Vụ nổ khiến 12 quân nhân Quân khu 7 thiệt mạng: do sét hay
bất cẩn?
Gần một tháng trôi qua, những thắc mắc về nguyên nhân gây
ra vụ nổ khiến 12 quân nhân tử vong ở Việt Nam vẫn chưa có lời giải đáp. BBC
News Tiếng Việt trò chuyện với một số chuyên gia thử tìm câu trả lời.
Dựa trên các thông tin hạn chế mà giới chức trách Việt Nam, cả chính quyền
lẫn giới quân đội, đưa ra, các chuyên gia, là các cựu công binh và nghiên cứu
quân sự, khuyến cáo về quy trình chặt chẽ và đặc biệt lưu ý môi trường diễn tập
trong điều kiện giông lốc, sấm sét.
Một cựu lính công binh ở Việt Nam trả lời BBC News Tiếng Việt trong điều
kiện ẩn danh: "Về nguyên tắc, thứ nhất là kíp phải để xa thuốc nổ, thứ hai
là kíp không được lắp trước khi vào trận. Khi vào trận thì mới lắp vào và vòng
dây điện ra."
Ông cho biết quy trình đúng là phải đặt khối thuốc nổ vào đúng vị trí, rồi
chuyển sang lắp kíp nổ, đấu dây điện dẫn nổ rồi mới đấu dây vào nguồn điện kích
nổ.
"Nguyên tắc thì phải vòng điện vào máy điện nổ, quay máy điện nổ, bấm
thì mới nổ được. Rải dây xong xuôi rồi thì mới lắp kíp vào, rồi khi ấy mới lắp
vào máy điện nổ. Rồi khi đó mọi người di tản hết."
"Theo tôi, để kíp nổ bên cạnh khối thuốc nổ, theo nguyên tắc là
không được phép như vậy. Chỉ khi vào trận xong xuôi hết, rồi chạy ra bấm nút,
chứ lắp trước rồi vận chuyển như vậy là chết luôn."
Điều này, theo ông, là một "quy trình ngược", chưa nói đến việc
"trú mưa lại cạnh khối thuốc nổ lớn như thế, ai cho trú cạnh như thế."
C-4 hay TNT được sử dụng?
Trước đó, 12 quân nhân thuộc Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7 đã thiệt
mạng tối ngày 2/12/2024 khi tham gia cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ tại Trường
bắn quốc gia khu vực 3, thuộc xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, theo
Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Thông tin cho đến nay được Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố như sau:
"Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thuốc nổ ra vị trí tập
kết, trời có mưa to, sấm sét, tổ công tác gồm một số quân nhân thuộc Tiểu đoàn
17, Sư đoàn 5, Quân khu 7 tạm dừng, nghỉ giải lao. Đột nhiên khối thuốc nổ phát
nổ làm nhiều quân nhân hy sinh.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là "sét đánh vào kíp nổ gây kích nổ
kíp nổ bằng điện làm khối thuốc phát nổ."
Đã gần một tháng qua, dù Thủ tướng chỉ đạo điều tra, Bộ Quốc phòng cũng
vào cuộc, nhưng vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào được công bố thêm về nguyên
nhân vụ nổ, hay ai là người phải chịu trách nhiệm về tai nạn lấy đi sinh mạng
12 của quân nhân trong thời bình.
Dựa trên các thông tin ít ỏi được công bố, các chuyên gia mà BBC News Tiếng
Việt trò chuyện vẫn chưa thể khẳng định loại thuốc nổ dùng cho diễn tập trong sự
kiện đó là gì.
Giả định mà các chuyên gia đặt ra là thuốc nổ dẻo C-4 và thuốc nổ dạng rắn
TNT, cả hai loại đều được sử dụng trong các cuộc diễn tập quân sự. Vậy vụ nổ là
do "thiên tai" - sét đánh, hay là "nhân tai" - do sự bất cẩn
của con người?
Với 28 năm kinh nghiệm công binh trong Thủy quân Lục chiến Mỹ, nhà nghiên
cứu Colin Smith từ Rand Corporation giải thích với BBC News Tiếng Việt về quy
trình kích nổ C-4 và TNT:
"Để kích nổ, chúng ta cần có kíp nổ, kíp điện hoặc phi điện. Kíp nổ
điện được gắn vào dây, thường dài vài feet (hoặc dài hơn) [1foot = 30,48 cm] và
sợi dây được kết nối với nguồn điện."
"Lợi điểm là bạn có thể di chuyển đến bất kỳ nơi nào muốn kích hoạt
nổ (với dây đủ dài) và có thể kiểm soát thời gian chính xác. Loại kíp nổ phi điện
được kích hoạt bằng cầu chì hẹn giờ, ống giảm xóc hoặc dây nổ. Ưu điểm của loại
này đó không cần nguồn điện."
Theo ông, một hệ thống nổ thường bao gồm ba thành phần, gồm một chất nổ
chính, một kíp nổ/mồi (như kíp nổ) và một thiết bị kích nổ.
"Điểm chính ở đây là các loại thuốc nổ quân sự ngày nay như C-4 và
TNT cực kỳ ổn định và cần một bộ phận đánh lửa nào đó để phát nổ", ông
nói.
Ông Smith cho biết loại thuốc nổ C-4 mềm dẻo hơn, có thể được tạo hình giống
như bột nhào.
Trong khi đó, thuốc nổ TNT thường được sản xuất theo khối có nhiều kích cỡ
khác nhau, vì vậy mặc dù vẫn rất hiệu quả khi dùng làm thuốc nổ, nhưng lại
không linh hoạt về cách thức sử dụng.
"Ví dụ anh muốn TNT, hoặc thậm chí là một loại thuốc nổ khác, nổ chậm
hơn. Nếu anh cần đục một lỗ xuyên qua một bức tường dày, hoặc để thổi bay một
boongke, hoặc để giúp tạo ra một hố trên mặt đất. Vụ nổ càng chậm thì hiệu ứng
"đẩy" càng mạnh."
Ông đánh giá, dựa theo kinh nghiệm của mình, TNT "có khả năng được
dùng để huấn luyện nhiều hơn là C-4".
"Tôi cho rằng đây là một vấn đề về chi phí. Quân đội thích huấn luyện
với "công cụ" ít tốn kém hơn vì thế TNT được sử dụng nhiều hơn",
ông cho biết thêm.
Tiến sĩ Min Zaw Oo - Giám đốc điều hành Viện Hòa bình và An ninh Myanmar,
đồng thời là nhà nghiên cứu Đông Nam Á từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc
tế (CSIS) của Mỹ - nhấn mạnh với BBC News Tiếng Việt vào ngày 11/12 rằng cả hai
loại thuốc nổ C-4 và TNT đều phải tuân theo các quy trình đảm bảo an toàn
nghiêm ngặt.
"Phải tuân thủ các quy trình an toàn mọi lúc, từ khi lưu trữ, quá
trình vận chuyển đến hoạt động hay diễn tập. Các nguyên tắc trong quân sự thường
yêu cầu phải tạm dừng các hoạt động và diễn tập liên quan đến chất nổ khi có
giông bão hoặc khi phát hiện có sét trong một phạm vi cụ thể", ông Min Zaw
Oo cho biết sau khi đọc qua thông tin vụ nổ kiến 12 quân nhân Quân khu 7 thiệt
mạng ngày 2/12.
Do sét đánh hay sơ suất?
Các chuyên gia khi trả lời BBC News Tiếng Việt đều cho rằng do kíp nổ là
loại nhạy nhất nên thường được vận chuyển trong một thùng chứa hoặc hộp đựng
riêng được thiết kế riêng cho kíp nổ.
Tiến sĩ Min Zaw Oo nhấn mạnh kíp nổ phải được đặt trong các cơ sở được
trang bị hệ thống tiếp đất và bên trong lồng Faraday chống sét.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Colin Smith cho biết một nguyên tắc:
"Khi thao diễn trên thực địa, chúng tôi tìm cách tách riêng kíp nổ và thuốc
nổ. Thông thường chúng tôi không gắn kíp nổ vào khối thuốc nổ chính trước mà phải
chờ đến khi nào chuẩn bị cho nổ thì mới lắp vào.
Dựa trên thông tin hạn chế, ông Collin Smith đưa ra giả định về tình huống
có thể dẫn đến vụ 12 quân nhân tử vong ở Quân khu 7 vừa qua:
"Mục tiêu huấn luyện có thể liên quan đến một tòa nhà, boongke hoặc
đường hầm phức hợp."
"Liều nổ chính hoặc nhiều liều nổ (charge) đã được lắp sẵn kíp nổ điện
và sẵn sàng sử dụng. Buổi diễn tập quân sự được tiến hành vào ban đêm. Có sấm
sét trong khu vực."
"Có khả năng là nếu sét đánh đúng vào thời điểm đó, hoặc đủ gần để
phát ra điện tích và quân đội đang sử dụng toàn bộ đạn dược thật, thì sét đó có
thể kích hoạt kíp nổ điện, từ đó kích nổ liều nổ chính."
"Tùy vào kích thước của liều nổ chính, chắc chắn có thể gây thương
vong lớn. Với thông tin hạn chế thì theo tôi đây có thể là nguyên nhân
chính", ông nói.
Với kinh nghiệm quản lý kho thuốc nổ trong quân đội, chuyên gia cựu chiến
binh công binh Việt Nam cho biết trong thời gian ông công tác, sổ tay công binh
là vật dụng "gối đầu giường" và có hướng dẫn cụ thể..
"Tôi nghĩ là do sơ suất, không đúng quy trình, quy trình an toàn thuốc
nổ rất chặt chẽ. Sét đánh trực tiếp vào chất nổ thì không nổ được. Đó là lý do
cần có kíp kích nổ là vì vậy", ông nói thêm.
Tuy nhiên, theo ông Smith, còn có một khả năng khác, nếu kíp nổ không gắn
vào thuốc nổ thì có thể sét đã đánh trực tiếp vào một lượng lớn liều nổ hoặc
thùng chứa chất nổ C-4.
"C-4 có độ ổn định cực lớn, nhưng vẫn có thể kích hoạt nổ được bằng
cách kết hợp lực ma sát cao và liều nổ.
"Kết hợp giữa lực ma sát của viên đạn bắn vào thuốc nổ C-4 và chất
hóa học trên viên đạn khiến viên đạn "phát sáng" khi bắn (tại sao được
gọi là đạn lửa) có thể kích nổ C-4. Một viên đạn thông thường không thể gây nổ
C-4. Đó là lý do tại sao C-4 an toàn để mang theo trong quá trình tác chiến",
ông Collin Smith giải thích.
Làm sao để tai nạn không lặp lại?
Nhà nghiên cứu Colin Smith nhấn mạnh nếu diễn tập với kíp nổ, thì phải
lưu ý đến thời tiết.
"Không luyện tập với kíp nổ trong giông sét. Sử dụng loại kíp nổ phi
điện. Luôn cẩn trọng để đảm bảo không kíp nổ điện tiếp xúc với liều nổ."
"Đừng lắp kíp vào thuốc nổ cho đến khi đã đảm bảo an toàn (hoặc ít
nhất là tất cả trừ người lắp kíp nổ và có thể là một người khác vì lý do an
toàn, đều tránh xa khỏi nơi xảy ra vụ nổ). Đây là cách làm tốt nhất cho bất kỳ
buổi diễn tập có thuốc nổ với bất kể loại kíp nổ nào."
Theo ông, có rất ít trường hợp lắp thuốc nổ trước, và điều đó thường phải
do các lực lượng chuyên biệt hoạt động theo nhóm nhỏ thực hiện, và tốc độ là yếu
tố cốt lõi.
"Điều này dành cho những người sử dụng thuốc nổ ở cấp độ thành thạo
nhất", ông cho biết.
Một yếu tố khác mà nhà nghiên cứu từ Rand Corporation nhấn mạnh đó là phải
đảm bảo bất kỳ khối thuốc nổ lớn nào (nhiều hơn một vài thanh C-4 hoặc TNT) đều
phải được cất giữ cách xa các điểm tập trung của binh sĩ và "đây cũng là
quy chuẩn".
Theo quy trình về sử dụng vũ khí trong quân đội, thuốc nổ luôn được giữ ở
một khoảng cách cụ thể so với khu vực ngủ và các khu vực tập trung lớn khác, và
thường có một số loại tường bảo vệ, bao cát hoặc địa hình tự nhiên làm rào chắn.
Khi tiến hành đào tạo cơ bản với các nhóm lớn hơn, không cần phải sử dụng
kíp nổ thật và hoặc thuốc nổ C-4 thật để trình diễn cách lắp."
Theo ông, khi thực sự lắp một kíp nổ thật vào thuốc nổ thật thì nên thực
hiện trong môi trường được kiểm soát.
Nhận xét
Đăng nhận xét