CẦN KHOA HỌC KHI NHẬN ĐỊNH VỀ NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT
CẦN KHOA HỌC KHI NHẬN ĐỊNH VỀ
Tác giả Nguyễn Hải Hoành vừa có bài viết “Bàn
thêm về nước Nam Việt của Triệu Đà và lịch sử Việt Nam” với kết luận:
“khẳng định một sự thực lịch sử: Người Kinh-Việt Nam không phải là hậu duệ của
người Bách Việt hoặc Lạc Việt”.
Bỏ qua nội dung bàn về Triệu Đà, phần bàn luận về nguồn gốc người
Việt của tác giả rất mơ hồ và không có bằng chứng xác đáng. Các lập luận này
tập trung vào vấn đề nguồn gốc dân tộc, địa lý, ngôn ngữ và tên dân tộc.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gen, nhân chủng, ngôn ngữ, khảo cổ, địa
lý cho thấy các lập luận trên là không chính xác. Bài viết này sẽ phản biện các
quan điểm của tác giả Nguyễn Hải Hoành theo từng vấn đề nêu trên.
1.
Nguồn
gốc dân tộc
Nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và
tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học
Lion (Pháp) năm 2019 đã chứng minh người Việt có nguồn gốc chủ yếu là những
người di cư từ Hoa Nam về đây từ 2.500-4.000 năm trước.[1]
Người Việt cũng là hậu duệ những người di cư từ châu Phi tới Đông
Nam Á rồi lên Hoa Nam trước khi di cư trở về Đông Nam Á[2] (hình 1).
Hình
1. Bản đồ thiên di theo dòng cha Y-DNA từ châu Phi cách đây 10.000-60.000 năm
trước.
Nghiên cứu gen của Hugh McColl và các cộng sự năm 2018[3] (hình 2) cũng đồng quan điểm với
nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam phối hợp với Pháp, Đức. Cả hai nghiên cứu
gen trên đều dựa trên các bộ gen cổ và các bộ gen hiện đại. Mô hình di cư ở
Đông Nam Á thời tiền sử gồm hai lớp từ châu Phi tới cách đây 30.000-60.000 năm
và từ Đông Á ngược về cách đây 2.500-4.000 năm.
Hình
2. Các tuyến di cư chính giữa Hoa Nam và Đông Nam Á thời cổ đại.
Nghiên cứu về nhân chủng học năm 2019[4] (hình 3) cũng cho thấy nhân chủng
học người Việt hiện đại hình thành do dòng di cư từ 4.000 năm trước từ sông
Dương Tử. Nếu không có dòng di cư 4.000 năm trước chiếm đa số, người Việt hiện
đại sẽ có đặc điểm nhân chủng giống với đặc điểm nhân chủng của thổ dân Úc.
Hình
3. Mô hình di cư hai lớp của cư dân cổ theo hình theo nhân chủng học.
Nghiên cứu của Viện nghiên cứu Vinmec về công nghệ tế bào gốc và
gen Việt Nam[5] năm 2019 đúng ở chỗ cho thấy ảnh
hưởng của sự đồng hóa về huyết thống, sự di cư của người Hán Hoa Bắc trong
1.000 năm Bắc thuộc là không nhiều. Gen người Việt hiện tại vẫn cách biệt so
với gen người Hán Hoa Bắc khi so sánh các thành phần chính PCA.[6] Tuy nhiên, trong phần tìm nguồn gốc
dân tộc, Viện nghiên cứu Vinmec tiến hành với số lượng ít các dân tộc nên kết
quả không ổn và bị các nghiên cứu gen, nhân chủng cổ ở trên bác bỏ.
Việc xác định nguồn gốc dân tộc Việt (Kinh) từ Hoa Nam di cư cách
đây 2.500-4.000 năm trước về không có nghĩa người Việt có nguồn gốc từ người
Hoa Hạ hay người Hán. Bởi vì 4.500 – 5.000 năm trước, dân tộc Hoa Hạ hay người
Hán mới bắt đầu hình thành ở văn hóa Long Sơn hoặc văn hóa Nhị Lý Đầu sau khi ở
Hoa Bắc.
Người Hoa Hạ hay người Hán ngoài tổ tiên là cư dân Đông Á cổ còn
có tổ tiên nữa là nhóm cư dân từ Bắc Á di cư xuống từ khoảng 4.000-5.000 năm
trước khiến hệ gen của người Hoa Hạ có sự khác biệt với cư dân Đông Á cổ và cư
dân Hoa Nam, Việt Nam.[7]
Cư dân Hoa Bắc di cư, tù nhân Hoa Bắc bị đi đày xuống phía Nam và
sự di cư vì chiến tranh của người dân các nước Ư Việt, Mân Việt, Sở, Thục cũng
không góp phần chính để hình thành dân tộc Việt.
Cũng cần nói thêm, trước khi nhà Tần xâm lược, các tài liệu lịch
sử của Trung Quốc chưa hề cho rằng nhà Hạ, Thương, Chu Tần quản lý hầu hết vùng
Hoa Nam, Việt Nam như ngộ nhận của một số học giả Trung Quốc hiện nay.
Như vậy trái với nhận định của tác giả Nguyễn Hải Hoành, các
nghiên cứu khoa học cho thấy người Việt – Kinh là hậu duệ của người Bách Việt
cổ, Lạc Việt cổ sinh sống ở từ sông Trường Giang xuống đến nước ta.
2.
Địa
lý
Tác giả Nguyễn Hải Hoành cho rằng “tộc Kinh Việt Nam sống trên
mảnh đất cách xa cộng đồng Bách Việt hàng ngàn dặm, lại có núi và biển ngăn
cách” nên không thể là thành viên của cộng đồng Bách Việt được. Đây là một nhận
định sai lầm.
Địa hình giữa Việt Nam và Hoa Nam (hình 4) với độ cao trung bình
khoảng 500 mét không thể ngăn cản việc di cư của loài người qua lại các vùng
này trong hơn 30.000 năm qua. Các nghiên cứu nhân chủng học, gen ở trên cũng
cho thấy người cổ xưa có thể dễ dàng di cư qua lại giữa Việt Nam, Hoa Nam.[8]
Hình
4. Bản đồ địa hình châu Á. Nguồn:
https://depts.washington.edu/chinaciv/geo/land.htm
3.
Ngôn
ngữ
Cách đây 3.000 năm, lãnh thổ nhà Chu phần lớn ở Hoa Bắc (hình 5).
Người Hoa Hạ hay người Hán chỉ mở rộng mạnh xuống Hoa Nam vào thời Tần Thủy
Hoàng. Khác với nhận định của tác giả Nguyễn Hải Hoành, hệ ngữ của cư dân Hoa
Nam trước khi bị nhà Tần xâm lược không phải là hệ ngữ Hán Tạng.
Hình
5. Bản đồ nhà Chu 1000 năm trước Tây Lịch của tác giả Ian Kiu dựa trên nghiên
cứu của Albert Herrmann (1935). “The Chou Dynasty, 11th-9th Centuries B.C”.
Historical and commercial atlas of China. Harvard University Press.
Hệ ngữ Nam Á (hệ ngữ Môn-Khmer) được một số nhà nghiên cứu gen và
ngôn ngữ xác định không phải có nguồn gốc từ Ấn Độ hay sông Mê Kông như các
nghiên cứu trước đó mà có nguồn gốc từ Hoa Nam.[9]
Việc dân tộc Việt cổ gồm nhiều ngữ hệ nhưng cùng chung văn hóa,
tương đồng gen không phải là điều vô lý vì các cư dân cùng một dân tộc có thể
khác ngôn ngữ theo Charles Keyes.[10] Các hệ ngữ tồn tại trước khi hình
thành dân tộc Việt và vẫn được bảo tồn, phát triển sau đó.
Theo nghiên cứu nhân chủng học và ngôn ngữ học[11] (hình 6), cư dân ở văn hóa Phùng
Nguyên và văn hóa Đông Sơn là cư dân nói hệ ngữ Nam Á. Nghiên cứu của Viện hệ
gen Việt Nam phối hợp với Pháp, Đức cũng xác định cư dân các ngữ hệ khác nhau
cùng tồn tại ở Hoa Nam và có tương tác mạnh với nhau.[12] Đợt di cư 4.000 năm trước về Việt
Nam là cư dân nói ngữ hệ Nam Á còn đợt di cư 2.500 năm trước về Việt Nam là cư
dân ngữ hệ Nam Á và Tai-Kadai.[13]
Hình
6. Mô hình nhân chủng học dựa trên 16 phép đo hình thái xương sọ. (Cư dân ngữ
hệ Tai-Kadai và Austronesian tụ lại ở 1 nhóm)[14]
Nhiều dân tộc đã tách ra khỏi tộc Việt cổ và hình thành các dân
tộc riêng sau khi nhà Tần, nhà Hán xâm lược. Người Tráng (Choang), Bố Y ở Trung
Quốc nói hệ ngữ Tai-Kadai vẫn nhận là Lạc Việt không có nghĩa người Kinh – Việt
không phải là người Lạc Việt.
Cho đến thời điểm hiện tại, người Hán Hoa Nam chỉ bị đồng hóa hoàn
toàn về văn hóa nhưng chưa bị đồng hóa nhiều về mặt di truyền. Hệ gen của người
Việt – Kinh vẫn gần với hệ gen của người Hán Hoa Nam, người Thái Trung Quốc,
người Thái Việt Nam, người Nùng, người Tày, người Thái ở Thái Lan.[15]
4.
Nguồn
gốc tên gọi của tộc Việt
Khi Trung Quốc xâm chiếm nước ta thời Minh đã đốt nhiều sách nên
nhiều ghi chép về dân tộc từ thời Lý, Trần trở về trước của nước ta bị mất.
Sách Đại Việt Sử Lược hay Việt Sử Lược thời Trần bị Trung Quốc lấy sau đó xuất
bản dưới thời nhà Thanh.[16] Sách Đại Việt Sử Lược bị nhà Thanh
sửa đổi một số chỗ và không đủ tin cậy khi nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc
Việt.
Tộc Việt, người Việt là tên tự nhận chứ không phải như nhận định
của tác giả Nguyễn Hải Hoành: “Người Hán gọi tất cả các tộc người ở phía nam
Trường Giang là tộc Việt, người Việt”, “nói mãi, tự nhiên quan điểm đó trở
thành chính thống”.
Trong Kinh Lễ, thiên Vương Chế, người Hoa Hạ hay người Hán dùng từ
Nam Man (南蠻) chứ không
phải từ Việt để chỉ những người không phải Hoa Hạ sống ở phía Nam.[17]
Tên của tộc Việt theo nghĩa thông thường là những người sử dụng
rìu lễ khí và biểu thị quyền lực; theo nghĩa bóng là sự vượt qua. Tên của tộc
Việt được thể hiện qua biểu tượng người thủ lĩnh cầm rìu lễ khí từ trước khi có
nhà Hạ, Thương, Chu, Hán.
Biểu tượng và tên của tộc Việt được phát triển ở văn hóa Thạch Gia
Hà (hình 7) xung quanh Hồ Động Đình 4.000-4.600 năm trước. Văn hóa Thạch Gia Hà
tiếp thu và phát triển các nền tảng văn hóa từ văn hóa Lương Chử (hình 7) và
văn hóa Khuất Gia Lĩnh (trước đó). Tại văn hóa Thạch Gia Hà, biểu tượng rìu lễ
khí phát triển thành người thủ lĩnh cầm rìu, đầu đội mũ lông chim qua hình khắc
trên bình gốm trong ngôi mộ của một thủ lĩnh.[18] (hình 8.15).
Đây chính là biểu tượng của tộc Việt và cũng là biểu tượng phổ
biến trên trống đồng (hình 8.16). Chữ Việt được người Hoa Bắc dùng để chỉ tộc
Việt qua kim văn, triện thư, khải thư cũng tương đồng với biểu tượng của Thạch
Gia Hà (hình 8.11- 8.14).
Hình
7. Phạm vi phân bố của văn hóa Thạch Gia Hà 4.000-4.600 năm trước (1) và văn
hóa Lương Chử 4.000-5.300 năm trước (2) dựa theo Liu Li và Chen Xingcan (2012)
trong The Archaeology of China: From the Late Paleolithic to the Early Bronze
Age.
Hình
8. Biểu tượng Việt và chữ Việt theo thời gian.
1-2: Biểu tượng Việt (rìu ngọc) ở văn hóa Đại Vấn Khẩu.[19] 3-6:
biểu tượng ngôi sao 8 cánh, rìu ngọc, hình chữ nhật có đường chéo, hình mũi tên
trên bình gồm của văn hóa Lương Chử.[20] 7-10: chữ Việt (nghĩa là cái rìu, búa)
ở dạng giáp cốt văn, kim văn, triện văn, khải thư.[21] 11-14:chữ Việt (vượt
qua, nước Việt…) ở dạng kim văn (11-12), triện văn, khải thư.[22] 15: Bình gồm
có khắc biểu tượng thủ lĩnh cầm rìu.[23]16: Hình người cầm rìu trên trống đồng
Miếu Môn.[24]Ý nghĩa biểu tượng người cầm rìu ngọc là vượt lên những người khác
cũng tương đồng với ý nghĩa chữ Việt (vượt) hiện đang dùng. Rìu đá là công cụ
lao động, được hầu hết dân tộc thời cổ đại sử dụng. Còn rìu ngọc vừa là lễ khí
vừa là vật biểu quyền lực mới chỉ bắt đầu từ văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà của
tộc Việt. Ở văn hóa Đông Sơn, rìu lễ khí được làm bằng đồng và được trang trí
rất cầu kỳ.
Những phân tích và bằng chứng trên cho thấy tên của tộc Việt là
tên tự nhận chứ không phải người Hoa Bắc đặt tên cho tộc Việt.
Người Kinh hiện nay vẫn có tên gọi khác là người Việt hay dân tộc
Việt trong văn bản chính thức hiện nay.[25]
Kết
luận
Lịch sử người Việt cổ vẫn còn nhiều vấn đề phải làm rõ nhưng việc
vội vã phủ nhận nguồn gốc Lạc Việt, Bách Việt của người Việt – Kinh như kết
luận của tác giả Nguyễn Hải Hoành là không có tính khoa học.
Việc nghiên cứu tộc Việt cổ cần tiến hành theo thời gian, không
gian hợp lý và kết hợp nhiều phương pháp liên ngành. Các nghiên cứu về nguồn
gốc và văn minh của tộc Việt thời tiền sử có mục đích bảo tồn và phát triển văn
hóa dân tộc, không có mục tiêu đòi lại lãnh thổ hay cổ vũ tinh thần cực đoan.
Tác giả Nguyễn Trần Hoàng, tốt nghiệp Đại học Khoa Học Tự Nhiên,
Đại Học Quốc Gia Hà Nội, là nhà nghiên cứu tự do, đã nhiều năm tìm hiểu về đề
tài nguồn gốc dân tộc Việt.
Tác
giả: Nguyễn Trần Hoàng
-------------------------------------------
[1] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai
N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects
multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution,
msaa099, https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099
[2] Gary Stix (2008). Traces of a distant past. Scientific
American;299(1):56-63.
[3] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T,
Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro
C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science.
361(6397):88-92.
[4] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen
LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two
layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific
reports. 9(1):1-2. https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia
[5] Le VS, Tran KT, Bui HT, Le HT, Nguyen CD, Do DH, Ly HT, Pham
LT, Dao LT, Nguyen LT (2019). A Vietnamese human genetic variation database.
Human mutation. 40 (10):1664-75. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/humu.23835
[6] Wen Z, Jiawei L, Hongbin Y, Hui Z, Hong Z (2013). Preliminary
Research on Hereditary Features of Yinxu Population. In American Journal
of Physical Anthropology. Vol. 150, pp. 298-299.
[7] Như trên;
Zhao YB,
Zhang Y, Zhang QC, Li HJ, Cui YQ, Xu Z, Jin L, Zhou H, Zhu H (2015). Ancient
DNA reveals that the genetic structure of the northern Han Chinese was shaped
prior to 3,000 years ago. PLoS One. 10(5). https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0125676;
Sun N, Ma PC,
Yan S, Wen SQ, Sun C, Du PX, Cheng HZ, Deng XH, Wang CC, Wei LH (2019).
Phylogeography of Y-chromosome haplogroup Q1a1a-M120, a paternal lineage
connecting populations in Siberia and East Asia. Annals of human biology.
46(3):261-6.
[8] Xem chú thích 1, 2, 3, 4.
[9] Zhang X, Liao S, Qi X, Liu J, Kampuansai J, Zhang H, Yang Z,
Serey B, Sovannary T, Bunnath L, Aun HS (2015). Y-chromosome diversity suggests
southern origin and Paleolithic backwave migration of Austro-Asiatic speakers
from eastern Asia to the Indian subcontinent. Scientific reports.
5:15486. https://www.nature.com/articles/srep15486;
Paul Sidwell,
Austroasiatic deep chronology and the problem of cultural lexicon. https://www.academia.edu/36660216/Austroasiatic_deep_chronology_and_the_problem_of_cultural_lexicon
[10] Keyes CF (1981). The dialectics of ethnic change. Ethnic
change. 30:4-52.
[11] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen
LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two
layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific
reports. 9(1):1-2. https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia
[12] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai
N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects
multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution,
msaa099, https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099
[13] Như trên.
[14] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen
LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two
layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific
reports. 9(1):1-2. https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia
[15] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N,
Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects
multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution,
msaa099, https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099
[16] Taylor KW (1983). The birth of Vietnam. University of
California Press, p. 351.
[17] Kinh Lễ. Thiên Vương Chế. https://ctext.org/liji/wang-zhi
[18] Paola Demattè (2010). The Origins of Chinese Writing: the
Neolithic Evidence. Cambridge Archaeological Journal;20(2):211-28.
Richard
Sears. Các kiểu chữ Việt 戉. https://hanziyuan.net/#%E6%88%89.
[19] Paola Demattè (2010). The Origins of Chinese Writing: the
Neolithic Evidence. Cambridge Archaeological Journal;20(2):211-28.
[20] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu
良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.
[21] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 戉. https://hanziyuan.net/#%E6%88%89.
[22] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 越. https://hanziyuan.net/#越.
[23] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu
Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.
Phương Cần 方勤 (2017).
Phương Cần: chuyện cũ đất Kinh Sở – Bàn luận bắt đầu từ Thạch Gia Hà 方勤:荆楚故事-从石家河谈起 Viện khảo cổ
học Trung Quốc. http://www.kaogu.cn/zixun/disijiezhongguogonggongkaogu__jingchuluntan/2017/0217/57143.html.
[24] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông
Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.
[25] Tổng
cục thống kê. Danh mục các dân tộc Việt Nam. http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=405&idmid=5&ItemID=1851
Nhận xét
Đăng nhận xét