CHUYỆN “ĂN THỊT NGƯỜI” TRONG NỀN VĂN HỌC TÀU


CHUYỆN “ĂN THỊT NGƯỜI”
TỪ SỬ VIỆT
ĐẾN NỀN VĂN HỌC TRUNG QUỐC

Ngày 9.11 vừa qua, Cục quản lý dược của Bộ Y Tế đã khiến dư luận choáng váng khi ra công văn đề cập thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người”. Ngay sáng ngày 10.11, báo điện tử Một Thế Giới có bài phản biện khẳng định cái gọi là thành phần thịt người thực chất chỉ là "nhau thai" mà trong y học cổ truyền nước ta gọi là “tử hà sa” và được coi như một dược liệu mà thôi.

Sau khi báo điện tử Một Thế Giới đăng bài phản biện thì đến chiều cùng ngày, đại diện của Bộ Y tế cho biết loại thuốc "làm từ thịt người" được nhắc đến trong công văn mới đây của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế không phải được làm từ thịt người như nhiều người nghĩ mà thực chất được làm từ nhau thai. Như vậy, Bộ Y tế đã phải cải chính thông tin mà trước đó Cục quản lý dược phát ra và nội dung cải chính này theo đúng như những gì báo điện tử Một Thế Giới khẳng định trước đó.

Nhân vấn đề "thịt người" còn đang khiến dư luận quan tâm thì xin bàn qua những chuyện liên quan đến thịt người được đề cập trong sách sử nước ta. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Năm Mậu Ngọ (178). (Hán, Linh đế, năm Quang Hòa thứ 1). Tháng giêng, mùa xuân. Quận Giao Chỉ, quận Hợp Phố và Mán Ô Hử nổi dậy làm phản. Nhân thế người Giao Châu là Lương Long khởi lên làm loạn, đánh phá, vây hãm các thành ấp.

Sau đó, Cương mục giải thích thêm về cái gọi là Mán Ô Hử: "Theo truyện Tây Mai di trong sách Hậu Hán thư và theo sách Nam châu dị vật chí của Vạn Chấn, Ô Hử, là tên đất, ở về phía nam Quảng Châu, phía bắc Giao Châu, thường hay đón đường rình những hành khách qua lại, ập ra đánh, cốt bắt lấy người ăn thịt, không thiết đến của cải; có khi lấy thịt người ướp làm món ăn. Cho nên lại gọi là Hám nhân quốc (nước ăn thịt người)". Đại Việt sử ký toàn thư thì định vị Ô Hử rõ hơn là tên tộc thiểu số ở vùng núi Ô Hử thuộc huyện Hoành, tỉnh Quảng Tây.

Thực ra, chúng tôi cũng tìm thử trong Hậu Hán Thư thì chỉ có 1 quyển ghi chép về khu vực phía Nam sông Dương Tử là liệt truyện số 76: Nam Man Tây Nam Di. Trong cuốn này cũng chẳng hề có truyện Tây Mai di như Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép mà chỉ có truyện về Nam man và Tây Nam di. Và trong cả phần Nam man lẫn Tây Nam di cũng không hề nhắc đến từ "Hám nhân quốc". (ngay cách chép sử của người Hán cũng tỏ ra rất coi thường các dân tộc xung quanh khi người phía nam gọi là Man, người phía đông gọi là Di, phía bắc gọi là Địch, phía tây gọi là Nhung).

Còn như Nam Châu dị vật chí của Vạn Chấn (thời Tam Quốc) còn trước cả thời viết Hậu Hán thư. Cuốn này cũng chỉ là ghi chép trong đó có nhiều yếu tố dân gian chứ không phải chính sử, độ tin cậy rất thấp. Do vậy, chi tiết về dân tộc Ô Hử phía nam sông Dương Tử có truyền thống ăn thịt người là rất thiếu cơ sở.

Cũng cần thông cảm là các sử gia thời trước quả thật gặp khó trong việc tra cứu tư liệu xưa. Từ thời Linh đế nhà Hán đến lúc sủ gia nhà Nguyễn viết Khâm định cách nhau cũng khoảng 1,5 thiên niên kỷ - thời gian quá dài để thu thập tài liệu chính xác. Do vậy, nhiều sự kiện có khi cũng chỉ là chép tạm để sử gia thời sau có điều kiện sẽ khảo chứng thêm.

Nhưng một điều phải ghi nhận thời kỳ đó, triều đình phong kiến phương Bắc có dã tâm rất lớn trong việc bành trướng xuống phía Nam. Để thuyết phục nhân tâm thì họ tìm chính danh trong việc xâm lược các dân tộc phía Nam bằng chiêu bài "giáo hóa" các dân tộc chưa hiểu đạo thánh hiền, lối sống man rợ trong đó có việc ăn thịt người. Chiêu bài này được triều đình Hán - triều đại bắt đầu áp dụng Nho giáo làm hệ tư tưởng cai trị - đẩy mạnh. Trên cơ sở đó, những câu chuyện ghi chép, các giai thoại thiếu thiện chí dành cho các dân tộc phía nam xuất hiện như chuyện người Ô Hử ăn thịt người xuất hiện để làm cớ cho việc xâm lược xuống phía nam. Ngay đến thời Minh - Thanh, khi Phùng Mộng Long (tác giả Đông Chu Liệt quốc) viết Dụ Thế Minh ngôn cũng còn chép những chuyện kể về người phía nam ai cũng giỏi bùa ngải, giết người như bỡn dù trên thực tế thì đó là "fake news".

Những ghi chép rồi truyền miệng về "tộc ăn thịt người" thời Hán chẳng biết có đúng không nhưng về sau, nó trở thành một phần cảm hứng cho văn học Trung Quốc. Nếu đọc Thủy Hử của Thi Nại Am thì thấy thời Tống nhan nhản các tửu điếm giết người để làm bánh bao nhân thịt người còn khắp chốn là các sơn trại với các đại vương thích moi gan nạn nhân uống rượu, riêng "hảo hán" Lý Quỳ thì được kể rằng đã giết Lý Quỷ rồi ăn thịt ở hồi 42 như sau: "Đoạn rồi lần đến bếp, thấy nồi cơm đã chín, không còn có một chút gì để làm thức ăn. Chàng dở cơm ra ăn mấy miếng, rồi nom ra cái xác chết mà cười nói rằng: Mình ngu xuẩn thực! Thịt bỏ đây kia, mà không ăn là nghĩa lý gì?

Nói đoạn liền xăm xăm vác dao ra cắt mấy miếng thịt đùi Lý Quỷ, lấy nước rửa sạch, rồi đem vào đống than lửa vừa nướng vừa ăn, ăn một lúc no nê rồi đem xác Lý Quỷ vất vào giữa nhà, mà châm một mồi lửa đốt lên, rồi đem dao khoác gói ra đi".

Truyện Tây Du Ký thì việc tìm cách ăn thịt Đường Tăng được lặp đi, lặp lại trong từng chương hồi. Truyện Tam Quốc cũng kể chuyện Lưu An giết vợ làm thịt dâng cho Lưu Bị ở hồi 19 như sau: "Một hôm vào nghỉ trọ một nhà, trong nhà có một chàng tuổi trẻ ra lạy. Bị hỏi tên họ là gì, người ấy nói là con nhà săn bắn tên là Lưu An. Lưu An nghe thấy quan mục Dự Châu đi qua, muốn kiếm đồ dã vị thết đãi, ngặt vì không tìm được thứ gì bèn giết vợ lấy thịt thết Lưu Bị. Huyền Đức hỏi: Thịt gì?
An thưa: Thịt chó sói!

Huyền Đức tưởng thực, ăn một bữa no, rồi tối đi ngủ. Đến sáng sắp đi, ra đằng sau lấy ngựa, thấy ở dưới bếp có một người đàn bà chết, thịt cánh tay đã cắt hết. Lưu Bị giật mình, hỏi ra mới biết thịt ăn tối hôm trước là thịt vợ Lưu An".

Ba trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc đều kể về ăn thịt người một cách rất tự nhiên. Cảm hứng đó truyền tiếp đến văn học hiện đại. Nổi tiếng trong văn học Trung Quốc phải kể đến các tác phẩm của Kim Dung. Cảm hứng ăn thịt người cũng được tả khá rõ. Chẳng hạn trong Xạ điêu anh hùng truyện thì kể "Quách Tĩnh bị rắn độc của Lương Tử Ông tấn công, trong lúc cấp bách Quách Tĩnh đã hút hết máu rắn nhờ đó công lực tăng lên đáng để. Sau đó Quách Tĩnh bị Lương Tử Ông truy sát để hút máu sống". Trong Ỷ Thiên đồ long ký thì kể "Vi Nhất Tiếu bị tẩu hỏa nhập ma khi luyện công, do đó khi khai triển nội công đều phải hút máu người sống, nếu không thì sẽ bị lạnh cóng toàn thân và chết". Đặc biệt, Ỷ Thiên đồ long ký hồi 80 còn kể khi Trương Vô Kỵ dắt Dương Bất Hối đi tìm cha thì suýt bị bọn Tiết Viễn Công, Giản Tiệp giết để làm thịt ăn. Giản Tiệp còn nói: "Bụng đói đến nổ đom đóm thế này, dù ngươi có là em ruột, con ruột thì ta cũng ăn cả xương lẫn da". Còn Tiết Công Viễn thì nói: "Đang đói bỏ mẹ, đến bố mẹ ruột tao cũng ăn nữa là".

Đến Liên Thành Quyết thì việc ăn thịt người còn được đề cập rất cụ thể ở chương 32 và 33. Theo đó, nhân vật Hoa Thiết Cán đã ăn thịt luôn 2 người anh em kết nghĩa xấu số là Lục Thiên Trữ và Lưu Thừa Phong. Thậm chí, họ Hoa còn định giết luôn Địch Vân để làm thịt và lý luận với Thủy Sinh: "Thịt người sống ngon hơn thịt người chết, chúng ta mổ gã chia nhau ăn thịt há chẳng hay hơn ư?"

Thật khôi hài. Khi các triều đại xưa Trung Quốc dung túng cho những lời đồn đại về "lối sống hoang dại" của người phương nam thì những câu chuyện về "ăn thịt người" lại thẩm thấu, bám chắc vào nền văn học Trung Quốc. Cái sự thẩm thấu và bám chắc này lớn đến mức đi vào các tác phẩm nổi tiếng một cách rất tự nhiên mà không ai phải băn khoăn cả. Thậm chí, khi người ta đưa chuyện ăn thịt người lên tựa đề tác phẩm như "Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu" để thành yếu tố kích thích người đọc nâng tầm lên "Best seller".

Theo hiểu biết nông cạn của người viết thì các nền văn học khác đều không có yếu tố "ăn thịt người" phổ biến như vậy. Ngay nền văn học Việt Nam thì ngoài chuyện Tấm Cám ra thì hầu như chúng ta không gặp chi tiết "ăn thịt người".

Anh Tú


Nhận xét

Bài đăng phổ biến