QUAN HỆ VIỆT-TRUNG QUA CON MẮT CỦA MỘT HỌC GIẢ TRUNG QUỐC
QUAN HỆ VIỆT-TRUNG
QUA CON MẮT
CỦA MỘT HỌC GIẢ TRUNG QUỐC
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Đầu tháng 2 năm nay, tôi có chuyến
thăm thứ hai đến Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Khác với chuyến thăm lần đầu
cách đây bốn năm, lần này tôi quyết định dành phần lớn thời gian trong năm ngày
ở đây để khám phá các bảo tàng trong thành phố. Ở Việt Nam lúc này là mùa khô,
và các bảo tàng sẽ cung cấp một nơi trú ẩn dễ chịu trước cái nóng hầm hập trên
đường phố. Vả lại, con trai tôi mới bốn tuổi trong chuyến thăm đầu, và tôi nghĩ
lớn thêm bốn năm là đủ cho nó học được chút gì đó từ các bảo tàng về lịch sử và
văn hóa của một đất nước mà nó đã đến thăm hai lần.
Quan trọng hơn, là một nhà khoa
học chính trị, tôi hy vọng chúng sẽ giúp tôi tìm hiểu xem Việt Nam nhìn nhận
như thế nào về mối quan hệ với Trung Quốc. Với vai trò hết sức quan trọng của
các bảo tàng – cũng như bản đồ và các cuộc điều tra dân số – trong quá trình
hình thành bản sắc quốc gia, như Benedict Anderson đã thảo luận sâu rộng trong
cuốn sách được đánh giá cao The Imagined Communities của ông, tôi chắc
chắn câu chuyện của chính phủ Việt Nam về mối quan hệ song phương sẽ khác câu
chuyện của chính phủ Trung Quốc, nhưng tôi không biết chính xác thì khác như thế
nào.
Sáng ngày thứ hai, tôi đến Bảo
tàng Chứng tích Chiến tranh. Tôi đã nghe những người từng đến thăm bảo tàng nói
đây là nơi dành riêng cho cuộc chiến giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi cũng biết rằng
Trung Quốc đã cung cấp một lượng lớn viện trợ cho Việt Nam trong cuộc chiến, mặc
dù Bắc Kinh chưa bao giờ tiết lộ con số chính xác. Một nguồn tin của Trung Quốc
ước tính con số này rơi vào khoảng 20 tỷ USD (tính theo cơ sở giá trong những
năm 1970). Hơn nữa, Bắc Kinh cũng gửi 300.000 nhân viên quân sự qua biên giới
trong giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1968, theo một nguồn tin khác. Bởi vậy mà
trước khi đến bảo tàng, tôi đã nghĩ sẽ có ít nhất một hai hiện vật để ghi nhận
sự giúp đỡ hào phóng mà Trung Quốc dành cho Việt Nam.
Tầng trệt của bảo tàng là một bộ
sưu tập ảnh và áp phích. Các bức ảnh cho thấy các cuộc tập hợp, diễu hành, biểu
tình phản đối chiến tranh trên khắp thế giới (và cả ở Mỹ), trong khi các tấm áp
phích dùng từ ngữ và hình ảnh để truyền tải sự ủng hộ của quốc tế dành cho Việt
Nam và phản đối Hoa Kỳ. Đến cuối bộ sưu tập tôi gặp ba bức ảnh. Bức thứ nhất chụp
cảnh Mao Trạch Đông bắt tay với Hồ Chí Minh. Bức thứ hai chụp hai quả khinh khí
cầu treo hai dải băng rôn dài – một ghi “Mao chủ tịch muôn năm” và một ghi “Hồ
chủ tịch muôn năm” – trên quảng trường Thiên An Môn đông đúc ở Bắc Kinh. Bức thứ
ba chụp cảnh Mao đón tiếp một phái đoàn Việt Nam. Hóa ra chỉ có ba bức ảnh này
trong bảo tàng cao ba tầng gợi ý sự thừa nhận và biết ơn của Việt Nam đối với sự
trợ giúp của Trung Quốc trong Chiến tranh Việt Nam.
Chiều ngày thứ tư, tôi đến thăm
Bảo tàng Lịch sử. Sau khi nhanh chóng đi qua hai gian trưng bày đầu tiên, có
các hiện vật và trang phục truyền thống, tôi đến lối vào gian trưng bày thứ ba.
Ở đầu lối vào là một tấm bảng ghi “Bắc thuộc – Đấu tranh giành độc lập.” Gian
trưng bày thứ ba này có khoảng hai chục tấm áp phích và bản đồ phục dựng. Tôi đặc
biệt thấy cuốn hút trước một tấm áp phích, ghi (nguyên văn) như sau:
Sau khi An Dương Vương thất bại
trong cuộc kháng chiến chống Triệu Đà (179 TCN), Việt Nam bị các triều đại
phong kiến Trung Quốc cai trị, bóc lột, và đồng hóa. Trong hơn 1.000 năm, người
Việt Nam đã cố gắng hết sức để gìn giữ văn hóa truyền thống, ngôn ngữ dân tộc,
tiếp nhận và Việt hóa các yếu tố văn hóa Hán; đồng thời tổ chức hơn 100 cuộc nổi
dậy chống lại những kẻ xâm lăng để giành chủ quyền với cuộc nổi dậy đầu tiên là
của Hai Bà Trưng (40–43 CN). Năm 938, Ngô Quyền đánh đuổi hoàn toàn quân Trung
Quốc xâm lược trên sông Bạch Đằng lịch sử, bắt đầu kỷ nguyên tự do và độc lập
cho người Việt Nam.
Sau tấm áp phích là một chuỗi
các bản đồ phục dựng, thể hiện không chỉ các tuyến đường của “quân Trung Quốc
xâm lược” liên tiếp, mà còn cả vị trí của các cuộc kháng chiến. Một tấm bản đồ
mô tả “các cuộc nổi dậy tiêu biểu chống quân xâm lược phương Bắc (thế kỷ
1–10).” Một tấm thể hiện “chiến thắng của quân đội Đại Việt trước quân Tống xâm
lược (1076–1077).” Tấm bản đồ thứ ba cho thấy “cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
(1418–1427).” Đến khi bước ra khỏi lối vào, tôi đã có một cái nhìn rõ ràng về
cách mà Trung Quốc từng – và có lẽ là vẫn – được nhìn nhận bởi người láng giềng
phương Nam.
Đến tối về lại phòng khách sạn,
tôi cố gắng lý giải những gì mình đã thấy trong Bảo tàng Lịch sử. Tình cờ tôi
có mang theo một cuốn sách du lịch của Lonely Planet năm 2014 về Việt Nam, nên
tôi bắt đầu đọc phần giới thiệu ngắn gọn về lịch sử đất nước. Rồi tôi thấy một
mục có tiêu đề “China Bites Back” (Trung Quốc nổi giận), viết như sau:
Trung Quốc một lần nữa nắm quyền
kiểm soát ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 15, đem văn khố quốc gia và một số trí thức
của đất nước về Nam Kinh [kinh đô nhà Minh] – một tổn thất có tác động lâu dài
lên nền văn minh Việt Nam. Sưu cao thuế nặng và lao động khổ sai cũng là điển
hình của thời kỳ này. Nhà thơ Nguyễn Trãi (1380–1442) viết về giai đoạn này: “Độc
ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Nhơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa
sạch mùi.”
Thành thật mà nói, tôi đã không
hề chuẩn bị tinh thần để đón nhận một đoạn thơ như thế. Quả thật, với tôi, nó
nghe cũng giống như một đoạn thơ lên án quân Nhật Bản xâm lược Trung Quốc nếu
tác giả không được nêu tên. Tôi thực sự choáng váng trước mức độ oán hận trong
hai dòng thơ này. Chắc chắn là tôi nhận thức được rất rõ rằng hai đất nước đã
trải qua một mối quan hệ nhiều rắc rối kể từ cuối những năm 1970: một cuộc đụng
độ biên giới năm 1979, các cuộc đụng độ trên biển vào cuối những năm 1980, và
căng thẳng trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông kể từ năm 2010. Nhưng tôi không
biết sự thù địch của Việt Nam với Trung Quốc lại sâu đậm và mạnh mẽ như thế.
Như một “bách niên quốc sỉ” đã trở thành một phần không thể tách rời trong ký ức
tập thể của người Trung Quốc, “ngàn năm Bắc thuộc” cũng phát triển thành một
thành tố cốt lõi trong bản sắc dân tộc của người Việt Nam, bất kể ký ức của người
Trung Quốc thay đổi như thế nào, hay bản sắc Việt Nam là do tự phát triển hay
được hình thành một cách nhân tạo.
Bỏ cuốn Lonely Planet xuống, tôi
cố gắng lý giải mối quan hệ Việt-Trung. Bỗng nhiên tôi nhớ ra một đoạn trích
thường được [một số học giả phương Tây] cho là của Hồ Chí Minh, vị cha già của
Việt Nam hiện đại. Ông Hồ được cho là đã nói như sau vào năm 1946, ít lâu sau
khi ông đồng ý cho phép quân đội Pháp trở lại Việt Nam:
Các anh thật thiển cận! Các anh
không nhận ra Trung Quốc ở lại nghĩa là thế nào sao? Các anh không nhớ lịch sử
của mình sao? Lần cuối đến đây, họ đã ở lại một ngàn năm. Pháp là người ngoài.
Họ yếu. Chủ nghĩa thực dân sắp chết. Người da trắng đã tận số ở châu Á. Nhưng nếu
ở lại bây giờ thì người Trung Quốc sẽ không bao giờ rời đi. Còn tôi, tôi thà ngửi
cứt Pháp trong năm năm tới còn hơn ăn cứt Tàu cả cuộc đời.
Sự tha thứ nhanh chóng của Hồ
Chí Minh đối với thực dân Pháp góp phần giải thích thái độ rộng lượng dễ thấy của
người Việt đối với người Mỹ. Một vật trưng bày trong Bảo tàng Chứng tích Chiến
tranh nói rằng 3 triệu người Việt (trong đó có 2 triệu dân thường) đã bị giết,
2 triệu người bị thương, cộng thêm 300.000 người mất tích trong cuộc chiến chống
Mỹ. Bên cạnh tổn thất kinh hoàng về người còn có tổn hại to lớn mà chất độc da
cam gây ra cho cả môi trường địa phương và người dân sống ở đó. Rất có thể những
hành động ô nhục và tội ác mà người Mỹ gây ra trong khoảng mười năm còn tồi tệ
hơn nhiều so với những gì mà Trung Quốc đã gây ra (cho Việt Nam) trong hơn một
ngàn năm. Vậy mà người Việt Nam vẫn có vẻ nhanh chóng vượt qua được sự tàn ác của
Mỹ.
Quá khứ có thể cho chúng ta biết
gì về tương lai của mối quan hệ Việt-Trung? Một bài học có vẻ đúng: Các lực lượng
ly tâm của chủ nghĩa dân tộc mạnh hơn rất nhiều so với các lực lượng hướng tâm
của chủ nghĩa cộng sản. Cũng như Mao cuối cùng đã cắt đứt với Stalin, cuối cùng
Hồ Chí Minh cũng quay lưng lại với Mao. Cào vỏ bọc một người cộng sản, rồi ta sẽ
thấy không sâu bên dưới lớp da là một nhà dân tộc chủ nghĩa. Chừng nào những ký
ức về “ngàn năm Bắc thuộc” còn tươi mới trong ý thức tập thể của người Việt, hứa
hẹn của Bắc Kinh về sự trỗi dậy hòa bình sẽ còn không đáng tin, và những căng thẳng
tiếp diễn ở Biển Đông chỉ khiến hứa hẹn đó thêm phần đáng ngờ. Hà Nội sẽ tiếp tục
tìm kiếm sự ủng hộ từ những bên thứ ba để chuẩn bị nghênh đón sự trỗi dậy không
hòa bình của Trung Quốc.
Với những suy nghĩ này, tôi chuẩn
bị cho điểm dừng tiếp theo: Yangon, Myanmar.
Xie Tao (Tạ Thao)
Giáo sư ngành khoa học chính trị
tại Trường Anh ngữ và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, là tác giả
cuốn U.S.-China Relations: China Policy on Capitol Hill(Routledge, 2009).
Bài viết thể hiện quan điểm của riêng tác giả.
Nhận xét
Đăng nhận xét