Nên minh bạch lý do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức
"Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham
nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á".
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã sử dụng cơ hội cuối cùng trong Phủ
Chủ tịch để gửi tới toàn dân lời thanh minh. Nếu "điều này đã được Ủy ban
Kiểm tra Trung ương (UBKT) kết luận" như tuyên bố của ông, thì UBKT Trung
ương hoặc Ban Bí thư nên là bên đứng ra công bố, "đập tan" những
"luận điệu" gọi bà Trần Thị Nguyệt Thu là "trùm cuối".
Và tất nhiên, UBKT cũng nên cho dân chúng biết 3 vụ bắt giam: Phó chủ tịch
tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân (tối 31-12-2022); Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Bạch
Thùy Linh (tối 4-1-2022). Đặc biệt, Thủy và Linh đã "lợi dụng ảnh hưởng"
của ai mà có thể "can thiệp, tác động lãnh đạo một số Bộ, ngành tạo điều
kiện giúp Công ty Việt Á".
Hẳn nhiều người còn nhớ: Chủ tịch nước hôm 16-11-2022 còn rạng rỡ bên cạnh
phu nhân trong chuyến thăm Thái Lan; chiều 1-12-2022, báo chí còn đăng thông
cáo của Bộ Ngoại Giao nói, 4 đến 6-12, "Chủ tịch nước sẽ thăm Hàn Quốc
cùng phu nhân" nhưng tối hôm đó thì thông tin "cùng phu nhân" đã
không còn nữa. Hai chuyến công du cuối cùng của ông "không có Thu".
Danh dự của một nguyên thủ quốc gia là rất quan trọng nhưng dân chúng
không chờ một lời thanh minh, không chờ ngay cả một lời xin lỗi mà chờ nghe sự
thực. Sự thực về chính sách "Zero Covid", chủ yếu được ban hành dưới
thời Chính phủ của ông.
Bao nhiêu người bệnh Covid đã chết trong các "trại tập trung"
thiếu sự chăm sóc vì quá tải. Bao nhiêu ánh mắt khắc khoải vì phút lâm chung
không bóng người thân. Bao nhiêu người mắc những căn bệnh khác đã chết vì không
thể đến bệnh viện, vì không thể ra ngoài mua thuốc. Bao nhiêu "F1" đã
thành "F0" vì bị cách li tập trung trong những cơ sở tạm bợ, đối diện
nhiều hơn với nguy cơ lây bệnh.
Dịch bệnh là một thảm họa mà loài người phải đối diện, ngay cả những quốc
gia giàu có nhất cũng có hàng triệu người chết. Nhưng, không phải ở quốc gia
nào, ngay giữa tâm dịch, dân chúng lại chịu đựng thêm nhiều bi kịch do chính
chính sách chống dịch gây ra.
Cuối năm 2020, thế giới đã có vaccine, trước đó một số nhà sản xuất
vaccine đã tiếp cận với Chính phủ Việt Nam. Nhưng, cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ,
Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn không hề có chiến lược vaccine. Quan sát
thảm họa ở TP HCM và tình hình dịch bệnh lan tới Hà Nội và các địa phương khi
đã có vaccine mới thấy, dân chúng TP HCM đã trả giá cho sự chậm trễ này trong
đau đớn.
Thật khó mà quên hình ảnh của những nhà lãnh đạo say sưa với "Zero
covid", ngạo nghễ với giải cứu, đánh bóng hình ảnh bằng "tự lực
vaccine và kittest".
Ngay bên cạnh Việt Nam, chính phủ Campuchia không điều động đội Airbus
350 hay Boeing 787 đi giải cứu. Nhưng, người Campuchia từ các vùng dịch trở về
Phnom Penh chỉ mất 650 USD thay vì phải từ 2.500 - 3000 USD như "tự hào
người dân Việt Nam"[Đấy là con số chính thức trả cho tiền vé].
Tối qua, khi báo chí đưa lời thanh minh của "nguyên chủ tịch nước"
Nguyễn Xuân Phúc, một người từng nằm 3 tuần cách li sau nhập cảnh nói, anh
không thể nào quên được tiếng gào khóc của một đứa con phải bỏ ra cả trăm triệu
bay về vì cha hấp hối, bị giữ ở cơ sở cách li, không có nhà chịu tang cha được.
Những người phải cố chen lên những chuyến bay giải cứu đều đang ở trong
những hoàn cảnh ngặt nghèo. Không phải người "xuất khẩu lao động" hay
sinh viên nào cũng thuộc gia đình khá giả. Nhiều bậc phụ huynh phải vay mượn để
cho con trở về. Họ đâu biết, trong số những đồng tiền mà họ trả cho công cuộc
giải cứu đó, phần lớn bị ăn chia. Họ đâu biết, có lợi ích của người phân bổ
khách sạn và kéo dài thời gian cách li. Họ đâu biết, hàng triệu người dân bị
ngoáy mũi, có người bị phá cửa, còng tay lôi ra… không chỉ để chống dịch mà còn
để tăng doanh thu cho Việt Á.
Tham nhũng ở Việt Nam 'là việc trong nhà của Đảng CS và giới thượng lưu
chính trị'?
Họ thực sự cần một ông chủ tịch nước bị truất phế đứng ra thanh minh?
Không phải bây giờ quan chức mới tham nhũng và cũng không thể căn cứ vào
số quan tham bị xử lý để nói bây giờ tham nhũng nhiều lên hay ít đi. Điều khác
là, trước đây tham nhũng an toàn hơn và nay, trong số các quan tham có nhiều
người bị bắt.
Tuy nhiên, ở năm thứ năm của công cuộc chống tham nhũng do Tổng bí thư
phát động mà tham nhũng vẫn vươn lên đến hàng… tối cao. Ngay trong thảm họa, mà
người ta vẫn chia chác trên sinh mệnh của nhân dân. Thì, đó là tội ác chứ không
phải đơn giản là tội phạm.
Hẳn nhiều người còn nhớ, ngày 19-11-2009, khi trả lời chất vấn trước Quốc
hội về tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, "Hơn ba năm nay tôi làm
thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào".
Tuyên bố trên đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu tượng như tư lệnh phất
cờ. "Sâu bọ" từ đấy nhung nhúc, tham nhũng từ đấy phát triển sâu rộng
như một tầng "văn hóa". Không phải tự nhiên nhiều quan chức khi đã đạt
đến một vị trí nhất định tin rằng mình có tham nhũng thì vẫn an toàn.
Việc Nguyễn Tấn Dũng đến nay vẫn chưa phải là mục tiêu của công cuộc
"đốt lò" đã gửi đi một thông điệp sai lệch. Đặc biệt, gần đây, khi
con gái của Nguyễn Tấn Dũng lấn sông [Rạch Đỉa, Nhà Bè] với một diện tích rộng
gấp ba khuôn viên căn biệt thự cô ta sở hữu mà không hề bị chính quyền TP HCM xử
lý càng gửi đi một thông điệp xấu. Hành vi vi phạm pháp luật này kéo dài hàng
năm, báo Tuổi Trẻ phản ánh đã gần ba tháng nhưng chính quyền vẫn không dám triệu
tập chủ nhà. Nghe nói, Huyện ủy Nhà Bè cũng chỉ dám có một báo cáo mà không ai
đọc được vì "tối mật".
Lấn chiếm 4.500 m2 đất mặt sông là ăn cướp, là chiếm đoạt tài nguyên quốc
gia chứ không phải vi phạm đơn thuần hành chánh. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên
vẫn được tiếng là giữ gìn khá sạch. Nhưng cương vị của ông không chỉ là giữ gìn
trong sạch cho cá nhân. Việc chính quyền của ông bất lực trước "con gái
nguyên thủ tướng" và thẳng tay với sai phạm của thường dân, đã nêu một
hình ảnh xấu của cả ông và thành phố.
Hành vi coi thường nhà nước của Nguyễn Thanh Phượng và câu chuyện những
người phụ nữ xung quanh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, khi thiết lập ở
tầng nấc nào đấy tính chất nửa vời, quan chức sẽ cố ngoi lên những nơi trú ẩn
an toàn thay vì thôi tham nhũng.
Làm quan dưới thời Nguyễn Tấn Dũng thật khó để không bị nhem nhuốc. Nhưng
hậu Tấn Dũng thì cần phải phân biệt loại quan chức biết sửa mình với loại quan
chức vẫn "ăn của dân không từ một thứ gì". Cần phân biệt những người
khi ở cấp thấp cũng có phạm sai lầm nhưng càng lên cao thì càng biết sửa mình,
biết khát vọng làm thay đổi hình ảnh cá nhân và quốc gia, với những người tưởng
đã chễm chệ ở trên cao thì để quyền lực và lòng tham bịt tai bịt mắt.
Minh bạch lý do bị phế truất của ông Nguyễn Xuân Phúc là rất cần thiết. Nếu
ông xin từ chức vì có nhiều cấp dưới bị sai phạm, vì trách nhiệm chính trị của
người đứng đầu, thì trong hệ thống chính trị này, Chủ tịch nước chưa phải là
người đứng đầu. Nếu những người xung quanh ông sử dụng ảnh hưởng của ông để trục
lợi thì không nên tiễn ông bằng hoa và sụt sùi nước mắt.
Uy tín của một quốc gia không mất vì có nguyên thủ tham nhũng, uy tín quốc
gia chỉ mất khi nguyên thủ tham nhũng mà quốc gia bó tay và nhân dân thì chẳng
biết đâu là sự thật.
Khi kỷ luật đồng chí của mình, nếu hỏi, ai trong các đồng chí tin mình
trong sạch xin hãy giơ tay, sẽ có bao nhiêu người giơ tay? Trong 7 năm qua, tuy
đạt được những kết quả không thể không ghi nhận như bắt bớ, kỷ luật hoặc buộc
thôi giữ chức hàng trăm cán bộ. Nhưng, gần như chưa có cải cách nào đáng kể,
xây dựng trong tương lai một môi trường minh bạch để quan chức không muốn tham
nhũng, không phải tham nhũng (cũng sống xứng đáng) và không thể tham nhũng.
Sự kiện Chủ tịch nước bị phế truất càng cho thấy, chúng ta đang vận hành
công cuộc chống tham nhũng này với gần như chỉ có một bàn tay sạch. Điều này
vui ít lo nhiều. Vì, bất cứ sự nghiệp quốc gia nào lệ thuộc vào một người, dù đạt
được bước tiến như thế nào, rồi cũng có ngày phải bắt đầu lại.
Nhận xét
Đăng nhận xét