Tinh gọn bộ máy:
Quyết tâm rất lớn, thực hành tới đâu?
Tinh gọn bộ máy là chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm với
nhiều khẩu hiệu mạnh mẽ nhằm kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Quyết tâm
chính trị được thể hiện như vậy, còn khâu thực hành sẽ ra sao?
Thông điệp của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam rất quyết liệt, tạo ấn
tượng về một cuộc cách mạng sục sôi.
"Vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm!", "Càng làm sớm
càng có lợi cho dân, cho nước", "Trung ương làm gương, địa phương hưởng
ứng", "vừa chạy vừa xếp hàng", "cả hàng phải chạy, không chờ
đợi ai". Đó là những diễn ngôn mà ông Tô Lâm lặp đi lặp lại, được hưởng ứng
và khuếch đại bởi các quan chức trung ương và địa phương, các cựu lãnh đạo và hệ
thống báo chí nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Về bản chất, việc tinh gọn này là nhằm cắt giảm gánh nặng về ngân sách vì
theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện ngân sách chi gần 70% để trả lương, chi thường
xuyên, phục vụ các hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy thì sẽ không còn
tiền chi cho đầu tư phát triển để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Vào ngày 3/12, tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã
đề ra thời hạn cho việc tinh gọn bộ máy chính trị cồng kềnh là vào quý 1/2025,
theo báo Thanh Niên.
Với việc đặt ra một kỳ hạn rất gấp rút cho công tác tinh gọn bộ máy, có
thể thấy quyết tâm lớn của nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, nói với BBC
ngày 6/12 rằng Tổng Bí thư Tô Lâm có chủ trương tiến hành một cuộc cách mạng về
tinh gọn, cải cách thể chế với "quy mô chưa từng có trong lịch sử".
Tuy nhiên, từ quyết tâm chính trị đến thực thi luôn là một khoảng cách lớn.
Trong đó, vấn đề thực thi từ trước đến nay luôn được coi là điểm nghẽn, là trở
ngại lớn khiến cho một chính sách dù có tốt cũng không đạt được hiệu quả.
Giáo sư Thayer nhận định rằng Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm quản lý và
tích lũy về mặt thể chế để thực hiện một cuộc cách mạng, một cuộc cải tổ có quy
mô lớn với tốc độ như vậy trong một thời gian ngắn.
Thách thức của việc tinh gọn
Sau khi kế nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm đã có các bài
viết, những phát biểu về một tương lai mới dành cho Việt Nam - "kỷ nguyên
vươn mình dân tộc". Có thể thấy, ông đang muốn tạo dấu ấn riêng cho thời
gian lãnh đạo của mình, bứt khỏi quá khứ "đốt lò", "ngoại giao
cây tre" của thời Nguyễn Phú Trọng.
Để đạt được điều này, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, một trong những việc cần
làm là "thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng xây dựng hệ thống chính trị
tinh gọn, hoạt động hiểu quả, hiệu lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn
Cách mạng mới."
Từ đó, Nghị quyết 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12
về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được ông Tô Lâm khơi
lại, kêu gọi toàn bộ hệ thống đảng và nhà nước cùng chung tay để tiến hành việc
tinh gọn.
Sau bảy năm thực hiện Nghị quyết 18, ông Tô Lâm cho rằng dù đã được được
một số kết quả quan trọng nhưng nhìn chung vẫn chưa có sự quyết tâm cao, hành động
chưa quyết liệt. Người đứng đầu Đảng thừa nhận "cho đến nay tổ chức bộ máy
của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ
của địa phương" từ đó dẫn đến cơ chế xin-cho, dễ này sinh tham nhũng, lãng
phí, tiêu cực.
Như vậy, trong suốt bảy năm ông Nguyễn Phú Trọng cầm quyền, vấn đề tinh gọn
đã không được thực hiện một cách triệt để. Thậm chí, chính ông Trọng là người
đã cho tái lập các ban đảng vốn đã bị giải thể - điều được cho là nhằm phục vụ
cho mục tiêu chính trị của ông.
Do đó, việc tân lãnh đạo Tô Lâm quyết tâm tinh gọn, tái cơ cấu bộ máy
chính trị cho thấy đây là một bước đổi mới rõ nét so với ông Trọng và tạo nên dấu
ấn riêng của mình.
Năm 2013, ông Nguyễn Xuân Phúc khi đó làm phó thủ tướng đã có phát biểu
nêu bật tình trạng này. Ông nói rằng: "Trong bộ máy có tới 30% số công chức
không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về."
Vào ngày 4/11/2024, tranh luận tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng
Kim (thuộc Đoàn Nam Định) đã tiết lộ rằng: "Có đồng chí bộ trưởng nói với
tôi rằng nếu bộ của họ giảm 30-40% biên chế cũng chẳng hề hấn gì."
Như vậy, thực trạng bộ máy cồng kềnh với đội ngũ cán bộ làm việc không hiệu
quả đã tồn tại nhiều năm qua và vấn đề tinh gọn đã được đặt ra nhưng chưa bao
giờ được thực hiện một cách triệt để, hiệu quả. Trở ngại trước hết và lớn nhất
là từ chính thiết kế của bộ máy, với tư duy rằng nhà nước cần phải và có thể
làm thay mọi thứ cho người dân. Nói cách khác, rào cản này nằm ở chính trong thể
chế. Một rào cản quan trọng nữa là việc cắt giảm, sáp nhập, giải thể các cơ
quan sẽ đụng đến lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức nên sẽ gặp phải sự chống đối.
Ngày 19/11, tại phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về vấn đề
tinh gọn, Tổng Bí thư Tô Lâm - người cũng giữ vai trò trưởng ban chỉ đạo - đã
phát biểu rằng, việc tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc "rất khó khăn,
nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức,
nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức."
Giáo sư Thayer nói với BBC rằng đây có thể là một trong những thách thức
lớn nhất trong công cuộc tinh gọn.
"Điều quan trọng là có được sự lãnh đạo thống nhất ở tất cả các cấp,
những người hiểu rõ mục tiêu của 'cuộc cách mạng tinh gọn' và sẵn sàng thực hiện
trong những tháng, những năm tới."
"Tuy nhiên, sự xung đột lợi ích, sự chống đối là điều không thể
tránh khỏi. Một số cán bộ, đảng viên có thể cố tình đùn đẩy, trốn tránh trách
nhiệm hoặc trì trệ, bàn lùi. Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải đưa ra các gói trợ
cấp thôi việc cho một số trường hợp, đồng thời cần phải hành động nhanh chóng để
loại bỏ những cán bộ bất hợp tác."
Câu chuyện thực thi
Thực tế bộ máy cồng kềnh - bao gồm đảng, chính quyền, đoàn thể - là điều
ai cũng thấy và Tổng Bí thư Tô Lâm không phải lãnh đạo đầu tiên nêu vấn đề này.
Đã có nhiều lãnh đạo Đảng và chính phủ hô hào tinh giản bộ máy, cải cách thể chế,
nhưng kết quả là không tinh giản được bộ máy mà thể chế thì vẫn "nghẽn".
Chính Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc đến trong bài viết của mình về
"tinh-gọn-mạnh" rằng từ Đại hội Đảng 7 đến Đại hội 13, Đảng đã liên tục
ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương tinh gọn bộ
máy.
BBC thống kê sơ bộ thấy từ năm 2007 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có tổng
cộng 7 nghị quyết, 6 kết luận về vấn đề tinh gọn bộ máy trên toàn hệ thống
chính trị.
Giáo sư Thayer nêu thêm ví dụ rằng, ngay cả trước Đại hội 7, Đảng cũng đã
có những chủ trương, chính sách về vấn đề này.
"Đại hội Đảng lần thứ 5 vào tháng 3/1982 đã ra nghị quyết nhằm chấm
dứt tình trạng bộ máy chồng chéo và cồng kềnh, hỗn loạn giữa các cơ quan đảng,
nhà nước, chính phủ. Và phải mất đến 4, 5 năm, tại Đại hội Đảng lần 6, Việt Nam
mới chính thức khởi xướng công cuộc đổi mới này."
"Tháng 10 năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết
số 18 về tiếp tục đổi mới và sắp xếp hệ thống chính trị. Đến nay đã bảy năm
trôi qua. Việt Nam đã đạt được những gì từ các nỗ lực cải cách thể chế
này?" Giáo sư Thayer đặt vấn đề.
Tại hội nghị về tinh gọn ngày 1/12, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh
Hưng cho biết biết báo cáo tổng kết các phương án tinh gọn bộ máy sẽ được trình
Bộ Chính trị trước ngày 28/2/2025 để trình Hội nghị Trung ương Đảng, dự kiến
trung tuần tháng 3/2025, xem xét, thông qua.
Thông báo của ông Hưng như vậy, nhưng phát biểu của ông Tô Lâm - rằng sẽ
thực hiện xong tinh gọn bộ máy vào quý 1/2025 - cho thấy thời hạn còn gấp rút
hơn.
Năm 2025, các đại hội đảng bộ sẽ được tổ chức ở các cấp để hướng tới Đại
hội 14 của Đảng, dự kiến diễn ra vào quý 1/2026. Giáo sư Thayer cho rằng, việc
tinh gọn là điều cần làm nhưng một kỳ hạn như vậy, trong bối cảnh tiến gần đến
Đại hội 14, có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ các cơ cấu ra quyết định thông thường
ở mọi cấp trong việc chọn đại biểu.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng trả lời báo Vietnamnet về vấn đề tinh gọn đã nêu bật
mô hình nhà nước Việt Nam mà theo ông - là nguyên nhân khiến bộ máy không thể
nhỏ được.
"Chúng ta theo mô hình song trùng trực thuộc, tức là bộ máy trải dài
theo chiều dọc từ trên xuống và theo chiều ngang, vì thế bộ máy không thể nhỏ
được. Ví dụ, các sở vừa trực thuộc bộ, vừa trực thuộc ủy ban nhân dân. Hơn nữa,
chúng ta có 4 cấp chính quyền, nên bộ máy lại càng lớn hơn sơ với các nước."
Vì vậy, vấn đề của việc tinh gọn không chỉ đơn giản nằm ở chuyện sáp nhập,
giải thể một số ban, bộ, ngành hay tinh gọn biên chế mà còn ở việc chọn lựa một
mô hình nhà nước phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chiến dịch tinh gọn còn cần phải bắt đầu bằng việc tự định
nghĩa lại vai trò của nhà nước trong cuộc sống xã hội. Trên mục Góc nhìn của
báo VnExpress, Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu phân tích rằng nếu vẫn tin rằng việc
gì nhà nước quản lý vẫn hơn, thì sẽ khó có một nhà nước tinh gọn.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cũng nói đến điểm này, ông cho rằng khi nhà nước tự
mình gánh vác hoặc kiểm soát mọi lĩnh vực thì bộ máy nhà nước sẽ phải mở rộng để
xử lý các nhiệm vụ mà thực chất có thể để xã hội hoặc thị trường đảm nhận. Đây
là mô hình thường được gọi là nhà "bảo mẫu" hay "bảo hộ" vì
nhà nước can thiệp, quản lý, làm thay công việc của thị trường, của xã hội.
Như vậy, song song với việc giảm bớt các đầu mối cũng cần giảm bớt các đầu
việc của hệ thống chính trị Việt Nam, phải có sự "khắc xuất" trong tư
duy về việc Đảng, Nhà nước quản lý mọi mặt đời sống.
Bởi lẽ, nếu không trao bớt quyền cho thị trường và xã hội, sau khi tinh
giản, mỗi cán bộ, công chức sẽ phải đảm trách khối lượng công việc nặng nề hơn
và với thực trạng về năng lực của cán bộ nhà nước, có thể sẽ tạo ra sự ách tắc
khắp nơi.
"Các vấn đề cốt lõi ở đây là tính thống nhất trong cấu trúc cấp tỉnh/thành
phố và phân cấp quyền lực. Dân chủ cơ sở cần được thực hiện bằng việc bãi bỏ ủy
ban nhân dân, giao quyền lực cho hội đồng nhân dân. Đồng thời, các tổ chức đoàn
thể thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được trao quyền để trở nên chủ động
hơn, thay vì chỉ là những tổ chức thụ động," ông Thayer nói.
Ông cũng cho rằng Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ ưu tiên những người thể hiện sự
chủ động và hành động nhanh chóng. Những ai tỏ ra kém cỏi hoặc chống đối sự
thay đổi sẽ bị cách chức.
Để cải thiện năng lực, chất lượng cán bộ, công chức viên chức, ông Thayer
cho rằng đội ngũ này cần được thúc đẩy, tạo động lực bằng việc kết hợp giữa
tăng lương, thăng chức, giao thêm trách nhiệm và công nhận thành tích (bằng
khen và huy chương)."
"Cần có một hệ thống giám sát độc lập để theo dõi và đánh giá các
cán bộ này, cùng các tiêu chí khách quan (chỉ số đo lường) để xác định tiến độ
thành công và khen thưởng xứng đáng".
Ông cũng cho rằng hiện Việt Nam thiếu kinh nghiệm quản lý và sự tích lũy
về mặt thể chế để có thể triển khai một dự án lớn như vậy trong một thời gian
ngắn như vậy.
Nhận xét
Đăng nhận xét