BỎ RƠI VIỆT NAM:
LAM SƠN 719
17-NỖ LỰC CỦA BẮC QUÂN
TRÊN ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH
Cuộc tấn công của Campuchia có thể đã kéo dài thời gian cho quân đồng
minh, nhưng nó đã có một hậu quả không lường trước được. Bị tước mất các nơi ẩn
náu và căn cứ tại Campuchia, Hà Nội đã phải chuyển hoàn toàn sang các tuyến đường
xuyên quốc gia qua Lào từ miền Bắc để tiếp
tế cho lực lượng của mình ở miền Nam. Để bù đắp cho việc mất tuyến đường bộ
Sihanoukville và số lượng lớn vật tư bị quân đội Hoa Kỳ và miền Nam tịch thu
trong cuộc tấn công vào Campuchia, người Cộng sản đã khởi xướng một chương
trình rộng lớn nhằm tăng cường năng suất của Đường mòn Hồ Chí Minh. Đến năm
1971, mạng lưới đường mòn phức tạp đã trải dài từ Bắc Việt qua các đèo Mụ Giạ,
Ban Karai và Ban Raving ở Dãy núi Trường Sơn đến Tchepone và Mường Nông ở Lào,
ngay bên kia biên giới là Khe Sanh ở Tỉnh Quảng Trị. Từ Tchepone và Mường Nong, bộ đội và vật tư
di chuyển đến hai căn cứ chính của Quân BV, 604 và 611 (xem bản đồ 6). Từ các
căn cứ này, Đường mòn Hồ Chí Minh chạy về phía nam hướng đến các căn cứ khác dọc
theo biên giới dài 1.300 km của miền Nam với Lào và Campuchia.
Sau chiến tranh, Bắc Việt khoe khoang rằng họ đã xây dựng hơn 13.000 km
đường mòn và đường bộ như một phần của hệ thống, được xây dựng, bảo trì và bảo
vệ bởi Nhóm vận tải 559 bằng cách sử dụng ước tính 100.000 bộ đội và dân tình
nguyện và lao động cưỡng bức Lào. Tình báo Hoa Kỳ ước tính rằng từ năm 1966 đến
năm 1971, 630.000 quân Bắc Việt, 100.000 tấn thực phẩm, 400.000 vũ khí và
50.000 tấn đạn dược đã được chuyển từ Bắc Việt xuống Đường mòn Hồ Chí Minh.
Sau cuộc xâm lược Campuchia của quân đồng minh, Bắc Việt đã thực hiện
thêm các bước không chỉ để cải thiện đường mòn mà còn củng cố nó để cho phép sử
dụng mà không bị can thiệp từ lực lượng Hoa Kỳ hoặc miền Nam. Vào mùa thu năm
1970, 20 tiểu đoàn phòng không đã được điều động vào Lào để bảo vệ đường mòn chống
lại máy bay đồng minh. Các đơn vị mới này được trang bị nhiều loại vũ khí tinh
vi, bao gồm súng máy 12,7 mm và 14,5 mm, pháo 23 mm và hơn 200 khẩu pháo phòng
không (37 mm, 57 mm, 85 mm và 100 mm). Những vũ khí này đã cải thiện đáng kể khả
năng phòng không trên Đường mòn Hồ Chí Minh.
Ngoài các đơn vị phòng không, các đơn vị chiến đấu khác của Bắc Việt đã
được chuyển đến Lào để bảo vệ tuyến tiếp tế quan trọng, đưa tổng số bộ đội ở đó
lên tới 22.000 (7.000 quân chiến đấu, 10.000 quân trong các đơn vị hậu cần và hỗ
trợ, và 5.000 quân Pathet Lào Cộng sản), tất cả đều nằm dưới quyền chỉ huy của
một quân đoàn mới, Quân đoàn 70B, tiếp quản quyền kiểm soát hoạt động của các
sư đoàn 304, 308 và 320 của Bắc Việt. Các báo cáo tình báo ước tính rằng đến cuối
năm 1970, nhờ được các lực lượng này bảo vệ Bắc Việt đã xâm nhập 6.000 quân chiến
đấu mỗi tháng theo đường mòn qua Lào vào miền Nam. Ngoài các báo cáo về sự xâm
nhập gia tăng, tình báo Hoa Kỳ cũng đã thu thập được các dấu hiệu cho thấy một
lượng lớn vũ khí, đạn dược và thiết bị đã được tích trữ tại Căn cứ 604 gần
Tchepone. Các thông tin tình báo tiếp theo tiết lộ rằng Bắc Việt có ý định xây
dựng lại các nơi ẩn náu của họ ở Campuchia.
Tổng thống Nixon và các cố vấn quân sự của ông đã lo ngại về sự gia tăng
quân số tại Lào và hoạt động trở lại của kẻ thù tại Campuchia. Nếu không có
hành động gì, Bắc Việt sẽ sớm ở vị trí đe dọa trực tiếp đến Quảng Trị, tỉnh cực
bắc của miền Nam, và dễ dàng tấn công cố đô Huế, chỉ cách Căn cứ 611 một đoạn
đường ngắn qua Thung lũng A Shau. Các nhà phân tích tình báo tin rằng sự đổ bộ
của quân đội và vũ khí mới vào Lào và Campuchia có thể là để chuẩn bị cho một
cuộc tấn công của Cộng sản vào hai tỉnh phía bắc ở miền Nam, hoặc vào đầu năm
1971 hoặc, có nhiều khả năng hơn, vào năm bầu cử của Hoa Kỳ là 1972, khi đó
quân số Hoa Kỳ ở lại miền Nam chưa đến 50.000 và Nixon đang bận bịu tái tranh cử.
Tổng thống phải đối mặt với cùng một vấn đề khi Cộng sản đe dọa Phnom Penh. Ông
phải làm gì đó với quân Bắc Việt ở Lào trước khi sự gia tăng của kẻ thù ở đó có
tác động tàn phá đến việc Việt Nam hóa và các kế hoạch rút quân của Hoa Kỳ khỏi
Đông Nam Á. Nixon không thể chờ đợi, vì sức mạnh và sức tác chiến của Hoa Kỳ
trong vùng đang suy yếu hàng ngày, và ông không nghĩ rằng miền Nam có thể chấm
dứt hoạt động tăng cường này của địch chỉ bằng lực lượng của chính mình. Các
căn cứ của địch trên đất Lào được phòng thủ nghiêm ngặt và nằm trên một địa
hình khó khăn. Cuộc chiến trên bộ sẽ phải
do miền Nam thực hiện; liệu họ có thể tự mình chống lại Quân đội Bắc Việt hay
không vẫn còn là một dấu hỏi. Tuy nhiên, nếu Nixon cứ mãi chờ đợi, quân BV sẽ
tiếp tục tăng cường cho đến lúc phát động một cuộc tấn công vào thời điểm họ chọn.
Sau khi xem xét một loạt các nghiên cứu được giao vào tháng 11 năm 1970, Nixon
đã đi đến kết luận rằng lựa chọn duy nhất của ông là tiến hành một cuộc tấn
công phủ đầu vào lực lượng Cộng sản. Câu hỏi đặt ra là tập trung mũi tấn công
vào đâu. Một mũi tấn công đổ bộ vào Bắc Việt, nhắm vào Vinh, ban đầu đã được
cân nhắc, nhưng Kissinger đã phản bác bằng một khuyến nghị lặp lại cuộc tấn
công vào Campuchia để tận dụng những lợi thế từ chiến dịch trước đó. Trong số
các địa điểm được đề xuất cho một cuộc tấn công của đồng minh có địa điểm do Đô
đốc McCain, CINCPAC, đề xuất, ông đã gửi điện cho Tướng Abrams vào tháng 10 để
xem xét một chiến dịch chống lại hành lang hậu cần của Cộng sản ở Lào.
Đầu tháng 12, Tham mưu trưởng Liên quân đã ủy quyền cho Tướng Abrams
“liên lạc với Tướng Viên và thực hiện các kế hoạch và phối hợp mà ông ta cho là
phù hợp để chuẩn bị cho kế hoạch Lào”. Một
thông điệp tiếp theo chỉ đạo Abrams chuẩn bị các kế hoạch dự phòng cho một chiến
dịch xuyên biên giới của miền Nam vào Lào qua Đường 9, ngay phía nam DMZ, được
lực lượng không quân Hoa Kỳ hỗ trợ, và cho một cuộc tấn công đồng thời của miền
Nam vào Campuchia nhằm phá hủy một khu vực căn cứ địa lớn của địch đang được phát
triển tại đồn điền cao su Chup.
Vào ngày 10 tháng 12, Đô đốc Moorer, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng
Liên quân, đã gửi điện tín cho Abrams, chuyển tiếp một thông điệp từ tổng thống.
Trong thông điệp đó, tổng thống giao cho Abrams “phối hợp với các lực lượng vũ
trang của miền Nam và Campuchia, một nỗ lực lập kế hoạch chuyên sâu… để đưa trận
chiến đến với kẻ thù ở mức độ cao nhất có thể.” Ngoài ra, ông thông báo với
Abrams rằng ông sẽ gửi Tướng Haig đến Sài Gòn để thảo luận về kế hoạch. Haig đến
Sài Gòn vào ngày 13 tháng 12. Ông đã gặp Abrams và Đại sứ Bunker. Tất cả họ đều
đồng ý với đánh giá của Kissinger về nhu cầu cho một cuộc tấn công mới của đồng
minh, nhưng Tướng Abrams đã đề xuất một kế hoạch mà mình đã phát triển để đáp lại
hướng dẫn trước đó của Đô đốc McCain. Kế hoạch của Abrams bao gồm một cuộc tấn
công chính vào Lào của lực lượng miền Nam để cắt Đường mòn Hồ Chí Minh. Lực lượng
Hoa Kỳ sẽ thiết lập các vị trí chặn dọc theo DMZ ở miền Nam và thiết lập một
căn cứ hỗ trợ tiền phương giáp biên giới Lào để hỗ trợ nỗ lực của Quân miền Nam
nhằm chiếm Tchepone. Tiếp theo trận tấn
công ban đầu là các hoạt động tìm kiếm và san bằng các căn cứ của Cộng sản và
ngăn chặn tuyến giao thông dọc theo Đường mòn Hồ Chí Minh bên trong Lào. Một cuộc tấn công yểm trợ nhỏ hơn của miền
Nam vào Campuchia sẽ tìm cách phá hủy một khu vực căn cứ mới của kẻ thù đang được
xây dựng gần đồn điền cao su Chup gần Quân khu III.
Abrams lập luận rằng nếu các tuyến đường tiếp tế của Cộng sản có thể bị
chặn ở Lào và Campuchia chỉ trong một mùa khô, khả năng phát động một cuộc tấn
công quy mô lớn ở miền Nam của họ sẽ bị “suy giảm đáng kể, nếu không muốn nói
là bị loại bỏ, trong một tương lai vô thời hạn.”
Haig trở về Washington và kể lại kế hoạch của Abrams cho Kissinger và tổng
thống. Theo Kissinger, Nixon thích kế hoạch này ngay lập tức, nhưng “quyết tâm
không đứng yên trần trụi trước những người chỉ trích mình như ông đã làm vào
năm trước ở Campuchia.” Do đó, ông bắt đầu xây dựng sự đồng thuận tích cực cho
cuộc tấn công trong số các cố vấn của mình.
Để làm như vậy, ông đã thiết lập một loạt các cuộc phúc trình cho các
thành viên nội các và các cố vấn chủ chốt khác, trong đó ông có thể tiếp xúc với
từng người một. Trước tiên, ông nhắm vào Laird. Vào ngày 23 tháng 12, Haig báo
cáo cho Nixon lần nữa , nhưng lần này có sự hiện diện của Laird. Sau cuộc họp,
Nixon nói với Laird rằng mình ủng hộ chiến dịch được đề xuất và muốn Laird xem
xét kế hoạch khi ông ta đến thăm Sài Gòn vào đầu tháng 1. Theo Kissinger, Laird
ủng hộ khái niệm về một chiến dịch xuyên biên giới nhằm cắt đứt Đường mòn Hồ
Chí Minh, lập luận rằng điều đó sẽ kéo dài ít nhất một năm và một chiến dịch tấn
công lớn thành công của miền Nam mà không có sự hỗ trợ trên bộ của Hoa Kỳ sẽ là
bằng chứng rõ ràng về sự thành công của chiến dịch Việt Nam hóa. Vào ngày 21
tháng 12 năm 1970, Nixon đã chấp thuận về nguyên tắc chiến dịch Lào, tùy thuộc
vào việc xem xét cuối cùng trước khi thực hiện.
Do phiên bản sửa đổi của Tu chính
án Cooper-Church, được thông qua sau cuộc xâm lược Campuchia, quân đội Mỹ đã bị
Quốc hội cấm vượt biên giới. Ngoài ra, không có cố vấn nào được phép đi cùng
các đơn vị Quân miền Nam vào Lào. Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ chỉ giới hạn ở không
quân chiến thuật, trực thăng và pháo binh tầm xa (hoạt động từ các căn cứ hỏa lực
của miền Nam trên biên giới). Tuy nhiên, tổng thống tin rằng Quân miền Nam có
khả năng thực hiện các cuộc tấn công này cùng với lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ
vẫn ở lại miền Nam vào đầu năm 1971. Đô đốc Moorer đảm bảo với ông rằng miền
Nam có thể hoàn thành nhiệm vụ nếu được không quân Hoa Kỳ bảo vệ.
Trong khi MACV làm việc trên các kế hoạch dự phòng, Nixon và các cố vấn của
ông tiếp tục thảo luận về các hoạt động được đề xuất. Sau khi Laird trở về từ
Sài Gòn, tổng thống đã tổ chức một cuộc họp tại Phòng Bầu dục vào ngày 18 tháng
1 năm 1971, có sự tham dự của Kissinger, Laird, Rogers, Helms, Moorer và Haig.
Laird đã báo cáo về chuyến đi và các cuộc trò chuyện của mình với Abrams,
Bunker và Thiệu. Trong một cuộc họp kéo
dài gần ba giờ, Laird đã xem xét tình hình quân sự và chính trị ở miền Nam và
sau đó thảo luận về các hoạt động được đề xuất tại Lào và Campuchia. Trong cuộc
thảo luận mọi người đều đồng thuận là nếu thành công, chiến dịch sẽ ngăn chặn sự
tập kết quân của Bắc Việt, trì hoãn bất kỳ cuộc tổng tấn công nào của Cộng sản,
có thêm ít nhất sáu tháng nữa để chương trình Việt Nam hóa được tiến hành, cho
phép các cuộc rút quân của Hoa Kỳ tiếp tục theo đúng lịch trình và ngăn cản
quân địch khỏi các “cuộc phiêu lưu” tiếp theo. Nixon cảm thấy rằng một chiến dịch
thành công có thể thuyết phục Bắc Việt đàm phán một cách thiện chí và nhấn mạnh
thêm rằng các hoạt động này có thể “có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ quá
trình tiến hành chiến tranh”. Cuộc thảo
luận cũng tập trung vào một vấn đề quan trọng khác, một vấn đề mà Đô đốc Moorer
đã quan sát thấy trong một bản ghi nhớ trước đó gửi cho Laird: hoạt động này là
cơ hội cuối cùng để miền Nam tiến hành một hoạt động lớn chống lại các nơi ẩn
náu của kẻ thù trong khi lực lượng Hoa Kỳ còn đủ mạnh để hỗ trợ. Haig sau đó đã viết rằng những người đã đúc kết
cho tổng thống về kế hoạch này rất lạc quan về thành công của nó, nhưng tất cả
đều đồng ý rằng “yếu tố chính là sự yểm
trợ quân sự toàn diện của Hoa Kỳ cho Quân miền Nam.” Đây là một bình luận khá bộc lộ về lối suy
nghĩ phổ biến đối với tình trạng của quá trình Việt Nam hóa, nhưng như Tướng
Haig chỉ ra trong hồi ký của mình, thành công của Việt Nam hóa “không liên quan
nhiều đến hiệu quả quân sự của nó. Việt Nam hóa là một thành công không phải ở
Việt Nam mà là ở Hoa Kỳ, trong khi như Bộ trưởng Quốc phòng [Laird] và phe của
ông đã hy vọng và mong muốn, nó đã làm giảm thái độ phản đối chiến tranh trong
Quốc hội và các phương tiện truyền thông bằng cách đưa ra một chương trình hứa
hẹn chấm dứt hoàn toàn thương vong của người Mỹ. . . . Nhưng số thương vong của
người Mỹ giảm không liên quan nhiều đến hiệu quả quân sự của lực lượng vũ trang
miền Nam.” Tuy nhiên, Nixon đã chấp thuận tạm thời để tiến hành lập kế hoạch
chi tiết cho hoạt động xuyên biên giới vào Lào, có mật danh là Lam Sơn 719.
Khi quá trình lập kế hoạch quân sự tiếp tục, Kissinger bắt đầu nghi ngờ về
hoạt động này. Vào ngày 25 tháng 1, ông đã gặp Đô đốc Moorer. Kissinger lý luận
rằng nếu khu vực Tchepone rõ ràng rất quan trọng đối với nỗ lực tiếp tế của Bắc
Việt như vậy, thì chắc chắn Cộng sản sẽ chiến đấu hết mình để giữ lại khu vực
này. Lo ngại về khả năng thương vong cao của miền Nam, ông đặt câu hỏi về khả
năng tự hoạt động của lực lượng QLVNCH mà không có nhóm cố vấn và kiểm soát
viên không quân Hoa Kỳ đi kèm bên họ trên trận địa. Moorer đảm bảo với ông rằng
miền Nam có khả năng xử lý cuộc tấn công và rằng không quân Hoa Kỳ có thể cô lập
chiến trường để duy trì tỷ lệ lực lượng ở mức có thể kiểm soát được. Kissinger báo cáo các cuộc trò chuyện của
mình với Moorer trong một bản ghi nhớ gửi cho tổng thống và sắp xếp để Moorer
nói chuyện với Nixon vào ngày hôm sau. Khi họ gặp nhau, Moorer “khẳng định” với
tổng thống rằng chiến dịch này là hợp lý, nói rằng kết quả “có tính quyết định”
là có thể xảy ra.
Mặc dù tổng thống bị thuyết phục bởi những dự đoán như vậy, nhưng Ngoại
trưởng Rogers thì không. Trong một cuộc họp vào ngày 29 tháng 1, ông đã thúc giục
tổng thống xem xét lại quyết định của mình, khẳng định rằng chiến dịch này quá
rủi ro. Ông chỉ ra rằng khi còn nhậm chức chỉ huy MACV, Tướng Westmoreland cũng
đã xem xét một chiến dịch tương tự, và ông đã ước tính rằng cần đến 4 sư đoàn
Hoa Kỳ để hoàn thành nhiệm vụ. Kế hoạch hiện tại đang được xem xét liên quan đến
việc sử dụng quân số miền Nam ít hơn nhiều. Do đó, đối với Rogers, một thất bại
của Quân miền Nam gần như chắc chắn, và ông cảm thấy rằng thiệt hại đối với nỗ
lực Việt Nam hóa có thể là không thể khắc phục được. Ngoài ra, ông tin rằng những người phản đối
Nixon tại Quốc hội sẽ cáo buộc rằng hoạt động này trái với tinh thần, nếu không
muốn nói là văn bản, của Tu chính án Cooper-Church. Theo Kissinger, Nixon đã xem xét hầu hết những
phản đối của Rogers và nghĩ rằng vị ngoại trưởng “đơn giản là không biết mình
đang nói gì”. Tổng thống đã ra lệnh phát động chiến dịch, và chủ tịch Hội đồng
Tham mưu trưởng Liên quân đã chính thức chấp thuận vào ngày 4 tháng 2 năm 1971.
Nhận xét
Đăng nhận xét