BỎ RƠI VIỆT NAM:-30-ĐÁNH GIÁ CHIẾN DỊCH MÙA HÈ ĐỎ LỪA 1972

 
BỎ RƠI VIỆT NAM:
30-ĐÁNH GIÁ CHIẾN DỊCH MÙA HÈ ĐỎ LỪA 1972

Mặc dù chịu thương vong nặng nề, cuộc tấn công Nguyễn Huệ năm 1972 ít nhất cũng đã đem lại một phần thắng lợi cho người Cộng sản. Một trong những mục tiêu của cuộc tấn công là chiếm giữ lãnh thổ, và theo một nghĩa nào đó họ đã đạt được, vì quân đội Cộng sản vẫn ở lại miền Nam, đưa Hà Nội vào một lợi thế khi lệnh ngừng bắn được đàm phán có hiệu lực vào năm 1973. Một lĩnh vực khác mà cuộc tấn công đạt đươc thành công là tác động của nó đối với chương trình bình định.  Craig Whitney đã đưa tin trên tờ New York Times rằng “lực lượng dự bị chiến lược [của miền Nam] không đủ và chính phủ đã phải bị tước đi khả năng phòng thủ thường xuyên của nhiều khu vực tương đối bình yên của đất nước” để đẩy họ vào cuộc chiến. Như vậy, cuộc tấn công đã đạt được hai mục tiêu: chiếm đóng lãnh thổ ở miền Nam và làm chệch hướng, hoặc ít nhất là làm chậm lại, nỗ lực bình định.
 
Tuy nhiên, cuộc tấn công đã không đạt được đòn quyết định mà Giáp hy vọng. Người miền Nam đã đứng lên chống lại cuộc tấn công của Bắc Việt và vẫn nguyên vẹn như một quốc gia và lực lượng quân sự. Vì một số lý do, cuộc tấn công đã không áp đảo được người miền Nam như Giáp đã lên kế hoạch. Đầu tiên, Bắc Việt đã đánh giá thấp hiệu quả của không quân Hoa Kỳ. Mặc dù hầu hết bộ binh của Hoa Kỳ đã rời khỏi Việt Nam và những người ở lại không phải là yếu tố ngăn chặn cuộc tấn công của QĐNDVN, nhưng không quân Hoa Kỳ dưới nhiều hình thức vẫn có sẵn, và Tổng thống Nixon không ngần ngại sử dụng nó để hỗ trợ người miền Nam đẩy lùi cuộc xâm lược của Cộng sản. Việc Nixon sử dụng không quân trực tiếp chống lại chính Bắc Việt cũng là một yếu tố góp phần làm chậm lại cuộc xâm lược.  Quân Đội Nhân Dân, tờ báo quân sự chính thức của QĐNDVN, đã thừa nhận thiệt hại nghiêm trọng đối với hệ thống giao thông và thông tin liên lạc của Bắc Việt và năng lực sản xuất công nghiệp của nước này trong một loạt bài viết gồm ba phần được xuất bản trong tuần đầu tiên của tháng 6.
 
Thứ hai, kế hoạch của Bắc Việt có sai sót về mặt chiến lược. Trong nỗ lực áp đảo miền Nam tại ba điểm quan trọng, QĐNDVN đã phân tán các đơn vị chủ lực của mình và cho phép Tổng thống Thiệu điều động lực lượng dự bị chiến lược của mình trên khắp đất nước để triển khai họ ở nơi và khi cần nhất để chống lại các cuộc tấn công của BắcViệt. Ví dụ, các đơn vị của Sư đoàn Nhảy dù đầu tiên được triển khai đến An Lộc, sau đó đến Quân khu II và cuối cùng là đến Quân đoàn I để hỗ trợ cho chiến dịch chiếm lại Quảng Trị. Nếu Giáp tập trung lực lượng áp đảo của mình tại một điểm tấn công, Thiệu sẽ gặp khó khăn trong việc tập hợp sức mạnh chiến đấu để khắc phục với quân số lớn mà QĐNDVN có thể huy động.  Khi Quảng Trị thất thủ, Giáp có thể sử dụng thêm một số sư đoàn khác đã được triển khai ở nơi khác và tiến về phía nam dọc theo Đường 1. Thiệu hẳn sẽ rất khó khăn để ngăn chặn họ. Tương tự có thể nói như vậy đối với các cuộc công kích ở An Lộc và Kontum. Khi lực lượng bị phân tán của Giáp phải đối mặt với sức kháng cự mạnh mẽ của miền Nam tại hai nơi đó, ông không có lực lượng dự bị để vượt qua sự kháng cự và duy trì đà tấn công. Ngoài ra, ba mũi tấn công đều khó có thể duy trì về mặt hậu cần. Ví dụ, QĐNDVN cần gần một tuần để tiếp tế cho lực lượng của mình sau khi chiếm được Lộc Ninh, trì hoãn cuộc tấn công vào An Lộc và cho phép lực lượng phòng thủ có thời gian rất cần thiết để chuẩn bị cố thủ. Một ví dụ khác, trong trận Kontum, một cố vấn Hoa Kỳ thuộc Trung đoàn 44 của QLVNCH đã bắt gặp  một xe tăng T-54  bị bỏ lại mà không có thiệt hại rõ ràng.  Khi xem xét kỹ hơn, ông thấy rằng các thùng xăng đã cạn hoàn toàn.
 
Một thất bại chiến lược khác là bộ chỉ huy cấp cao của Bắc Việt đã để lực lượng của họ tham gia vào các trận chiến tiêu hao quá lâu sau khi tầm quan trọng của một số mục tiêu địa hình đã qua. Ví dụ, ba sư đoàn đã bị trói buộc ở An Lộc để đạt được điều về cơ bản chỉ là một chiến thắng về mặt tâm lý trong khi họ có thể bỏ qua thành phố đó và tiến xuống Đường 13 để đe dọa trực tiếp Sài Gòn. Mô hình tương tự cũng đúng đối với các trận chiến ở Quân khu I và II. Nói về các trận chiến ở An Lộc và Kontum, Tướng Phillip B. Davidson cho biết: “Một chỉ huy thiết giáp giàu kinh nghiệm sẽ chất bộ binh của mình lên sàn xe tăng và bỏ qua hai thị trấn. Địa hình và thời tiết sẽ cho phép điều đó, và một lực lượng thiết giáp hùng hậu của QĐNDVN xuất hiện ở các khu vực phía sau QĐVNCH sẽ khiến binh sĩ miền Nam  vốn đã thấp thỏm sẽ hốt hoảng. . . .  Nếu một Abrams hoặc Hollingsworth chỉ huy quân Bắc Việt ở Kontum hoặc An Lộc, những trận chiến đó có thể đã diễn ra hoàn toàn khác.”
 
Sai lầm chiến lược cuối cùng là thời điểm tấn công. Nếu Bắc Việt chờ đến năm 1973, khi hầu như toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ đã rời khỏi miền Nam, chắc chắn họ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Ngoài những sai lầm về chiến lược, Bắc Việt đã mắc một số sai lầm về chiến thuật góp phần vào thất bại của chiến dịch Nguyễn Huệ. Mặc dù sử dụng một số lượng lớn xe tăng do Liên Xô và Trung Quốc sản xuất, QĐNDVN liên tục chứng minh sự bất lực của mình trong việc phối hợp sử dụng bộ binh và thiết giáp trong cuộc tấn công. Trung tướng Trần Văn Quang, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, đã lập báo cáo về việc tiến hành cuộc tấn công trước Bộ Chính trị Liên Xô tại Moscow vào tháng 6 năm 1972, thừa nhận tình hình này, nói rằng, “[Chúng tôi] vẫn chưa thiết lập được một hệ thống chỉ huy và kiểm soát rõ ràng đối với lực lượng của mình… trong đó một số chỉ huy của chúng tôi, thiếu đào tạo chiến thuật và kinh nghiệm chiến đấu chất lượng cao.  . . . Đây là những lý do chính khiến lực lượng của chúng tôi chịu tổn thất nặng nề.” Thiếu huấn luyện và kinh nghiệm trong việc điều khiển vũ khí kết hợp trong một cuộc tấn công, QĐNDVN, thay vì tận dụng tác động gây sốc vốn có của xe tăng và khả năng tiến hành các cuộc tấn công sâu vào phòng tuyến của đối phương, đã nhiều lần sử dụng xe tăng một cách rụt rè, chủ yếu như xe hỗ trợ bộ binh chống lại các vị trí phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, quân BV đã mất đi lợi thế khi có xe tăng với số lượng lớn. Sau khi vượt qua được cú sốc ban đầu khi đối mặt với xe tăng và thấy chúng dễ bị tiêu diệt như thế nào, đặc biệt là tình huống giao tranh trong thành phố, quân phòng thủ miền Nam đã thành công trong hầu hết các trường hợp phải xử lý xe tăng của miền Bắc. Nếu QĐNDVN khéo léo hơn trong việc phối hợp bộ binh và xe tăng, họ có thể đã đánh bại được quân miền Nam trong nhiều trường hợp.
 
Sai lầm chiến thuật thứ hai liên quan đến bản chất của các cuộc tấn công của bộ đội BV.  Tận hưởng số lượng áp đảo trong hầu hết các trận chiến then chốt, các chỉ huy quân Bắc Việt đã phung phí binh lính của họ vào các cuộc tấn công biển người liên tục. Việc tập trung quân đông đảo cho các cuộc tấn công như vậy khiến họ trở thành mục tiêu béo bở cho B-52 và hỗ trợ không quân chiến thuật, gây ra sự tổn thất to lớn cho họ, nhờ đó thường cứu vãn được nguy cấp cho lực lượng miền Nam. Sự tiêu hao do các cuộc tấn công biển người là một yếu tố chính khiến Bắc Việt mất đà tiến công..
 
Yếu tố cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất góp phần vào thất bại của cuộc xâm lược của Bắc Việt là giới lãnh đạo Hà Nội đã đánh giá thấp khả năng của miền Nam trong việc chịu đựng được mức độ chiến đấu ác liệt từng chống lại QĐVNCH ở Lào; giới lãnh đạo Quân đội Bắc Việt mong đợi người miền Nam sẽ khuất phục dễ dàng trước sức tấn công của 14 sư đoàn. Khi miền Nam, được hỗ trợ bởi các cố vấn và không lực Hoa Kỳ, cố gắng giữ vững, quân Bắc Việt đã sa lầy vào những trận chiến vô nghĩa làm suy yếu nghiêm trọng sức chiến đấu của họ.
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến