BỎ RƠI VIỆT NAM:-4-THI HÀNH CHIẾN LƯỢC MỚI

 
BỎ RƠI VIỆT NAM
4-THI HÀNH CHIẾN LƯỢC MỚI

Là người được giao nhiệm vụ thực hiện chiến lược mới của Nixon, Tướng Creighton Abrams, chỉ huy Bộ Tư lệnh Hỗ trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã được giao việc mà Henry Kissinger gọi là “một trong những nhiệm vụ bạc bẽo nhất từng được giao cho một vị tướng Hoa Kỳ”, đó là giải tán một lực lượng hơn nửa triệu người trong khi vẫn duy trì an ninh và huấn luyện một đội quân khác để tiếp quản. Kissinger mô tả tình hình mà Abrams phải đối mặt: “Thật đau lòng khi thấy Tướng Abrams, hình mẫu của một chỉ huy chiến đấu, rõ ràng là không vui, nhưng vẫn tuân lệnh rút 25.000 quân tác chiến. Khi đó, ông biết rằng mình sẽ phải cam chịu chỉ huy một đạo quân tập hậu, rằng lệnh của mình sẽ ngày càng nhắm đến mục tiêu tái triển khai hậu cần chứ không phải tìm kiếm thắng lợi trong trận chiến.  Ông không thể đạt được chiến thắng vốn từng lẩn tránh chúng ta ngay những khi có đầy đủ quân số trong khi giờ đây lực lượng chúng ta lại  liên tục sút giảm. Chúng ta chỉ còn  phải bán đề xuất này cho Tổng thống Thiệu.” Bất chấp những khó khăn và nguy hiểm tiềm tàng, Abrams đã chấp nhận quân lệnh của mình và bắt đầu rút quân Mỹ và Việt Nam hóa chiến tranh.
Chương trình Việt Nam hóa sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, trách nhiệm về phần lớn giao tranh trên bộ chống lại Việt Cộng và các lực lượng Bắc Việt sẽ được chuyển dần cho QLVNCH. Trong giai đoạn này, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ không quân, hải quân và hậu cần. Giai đoạn thứ hai, phát triển năng lực tự lực cánh sinh của QLVNCH, bao gồm việc tăng cường các lực lượng pháo binh, không quân và hải quân, cũng như cung cấp các hoạt động hỗ trợ khác. Được thiết kế để tiến hành đồng thời với giai đoạn đầu tiên, giai đoạn thứ hai sẽ cần nhiều thời gian hơn. Ngay cả sau khi phần lớn lực lượng tác chiến của mình đã rút lui, Hoa Kỳ vẫn cung cấp hỗ trợ, an ninh và đào tạo nhân sự. Giai đoạn thứ ba bao gồm việc cắt giảm sự hiện diện của Hoa Kỳ xuống chỉ còn giữ vai trò cố vấn quân sự nghiêm ngặt, với một yếu tố an ninh nhỏ vẫn còn để bảo vệ. Nỗ lực cố vấn sẽ dần dần giảm thiểu khi miền Nam phát triển mạnh mẽ cho đến khi sự hiện diện như trước đây của quân đội Hoa Kỳ không còn cần thiết nữa.
Thời gian biểu để hoàn thành mỗi giai đoạn là không giới hạn và không có ngày nào được ấn định cho việc rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ. Tổng thống cảm thấy rằng việc đặt ra một hạn cuối như vậy sẽ giúp Cộng sản loại bỏ động lực đàm phán; với việc  ấn định thời hạn chót, Washington sẽ mất đi một công cụ mặc cả—mối đe dọa liên tục về sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ—nhằm tranh thủ được những nhượng bộ từ Cộng sản tại các cuộc đàm phán Paris.
Chiến lược mới, theo như Nixon và Laird hình thành, luôn cân nhắc để lại một lực lượng trấn giữ.  Phát biểu trước Tiểu ban Hạ viện về Khoản phân bổ của Bộ Quốc phòng vào tháng 2 năm 1970, Laird tuyên bố: “Theo chương trình Việt Nam hóa trong giai đoạn thứ ba, chúng tôi dự đoán rằng một phái bộ hỗ trợ quân sự sẽ vẫn ở Việt Nam. Đây sẽ không phải là một lực lượng lớn như lực lượng chúng ta có ở Hàn Quốc hiện nay, cũng không phải là một lực lượng lớn như lực lượng chúng ta có ở Châu Âu. Đây sẽ là một phái bộ hỗ trợ quân sự, và chúng ta có yêu cầu này trong một thời gian tới.” Người miền Nam coi những tuyên bố như thế này và nhiều tuyên bố tương tự khác là bằng chứng cho lời hứa rằng Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi họ. Khi tiếng gào thét kêu gọi Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn ngày càng lớn ở Hoa Kỳ, ý tưởng về một lực lượng Hoa Kỳ còn lại cuối cùng sẽ bị loại bỏ, một thay đổi sẽ có tác động tàn phá đến vận mệnh của miền Nam.
 
 LỰC LƯỢNG MIỀN NAM
Trong khi các đơn vị Hoa Kỳ tiếp tục tiến hành các hoạt động chiến đấu chống lại lực lượng Cộng sản, chính sách Việt Nam hóa mới ban đầu tập trung vào việc hiện đại hóa và phát triển lực lượng vũ trang Nam Việt Nam. Nỗ lực này bao gồm việc tăng cường cơ cấu lực lượng QLVNCH với trọng tâm là cải thiện hỏa lực và khả năng cơ động.
Trước khi chính sách đó được đưa ra, lực lượng Nam Việt Nam tương đối nhỏ. Khi năm 1968 sắp kết thúc, QLVNCH bao gồm bốn quân chủng: Lục quân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Quân đoàn TQLC. Ngoài ra còn có các đơn vị và bộ tư lệnh chuyên biệt, chẳng hạn như Sư đoàn Nhảy dù, Quân khu Thủ đô, Lực lượng Đặc biệt và Bộ Tư lệnh Huấn luyện.
Các lực lượng vũ trang Nam Việt Nam do Bộ Tổng tham mưu Liên quân chỉ đạo tại Sài Gòn. Lưu ý các Sư đoàn Nhảy dù và Lực lượng Đặc biệt cũng nằm  dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tổng tham mưu Liên quân.
Tổng tham mưu trưởng Liên quân, tổng tư lệnh của QLVNCH, đứng đầu các phó tham mưu trưởng phụ trách nhân sự, hậu cần, chiến tranh chính trị và hoạt động.  Cấp chỉ huy tiếp theo thuộc Bộ Tổng tham mưu Liên quân trong QLVNCH bao gồm bốn tư lệnh quân khu, mỗi tư lệnh giám sát một trong bốn vùng chiến thuật của quân đoàn (I, II, III và IV) (xem bản đồ 1). Các tư lệnh quân đoàn chỉ đạo các hoạt động quân sự trong vùng chiến thuật tương ứng của họ (các tên gọi vùng chiến thuật đã được đổi thành các quân khu vào năm 1971; ví dụ, Vùng1 chiến thuật Quân đoàn I trở thành Quân Khu  I). Mỗi tư lệnh quân đoàn được phân công từ hai đến ba trong số mười sư đoàn bộ binh chính quy của QLVNCH. Sư đoàn bộ binh số 1 và số 2 được triển khai đến QK I ở phía nam Khu Phi Quân sự (DMZ); Sư đoàn bộ binh số 22 và số 23 được triển khai đến QK II ở Cao nguyên Trung phần ; Sư đoàn 5, 10 (sau này đổi tên thành 18) và 25 đến QK III;  và 7, 9 và 21 đến QK IV ở Đồng bằng Cửu Long.
 
Ngoài các lực lượng sư đoàn, tổng cộng có 20 tiểu đoàn biệt động được phân bổ đến các sở chỉ huy quân đoàn tương ứng, nơi họ thường phục vụ như lực lượng dự bị của quân đoàn. Lực lượng dự bị chung (chiến lược), hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, bao gồm các sư đoàn Nhảy dù và Thủy quân lục chiến. Mặc dù Thủy quân lục chiến Việt Nam về danh nghĩa nằm dưới sự chỉ huy của Hải quân Việt Nam, họ thực sự đã chiến đấu như một lực lượng bộ binh miền Nam, thường hoạt động dưới sự chỉ đạo của tư lệnh Quân đoàn I. Tổng cộng, 141 tiểu đoàn cơ động của QLVNCH đã hoạt động trên khắp miền Nam vào năm 1968.
Cùng với lực lượng bộ binh chính quy và TQLC  là Lực lượng Địa phương quân và Dân quân, các đơn vị lực lượng lãnh thổ chịu trách nhiệm bảo vệ các thôn, làng và các cơ sở quan trọng của chính phủ. ĐPQ được tổ chức thành các đại đội khoảng 100 người mỗi đại đội và DQ thành các trung đội, mỗi trung đội khoảng 40 người. Tất cả các đại đội ĐPQ và trung đội DQ đều được đặt dưới quyền kiểm soát hoạt động của chỉ huy khu vực tại tỉnh mà họ đóng quân. Đến tháng 6 năm 1968, tổng quân số ĐPQ bao gồm 197.900 người được tổ chức thành 1.053 đại đội và 12 sở chỉ huy tiểu đoàn;  Lực lượng DQ vào thời điểm đó tổng cộng là 164.300 người được phân công vào 4.861 trung đội Do mở rộng nỗ lực bình định sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, ĐPQ/DQ có nhiều thành viên vào năm 1968 hơn những năm trước.
Không quân Việt Nam nhỏ so với Lục quân. Đến năm 1968, chỉ có 17.000 quân. Máy bay chiến đấu chính của KQVN vào thời điểm đó là A-1 Skyraider, một máy bay tiêm kích-ném bom cánh quạt thời Chiến tranh Triều Tiên. Máy bay chở hàng chính là C-47, loại máy bay thời Thế chiến II. KQVN cũng được trang bị trực thăng H-34.
Hải quân Việt Nam, giống như KQVN, cũng tương đối nhỏ so với Lục quân. Hải quân chịu trách nhiệm phòng thủ bờ biển và các hoạt động trên sông ở Đồng bằng sông Cửu Long.  HQVN, với quân số 12.000 vào năm 1965, chỉ tăng đến 17.000 vào năm 1968. Vào thời điểm đó, lực lượng này được trang bị giang thuyền tuần tra sông, các tàu đổ bộ hỗn hợp, tàu tuần tra ven biển tốc độ cao và một số tàu tuần tra biển như tàu khu trục.
Đến cuối năm 1968, thậm chí trước khi nỗ lực Việt Nam hóa được thực hiện, QLVNCH đã tạo nên một lực lượng hùng mạnh bao gồm hơn 700.000 người có vũ trang. Tổng số được liệt kê trong Bảng 1.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến