BỎ RƠI VIỆT NAM:-27-MẶT TRẬN KONTUM

 
BỎ RƠI VIỆT NAM:
27-MẶT TRẬN KONTUM

Trong khi lực lượng miền Nam ở Quảng Trị và An Lộc chiến đấu để sống còn trước các cuộc tấn công ban đầu của QĐNDVN trong quân khu của họ, Trung tướng Ngô Dzu, tư lệnh Quân đoàn II, và cố vấn của ông, John Paul Vann, đã chuẩn bị cho những gì họ chắc chắn sẽ là một cuộc tấn công sắp xảy ra của Cộng sản ở Quân Khu II. Họ đã theo dõi sự gia tăng quân địch ở vùng căn cứ 609 trong vùng biên giới ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào kể từ đầu năm và ngày càng lo ngại trước các báo cáo về xe tăng, pháo hạng nặng và vũ khí phòng không được nhìn thấy di chuyển qua khu vực.  Theo đó, họ đã kêu gọi B-52 và các cuộc không kích chiến thuật đánh vào vùng căn cứ và bắt đầu tăng cường phòng thủ các thủ phủ của tỉnh Kontum và Pleiku. Đầu tháng 2, họ đã di chuyển Sư đoàn bộ binh 22 và Trung đoàn 47 từ căn cứ hậu phương của họ ở tỉnh Bình Định đến khu vực Tân Cảnh-Đăk Tô để gia nhập Trung đoàn 42, đã được triển khai ở đó một thời gian. Mục đích của động thái này là đặt phần lớn sư đoàn QĐVNCH vào giữa các khu vực tập kết của QĐNDVN và thị trấn Kontum.
 
Trong khi Dzu và Vann chuẩn bị để chống lại cuộc tấn công sắp xảy ra của BV, các lực lượng Cộng sản đã sẵn sàng để mở cuộc tấn công vào Quân khu II. Dưới quyền kiểm soát của Mặt trận B-3, các sư đoàn 2, 3 và 320 của QĐNDVN, tổng cộng hơn 20.000 quân và 400 xe tăng yểm trợ, đã chiếm giữ các vị trí xuất kích. Mặc dù các cuộc chạm trán với địch tăng lên vào tháng 2 và đầu tháng 3, quân Bắc Việt vẫn chưa mở một cuộc tấn công toàn diện. Vào ngày 30 tháng 3, quân Bắc Việt bắt đầu khai hỏa pháo hạng nặng vào các căn cứ yểm trợ hỏa lực dọc theo khu vực “Rocket Ridge” ở phía tây Kontum và phía tây nam Tân Cảnh, nhưng quân Bắc Việt vẫn chưa mở các cuộc tấn công lớn trên bộ hiện đang diễn ra ở Quân đoàn I và III. Các nhà phân tích tình báo của Quân đoàn II vào thời điểm đó cảm thấy rằng “Quân đội Bắc Việt đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp, và có vẻ như họ đã không chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng ra trận.”(Xem Bản đồ 11).
 
Vào ngày 3 tháng 4, bộ đội đặc công tấn công sân bay tại Phụng Hoàng, gần Đăk Tô. Một bộ đội thuộc Trung đoàn Công binh 400 (Quân đội Bắc Việt) bị bắt làm tù binh trong cuộc tấn công này cho biết rằng chiến dịch Mặt trận B-3 tại Quân khu II, được gọi là “Trường Sơn Chuyển Mình”, sẽ được tiến hành trong hai giai đoạn. Trong Giai đoạn I, lực lượng Bắc Việt  sẽ phá hủy các căn cứ quân sự của Quân đội Việt Nam Cộng hòa tại Tỉnh Kontum và mở đường cho địch tiếp tục di chuyển vào khu vực. Trong Giai đoạn II, quân Bắc Việt sẽ chiếm Bến Hét, Dak To, Tân Cảnh và cuối cùng là thị trấn Kontum. Kiểu tấn công bằng pháo binh và thăm dò trận địa sơ khởi tiếp tục trong một số ngày khi lực lượng Bắc Việt được điều động đến vị trí xuất kích cuối cùng của họ. Trong khi đó, Dzu và Vann duy trì áp lực lên quân BV bằng B-52 và các cuộc không kích chiến thuật.
 
Vào ngày 11 tháng 4, quân BV đã phát động cuộc tấn công ở Quân khu II bằng một cuộc tập kích dữ dội vào CCYTHL Charlie, Six, Zulu và Yankee, cũng như Trại Biệt kích Bến Hết ở phía tây Dak To. Cùng lúc đó, quân BV đã ra sức ngăn chặn tuyến tiếp tế quan trọng nối liền các thành phố Qui Nhơn và Pleiku. Rõ ràng, lực lượng Cộng sản đang cố gắng tách bờ biển khỏi Cao nguyên Trung phần để tước đoạt Sài Gòn khả năng tăng cường và tiếp tế cho lực lượng miền Nam ở Cao nguyên.
 
Vào ngày 14 tháng 4, QĐVNCH từ bỏ  Căn cứ Charlie dưới áp lực nặng nề của kẻ thù, nhưng cuộc rút lui diễn ra có trật tự và quân miền Nam đã khiến quân Bắc Việt phải trả giá đắt cho chiến thắng của mình. Một kiểm soát viên không quân tiền phương của Hoa Kỳ đã báo cáo, “Những chiến sĩ Charlie bị áp đảo về số lượng, nhưng họ đã trụ vững. . . . Họ không hề vỡ trận. Họ đã khiến quân đỏ phải tiến chiếm từng boongke một. Họ chỉ không bỏ trận địa và tháo chạy. . . .”
 
Thật không may, thành tích đáng khen ngợi như vậy của quân miền Nam không phải lúc nào cũng duy trì trong cuộc giao tranh dữ dội sắp tới. Đến ngày 20 tháng 4, Tân Quan và Hoài An, các quận lỵ ở Tỉnh Bình Định, đã rơi vào tay quân Bắc Việt. Vào ngày 23 tháng 4, bộ đội Bắc Việt tấn công Tân Cảnh, sở chỉ huy của Sư đoàn 22 của QĐVNCH, với toàn bộ lực lượng xe tăng, bộ binh và pháo binh.  Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đã sử dụng lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam tên lửa chống tăng dẫn đường bằng dây AT-3 “Sagger” do Liên Xô sản xuất. Đồng thời, họ cắt đứt Đường 14 tại ba địa điểm phía trên Đăk Tô và phía nam Tân Cảnh, trên thực tế đã cô lập Tân Cảnh và Đăk Tô khỏi thị trấn Kontum. Vào thời điểm này, theo Đại tá Phillip Kaplan, cố vấn cấp cao của Sư đoàn 22, Đại tá Lê Đức Đạt, sĩ quan chỉ huy, đã suy sụp dưới áp lực khủng khiếp. “Đạt thực sự suy sụp tinh thần”, Kaplan nhớ lại, báo cáo rằng Đạt đã nói, “Chúng ta sẽ thua, chúng ta sẽ bị tràn ngập, tất cả chúng ta sẽ bị giết chết hoặc bị bắt”. Biết rằng Đạt vẫn còn 1.200 binh lính bên trong căn cứ, Kaplan đã thúc giục ông cố thủ, nhưng Đạt đã bị tê liệt vì sợ hãi và binh lính của ông cũng vậy.  Vào ngày 24 tháng 4, khi binh lính phòng vệ miền Nam đang sợ hãi chờ đợi trong các boongke của họ, quân Cộng sản đã bao vây Tân Cảnh và chiếm căn cứ mà không gặp khó khăn gì, tiến vào sở chỉ huy của Sư đoàn 22 hầu như không gặp phải sự kháng cự nào. Mặc dù có các máy bay tiêm kích-ném bom và trực thăng vũ trang Spectre luôn hiện diện, quân phòng ngự miền Nam đã sụp đổ; ngay sau đó kẻ thù đã chiếm được Dak To. Một cố vấn cấp cao của Quân đội Hoa Kỳ sau đó đã mô tả tình hình: “Tôi nghĩ lý do khiến họ tan vỡ và bỏ chạy ngay  lúc đầu là do sự xuất hiện bất ngờ của xe tăng. Họ chưa bao giờ chiến đấu với xe tăng trước đây. Họ có rất nhiều thiết bị chống tăng, nhưng không ai có thể hình dung ra hàng loạt xe tăng T-54 và T-59 rầm rầm tiến tới. . . . Những đơn vị cho dù tốt nhất khi hoàn toàn bất ngờ có thể bỏ chạy và vỡ trận.”
 
Sư đoàn 22, không phải là một trong những đơn vị QĐVNCH tốt nhất, đã khuất phục trước tác động tâm lý của các cuộc tấn công dữ dội. Khi quân miền Nam chạy trốn khỏi khu vực Tân Cảnh-Đắk Tô trong nỗi kinh hoàng, họ đã bỏ lại 23 khẩu lựu pháo 155 mm, 10 xe tăng M-41 và 16.000 viên đạn cho kẻ thù. Sau những trận chiến này và cuộc rút lui sau đó, Sư đoàn 22 QĐVNCH không còn là một đơn vị đạt hiệu quả chiến đấu, và cuối cùng, chỉ huy sư đoàn đã bị cách chức. Điều duy nhất làm chậm cuộc tấn công của kẻ thù là sức mạnh không quân chiến thuật. Thương vong về phía các nhân viên cố vấn Mỹ của Sư đoàn 22 trong những trận chiến này là 4 chết, 1 bị thương và 10 mất tích trong chiến đấu; Kaplan và 8 cố vấn đồng đội của ông đã được trực thăng Hoa Kỳ sơ tán khi kẻ thù tràn ngập các vị trí của miền Nam tại Tân Cảnh. Trong khi quân BV chiếm Dak To, các lực lượng Cộng sản bổ sung đã cắt đứt Đường 1, đẩy hầu hết các đơn vị miền Nam đang bảo vệ con đường khỏi cứ điểm của họ và thực sự giành được quyền kiểm soát gần như toàn bộ Tỉnh Bình Định.
 
Khi Quân đội Bắc Việt tiếp tục các cuộc tấn công vào An Lộc và Quân đoàn II, họ tiếp tục gia tăng áp lực ở Quảng Trị. Tướng Lãm, tư lệnh Quân đoàn I, đã khởi xướng Chiến dịch Quang Trung 729 vào ngày 14 tháng 4. Thay vì là cuộc phản công mà Lãm hy vọng một cách phi thực tế, chiến dịch này chẳng khác gì là sự tiếp tục của cùng một hoạt động đã diễn ra. Các lực lượng miền Nam đã chạm trán với quân Bắc Việt và không muốn tiến lên. Đến cuối tuần, QĐVNCH đã tiến về phía trước cách tuyến xuất phát chưa đầy 500 mét.  Như một cựu tướng lĩnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã viết sau chiến tranh, “QUANG TRUNG không diễn tiến như một trận tấn công, mà đúng hơn là một trận chiến tiêu hao tốn kém tại chỗ, trong đó các tiểu đoàn của miền Nam bị suy giảm dần về sức mạnh và hiệu quả do hỏa lực pháo binh chết người của đối phương.” Tinh thần binh lính miền Nam tại Quân đoàn I giảm mạnh.
 
Các vấn đề mới về chỉ huy và kiểm soát lại nổi lên. Bộ tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến và Bộ Tư lệnh Biệt động, cả hai đều tiếp tục bị loại khỏi cơ cấu chỉ huy và kiểm soát, tỏ ra  thắc mắc về tài chỉ huy của Tướng Giai và thậm chí còn ban hành các chỉ thị và mệnh lệnh trái ngược với chỉ thị và mệnh lệnh của Giai, do đó làm phức tạp và gây nhầm lẫn cho chuỗi quân lệnh tại Quân đoàn I và ức chế việc tiến hành phòng thủ hiệu quả chống lại các cuộc tấn công của địch. Vào ngày 18 tháng 4, QĐNDVN bắt đầu một nỗ lực phối hợp để chiếm Quảng Trị bằng một cuộc tấn công ồ ạt  vào khu vực phía tây của Sư đoàn 3.  Giống như những gì đã xảy ra ở An Lộc, sự hỗ trợ trên không chiến thuật của Hoa Kỳ và B-52 đã phá vỡ thế tấn công và tạo cho QĐVNCH một cơ hội tốt để phản công. Tuy nhiên, quân đội miền Nam đã không biết nắm bắt thời cơ và vẫn nán lại trong boongke của họ.
 
Tuần sau, tuyến phòng thủ tại Đông Hà và dọc theo Sông Cửa Việt sụp đổ, không phải vì hành động của kẻ thù, mà là do tình trạng hoảng loạn của quân miền Nam. Chỉ huy Lữ đoàn Thiết giáp số 1 đã ra lệnh cho đội xe tăng số 20 của mình trên tuyến Cửa Việt chuyển hướng về phía nam dọc theo Đường 1 để dọn sạch các phần tử địch ở đó. Binh lính miền Nam án ngữ dọc theo tuyến, nhìn thấy xe tăng địch di chuyển về phía nam, đã hoảng loạn và tan rã hàng ngũ, chạy xuống đường cao tốc hướng về Quảng Trị. Tuyến phòng thủ Cửa Việt, vốn rất hiệu quả trong gần một tháng, đã bị bỏ rơi mà không có cuộc giao chiến nào.  Chỉ huy Sư đoàn 3 biết về thảm họa quá muộn để làm bất cứ điều gì và cố gắng tái lập một tuyến phòng thủ ở phía tây Quảng Trị và phía bắc sông Thạch Hãn.
 
Trong những ngày tiếp theo, lực lượng phòng vệ, vốn đã bị lung lay, lại càng mất tinh thần hơn nữa khi bị pháo binh của địch liên tục tấn công. Vào ngày 27 tháng 4, bộ đội BV, cố gắng tận dụng thời tiết xấu, đã khởi xướng một cuộc công kích mới để chiếm thành phố Quảng Trị. Trong suốt cả ngày, hầu như tất cả các đơn vị của Sư đoàn 3 miền Nam đều chạm trán với quân địch. Ngày hôm sau, xe tăng địch tiến đến Cầu Quảng Trị, chỉ cách thành phố hai km về phía tây nam. Hoảng sợ trước xe tăng, quân phòng thủ miền Nam nhanh chóng mất kỷ luật và bỏ hàng ngũ, chạy về phía nam dọc theo Đường 1.
 
Trong khi đó, ở những nơi khác trên tuyến phòng thủ, pháo binh của quân địch và các cuộc tấn công liên tiếp trên bộ đã khiến Trung đoàn 57 không còn hiệu quả trong chiến đấu.  Vào ngày 30 tháng 4, Tướng Giai nhận định rằng tuyến phòng thủ của mình không thể duy trì được và ra lệnh cho lực lượng chuẩn bị rút lui về phía nam sông Thạch Hãn, để lại Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 147 là đơn vị duy nhất ở phía bắc sông. Sáng hôm sau, khi các đơn vị đang chuẩn bị di chuyển, Tướng Lãm đã gọi cho Tướng Giai và phản đối lệnh của sư đoàn trưởng, nói rằng Sư đoàn 3 và các đơn vị phụ thuộc phải ở lại nơi họ đang ở và giữ nguyên vị trí của mình bằng mọi giá. Sự thay đổi lệnh vào phút chót đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn hoàn toàn.
 
Một số đơn vị đã di chuyển đến vị trí mới, một số khác đang trên đường đến, và ở một số đơn vị khác nữa, các chỉ huy đơn vị từ chối ban lệnh mới cho quân lính của họ. Do đó, hàng phòng thủ của Sư đoàn 3  đã hoàn toàn sụp đổ. Các đơn vị ở phía bắc con sông tràn về và “tiếp tục tiến về phía nam với sức mạnh không thể kiểm soát của một trận lũ trên một con đập bị vỡ.” Các đơn vị cơ giới đến Cầu Quảng Trị không thể vượt qua, vì cây cầu đã bị phá hủy trong tình trạng hỗn loạn. Họ bỏ lại xe cộ và thiết bị của mình và lội bộ qua sông. Ở bờ nam con sông, binh lính trong các đơn vị bộ binh đã thiết lập phòng tuyến dọc theo con sông, nhìn thấy ngày càng đông đúc binh sĩ miền Nam, xe tăng và xe cộ tiến về phía nam với tốc độ cao, đã bỏ vị trí của họ và gia nhập dòng người chạy trốn khỏi hàng ngũ. Khi xe tăng và xe cơ giới hết xăng, tài xế và đồng đội đã bỏ xe và tiếp tục đi bộ. Chỉ huy Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 147, vẫn ở phía bắc con sông và là đơn vị duy nhất còn lại bảo vệ thành phố, đã tự nhận định tình hình là vô vọng và ra lệnh cho đơn vị của mình rút lui, để lại vị chỉ huy Sư đoàn 3 và bộ tham mưu của ông ta một mình trong thành phố không được bảo vệ. Sau đó, Tướng Giai và các sĩ quan tham mưu của ông lên ba xe bọc thép chở quân và cố gắng bắt kịp những người lính đang bỏ chạy. Các trực thăng của Hoa Kỳ đã đến để giải cứu các nhân viên cố vấn của sư đoàn và các nhân viên người Việt của họ.  Không thể gia nhập quân đội của mình, nhóm của Giai đã quay trở lại sở chỉ huy cũ, nơi họ cũng được trực thăng Hoa Kỳ đón. Khi bộ đội tiến vào thành phố, Quảng Trị trở thành thủ phủ tỉnh đầu tiên rơi vào tay Cộng sản trong chiến tranh. Sau đó, Tướng Giai đã bị cách chức và bị đưa ra tòa án quân sự vì vi phạm nhiệm vụ và bỏ rơi sư đoàn của mình. Nhiều người Mỹ nghĩ rằng Tướng Lãm cũng nên bị đưa ra tòa án binh, nhưng Giai đã trở thành vật tế thần cho toàn bộ thảm họa ở Quân khu I.
 
Trong quá trình chiếm giữ thủ phủ, các tay súng miền Bắc đã nhắm vào đám đông binh sĩ và dân thường đổ xô xuống Đường 1, nơi được gọi là “Đại lộ Khủng bố”. Đến ngày 2 tháng 5, toàn bộ tỉnh Quảng Trị đã nằm trong tay QĐNDVN, và Cộng sản có thể chuyển sự chú ý của mình sang Tỉnh Thừa Thiên và kinh đô vương quốc cũ tại Huế.  Abrams, không tin Kontum và Huế có thể trụ vững,  đã gửi điện cho Washington rằng “giới lãnh đạo cấp cao [Nam Việt Nam] đã bắt đầu buông xuôi và trong một số trường hợp sụp đổ . . . mất đi ý chí, và không thể trông cậy để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đứng vững và chiến đấu.”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến