BIÊN BẢN HỘI ĐÀM THÀNH ĐÔ VIẾT GÌ?

BIÊN BẢN 
HỘI ĐÀM THÀNH ĐÔ 
VIẾT GÌ?

Tác giả: Ngô Hưng Đường (Trung Quốc)
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Cuộc gặp gỡ nội bộ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Việt Nam tiến hành lặng lẽ tại Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990. Tham gia cuộc gặp nội bộ này phía Trung Quốc có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đương nhiệm Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc Vụ Viện đương nhiệm Lý Bằng; phía Việt Nam có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Cố vấn Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Phạm Văn Đồng. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo chủ yếu của hai đảng, hai nước sau thời gian gián đoạn 13 năm.

Hồi đó tôi đang làm Trưởng Phòng Nghiên cứu của Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương ĐCSTQ, có tham gia cuộc gặp nói trên với tư cách cán bộ tùy tùng.

Lời nhắn miệng của Đặng Tiểu Bình

Tháng 7 năm 1986, Tổng Bí thư ĐCSVN Lê Duẩn qua đời. Tháng 12, tại Đại hội ĐCSVN lần thứ VI, Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư ĐCSVN. Những năm 1960, trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ Nguyễn Văn Linh là thành viên Cục Miền Nam của ĐCSVN, có thái độ hữu hảo với Trung Quốc, từng nhiều lần đến thăm Trung Quốc. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đều từng hội kiến với Nguyễn Văn Linh. Sau khi được bầu làm Tổng Bí thư ĐCSVN, ông đã đã tích cực đẩy mạnh thực thi đường lối mới của cách mạng Việt Nam và bắt tay cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc.

Trong thời gian từ cuối 1988 đến đầu 1989, phía Việt Nam trước sau đã ba lần ngỏ ý mong muốn cải thiện mối quan hệ Việt-Trung. Tháng 10/1989, Đặng Tiểu Bình hội kiến với Cay-xỏn Phôm-vi-hản [Kaysone Phomvihane] Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Lào, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Lý Gia Trung[1] hồi đó là Trưởng phòng Đông Dương thuộc Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao từng tham dự cuộc hội kiến này và làm nhiệm vụ ghi chép, có tiết lộ rằng Chủ tịch Cay-xỏn đã chuyển [tới Đặng Tiểu Bình] lời thăm hỏi của Nguyễn Văn Linh, nói Việt Nam nay đã có nhận thức mới đối với tình hình Trung Quốc, thái độ đối với Trung Quốc đã có thay đổi, mong muốn Trung Quốc có thể mời ông thăm Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình cũng đề nghị Cay-xỏn chuyển lời thăm hỏi tới Nguyễn Văn Linh.

Đặng Tiểu Bình nói: Việt Nam đề xuất muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, chúng tôi hoan nghênh. Tôi quen đồng chí Nguyễn Văn Linh từ lâu. Tôi mong muốn đồng chí ấy quả quyết giải quyết dứt điểm vấn đề Campuchia. Tôi hiện nay tuổi đã cao, sắp nghỉ hưu. Mong sao trước khi tôi nghỉ hưu hoặc không lâu sau khi nghỉ hưu thì vấn đề Campuchia có thể đã được giải quyết, mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam được khôi phục bình thường; như vậy sẽ chấm dứt được một nỗi băn khoăn của tôi. Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh hy vọng Việt Nam rút sạch sành sanh, rút triệt để quân đội ra khỏi Campuchia, thực hiện khối liên hợp 4 bên do Sihanouk đứng đầu (4 bên, tức chính quyền Heng Samrin do Việt Nam ủng hộ, và 3 phái chống lại: Mặt trận Đoàn kết dân tộc giành độc lập, trung lập, hòa bình và hợp tác Campuchia; Kampuchea Dân chủ do Khieu Samphon là đại diện, Mặt trận Giải phóng dân tộc nhân dân Cao-miên với đại diện là Son Sann), chỉ có làm được điều đó thì mới kết thúc quá khứ, khôi phục mối quan hệ Trung-Việt.

Tháng 6/1990, Nguyễn Văn Linh hội kiến Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Trương Đức Duy. Ông nói tình hình quốc tế hiện nay đang biến đổi mạnh, tình hình Đông Âu diễn biến rất phức tạp, tình hình Liên Xô cũng rất nghiêm trọng. Hai nước Việt Nam, Trung Quốc là láng giếng XHCN, ông hy vọng sớm đến Bắc Kinh hội kiến với các đồng chí lãnh đạo TƯ ĐCSTQ, thực hiện việc bình thường hóa quan hệ Việt-Trung trong những năm tháng ông còn trên đời.

Ngày 27/8, tại Liên Hợp Quốc, 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an đạt được sự nhất trí về việc giải quyết toàn diện vấn đề  Campuchia và quyết định ngày 10/9 sẽ  triệu tập một cuộc họp thảo luận thông qua 5 văn kiện về việc giải quyết toàn diện mặt chính trị vấn đề  Campuchia. Nội dung chính của các văn kiện đó là 4 bên Campuchia liên hợp cùng tổ chức cơ quan quyền lực lâm thời của Campuchia — Hội đồng Quốc gia Tối cao Campuchia [SNC, Supreme National Council]. Đây là một bước quan trọng và một tiến triển có tính đột phá trong việc giải quyết chính trị vấn đề Campuchia, cũng là thành quả quan trọng mà cộng đồng quốc tế giành được trong 12 năm tìm kiếm biện pháp giải quyết hòa bình vấn đề Campuchia.

Trong tình hình như vậy, Chính phủ Trung Quốc quyết định mời các nhà lãnh đạo ĐCSVN tới thăm Trung Quốc để tiến hành trao đổi ý kiến.

Theo chỉ thị từ trong nước và sau khi được Ban Đối ngoại TƯ ĐCSVN thu xếp, chiều ngày 29/8, Đại sứ Trương Đức Duy gặp mặt Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười, thay mặt Giang Trạch Dân và Lý Bằng mời hai ông cùng ông Phạm Văn Đồng đến Trung Quốc thăm nội bộ vào thời gian từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 9. Đại sứ còn thông báo, do Đại hội Thể thao châu Á [ASIAD] sắp được tổ chức tại Bắc Kinh nên để tiện giữ bí mật, địa điểm hội đàm sẽ thu xếp tại Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Phía Việt Nam rất vui mừng tiếp nhận lời mời.

Điểm mấu chốt của cuộc đàm phán: “+1” hay không

Ngày 31/8, tôi được Phó Trưởng ban Ban Liên lạc Đối ngoại TƯ ĐCSTQ Chu Thiện Khanh gọi tới gặp riêng. Ông báo cho tôi biết 3 ngày sau tôi sẽ đi theo Giang Trạch Dân và Lý Bằng đến Thành Đô tham gia cuộc gặp gỡ nội bộ Trung Quốc-Việt Nam, và yêu cầu tôi gấp rút viết một tài liệu về tình hình phong trào cộng sản quốc tế, sự biến đổi tình hình ở Đông Âu và Liên Xô, tình hình đảng ta khôi phục quan hệ với các đảng cộng sản từng cắt quan hệ trong cuộc luận chiến Trung-Xô, để chuẩn bị trình lãnh đạo trung ương đọc. Ông dặn tôi phải nghiêm ngặt giữ bí mật, không được nói việc này dù là với đồng sự hoặc người nhà. Tôi bỏ ra một ngày khẩn trương viết xong tài liệu nói trên và đưa in nộp lên trên.

Ngày 2/9, Giang Trạch Dân và Lý Bằng mỗi người đáp một chuyên cơ cất cánh từ sân bay Tây Giao Bắc Kinh. Nhân viên tùy tùng cũng chia làm hai tốp đi theo. Tốp đi theo Giang Trạch Dân gồm: Phó Chánh Văn phòng TƯ ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tề Hoài Viễn, Phó trưởng ban Ban Liên lạc Đối ngoại TƯ ĐCSTQ Chu Thiện Khanh. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Từ Đôn Tín và một số người khác, trong đó có tôi, đi theo Lý Bằng.

Chuyên cơ của Lý Bằng cất cánh lúc 3 giờ rưỡi chiều, khoảng 6 giờ đến Thành Đô. Chuyên cơ Giang Trạch Dân cũng đến nơi vào 6 giờ rưỡi.

Chúng tôi trọ tại nhà khách Kim Ngưu ở ngoại thành. Đây là một nhà khách nằm trong khu vườn cây, yên tĩnh mà đơn giản. Hội đàm và tiệc chiêu đãi sẽ làm tại tòa nhà chính số 1 ở chính giữa, khách và chủ sẽ trọ tại biệt thự ở hai bên tòa nhà này.

Tối hôm ấy, Giang Trạch Dân và Lý Bằng trao đổi với nhau về phương châm hội đàm. Tăng Khánh Hồng triệu tập các cán bộ tùy tùng của Văn phòng TƯ Đảng, Ban Liên lạc đối ngoại TƯ Đảng, và Bộ Ngoại giao bàn bạc tại chỗ  việc thu xếp chương trình làm việc và lễ nghi đón tiếp trong hai ngày tới, kể cả các chi tiết như bố trí khách và chủ ra vào đi riêng theo cửa nào, ai vào trước, ai vào sau. Tôi có tham gia cuộc bàn bạc này.

11 giờ sáng ngày 3/9, chuyên cơ Việt Nam hạ cánh xuống sân bay chuyên dụng ở Nam Ninh. Đây là chuyến bay hàng không dân dụng Việt Nam đầu tiên bay đến Trung Quốc trong 12 năm nay. Phái đoàn Việt Nam gồm mười mấy người. Ngoài Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng ra, cán bộ chủ yếu đi theo gồm: Chánh Văn phòng TƯ ĐCSVN Hồng Hà, Trưởng ban Đối ngoại TƯ ĐCSVN Hoàng Bích Sơn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm. Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Trương Đức Duy cũng đi cùng.

Tề Hoài Viễn, Chu Thiện Khanh, Từ Đôn Tín ra sân bay đón tiếp đoàn Việt Nam. Sau đó khách và chủ cùng đáp chuyên cơ của phía Trung Quốc bay về Thành Đô.

Hai giờ chiều, đoàn Nguyễn Văn Linh tới nhà khách Kim Ngưu. Giang Trạch Dân và Lý Bằng đón khách tại bên ngoài cửa vào tòa nhà chính số 1. Cuộc hội đàm bắt đầu vào khoảng hơn 4 giờ. Phòng họp rộng hơn 200 mét vuông bố trí đơn giản, chính giữa kê chiếc bàn dài, hai đoàn ngồi ở hai bên. Hội đàm tiến hành tổng cộng trong khoảng hơn ba tiếng đồng hồ.

Hồi đó Việt Nam đã rút quân khỏi Campuchia, những vấn đề chưa giải quyết chủ yếu liên quan tới hai mặt: đánh giá và hành xử như thế nào đối với 5 văn kiện của 5 nước thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc về việc giải quyết vấn đề Campuchia, và vấn đề thành viên của Hội đồng Quốc gia Tối cao Campuchia. Vấn đề của hai mặt đó có liên quan với nhau. Hai phía Trung Quốc và Việt Nam có những điểm đồng thuận, cũng có những điểm bất đồng. Ý kiến bất đồng chủ yếu có hai điểm.

Trước hết, nên đối xử ra sao với 5 văn kiện nói trên. Phía Việt Nam muốn trình bày ý “hoan nghênh”. Lý Bằng nói: Hoàng thân Sihanouk và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Liên Xô đều tỏ ý ủng hộ 5 văn kiện này, vì thế nên dùng từ “tán thành”. Sau thảo luận, phía Việt Nam biểu thị đồng ý [với phía Trung Quốc], nhưng yêu cầu thêm từ “khung”, phía Trung Quốc cũng đồng ý.

Bất đồng lớn hơn là ở chỗ hạn mức số người của 4 bên trong Hội đồng Quốc gia Tối cao Campuchia. Phía Việt Nam đồng ý “6 (phái Heng Samrin) + 2 (phái Sihanouk) + 2 (phái Khieu Samphon) + 2 (phái Son Sann)” Phía Trung Quốc đề xuất phương án “6 + 2 + 2 + 2 + 1”; trong đó “1” là Sihanouk, cho rằng Sihanouk là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Tối cao, nên có quyền lực tương ứng.[2]

Phía Việt Nam cảm thấy phương án của Trung Quốc rất khó được phía Phnom Penh tiếp nhận. Cuộc đàm phán trong ngày thứ nhất chưa đạt được đồng thuận về vấn đề này.

Đạt được “Biên bản hội đàm”

Hội đàm kéo dài một mạch đến 8 giờ tối. Đến 8 giờ rưỡi, buổi chiêu đãi mới bắt đầu. Trên bàn tiệc, Giang Trạch Dân và Lý Bằng tiếp tục trao đổi với Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười về những vấn đề chưa đạt đồng thuận.

Sau khi kết thúc buổi chiêu đãi, các cán bộ tùy tùng chính của hai bên tổ chức thành nhóm dự thảo biên bản hội đàm, họp bàn ngay trong đêm hôm ấy. Nhóm này phía Trung Quốc do Tăng Khánh Hồng phụ trách, phía Việt Nam do Hồng Hà phụ trách. Cuộc hội đàm [?] tiến hành cho tới đêm khuya.

Tôi cũng tham gia cuộc họp bàn của nhóm dự thảo biên bản. Nhiệm vụ chính của tôi là sẵn sàng bất cứ lúc nào khi cần là có thể báo cáo cho Giang Trạch Dân và Lý Bằng biết tình hình thảo luận của nhóm, sau đó truyền đạt lại ý kiến của hai vị ấy tới các cán bộ Trung Quốc trong nhóm dự thảo.

Cuộc thảo luận rất gian khổ, bàn bạc từng chữ từng câu. Có một tranh chấp chính là sau khi hai bên Trung-Việt đạt được sự nhất trí ý kiến về vấn đề Campuchia, những ý kiến đó sẽ chuyển lại cho các bên liên quan của Campuchia như thế nào. Qua bàn bạc lâu dài, hai bên đồng ý trình bày là “bằng sự cố gắng của mỗi bên”, “thúc đẩy” các bên Campuchia đạt được thỏa thuận về việc thành lập Hội đồng Quốc gia Tối cao.

Sáng ngày 4/9, lãnh đạo hai bên tiến hành cuộc hội đàm lần thứ hai.

Sau khi đi vào nội dung chính, hai bên tiếp tục bàn vấn đề thành phần nhân sự của Hội đồng Tối cao. Nguyễn Văn Linh bỗng dưng nêu ra một vấn đề:  Hội đồng Tối cao sẽ tuân theo nguyên tắc làm việc như thế nào, là nguyên tắc đồng thuận nhất trí hay nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số?

Giang Trạch Dân khôn khéo trả lời câu hỏi này. Ông nói, nếu 4 bên đã đều đồng ý thành lập Hội đồng Tối cao thì họ nên xuất phát từ đại cục lợi ích dân tộc, thực sự thực hiện hòa giải dân tộc. Dưới tiền đề đó, phía Trung Quốc “có thể đồng ý” Hội đồng Tối cao làm việc theo nguyên tắc hiệp thương nhất trí.
Phạm Văn Đồng đồng ý với ý kiến của Giang Trạch Dân.

Sau khi giải quyết xong các vấn đề chủ yếu, việc còn lại là quyết định cuối cùng “Biên bản hội đàm [nguyên văn Hội đàm kỷ yếu]”.

Về  vấn đề Hội đồng Tối cao Campuchia, Biên bản hội đàm viết: Hai bên cho rằng, việc sớm thành lập Hội đồng Tối cao Campuchia là bước then chốt để giải quyết chính trị vấn đề Campuchia. Hội đồng này nên tuân theo nguyên tắc bất cứ phái nào cũng không được chiếm địa vị chi phối, cũng không loại trừ bất cứ phái nào, [Hội đồng này] do 4  bên Campuchia tổ chức nên. Việc để Hoàng thân Sihanouk làm Chủ tịch [Hội đồng] là thích đáng. Hai bên đồng ý sẽ thông báo cho các bên Campuchia và sẽ làm việc với họ, cố gắng sớm nhất dựa theo phương thức 6+2+2+2+1 thành lập Hội đồng Tối cao và [Hội đồng này] sẽ làm việc căn cứ theo nguyên tắc hiệp thương nhất trí.

Về vấn đề bình thường hóa quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, Biên bản chỉ ra: Hai bên đã trao đổi ý kiến về vấn đề sớm khôi phục mối quan hệ hai đảng, hai nước, đồng ý cùng với việc giải quyết chính trị vấn đề Campuchia một cách toàn diện, công bằng và hợp lý, sẽ từng bước cải thiện quan hệ hai đảng, hai nước, tiến tới thực hiện bình thường hóa. Trong đó hai chữ “hai đảng” được thêm vào là căn cứ theo kiến nghị của Phạm Văn Đồng.

Hai bên còn trao đổi ý kiến về các biện pháp cụ thể để từng bước cải thiện quan hệ, nội dung gồm có:

-Hai bên áp dụng biện pháp giảm lực lượng quân đội ở biên giới, tránh tất cả các hoạt động đối địch;
-Đình chỉ mọi tuyên truyền đối địch với đối phương;
-Tăng cường sự đi lại của dân chúng;
-Khôi phục trật tự bình thường trong buôn bán ở vùng biên giới [biên mậu];
-Lãnh đạo cấp cao hai nước tiến hành tiếp xúc và thăm lẫn nhau.

Bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ

Hai giờ rưỡi chiều, hai bên Trung Quốc-Việt Nam làm lễ ký kết [Biên bản Hội đàm] tại tòa nhà chính số 1. Phía Trung Quốc đề nghị để Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười thay mặt đảng và chính phủ nước mình ký văn bản. Phía Việt Nam đồng ý.

Ngay tại lễ ký, Giang Trạch Dân dẫn câu thơ thất luật của Lỗ Tấn[3] để tặng các đồng chí Việt Nam:

Độ tận kiếp ba huynh đệ tại,
Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu
[tạm dịch: Qua kiếp nạn, anh em còn đó.
Gặp nhau cười, hết sạch ơn thù].

Hội trường vang lên tiếng vỗ tay.
Tối hôm ấy, Nguyễn Văn Linh cũng xúc động viết 4 câu thơ:[4]

Huynh đệ chi giao số đại truyền
Oán hận khoảnh khắc hóa vân yên
Tái tương phùng thời tiếu nhan khai
Thiên tải tình nghị hựu trùng kiến.
[dịch ý:  Tình anh em truyền bao đời, trong khoảnh khắc mọi oán hận tan thành mây khói, khi gặp nhau nở nụ cười, xây đắp lại tình hữu nghị muôn đời].

Trong tháng đó, bốn bên Campuchia gặp nhau tại Jakarta [Indonesia], thành lập Hội đồng Quốc gia Tối cao Campuchia, tuyên bố các bên Campuchia đều tiếp thu các văn kiện do 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua và dùng các văn kiện đó làm cơ sở để giải quyết chính trị vấn đề Campuchia.

Ngày 29/6/1991, Đại hội lần thứ VII ĐCSVN bế mạc, Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng làm Cố vấn. Tinh thần cơ bản chung của Đại hội là: Việt Nam ở vào giai đoạn đầu [sơ cấp]  của CNXH, phát triển sức sản xuất là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời tiếp tục chấp hành đường lối cải cách đổi mới mở cửa do Đại hội VI đề ra, chủ trương hợp tác hữu nghị với các nước.

Buổi chiều ngày thứ hai sau khi Đại hội bế mạc, Lý Bằng hội kiến đại biểu đặc biệt của Trung ương ĐCSVN Lê Đức Anh và Hồng Hà. Hai bên đồng ý tổ chức sớm nhất cuộc gặp gỡ cấp cao Trung Quốc-Việt Nam.

Ngày 5/11, tân Tổng Bí thư ĐCSVN Đỗ Mười và tân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao đảng và chính phủ Việt Nam chính thức thăm Trung Quốc.

Hai nước ra thông cáo chung, tuyên bố sẽ phát triển mối quan hệ hữu nghị láng giềng trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, và dựa trên cơ sở 4 nguyên tắc về mối quan hệ đảng “Độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau”, khôi phục mối quan hệ bình thường giữa hai đảng Trung Quốc-Việt Nam.

Giang Trạch Dân phát biểu: Sau khi mối quan hệ giữa hai nước trải qua một đoạn đường quanh co, các nhà lãnh đạo hai nước Trung Quốc-Việt Nam hôm nay có thể ngồi lại cùng nhau tiến hành cuộc gặp cấp cao là việc có ý nghĩa quan trọng. Ông nói, đây là một lần gặp gỡ kết thúc quá khứ, mở ra tương lai, đánh dấu sự bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước.

Tác giả: Ngô Hưng Đường (Trung Quốc)
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
------------
Chú thích:
Ngô Hưng Đường()từ 1960 công tác lần lượt tại Vụ Một thuộc Ban Liên lạc đối ngoại TƯ ĐCSTQ, Viện Nghiên cứu Liên Xô-Đông Âu, Đại sứ quán Trung Quốc tại CHLB Đức, từng làm Trưởng phòng Nghiên cứu BLLĐN, Cục trưởng Cục Thông tin và người phát ngôn của BLLĐN. Sau 1993 là Tổng Thư ký Hội Giao lưu quốc tế TQ. Hiện là giáo sư thỉnh giảng của Học viện Quan hệ quốc tế ĐH Nhân dân Bắc Kinh, Cố vấn Hội Phong trào cộng sản quốc tế TQ. Từng viết hơn 200 bài báo.
Nguyên văn đầu đề bài viết là: Sự thật về cuộc gặp nội bộ Trung Quốc-Việt Nam tại Thành Đô. Bài đăng trên tuần san Trung Quốc Tân Văn ngày 1/8/2015.
[1] Lý Gia Trung 李家忠 (1936-), biết tiếng Pháp, tiếng Việt, từng có 40 năm tiếp xúc với Việt Nam, 18 năm làm việc ở VN, làm Bí thư thứ hai, Tham tán chính trị, 12/1995-7/2000 là Đại sứ TQ tại VN, từng viết nhiều bài báo và sách về VN, Hồ Chí Minh.
[2] Theo Lý Gia Trung (xem http://nghiencuuquocte.org/2014/11/07/noi-tinh-cuoc-gap-lanh-dao-trung-viet-tai-thanh-do/) : Phía TQ đưa phương án SNC gồm Sihanouk là Chủ tịch, ngoài ra phái Heng Samrin có 6 người, 3 phái chống đối (Khmer Đỏ, Ranaridh, Son Sann) mỗi phái 2. Nguyễn Văn Linh tán thành. Đỗ Mười nói phương án này khó được phái Heng Samrin tiếp thu. Phạm Văn Đồng nói phương án của TQ không công bằng, không hợp lý. Nhưng cuối cùng phía VN vẫn chấp nhận.  Qua hai bài của Lý Gia Trung và Ngô Hưng Đường, có thể thấy trong hội đàm Thành Đô, phía VN tập trung vào vấn đề khôi phục quan hệ TQ-VN, còn TQ tập trung vào việc giải quyết vấn đề CPC.
[3] Giang Trạch Dân lại nói câu thơ này là của nhà thơ Giang Vĩnh (1681-1762), người cùng quê với Giang Trạch Dân. Có lẽ Lỗ Tấn đã mượn câu thơ này để đưa vào bài thơ “Đề Tam Nghĩa tháp” ông làm năm 1933 khi đến thăm tháp Tam Nghĩa. Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Quảng Tây cũng nói như Giang Trạch Dân.
[4] Chưa rõ ông Linh viết mấy câu thơ này bằng chữ Hán hay chữ Quốc ngữ rồi được dịch ra tiếng Trung Quốc.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến