BỎ RƠI VIỆT NAM:-20-CỐ GẮNG KHẮC PHỤC NHỮNG ĐIỂM YẾU CỦA QUÂN ĐỘI MIỀN NAM

 
BỎ RƠI VIỆT NAM:
20-CỐ GẮNG KHẮC PHỤC NHỮNG ĐIỂM YẾU CỦA QUÂN ĐỘI MIỀN NAM

Ngay sau Chiến dịch Lam Sơn 719, Tướng Abrams đã lập ra các chương trình mới để khắc phục những điểm yếu và sai sót đã quá rõ ràng trong chiến dịch. Tại Lào, Bắc Việt chứng minh rõ ràng mình đã từ bỏ chiến thuật du kích để chuyển sang chiến tranh quy ước. Cách duy nhất để chống lại loại chiến tranh này là bằng các hoạt động vũ trang kết hợp tập trung vào sự đồng bộ của bộ binh, thiết giáp, pháo binh và hỗ trợ trên không. Abrams thúc giục Tướng Viên chỉ định một ủy ban để phát triển học thuyết vũ trang kết hợp phù hợp cho QLVNCH sử dụng; ủy ban đã biên soạn Cẩm nang Học thuyết Vũ trang Kết hợp được phê duyệt vào cuối năm 1971. Ngoài ra, các cuộc tập trận cho các đơn vị quân miền Nam đã được khởi xướng để dạy chiến thuật phối hợp không quân-lục quân và hoạt động kết hợp xe tăng-bộ binh. Tướng Abrams chỉ đạo các sĩ quan cấp cao của quân đoàn cố vấn thành lập các nhóm cố vấn và hỗ trợ lưu động để làm việc trực tiếp với các chỉ huy quân đoàn miền Nam nhằm cung cấp “hỗ trợ năng động cho việc sớm đưa vào sử dụng chế độ chiến thuật vũ khí kết hợp mới” trong  quân lực. Sau đó, ông chỉ định thêm một sĩ quan cấp cao của Quân đội làm “cố vấn cơ động trên không” tại mỗi quân khu để giúp phối hợp hỗ trợ trực thăng của Hoa Kỳ cho các đơn vị dã chiến của Nam Việt Nam.
 
MACV cũng thực hiện các bước để cải thiện vũ khí cho đồng minh. Xe tăng T-54 và pháo hạng nặng mà quân BV sử dụng ở Lào đã vượt trội hơn xe tăng M-41 và pháo hạng nhẹ của quân miền Nam. Trong nỗ lực chống lại vũ khí hạng nặng của Cộng sản, MACV đã trang bị một tiểu đoàn xe tăng miền Nam bằng xe tăng chiến đấu chủ lực M-48 nặng hơn của Hoa Kỳ. Ngoài ra, một tiểu đoàn pháo binh đã nhận được pháo tự hành 175 mm để chống lại pháo tầm xa 130 mm của Liên Xô mà BV sở hữu.  Thiết bị mới là một bước đi đúng hướng, nhưng số lượng được cung cấp quá ít nên không có nhiều tác động đáng kể. Như Tướng Davidson đã viết, những nỗ lực này cuối cùng đã chứng minh là một phần của câu chuyện liên tục về “quá ít, quá muộn”.
 
Thiết bị không phải là phương tiện chính để cải thiện khả năng chiến đấu của Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tướng Abrams đã lưu ý vào tháng 7 năm 1971 rằng khả năng lãnh đạo kém vẫn là điểm yếu quan trọng nhất của miền Nam. Điều này chỉ quá rõ ràng trong Chiến dịch Lam Sơn 719. Abrams và các tướng lĩnh cấp cao của ông đã bắt đầu một chiến dịch để thuyết phục Thiệu thay thế các chỉ huy yếu kém ở cấp cao nhất của chuỗi chỉ huy QĐVNCH. Mặc dù tổng thống miền Nam đã thực hiện một vài thay đổi, tiêu chí cho chỉ huy cấp cao trong QĐVNCH vẫn là lòng trung thành về chính trị, thay vì năng lực chỉ huy chiến đấu.  Một đánh giá năm 1971 về tập thể sĩ quan QLVNCH lưu ý rằng quân đội chưa bao giờ có thể tách mình khỏi chính trị và rằng các mối quan hệ gia đình, lòng trung thành cá nhân, và các mối quan hệ quê quán, bạn học và kinh doanh quyết định việc được leo lên các cấp bặc cao hơn. Ngay cả các tướng lĩnh cao cấp của miền Nam cũng nhận ra rằng cần phải làm điều gì đó. Tướng Viên đã viết sau chiến tranh rằng “vấn đề lãnh đạo cần được xem xét đặc biệt là ở cấp quân đoàn và sư đoàn. Việc bổ nhiệm các sĩ quan cấp tướng vào những chức vụ chỉ huy quan trọng này cần phải tránh những mưu tính chính trị và hoàn toàn dựa trên tính chuyên nghiệp và năng lực quân sự. . . . Kỷ luật quân sự cần phải được thực thi nghiêm ngặt ngay cả với các sĩ quan cấp tướng, đặc biệt là khi việc tiến hành một hoạt động lớn và mang tính quyết định đang bị đe dọa.”
 
Tổng thống Thiệu, rõ ràng là quan tâm nhiều hơn đến sự ủng hộ chính trị, đã không dám cách chức những sĩ quan không đủ năng lực nhưng trung thành với ông. Tài chỉ huy khiếm khuyết, lâu nay vẫn thịnh hành trong QLVNCH, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng ở Lào; nếu không được khắc phục, cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng trong các trận chiến sắp tới. Một khía cạnh khác của cuộc khủng hoảng lãnh đạo là nhu cầu phát triển đủ các nhà lãnh đạo cho các lực lượng mở rộng. Để giải quyết vấn đề này, Abrams đã thúc giục miền Nam chú trọng hơn vào việc xác định sớm những người có tiềm năng lãnh đạo, mở rộng số lượng và thời lượng các khóa đào tạo lãnh đạo, và nâng cao tiêu chuẩn của các trường đào tạo lãnh đạo, bao gồm Học viện Quân sự Việt Nam, Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu, và Cao đẳng Quốc phòng. Đây là những biện pháp khắc phục phù hợp, nhưng chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu chúng có tác động đáng kể đến tình hình hay không. Quân đội miền Nam không phải là đối tượng duy nhất mà MACV quan tâm.  Không quân miền Nam không đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ không quân tầm gần trong Chiến dịch Lam Sơn 719. Theo một cựu tướng lĩnh miền Nam, sự tham gia và đóng góp của họ khá khiêm tốn ngay cả theo tiêu chuẩn của QLVNCH “.  Mặc dù Hoa Kỳ đã nỗ lực đáng kể để cải thiện năng lực của Không quân Việt Nam, họ vẫn gặp phải những khó khăn nghiêm trọng trong huấn luyện, trang bị và bảo dưỡng và không hề sẵn sàng để lấp đầy khoảng trống do Không quân Hoa Kỳ nhanh chóng rời đi để lại. Việc thiếu năng lực của KQVN là điềm báo chẳng lành cho các lực lượng mặt đất vốn phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ không quân.
 
Tình hình Việt Nam hóa liên quan đến Hải quân Việt Nam có phần tích cực hơn. Vào tháng 9 năm 1970, HQVN đã đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm cho Chiến dịch Market Time, sứ mạng ngăn chặn ven biển, trong khi Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục chịu trách nhiệm ngăn chặn trên biển. Vào giữa năm 1971, HQVN đã đảm nhận toàn bộ trách nhiệm cho cả hai nhiệm vụ.  Ngoài ra, lực lượng giang thuyền  đảm nhiệm trách nhiệm hộ tống và bảo vệ các đoàn xe tiếp tế trên sông Cửu Long lên đến Neak Luong và Phnom Penh. Đến cuối năm 1970, họ được trang bị hơn 800 giang thuyền và đảm nhận trách nhiệm hoạt động trên toàn bộ hệ thống sông rạch miền Nam trước đây do “hải quân nước nâu” của Hoa Kỳ tuần tra.
 
Khi hải quân đạt được những thành tựu to lớn trong giai đoạn này, Hoa Kỳ tiếp tục tập trung vào các lực lượng không quân và lục quân, những lực lượng cuối cùng phải gánh chịu gánh nặng của cuộc chiến chống lại Bắc Việt. Mặc dù Lam Sơn đã bộc lộ nhiều vấn đề, một báo cáo cuối năm 1971 đã đưa ra đánh giá lạc quan sau đây:
 
“Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã dần cải thiện một phần là do phải đảm nhận phần lớn trách nhiệm chiến đấu khi các lực lượng Hoa Kỳ tái triển khai.  Kinh nghiệm thu được trong việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động xuyên biên giới phức tạp, quy mô lớn, bắt đầu với Lam Sơn 719 vào đầu năm 1971, là vô giá. Trong khi hệ thống chỉ huy và kiểm soát của quân miền Nam còn một chặng đường dài phải đi, nó  chứng tỏ có thể và sẽ hoạt động trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt.
 
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, Tướng Abrams vẫn khá hài lòng với tiến trình Việt Nam hóa. Vào đầu năm 1972, ông tuyên bố rằng “tình trạng sẵn sàng, cảnh giác và hoạt động của lực lượng vũ trang ở đây tại quốc gia này [miền Nam] là cao nhất mà tôi từng thấy, mặc dù một số vẫn còn ngủ quên trên chiến trường”.  Việc rút quân của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục, và Abrams cùng các cố vấn của ông tại chiến trường chắc chắn đã nhận ra rằng thời gian không còn nhiều để chuẩn bị cho miền Nam tiếp quản khi tất cả người Mỹ đã rời đi. Tuy nhiên, Nhà Trắng  tiếp tục rêu rao về những “thành công” của Việt Nam hóa khi ngày càng có nhiều quân đội Hoa Kỳ rời đi.  Bài kiểm tra cuối cùng đối với người miền Nam sẽ diễn ra chưa đầy một năm sau đó trong Chiến dịch Phục sinh của Quân BV năm 1972.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến