Tổng thống Trump yêu cầu quan chức
không dự kỷ niệm
30/4 ở Việt Nam
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các nhà ngoại
giao cấp cao của Mỹ tại Việt Nam không tham gia các sự kiện kỷ niệm 50 năm kết
thúc chiến tranh - một động thái mà Việt Nam có lẽ cần xem xét nghiêm
túc.
Bốn quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên nói với báo The New York Times rằng
Washington gần đây đã chỉ đạo các nhà ngoại giao cấp cao — bao gồm cả Đại sứ
Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper — tránh tham gia các hoạt động liên quan đến lễ kỷ
niệm 30/4.
Đây là ngày kết thúc của cuộc chiến mà Việt Nam gọi là Kháng chiến
chống Mỹ cứu nước. Cuộc chiến này được biết đến từ phía Mỹ và báo chí phương
Tây với tên gọi Chiến tranh Việt Nam - Vietnam War.
Ông Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2022, là con trai của một
cựu chiến binh thời Chiến tranh Việt Nam. Trên cương vị chính thức, ông Knapper
luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ với sứ mệnh ngoại giao, đó là nỗ lực củng cố
quan hệ giữa hai nước.
Trong một bài viết đăng vào tháng này trên Foreign Service Journal –
chuyên san chính thức của Hiệp hội Ngoại giao Hoa Kỳ (AFSA) – ông Knapper đã
kể lại chuyến đi đến Việt Nam cùng cha và con trai vào năm 2004, mô tả chuyến
đi là "một lời nhắc nhở rõ ràng về những hy sinh của cả hai phía và giá trị
bền bỉ của hòa giải."
"Với tư cách đại sứ, tôi tin rằng để thực sự củng cố quan hệ giữa
hai nước, chúng ta cần gắn kết sâu sắc và trực tiếp với người dân và lãnh đạo
Việt Nam," ông viết.
The New York Times thông tin thêm rằng các hoạt động được đề cập tới
bao gồm một buổi tiệc chiêu đãi tại khách sạn vào ngày 29/4 với sự tham dự của
các lãnh đạo cấp cao trong chính quyền Việt Nam, cũng như một cuộc diễu hành
quy mô lớn vào ngày 30/4.
Các cựu chiến binh Mỹ quay trở lại Việt Nam cũng được thông báo rằng họ
phải tự mình lo liệu cho các cuộc tọa đàm công khai do họ tổ chức về chiến
tranh, hòa giải và các sự kiện kỷ niệm.
"Tôi thực sự không hiểu nổi," ông John Terzano - người sáng lập
Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF), từng chiến đấu ở Việt Nam và
đã tham dự các sự kiện kỷ niệm trong nhiều thập kỷ – nói.
"Là người đã dành cả đời cho sự nghiệp hòa giải và chứng kiến quá
trình đó phát triển mạnh mẽ trong khoảng 20 năm qua, tôi thấy đây thực sự là một
cơ hội bị bỏ lỡ."
"Mỹ không cần làm gì ngoài việc tới dự thôi," ông Terzano
nói thêm với The New York Times từ Hà Nội.
Ngôn ngữ của 'bên thắng cuộc'
Từ trước tới nay, chính quyền Việt Nam và báo chí luôn tự hào
về sự phát triển trong quan hệ hai nước.
Ví dụ, vào tháng 9/2023, trong tiệc chiêu đãi Tổng thống Mỹ Joe
Biden khi ông thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn
Thưởng đã có bài phát biểu "nhấn mạnh sự phát triển của quan hệ hai
nước, từ cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, cho rằng đây thực sự
là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau
chiến tranh", theo Thông tấn xã Việt Nam.
Nhưng với cuộc chiến trong quá khứ, về phía Việt Nam, mỗi khi tới lễ
kỷ niệm 30/4, những diễn ngôn về "cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu
nước" và "lên án tội ác" của Mỹ lại tràn ngập trên các
mặt báo.
Lần này, tròn 50 năm kết thúc chiến tranh, Việt Nam đang thực
hiện một lễ diễu binh quy mô lớn chưa từng có, với sự tham gia của
Campuchia, Lào và Trung Quốc.
Theo dự kiến, lộ trình diễu binh ngày 30/4 sẽ bắt đầu từ giao
lộ Nguyễn Bình Khiêm, đi dọc đường Lê Duẩn, ngang qua Dinh Độc Lập và
sau đó chia thành bốn hướng. Do đó, đoàn diễu binh sẽ đi qua tòa Tổng
Lãnh sự Mỹ tại TP HCM nằm ở đường Lê Duẩn.
Cột mốc 50 năm kết thúc chiến tranh là một dịp quan trọng và phía Việt
Nam có đầy đủ lý do để tổ chức một lễ ăn mừng hoành tráng, như họ đang làm. Tuy
nhiên, xét bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang cần giữ cân bằng trong quan hệ với
các cường quốc, trong đó việc củng cố quan hệ với Mỹ là một trong những ưu
tiên. Trước mắt, Việt Nam cần thuyết phục để Tổng thống Donald Trump hạ mức
thuế quan 46% dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng Bảy tới. Và trong dài
hạn, với vị thế là một cường quốc kinh tế, công nghệ, là thị trường dẫn đầu
toàn cầu, Mỹ vẫn là đối tác mà Việt Nam cần xây dựng một mối quan hệ gần gũi.
Do đó, phản ứng của Tổng thống Donald Trump, ra lệnh cho quan chức ngoại
giao không "dính đến" hoạt động kỷ niệm 30/4 của Việt Nam, là một động
thái mà phía Hà Nội cần phải lưu tâm suy xét.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt về chủ đề 30/4, khi hỏi đến
mối quan hệ Việt-Mỹ thì nhà nghiên cứu Nayan Chanda (Ấn Độ) nhắc đến Washington
đã ra lệnh cho phái bộ của mình tại Việt Nam không tham gia lễ kỷ niệm.
Ông bình luận: "Điều đó cho thấy một thái độ rất khác so với trước
đây của Hoa Kỳ. Tôi không biết, thật khó nói, nhưng có lẽ điều này sẽ cản trở
tiến trình củng cố quan hệ, phần nào làm gián đoạn quá trình tiếp tục hòa giải.
"Tất cả các tổ chức cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam -
những tổ chức vốn đã được khuyến khích rất nhiều dưới chính quyền trước trong
việc phát triển quan hệ và khôi phục tình hữu nghị với Việt Nam - giờ đây sẽ gặp
nhiều khó khăn hơn với thái độ này từ phía chính phủ."
Ông Nayan Chanda, khi còn là phóng viên của tờ Far Eastern Economic
Review, từng có mặt tại Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975 và chứng kiến khoảnh
khắc Sài Gòn thất thủ. Về sau, ông đã viết sách Brother Enemy (tạm dịch: Huynh
đệ tương tàn) nói về thời hậu chiến Việt Nam và các cuộc xung đột giữa Việt Nam
với Trung Quốc, Campuchia Dân chủ (Khmer Đỏ).
Ông chia sẻ với BBC rằng vợ chồng ông được Bộ Ngoại giao Việt Nam mời tới
dự lễ kỷ niệm 50 kết thúc chiến tranh.
Viết trên Facebook cá nhân, Kiến trúc sư Dương Quốc Chính từ Hà Nội
cho rằng động thái này "sẽ khiến cho chương trình kỷ niệm 50 năm của Việt
Nam cần được xem xét lại một cách cực kỳ cẩn trọng".
"Chủ yếu sẽ là những nội dung tuyên truyền chửi Mỹ nên được cân nhắc
để lọc bỏ những nội dung thô thiển (nếu có). Các nhà ngoại giao Mỹ không thể
tham gia sự kiện mà lại có những nội dung kiểu đó," ông viết.
Trong khi đó, nhà báo Hà Quang Minh của báo Công an Nhân dân lại
cho rằng yêu cầu này của chính quyền Trump rất "trẻ con" và
"càng cho thấy rõ hơn chiến thắng 30/04/1975 là chiến thắng của cuộc cách
mạng giải phóng dân tộc mà ở đó, vai trò của Mỹ chính là thực dân kiểu mới và
trá hình."
'Kháng chiến chống Mỹ' và 'Chiến tranh biên giới'
Trên mặt trận truyền thông chính thống, Việt Nam lâu nay thường mô tả
các cuộc chiến với Mỹ và Trung Quốc theo những cách khác nhau.
Khi nói tới Mỹ, truyền thông Việt Nam thường không ngần ngại nêu bật
tính phi nghĩa của Mỹ, nhấn mạnh các tội ác của Mỹ trong cuộc chiến quá khứ.
Còn Trung Quốc vốn là một nhà bảo trợ của Việt Nam trong cuộc chiến với Mỹ
và cùng ý thức hệ cộng sản, Việt Nam có cách tiếp cận khác khi nhắc lại các cuộc
xung đột quân sự giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Khi nói tới cuộc chiến với Trung
Quốc vào năm 1979, tên gọi thường được biết đến nhiều nhất là Chiến tranh bảo
vệ biên giới phía bắc năm 1979. Tên của "kẻ thù Trung Quốc" cũng ít
được nhắc đến một cách chính thức, như cách mà chính quyền Việt Nam hay nhắc tới
Mỹ trong cuộc chiến trước đó.
Trên thực tế, cuộc xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc không
chỉ diễn ra vài tháng vào năm 1979 mà còn kéo dài suốt thập niên 1980, với các
vụ đụng độ giữa bộ binh và các màn pháo kích liên miên giữa hai bên.
Xung đột chỉ thực sự chấm dứt khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào
năm 1991.
Các lễ kỷ niệm cuộc chiến với Trung Quốc không được tổ chức long trọng, với
sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao nhất của trung ương như các lễ mừng chiến
thắng trong cuộc chiến với Mỹ.
Diễn ngôn đã dần thay đổi trong những năm gần đây, với việc tên kẻ
thù "Trung Quốc" được đề cập, nhưng chỉ đạo từ chính quyền
vẫn luôn là "tránh làm căng thẳng quan hệ hai nước".
Sau cuộc chiến ở thế kỷ 20, Việt Nam và Mỹ đã thực hiện một quá trình hòa
giải đầy trắc trở nhưng đã có những bước tiến ngoạn mục. Đầu tiên là các nỗ lực
khắc phục hậu quả chiến tranh vào thập niên 1980, như phía Việt Nam hỗ trợ Mỹ
trong vấn đề tìm kiếm tù binh và quân nhân tử trận, mất tích (POW/MIA). Mỹ cũng
hỗ trợ Việt Nam trong việc xử lý vật liệu chưa phát nổ và chất độc dioxin sót lại
từ thời chiến. Từ đó, đến năm 1995, hai nước đã bình thường hóa quan hệ, thiết
lập cơ quan ngoại giao cấp đại sứ quán.
Trả lời BBC News Tiếng Việt vào ngày 12/4, cựu Đại sứ Mỹ tại Hà Nội
Ted Osius khẳng định rằng việc xây dựng quan hệ và hàn gắn, hòa giải giữa
hai cựu thù là một quá trình dài hơi.
"Tôi cho rằng đây là một quá trình cần làm từ từ. Không chỉ là công
việc của chính quyền mà còn cần phải kể lại một cách trung thực những câu chuyện
đã xảy ra, những đối thoại thẳng thắn kéo dài qua nhiều năm. Có như vậy, một sự
hòa giải toàn diện mới có thể thành hình."
"Với hơn 30 năm đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ, tôi thấy chúng ta
đang đi đúng hướng. Cơ hội để hòa giải giờ đây lớn hơn rất nhiều so với 30 năm
về trước. Và chúng ta nên ghi nhận và nên vui mừng vì đã có những tiến bộ lớn
lao – không chỉ từ sau chiến tranh, mà đặc biệt là trong ba thập niên gần đây,
kể từ khi quan hệ giữa hai nước thực sự được cải thiện," ông Osius khẳng định.
Vào tháng 9/2023, hai cựu thù đã trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện,
cấp quan hệ ngoại giao cao nhất trong các thang bậc ngoại giao của Việt Nam.
Tính đến nay, về mặt kinh tế, Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn
nhất và quan trọng nhất của Việt Nam.
Về mặt quân sự, từ vị trí ở hai chiến tuyến đối nghịch, hai nước đã có
nhiều hoạt động giao lưu, xây dựng quan hệ và hợp tác quốc phòng. Việt Nam
trong những năm gần đây đã nhận các tàu loại biên của Tuần duyên Mỹ để trang bị
cho Cảnh sát biển, cũng như đã mua máy bay huấn luyện của Mỹ. Một số thông tin
cho biết Việt Nam hiện đang đàm phán mua máy bay vận tải quân sự C-130 và chiến
đấu cơ F-16.
Giữa tất cả những tiến triển tích cực ấy, việc Washington "né
tránh" sự kiện 30/4 mà Việt Nam đang rầm rộ tổ chức có thể được coi là một
nốt trầm trong quan hệ, mà chắc chắn Hà Nội không thể phớt lờ.
Trong một bước đi khác, cách đây vài tháng, ông Trump đã đóng băng
tiền viện trợ nước ngoài của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), khiến
Việt Nam chịu ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm việc giải quyết
các di sản chiến tranh.
Nhận xét
Đăng nhận xét