phần sản phẩm mà bên Công ty CP Tập đoàn Chị
Em Rọt công bố.
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp tại TP
HCM, phân tích với BBC News Tiếng Việt rằng về việc điều tra mở rộng đối với
đơn vị gia công Asia Life, cần xem xét kỹ lưỡng vai trò và trách nhiệm của họ
trong vụ việc sản xuất kẹo rau củ Kera, cụ thể làm rõ các yếu tố sau:
"Trách nhiệm pháp lý của đơn vị gia công phụ thuộc vào mức độ nhận
thức và sự chủ động tham gia vào hành vi gian lận. Nếu Asia Life chỉ đơn thuần
sản xuất theo đúng tiêu chuẩn và quy trình mà công ty chủ quản yêu cầu, không
biết về việc gian lận thông tin sản phẩm, họ có thể không phải chịu trách nhiệm
hình sự.
"Tuy nhiên, nếu có bằng chứng cho thấy Asia Life biết rõ về sự khác
biệt giữa thành phần thực tế và thông tin ghi trên bao bì nhưng vẫn tiếp tục sản
xuất, họ có thể bị coi là đồng phạm trong việc sản xuất hàng giả," luật sư
Sơn phân tích.
Theo ông Sơn, cần điều tra làm rõ hợp đồng gia công giữa hai bên quy định
như thế nào về tiêu chuẩn nguyên liệu, quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng.
Theo đó, nếu Asia Life không tuân thủ các tiêu chuẩn đã thỏa thuận, họ có thể
phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, luật sư Sơn còn lưu ý:
"Điều quan trọng là xác định đơn vị nào chịu trách nhiệm kiểm định
chất lượng thành phẩm và đơn vị nào cung cấp nguyên liệu đầu vào. Nếu Asia Life
tự ý thay đổi thành phần hoặc sử dụng nguyên liệu không đạt chuẩn mà không
thông báo, họ phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
"Việc điều tra mở rộng cũng nên xem xét hệ thống quản lý chất lượng
của Asia Life và kiểm tra xem họ có giấy phép, chứng chỉ phù hợp để sản xuất thực
phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố hay không.
"Tóm lại, điều tra mở rộng sẽ giúp làm rõ trách nhiệm của tất cả các
bên liên quan, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội," ông Sơn cho hay.
Nhận xét
Đăng nhận xét