BỎ RƠI VIỆT NAM:
19-ĐÁNH GIÁ LAM SƠN 719 VÀ HIỆU SUẤT CỦA MIỀN NAM
Đánh giá Lam Sơn 719 là điều khó khăn. Vào ngày lực lượng của ông tiến đến
Tchepone, Tổng thống Thiệu tuyên bố chiến dịch Lào là “chiến thắng lớn nhất từ
trước đến nay… một Điện Biên Phủ về mặt đạo đức, chính trị và tâm lý”. Tương
tự như vậy, chính quyền Nixon đã bắt đầu một chiến dịch thuyết phục công chúng
Hoa Kỳ rằng, mặc dù có bằng chứng rõ ràng ngược lại, chiến dịch đã thành công.
Tổng thống Nixon đã báo cáo vào tháng 2 rằng “chiến dịch đã diễn ra theo đúng kế
hoạch” và rằng quân miền Nam đang “chiến đấu theo cách vượt trội”. Người phát
ngôn của chính quyền mô tả việc miền Nam rút quân khỏi Lào chỉ là “cuộc điều
binh cơ động”. Rõ ràng đây là sự thêu dệt, nhưng ngay cả sau chiến tranh Việt
Nam, Nixon vẫn tiếp tục cho rằng chiến dịch đã đạt được mục tiêu của mình; ông đã viết trong hồi ký, “Kết quả [của Lam
Sơn 719] là một thành công về mặt quân sự nhưng là một thất bại về mặt tâm lý,”
do truyền hình đưa tin tiêu cực về cuộc rút quân.
Mặc dù đánh giá của Nixon về chiến dịch này rõ ràng là chủ đề gây tranh
cãi, không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều nhà bình luận trên các phương tiện truyền
thông Hoa Kỳ luôn phản đối dữ dội đối với các tuyên bố của chính quyền về thành
tích của miền Nam và kết quả của chiến dịch. James McCartney đã viết trên tờ
Philadelphia Inquirer: “miền Nam đã phát minh ra một loại chiến tranh mới ở
Lào. Họ tránh chiến đấu bất cứ khi nào có thể, họ chạy trốn khỏi khu vực khi
người Cộng sản bắt đầu xuất hiện trên chiến trường, và họ liên tục tuyên bố
‘chiến thắng’ hoặc ‘thắng lợi’ khi hoạt động liên quan kết thúc. . . . Nhiều
quân nhân Mỹ từng chỉ trích người miền Nam vì có xu hướng ‘chạy trốn’ khi trận
chiến sắp bùng phát ở Việt Nam. Bây giờ, khi người miền Nam chạy trốn, những
phát ngôn viên của Lầu Năm Góc có xu hướng ca ngợi ‘tính cơ động’ của họ.
Tờ Cleveland Plain Dealer cũng thách thức chính quyền, viết rằng, “Thay vì thành công về mặt quân sự mà Tổng thống
Nixon đã ca ngợi, thì có vẻ như cuộc tấn công vào Lào là một thất bại đã củng cố
lòng tin của Hà Nội.” Một báo cáo tương đối cân bằng về chiến dịch này trên tờ
Philadelphia Bulletin đã nhận xét, “Nếu không có sự yểm trợ trên không của
chúng ta và không có 51 tiểu đoàn quân đội Hoa Kỳ giữ vững pháo đài… người ta
không thể đoán được tình hình có thể tồi tệ đến mức nào.” Về cơ bản, đồng tình
với những đánh giá tiêu cực nhất của phương tiện truyền thông Hoa Kỳ, Bắc Việt
đã chế giễu chiến dịch này và gọi đó là thảm bại nặng nề nhất từ trước đến
nay” đối với “Nixon và đồng bọn. . . . Quả là một bức tranh đẹp về Việt Nam hóa
chiến tranh!”
Đánh giá khách quan về chiến dịch Lào nằm ở đâu đó giữa những tuyên bố công khai của Nixon về thành
công của chiến dịch và cách phương tiện truyền thông Hoa Kỳ mô tả về thảm họa
hoàn toàn. Xét về mặt quân sự thuần túy, kết quả của chiến dịch là lẫn lộn. Sài
Gòn đưa tin rằng chiến dịch này đã khiến 1.160 quân chính phủ thiệt mạng, 4.271
người bị thương và 240 người mất tích. Nhiều người trong ngành truyền thông,
bao gồm cả Associated Press và tạp chí Newsweek, đã thách thức những con số này
và đưa ra con số thương vong thực tế là 3.800 người thiệt mạng, 5.200 người bị
thương và 775 người mất tích. Theo số liệu chính thức của Quân đoàn XXIV, gần
giống với số liệu do phương tiện truyền thông đưa tin, thương vong ở lực lượng
Sài Gòn bao gồm 9.000 người chết hoặc bị thương và bị bắt, tỷ lệ thương vong gần
50 phần trăm. Thương vong của Hoa Kỳ bao gồm 253 người chết hoặc mất tích trong
chiến đấu và 1.149 người bị thương. Về mặt trang thiết bị, Hoa Kỳ mất 108 trực
thăng bị phá hủy và 618 trực thăng bị hư hại (20 phần trăm trong số đó dự kiến
sẽ không bao giờ bay trở lại). Không quân Hoa Kỳ mất 7 máy bay ném bom chiến
đấu và 4 phi công tử trận. Quân đội VNCH mất 211 xe tải, 87 xe chiến đấu, 54 xe
tăng, 96 khẩu pháo và tất cả các thiết bị công binh chiến đấu (máy ủi, máy san,
v.v.).
Phe đồng minh báo cáo 19.043 quân địch tử trận. Họ cũng báo cáo 1.963 vũ khí hạng nặng và
5.170 vũ khí cá nhân bị thu giữ và 106 xe tăng, 13 khẩu pháo, 2.001 xe, 170.346
tấn đạn dược và 1.250 tấn gạo bị phá hủy. Mặc dù những kết quả này rất ấn tượng,
nhưng hầu hết chúng xảy ra ở giai đoạn đầu của chiến dịch trước khi miền Nam mất
thế chủ động.
Bất chấp thương vong gây ra cho Bắc Việt và việc tịch thu hoặc phá hủy
nguồn cung cấp của đối phương, hiệu suất chiến đấu của miền Nam tốt nhất là
không đồng đều, và tệ nhất là rất kém cỏi. Tổng thống Nixon, cố gắng che đậy một
chiến dịch mà ông biết gần như là một thảm họa, ghi nhận miền Nam đã làm một
công việc đáng khen ngợi chống lại những lực lượng tốt nhất mà Bắc Việt có thể
cung cấp. Ông tuyên bố: “Tướng Abrams . . . nói rằng một số đơn vị [Quân miền
Nam] đã không làm tốt, nhưng 18 trong số 22 tiểu đoàn đã hành động với tinh thần
chiến đấu cao, với lòng tự tin mãnh liệt, và họ có thể đủ sức một mình tự vệ chống
lại kẻ thủ.” Đánh giá của Nixon tốt nhất
là đáng ngờ. Một số đơn vị đã chiến đấu rất tốt, nhưng những đơn vị khác, bao gồm
một số lực lượng có tiếng là tinh nhuệ, đã tan vỡ và bỏ chạy dưới áp lực nặng nề
của quân BV.
Điểm yếu của miền Nam quá rõ ràng.
Tướng Abrams đã tóm tắt tình hình xác đáng nhất khi ông buồn bã kết luận
“Sài Gòn không thể duy trì các hoạt động xuyên biên giới quy mô lớn… nếu không
có sự hỗ trợ từ bên ngoài”. Như trước đây, giới lãnh đạo cấp cao bị chính trị
hóa đại diện cho một vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù Trung tướng Lãm là tổng tư lệnh
bộ binh, nhưng ông hầu như bị hai chỉ huy của các sư đoàn Nhảy dù và Thủy quân
Lục chiến coi thường, bản thân các vị này là trung tướng, chỉ huy các lực lượng
dự bị chiến lược quốc gia, đã quen nghe lệnh trực tiếp từ Sài Gòn thay vì nghe
lệnh một tư lệnh quân đoàn. Họ phản đối các mệnh lệnh và chỉ thị của Lãm trong
mọi cơ hội. Mặc dù Lãm đã kêu gọi Tổng thống Thiệu hỗ trợ, Thiệu vẫn từ chối
khiển trách các chỉ huy cấp dưới của Lãm, ngay cả khi hành động của họ gần như
là sự bất tuân thượng lệnh trong lúc trận chiến đang căng thẳng. Thiệu không dám làm mất lòng hai vị tướng, một người chỉ huy
lực lượng chống đảo chính chính của mình (Lực lượng Nhảy dù) và người kia chỉ
huy một phần lớn lực lượng dự bị chiến lược của mình. Một lần nữa, những cân nhắc
chính trị tỏ ra quan trọng hơn so với nhu cầu quân sự.
Bản thân Lãm không phải là một ngôi sao sáng chói. Như Tướng Bruce Palmer
đã viết sau chiến tranh, “danh tiếng của Lãm với tư cách là một chỉ huy chiến đấu
chỉ ở mức trung bình, nhưng . . . ông ta được coi là một nhà quản lý trung
thành, có năng lực.” Trước Lam Sơn 719, Lãm đã sống sót với tư cách là một chỉ
huy quân đoàn nhờ vào các kỹ năng chính trị và sự ủng hộ của ông đối với Tổng
thống Thiệu. Ông có rất ít kinh nghiệm trong việc chỉ đạo các chiến dịch quy ước
gồm nhiều sư đoàn. Cường độ chiến đấu ở Lào và những yêu cầu của hoạt động này
là quá sức đối với Lãm. Trung tá Darron
của trụ sở Quân đoàn XXIV sau đó đã thảo luận về hành động của Lãm trong các hoạt
động, kết luận: “Tôi nhớ đã nhìn thấy ông ấy vào một buổi sáng gần cuối chiến dịch
khi mọi thứ đều tồi tệ ở Lào. . . . Ông ta nằm ngửa, trong tư thế bị đóng đinh,
dựa lưng vào boongke của mình . . . nhìn lên bầu trời với đôi mắt nhắm nghiền,
và rõ ràng là ông ta đang chịu một áp lực khủng khiếp, khủng khiếp. Thành thật
mà nói, tôi nghĩ rằng ông ta đang kẹt trong một tính huống vượt quá sức mình.”
Sự bất lực của Lãm đã thể hiện rõ trong suốt chiến dịch. Chuẩn tướng Sidney B.
Berry, trợ lý chỉ huy của Sư đoàn Không vận 101, đã báo cáo sau hoạt động rằng
“việc lập kế hoạch và phối hợp cho Lam Sơn 719, ở cấp Tư lệnh Quân đoàn, có chất
lượng thấp không thể chấp nhận được.”
Lãm đã không chuẩn bị đầy đủ để tiến hành một chiến dịch có quy mô và độ
phức tạp như Lam Sơn 719, nhưng ông ta không đơn độc; thật không may cho người
miền Nam, sự thiếu hụt về mặt lập kế hoạch và phối hợp không chỉ giới hạn ở cấp
chỉ huy quân đoàn. Các chỉ huy quân miền
Nam ở mọi cấp bậc đều gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc chỉ huy và kiểm
soát, đặc biệt là liên quan đến việc phối hợp các hoạt động vũ trang kết hợp,
bao gồm khả năng sử dụng bộ binh, thiết giáp và pháo binh cùng lúc và sử dụng hợp
lý lực lượng dự bị. Tướng Viên, chủ tịch Bộ Tổng tham mưu Liên quân QLVNCH, đã
mô tả kết quả của những khó khăn này:
Được triển khai trên địa hình bất lợi, lực lượng thiết giáp 300 xe của
chúng tôi bất lực trước xe tăng địch và không thể hỗ trợ Sư đoàn Nhảy dù phá vỡ
vòng vây của địch hoặc giành lại thế chủ động. Ngược lại, thiết giáp địch tỏ ra
hung hăng và nguy hiểm; chúng đã lợi dụng một địa hình quen thuộc mặc dù bất lợi
để phục kích hoặc áp sát các điểm mạnh của chúng tôi và cuối cùng kết hợp với bộ
binh để tấn công và tràn ngập chúng tôi. Các đơn vị bộ binh của chúng tôi không
chịu điều động khi giao tranh và không sử dụng hỏa lực hữu cơ của mình để tiêu
diệt kẻ thù, hoàn toàn dựa vào hỏa lực hỗ trợ. Quân đoàn I và các chỉ huy sư
đoàn tham gia đều có lực lượng dự bị, nhưng họ không sử dụng chúng để vượt qua
khó khăn và giành lại thế chủ động. Ngay cả hỏa lực sẵn có của chúng tôi cũng
không được sử dụng đúng cách, đặc biệt là trong tháng đầu tiên của chiến dịch
do sự phối hợp kém.
Sự vắng mặt của các cố vấn Hoa Kỳ dễ dàng được nhận thấy trong những lúng
túng ngày càng tăng về sự phối hợp mà các lực lượng miền Nam đã liên tục thể hiện.
Nhiều nhiệm vụ mà các cố vấn Hoa Kỳ thường xuyên hoàn thành cho các chỉ huy
quân miền Nam đã không được thực hiện hoặc thực hiện kém. Tham mưu trưởng Lục
quân William Westmoreland đã viết, “Đã quen làm việc lâu năm với các cố vấn Hoa
Kỳ, các chỉ huy quân miền Nam cấp dưới gặp khó khăn khi không có họ trong việc
sắp xếp hỏa lực hỗ trợ và tiếp tế. Cố vấn cấp cao của Mỹ và tổng tư lệnh quân
miền Nam hoạt động từ các căn cứ khác nhau. Một số chỉ huy cấp cao của miền Nam
đã bỏ cuộc, khiến Tổng thống Thiệu phải can thiệp và bắt đầu tự mình ban hành lệnh
xuống tận trung đoàn, trong nhiều trường hợp Tướng Abrams cũng không biết.”
Có lẽ mối quan tâm lớn nhất đối với MACV là việc miền Nam không có khả
năng phối hợp hỏa lực hỗ trợ của riêng họ, dẫn đến việc phụ thuộc quá mức vào
các tài sản bên ngoài của Hoa Kỳ. Nhiều người trong cả MACV và Bộ Tổng tham mưu
Liên quân nhận ra rằng chỉ có sự hỗ trợ của không quân Hoa Kỳ mới có thể tránh
cho quân miền Nam một cuộc tháo chạy hoàn toàn ở Lào. Khi bay giữa hỏa lực
phòng không và hỏa lực mặt đất dữ dội, các trực thăng của Quân đội Hoa Kỳ đã thực
hiện hơn 160.000 phi vụ và máy bay chiến thuật và B-52 của Hoa Kỳ đã thực hiện
hơn 10.000 cuộc không kích để hỗ trợ lực lượng miền Nam. Sự phụ thuộc của miền
Nam vào sự hỗ trợ của không quân Hoa Kỳ thật đáng lo ngại, vì sự hỗ trợ này sẽ
biến mất khi Hoa Kỳ hoàn tất việc rút quân. Một trong những hậu quả quan trọng
và lâu dài nhất của Chiến dịch Lam Sơn 719 là tác động bất lợi của nó đối với
tinh thần chiến đấu và tính đoàn kết của
miền Nam. Bất chấp những tuyên bố khoa trương của Tổng thống Thiệu, lực lượng
miền Nam rút lui khỏi Lào biết rằng mình đã bị đánh bại. Cố vấn Thủy quân Lục
chiến Hoa Kỳ, Thiếu tá William Dabney, người đã bay qua Lào với tư cách là điều
phối viên không quân, đã so sánh Thủy quân Lục chiến Việt Nam trước và sau chiến
dịch, nói rằng, “Đây là những chàng trai dũng cảm, được chỉ huy tốt, được tiếp
tế tốt, có một xung lực nhất định và một sự tự tin nhất định vào bản thân khi họ
xông vào Lào. Khi họ thoát ra, họ đã bị đánh bại. Họ biết rằng mình đã bị đánh
bại và họ xử sự như thể họ đã bị đánh bại.”
Trong quá trình rút lui khỏi Lào dưới áp lực nặng nề, quân đội miền Nam
đã bỏ lại nhiều tử sĩ trên chiến trường. Một sĩ quan miền Nam sau đó đã mô tả
tình hình như sau: “Đây là một chấn thương khủng khiếp đối với những gia đình
kém may mắn đó, những người theo truyền thống thờ cúng thân nhân xấu số và gắn
bó với linh hồn người đã khuất, giờ đây phải sống trong đau buồn và khắc khoải
triền miên . . . Nỗi đau xót của người Việt sẽ không bao giờ nguôi ngoai.”
Mặc dù Thiệu tuyên bố chiến thắng, nhưng những người lính và gia đình họ
không hề có ảo tưởng về kết quả của chiến dịch và tinh thần họ suy sụp vì nỗi bại
trận rõ ràng dưới tay quân Bắc Việt. Thiệu đã thực hiện các bước để làm giảm
vòng xoáy đi xuống của tinh thần binh sĩ. Ông đã cấm các tạp chí tin tức của
Hoa Kỳ là Time và Newsweek và một số tờ báo đối lập loan báo ồn ào về những
khía cạnh tiêu cực của chiến dịch ở Lào. Ngoài ra, ông còn giữ lại các sư đoàn
Nhảy dù và Thủy quân Lục chiến bị ảnh hưởng nặng nề ở Quân đoàn I, thay vì đưa
họ trở lại căn cứ của họ quanh Sài Gòn. Ông không muốn những người lính này lan
truyền những câu chuyện về thảm họa ở Lào. Tuy nhiên, tinh thần và sự tự tin của
miền Nam đã bị giáng một đòn nghiêm trọng.
Rõ ràng, Lam Sơn 719 là một thất bại của quân miền Nam và là một bước lùi
đối với việc Việt Nam hóa; tuy nhiên, nó vẫn đạt được ít nhất một phần nhỏ mục
tiêu ban đầu. Tướng Sutherland đã chuyển tiếp đánh giá sau đây cho Abrams vào
cuối tháng 3: “Lamson 719 tốn kém về mặt chi phí hỗ trợ của Hoa Kỳ, nhưng thành
tích của nó cho đến nay cho thấy rằng về mặt thiệt hại gây ra cho kẻ thù, sự
gián đoạn các hoạt động tấn công dự kiến của chúng, bằng chứng về hiệu quả của
chương trình Việt Nam hóa và những lợi ích sẽ tích lũy trong tương lai, không
nghi ngờ gì nó là một chiến dịch có giá trị cao và hiệu quả.”
Đánh giá của Sutherland về chiến dịch này có thể hơi cường điệu và bình
luận của ông về hiệu quả của Việt Nam hóa chắc chắn có thể gây tranh cãi, nhưng
có nhiều bằng chứng cho thấy Lam Sơn 719 ít nhất đã tạm thời làm gián đoạn quá
trình tích lũy của Bắc Việt ở Lào. Mặc dù tổn thất của miền Nam là rất nghiêm
trọng, nhưng lực lượng Bắc Việt cũng chịu tổn thất nặng nề, nếu không muốn nói
là tệ hơn, khi mất đến một nửa số quân tham gia chiến dịch. Những ước tính này
có thể cao, nhưng chắc chắn chiến dịch này đã khiến Cộng sản phải trả giá đắt về
người và trang thiết bị, có lẽ sẽ được sử dụng trong một cuộc tấn công lớn của
Bắc Việt vào Quân khu I sau này vào năm 1971. Lam Sơn 719 là một yếu tố quan trọng
làm trì hoãn cuộc tấn công lớn tiếp theo của Cộng sản; Bắc Việt mất gần một năm
để thay thế các nguồn lực đã mất trong nỗ lực tiêu diệt quân miền Nam dọc theo
Đường 9. Do đó, miền Nam và nỗ lực Việt Nam hóa có được một khoảng thời gian ngắn
nhưng cần thiết để thoát khỏi áp lực của Bắc Việt. Như Keith Nolan đã lưu ý
trong cuốn Into Laos, “Việt Nam hóa đã được thử nghiệm, đã bị kéo căng nhưng
chưa bị phá vỡ, và hiện vẫn còn nhiều chỗ để phát triển.”
Ngay sau khi kết thúc Chiến dịch Lam Sơn 719, Tổng thống Nixon tuyên bố,
“Tối nay tôi có thể báo cáo rằng Việt Nam hóa đã thành công.” Sau đó, ông tuyên
bố rằng mình đang đẩy nhanh tiến độ rút quân đội Hoa Kỳ. Thêm 100.000 quân sẽ
được đưa về nước vào tháng 11 năm 1971. Ông hứa rằng “Sự tham gia của Hoa Kỳ
vào Việt Nam sắp kết thúc,” nhưng từ chối ấn định ngày rút quân hoàn toàn, cho
rằng làm như vậy sẽ đánh mất “biện pháp mặc cả chính của chúng ta để giành được
quyền thả tù binh chiến tranh Hoa Kỳ . . .
và sẽ loại bỏ động cơ mạnh mẽ nhất của kẻ thù để kết thúc chiến tranh sớm
hơn bằng đàm phán.” Những đợt rút quân mới được công bố sẽ để lại 184.000 quân
Mỹ ở miền Nam vào cuối năm 1971. Vào tháng 6 năm 1971, Bộ trưởng Quốc phòng
Laird tuyên bố rằng 90 phần trăm trách nhiệm chiến đấu đã được chuyển giao cho
Quân lực Việt Nam Cộng hòa; hai tháng sau, ông tuyên bố rằng Giai đoạn I của Việt
Nam hóa đã hoàn thành. Từ thời điểm đó trở đi, trách nhiệm chiến đấu trên bộ sẽ
hoàn toàn do QĐVNCH đảm nhận.
Bất chấp những tuyên bố của chính quyền về thành công của Chiến dịch Lam
Sơn 719, chiến dịch này đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về giai đoạn tiếp
theo của Việt Nam hóa. Trong Giai đoạn II, miền Nam sẽ phát triển khả năng hỗ
trợ trên không và trên biển và pháo binh, khả năng hậu cần và hệ thống bảo dưỡng
để thay thế những vật tư đã được Hoa Kỳ cung cấp từ năm 1965. Không rõ điều này sẽ mất bao lâu, nhưng Lam
Sơn 719 đã chứng minh rằng QĐ miền Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được
mục tiêu cuối cùng là tự lực được trên chiến trường. Trong khi miền Nam nỗ lực
hướng tới mục tiêu này và lực lượng bộ binh còn lại của Hoa Kỳ dần rút lui, Hoa
Kỳ vẫn cần duy trì mức độ hỗ trợ chiến đấu, đặc biệt là hỗ trợ trên không, vốn
rất quan trọng ở Lào. Tướng Phillip Davidson đã mô tả tình hình năm 1971 như
sau: “Lam Sơn 719 đã chứng minh rằng, trong khi Việt Nam hóa đã đạt được tiến
triển, chính quyền miền Nam và lực lượng vũ trang của họ vẫn còn nhiều khiếm
khuyết sâu sắc khiến thành công cuối cùng của chương trình này phải mất nhiều
năm, thậm chí nhiều thập kỷ nữa. Trên hết, chiến dịch này cho thấy sự phụ thuộc
hoàn toàn của quân miền Nam vào lực lượng Hoa Kỳ.”
Nhận xét
Đăng nhận xét