Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục
sẽ đối mặt với hình phạt nào?
https://tuoitre.vn/quang-linh-vlogs-hang-du-muc-se-doi-mat-voi-hinh-phat-nao-20250404211855268.htm
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối
với TikToker Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs về hành vi sản xuất hàng giả và lừa
dối khách hàng.
Pháp luật quy định ra sao đối với hành vi sai phạm của Quang Linh Vlogs,
Hằng Du Mục?
Thế nào là hàng giả, lừa dối khách hàng?
Theo luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM), khoản 7 điều 3 nghị
định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng giả bao gồm:
Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất
tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc
có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã
công bố hoặc đăng ký.
Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ
thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của
hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn
kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên
nhãn, bao bì hàng hóa.
Sản xuất hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động chế
tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế,
lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra
hàng giả.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là trật tự của nền sản xuất hàng
hóa, làm mất sự ổn định của thị trường, xâm hại lợi ích và sức khỏe, tính mạng
của người tiêu dùng.
Trường hợp sản xuất hàng giả là thực phẩm mà thu lợi bất chính từ 1,5 tỉ
đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỉ đồng trở lên thì có thể bị
phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc chung thân.
Tội lừa dối khách hàng là hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kinh
doanh hoặc giao dịch thương mại.
Trong trường hợp này, các bị can biết sản phẩm là giả, không đúng chất lượng
nhưng vẫn mua về, sau đó livestream bán hàng, đưa ra các thông tin sai lệch,
gây hiểu nhầm, đánh lừa khách hàng để bán hàng cho người dân với số lượng lớn
nhằm thu lợi bất chính.
Tội lừa dối khách hàng có thể liên quan đến việc cung cấp sản phẩm không
đạt tiêu chuẩn. Điều này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và an toàn của khách
hàng.
Cụ thể trong trường hợp này là bán hàng giả, sản phẩm không đạt chất lượng
có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở
lên có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1
năm đến 5 năm.
Theo luật sư Lĩnh, khi mua sản phẩm từ việc livestream, khách hàng mong
muốn tìm một sự tin tưởng được bảo chứng bởi người nổi tiếng. Do vậy, đòi hỏi
người nổi tiếng cần nghiêm túc với thông tin mà mình cung cấp cho người sử dụng,
tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, bảo vệ khách hàng, tuân thủ quy định
pháp luật hiện hành.
Chẳng hạn như khi được mời livestream bán hàng, người nổi tiếng cần tìm
hiểu kỹ thông tin sản phẩm, tính năng sản phẩm, có thể dùng thử sản phẩm để có
trải nghiệm tốt nhất, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đừng thấy cái lợi
trước mắt mà làm sụp đổ hình ảnh xây dựng bấy lâu nay của mình.Xử phạt nghiêm người lợi dụng danh tiếng để bán hàng dỏm
Theo luật sư Trần Thị Ngân Hà (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi sản xuất,
buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm là hành vi vi phạm pháp luật hình sự
có khung hình phạt cao nhất đến chung thân. Hành vi lừa dối khách hàng có khung
hình phạt cao nhất là 5 năm tù.
Có thể thấy chế tài đối với các hành vi này rất nghiêm khắc. Do đó khi
kinh doanh các sản phẩm là lương thực, thực phẩm, người bán cần lưu ý về nguồn
gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), điều
198 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội lừa dối khách hàng như sau:
Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân,
đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc
một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-100 triệu
hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội
này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến
dưới 50 triệu đồng, hoặc trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên
nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt, thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì bị
phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm hành nghề
hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Như vậy với tội lừa dối khách hàng thì hình phạt có thể áp dụng là cảnh
cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc cao nhất là phạt đến 5
năm tù.
Luật sư Cường đánh giá với những nội dung mà Hằng Du Mục, Quang Linh
Vlogs quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm kẹo Kera cho thấy “đây là
hành vi gian dối, có đủ căn cứ để xử lý hình sự”.
Ngoài việc xử lý nghiêm đối với những người này thì cần phải hoàn thiện
pháp luật để tăng cường cơ chế, biện pháp quản lý những người nổi tiếng",
luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Nhận xét
Đăng nhận xét