17b-TIÊU PHONG

 
17b
Bi kịch dân tộc qua thân phận
TIÊU PHONG
Tôi đã có đôi lần viết về Tiêu Phong, viết trực tiếp về ông, hoặc gián tiếp qua nhân vật A Châu. Nhưng vẫn thấy chưa nói được gì. Bi kịch thân phận của Tiêu Phong quá lớn, nên cuộc đời ông, giống như các nhân vật trong bị kịch Hy Lạp cổ đại, là một suối nguồn hầu như vô tận, một inexhaustible source để người cầm bút đặt lại nhiều vấn đề từ cơ sở.
 
Từ vấn đề thân phận con người, vấn đề thị phi thiện ác, vấn đề nghiệt oan của Định Mệnh cho đến vấn đề dân tộc. Không một tác phẩm võ hiệp nào, và hiếm có một tác phẩm văn học nào lại đặt lại vấn đề dân tộc một cách cay đắng và bi tráng như Thiên Long Bát Bộ qua nhân vật Tiêu Phong.
 
Có lẽ chưa bao giờ, lịch sử nhân loại lại phải trải qua những cuộc xung đột sắc tộc mãnh liệt trên phạm vi toàn cầu như hiện nay. Không biết tự bao giờ, những định kiến sắc tộc cứ mãi cháy âm ỉ trong lòng người, và chỉ cần có dịp là nó lập tức bùng lên thành một biển lửa ngập tràn bạo lực. Ngày lại ngày, nhiều nơi trên thế giới lại cứ tiếp tục bị nhận chìm trong máu lửa hận thù; những người anh em này ngã xuống và những người anh em khác lại cứ tiếp tục đứng lên reo mừng chiến thắng. Định kiến sắc tộc, với lưỡi hái của Thần Chết, giờ đây đang bước vào giai đoạn hoàng kim.
 
Tấn bi kịch trong Thiên Long Bát Bộ có thể xem như bi kịch dân tộc, qua nhân vật kiêu dũng là Tiêu Phong. Tác phẩm mở đầu bằng cái chểt bi thảm của người mẹ, và khép lại bằng cái chết bi tráng của người con. Hai cái chết đều diễn ra tại Nhạn môn quan, cách nhau đến mấy mươi năm và đều do ngộ nhận nảy sinh từ định kiến dân tộc. Như nhân vật người câm trong Le Malentendu của Albert Camus, Nhạn môn quan là một chứng nhân lịch sử cho toàn tác phẩm. Chỉ chứng kiến và im lặng. Để rồi mai sau, sự im lặng đó sẽ dội mãi vào tâm khảm người đọc tiếng gọi khẩn thiết của vấn đề dân tộc.
 
Mộ Dung Bác vì hoài bão muốn khôi phục lại nước Đại Yên của tổ tiên, nên đã dựng nên tấm thảm kịch tại Nhạn môn quan, nhằm khuấy động can qua giữa hai nước Tống-Liêu để thừa cơ thủ lợi. Quần hùng Trung Nguyên, vì lòng ái quốc mù quáng, đã rơi vào vòng thao túng của Mộ Dung Bác.
 
Họ tổ chức chặn đánh chiếc xe chở vợ chồng người Khiết Đan là Tiêu Viễn Sơn cùng đứa con ngay tại vùng biên giới Nhạn môn quan. Người mẹ hiền lành bị giết chết một cách oan uổng, người cha- sau những phút giây chiến đấu kiêu hùng và tuyệt vọng- đã ôm con rơi xuống vực thẳm. Trước khi rơi xuống vực thẳm, người cha đã kịp thời ném đứa con trai còn ẵm ngữa lên nằm giữa vùng đất đầy xác chết ngổn ngang, như một lời thách thức với lương tri.
 
Khi quần hùng Trung Nguyên hiểu ra vấn đề thì tất cả đã quá muộn màng. "Here’s the smell of the blood still; all the perfumes of Arabia will not sweeten this little hand" (Shakespeare, Macbeth, Act 5, Scene 1) (Hãy còn đây mùi của máu, và tất cả hương hoa vùng Á Rập cũng không rửa sạch nỗi bàn tay nhỏ bé). Bàn tay quần hùng dầu không nhỏ bé, nhưng đã lỡ nhuốm máu người vô tội thì khó lòng rửa sạch. Mọi việc đã lỡ làng, không làm sao cứu vãn được nữa.
 
Quần hùng Trung Nguyên, để tránh nỗi ray rức chắc chắn sẽ ám ảnh suốt đời, nên đem đứa bé trai đó về giao cho một đôi vợ chồng tiều phu nghèo không con dưới chân núi Thiếu Thất. Giá như đứa con trai kia là đứa bé tầm thường thì mọi việc sẽ trôi êm xuôi theo cuộc sống bình yên, và huyết án năm nào tại Nhạn Môn quan sẽ bị vùi trong quên lãng.
 
Nhưng người cha đã vốn thuộc nòi long tượng nên người con cũng khí át mây xanh. Và mọi bi kịch đều khởi đầu từ đó. Đứa con tài tuấn kia, bằng phong độ anh hùng và chiến công hiển hách, đã nghiễm nhiên trở thành bang chủ của Cái Bang là Tiêu Phong. Ông nghĩ rằng mình là người Hán, nên đã bao phen không ngại xả thân vì người Hán mà chiến đấu với người Khiết Đan.
 
Bi kịch dân tộc của ông chỉ bắt đầu từ sự ghen tuông của người đàn bà xinh đẹp là Khang Mẫn, phu nhân của Mã phó bang chủ. Khi quần hùng đã biết ông là người Khiết Đan thì tự nhiên một bức tường ngăn cách lập tức được dựng lên giữa ông và họ.
 
Họ quên ngay một bang chủ Tiêu Phong người Hán kiêu hùng và hào hiệp ngày nào, và thay vào đó là hình ảnh đáng căm hận của một tên “Liêu cẩu” thuộc dân tộc đối nghịch. Định kiến dân tộc quả có một tác dụng mãnh liệt, dễ dàng đẩy con người vào thế đối đầu một mất một còn. Sự xung đột về chính tà trong các tác phẩm khác đã được đẩy lên một bình diện cao hơn trong Thiên Long Bát Bộ, đó là sự xung đột về quan điểm dân tộc.
 
Trên bình diện chính tà, thì Phe chính giáo xem phe Ma giáo là tà ma ngoại đạo, còn phe Ma giáo lại chẳng thèm coi phe Chính giáo vào đâu. Trên bình diện dân tộc, thì người dân nước này cứ luôn lấy quốc gia mình làm “hệ quy chiếu” để nguyền rủa dân nước bên kia, xem đó như là loài mọi rợ. Người Tống gọi người Liêu là “Liêu cẩu” (bọn chó Liêu). Người Liêu lại gọi người Tống là “Tống trư” (loài lợn Tống). Chẳng bên nào chịu kém bên nào.
 
Ngày còn ở Trung Nguyên, khi chứng kiến cảnh quân lính Khiết Đan tàn sát dân Tống ở vùng biên giới, ông đã thẳng tay chém giết bọn lính Khiết Đan mà ông xem như thuộc về một dân tộc man rợ. Nhưng trong những tháng ngày sống nơi vùng biên giới cùng A Tử, cũng như khi làm Nam viện đại vương, ông có nhiều phen chứng kiến cảnh giết chóc lẫn nhau giữa hai dân tộc nơi biên giới.
 
Quân lính Khiết Đan dưới quyền ông cũng tàn ác và dã man đối với người dân đất Tống không kém bọn lính Tống đối với người dân nước Liêu. Tại biên giới, hai bên giết hại lẫn nhau như giết loài chó lợn, và cũng luôn nhân danh con người để lên án lẫn nhau. Chân lý nằm ở đâu, khi mà định kiến về quốc gia vẫn đè nặng lên con người muôn thuở?
 
Ông chợt nhận ra cái nhỏ nhoi vô lý trong định kiến khắt khe về dân tộc. Mặc dù là con dân nước Liêu nhưng quê hương thật sự của Tiêu Phong lại là Trung Nguyên. Nơi đó đã chứng kiến bao thăng trầm vinh nhục của đời ông, nơi đó ông đã trải qua bao vui buồn cùng hào sĩ khắp giang hồ. Do đó, ông thực sự chán nản khi vua Liêu muốn ông cầmđầu cuộc chinh phạt Trung Nguyên. Để làm gì cho cuồng vọng dân tộc, khi mà cái giá phải trả là cái chết của muôn vạn sinh linh?
 
Nhưng phận làm bề tôi sao có thể trái lệnh vua? Ông dự định dẫn A Tử trốn về Trung Nguyên, nhưng A Tử, do mù quáng vì tình yêu, đã cho ông uống một loại “thuốc yêu”, mà theo hoàng hậu nước Liêu sẽ khiến người uống nó thương yêu mình mãi mãi! Loại “thuốc yêu” đó đã khiến ông mất hết nội lực, và bị bắt khi dẫn A Tử chạy trốn lúc nửa đêm.
 
Ngày xưa, người chị là A Châu dịu hiền đã vì chữ hiếu mà làm tan nát cả trái tim ông, thì lần này người em tai quái là A Tử lại vì chữ yêu mù quáng mà khiến ông bị bắt. Ông bị cầm tù, và quần hùng Trung Nguyên đã tổ chức vượt qua Nhạn môn quan để vào đất Liêu cứu ông. Khi cùng quần hùng chạy trốn đến Nhạn môn quan thì cửa ải lại khép kín, trong khi truy binh của vua Liêu đuổi gấp phía sau, ông cùng quần hùng bị kẹt ngay tại làn giới tuyến giữa hai quốc gia thù địch.
 
Bên kia Nhạn Môn quan là đất nước của một dân tộc đã từng xem như ông như kẻ thù, nhưng lại là nơi ông đã trải qua bao vui buồn từ thời thơ ấu. Bên này Nhạn Môn quan là đất nước quê hương, nhưng dân tộc đó đã xem ông như một tên phản bội. Trời đất mênh mông nhưng không có nơi nào chứa đựng nổi bi kịch quá lớn của con người!
 
Chết tại Liêu ư? Hồn khách anh hùng sẽ lấy gì để đáp tạ tình huynh nghĩa đệ của hào sĩ Trung Nguyên? Chết ở Tống ư? Người con dân nước Liêu đó ắt sẽ biến thành hồn ma suốt đời ngóng vọng về cố quốc. Nếu trong cõi tư tưởng, con người có thể tiêu dao dao giữa hai cõi thị phi thiện ác, thì trong “cõi người ta”, con người buộc phải chọn lựa. Nhưng phải chọn lựa ra sao, khi mà mọi ngã đường đều dẫn vào tuyệt lộ? Cho nên Kim Dung phải để Tiêu Phong chết nơi biên giới, nấm mộ ông không ở Liêu cũng chẳng ở Tống mà là vực thẳm nơi Nhạn Môn quan. Đó có lẽ là lối thoát tất yếu và cuối cùng cho vấn nạn về dân tộc.
 
Hán Liêu nào biết về đâu.
Ngậm ngùi tiếng hát A Châu thuở nào.
Rượu chìm trong cõi chiêm bao.
 
Bi kịch tuổi thơ của Tiêu Phong đã bắt đầu tại Nhạn Môn quan. Và ông chấm dứt bi kịch đời mình bằng mũi tên tự đâm vào ngực, cũng tại Nhạn Môn quan. Nhạn Môn quan ngàn đời sừng sững giữa hai nước Tống - Liêu như định kiến không thể phá bỏ nỗi về quốc gia và biên giới trong tâm trí con người.
 
Nhưng Nhạn môn quan kia dẫu cao sừng sững, cao đến mức làm nãn lòng cả những đàn hồng nhạn thiên di, con người vẫn có thể vượt qua được, song đến ngày nào chúng ta mới có thể thực sự vượt qua được những “Nhạn Môn quan” trong tâm tưởng?
 
Kinh Thánh chép rằng thời xa xưa, con cháu của Noah kiêu ngạo muốn lên đến cả trời nên mới xây tháp Babel tại bình nguyên Shinar ở Babylonia ( Holy Bible, Genesis 11:1-9). Đức Chúa Trời thấy vậy bèn khiến cho họ nói đủ thứ tiếng để họ không còn hiểu lẫn nhau, và công trình đành bỏ dở. Từ đó, con người phải chia xa nhau để sống rải rác khắp nơi trên thế giới.
 
Nếu quả vậy, thì có lẽ dân tộc cũng hình thành từ đó, và sự xung đột dân tộc cũng bắt đầu từ đó cho mãi đến ngày nay. Đó phải chăng cũng là sự trừng phạt của Thượng Đế cho sự kiêu ngạo ngu xuẩn của con người?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến