Hà Nội gỡ áp phích có hình ảnh chim bồ câu
đứng trên mũ
lính Mỹ
Chính quyền Hà Nội đã cho gỡ một tấm áp phích có hình ảnh
chim bồ câu đứng trên mũ lính Mỹ tại khu vực Hồ Gươm sau khi hình ảnh này lan
truyền trên mạng xã hội, theo xác minh của BBC.
Một số bài đăng trên mạng xã hội với hình ảnh một tấm áp phích có đóng dấu
bản quyền của báo Tiền Phong được lan truyền từ hôm thứ Tư 23/4, với nhiều bình
luận phê bình và yêu cầu gỡ.
Đến chiều 24/4, BBC không tìm được hình ảnh này trên trang web của báo Tiền
Phong.
Phần trên của tấm áp phích khổ lớn có thông điệp chào mừng ''kỷ niệm 50
năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước'' trên nền lá cờ Mặt trận Dân tộc
giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Phần dưới của tấm áp phích có hình ảnh con chim bồ câu trắng – một biểu
tượng của hòa bình – đậu trên một chiếc mũ in dòng chữ USA có vết thủng, bên dưới
là lá cờ Mỹ nhạt màu, đặt trên khẩu hiệu ''Việt Nam toàn thắng'' màu đỏ.
BBC đã xác minh được rằng tấm áp phích này từng đặt tại góc phố Đinh Tiên
Hoàng và phố Lê Thạch trước Vườn hoa Lý Thái Tổ và đã bị gỡ vào tối ngày 23/4.
Đến ngày hôm sau, nó đã được thay bằng một tấm áp phích khác với hình ảnh
chủ đạo là chiếc xe tăng đâm qua cổng Dinh Độc Lập cùng thông điệp ''50 năm giải
phóng miền Nam non sông liền một dải''.
Những ngày gần đây, các áp phích tuyên truyền cổ động kiểu này khoác lên
tấm áo mới cho các con phố lớn tại Hà Nội và TP HCM khi một chuỗi hoạt động
chào mừng đại lễ 30/4 đang diễn ra.
Theo tìm hiểu của BBC, áp phích ''Việt Nam toàn thắng'' được đăng cùng một
loạt tranh cổ động nhân dịp kỷ niệm này trong một bài viết hôm 28/2 trên trang
web chính thức của phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Bài viết này hiện
cũng đã bị gỡ.
Hôm 24/4, một tài khoản Facebook đã đăng bài trong nhóm công khai Góc
nhìn BC-CD có hơn 118.000 thành viên với nội dung: ''Dù thông điệp không sai,
thậm chí là niềm tự hào của dân tộc, nó lại dễ gây hiểu lầm và không có lợi cho
quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là Mỹ.''
Tài khoản này cũng cho rằng tấm áp phích ''đúng nhưng không hợp thời'' tại
Hồ Gươm, trung tâm của thành phố Hà Nội và cũng là ''điểm đến không thể bỏ qua
của du khách quốc tế.''
Viết trên Facebook cá nhân, nhà văn Lưu Trọng Văn hoan nghênh việc gỡ bỏ
áp phích và bình luận rằng dù phải ''tôn trọng'' lịch sử nhưng lợi ích quốc gia
là ''trên hết''.
''Đa số lãnh đạo hiện nay thậm chí là hầu hết tướng lĩnh, liên quan đến
chiến tranh với Trung Quốc chứ không phải liên quan đến chiến tranh với Mỹ.
Nhưng tư tưởng của không ít người đậm đặc lượng thông tin không ưa Mỹ, vì Ý thức
hệ của Mỹ đối ngược với Ý thức hệ mà họ đeo đuổi, bám giữ. Trong khi đó, Trung
Quốc luôn khôn ngoan ca ngợi tình đồng chí… đỏ, cùng chung vận mệnh Ý thức hệ với
họ, điều đó đồng nghĩa về sự an toàn chế độ,'' ông Văn viết.
''Việc Tổng thống Trump không cho quan chức Mỹ dự lễ 30/4 thực chất là muốn
tỏ một thái độ: đã là 'đối tác chiến lược toàn diện' như nhau thì phải công bằng!''
Sự cố áp phích này diễn ra không lâu sau khi có thông tin chính quyền Tổng
thống Donald Trump đã yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Việt Nam
không tham gia các sự kiện kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh.
Bốn quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên nói với báo The New York Times rằng
Washington gần đây đã chỉ đạo các nhà ngoại giao cấp cao — bao gồm cả Đại sứ
Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper — tránh tham gia các hoạt động liên quan đến lễ kỷ
niệm 30/4.
Đây là ngày kết thúc của cuộc chiến mà Việt Nam gọi là Kháng chiến
chống Mỹ cứu nước. Cuộc chiến này được biết đến từ phía Mỹ và báo chí phương
Tây với tên gọi Chiến tranh Việt Nam - Vietnam War.
Tại một buổi họp báo ngày 24/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng
cho biết phía Việt Nam chưa được biết về "tính chính xác của thông tin này
trên tờ New York Times".
"Chiến thắng 30-4 chiến thắng của lương tri, của chính nghĩa, chấm dứt
mất mát đau thương không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn biết bao gia đình người
dân Mỹ. Những năm qua đã chứng kiến nỗ lực to lớn của nhiều thế hệ người dân Việt
Nam và người dân Mỹ để hai nước phát triển quan hệ như ngày hôm nay,'' bà nói.
Bà cũng cho biết nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, chính đảng quốc tế và các đại
biểu khác đã nhận lời mời tham gia lễ kỷ niệm 30/4 của Việt Nam, trong đó có Mỹ.
Bà không nói rõ rằng trong số đó có các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tại
Việt Nam, bao gồm ông Marc Knapper, hay không.
Từ trước tới nay, chính quyền Việt Nam và báo chí luôn tự hào
về sự phát triển trong quan hệ hai nước.
Nhưng mỗi khi tới lễ kỷ niệm 30/4, những diễn ngôn về "cuộc
Kháng chiến chống Mỹ cứu nước" và "lên án tội ác" của
Mỹ lại tràn ngập trên các mặt báo Việt Nam.
Tuy nhiên, trong các bộ tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 50 năm kết
thúc chiến tranh được các cơ quan chính quyền như Cục Văn hóa cơ sở chia sẻ
trong những tháng gần đây thì không có những diễn ngôn này.
Trong khi đó, ở một số nước khác, mũ lính Mỹ được sử dụng trong áp phích
tuyên truyền không phải là hiếm.
Tại Bắc Triều Tiên, một tấm áp phích với nắm đấm đè bẹp lên một người
mang chiếc mũ có chữ USA tương tự đã được trưng bày tại thành phố Bình Nhưỡng
vào tháng 9/2008.
Sự cố áp phích tuyên truyền bị thay hôm 23/4 không phải vụ việc duy nhất
bên hồ Hoàn Kiếm.
Năm 2010, một áp phích đặt tại khu vực này cũng nhân dịp 30/4 đã bị thay
vì chữ ''nước'' trong ''thống nhất đất nước'' bị viết sai chính tả thành ''nớc''.
Nhận xét
Đăng nhận xét