11-Nhà chồng con gái ĐỀ THÁM ở Pháp giàu có và tiếng tăm

 11
Nhà chồng con gái ĐỀ THÁM ở Pháp 
giàu có và tiếng tăm như thế nào
Mùa hè năm 1931, Hoàng Thị Thế kết hôn với Robert Bourgès, con trai của một gia đình buôn rượu vang tại Bordeaux lâu đời và giàu có.
 

Hoàng Thị Thế trong chiếc váy cô dâu (ảnh trái) và Giấy báo hỷ của Paul Doumer và Albert Sarraut (ảnh phải).

Trước khi đề cập tới điều kiện hôn nhân, Hoàng Thị Thế hé lộ với chúng ta một phần gia thế của nhà chồng và gia sản của họ. Nhân dịp này, bà cũng mô tả cho chúng ta thấy cái quan điểm xã hội ở Bordeaux thời đó.
 
“Chồng tôi, Robert Bourgès, hậu duệ của bá tước Gaston [III] Phébus de Foix, thực sự giàu có.
 
Bố mẹ chồng tôi ở Bordeaux; bố chồng tôi đã bán hãng kinh doanh rượu cho ông Louis Eschenauer, nhưng vẫn giữ lại cổ phần ở ‘Château Clos la Garde. Vins Eschenauer et Bourgès’. Anh em chú bác của bố chồng tôi [sở hữu] ‘Château Eyquem’, một trong những hãng rượu vang hảo hạng nhất vùng.
 
Bố mẹ chồng tôi là một trong những gia đình tiếng tăm nhất tỉnh Gironde. Trước khi tôi cưới, họ có mười một tòa nhà ở Bordeaux, một hãng kinh doanh ngũ cốc ở Italy, các hội đồng quản trị ở Anh với sự hợp tác của bá tước Lansalus, một người bạn của gia đình.
 
Bố chồng tôi có bốn, năm người chị em gì đó, họ đều lấy chồng giàu sang. Họ còn có gia đình ở Anh và Bỉ nữa. Chính vì thế mà năm 1935 tôi đã đi xem triển lãm toàn cầu ở Bruxelles. Bà dì tôi, hồi đó bà mang họ Beaumaine, ở Bỉ.
 
Tôi xuống nhà một người bạn gái của bà, Jacqueline Lechat, nhũ danh Grener; song thân của bà này xuất thân từ lâu đài de Serin trong một gia đình danh giá gốc Bỉ. Vậy là tôi được đón tiếp mọi nơi ở Bruxelles. Chính ở thành phố đó tôi đã gặp những người Anh và Mỹ và tôi đã kể đôi chút chuyện của tôi cho họ; họ liền muốn giúp tôi trốn về Đông Dương.
 
Ở Bordeaux, trong môi trường chúng tôi sinh hoạt, người ta chỉ tiếp những ai có tổ tiên ông bà sở hữu lâu đài, bất động sản, nếu không thì sẽ bị coi là mới phất. Tất cả những người không giàu có từ nhiều đời kế tiếp thì đều là mới phất. Chí ít phải từ đời ông bà cố là chủ đất thì mới cho phép con cháu theo học được hoặc không thì ở nhà.
 
Vì vậy, đó là những người rất dễ chịu để giao thiệp. Những người đến từ thuộc địa, những người từng ở những nước thuộc địa khác nhau, họ sẽ không mời bao giờ: bởi đó là những người buộc phải xa xứ kiếm ăn, buộc phải ‘cướp bóc từ người khác’; không thể giao thiệp được. Họ bị coi như những kẻ khố rách áo ôm.
 
Sự giao du ở Bordeaux và Lyon rất hạn chế. [Ở Bordeaux], chỉ giới quý tộc sở hữu lâu đài rượu vang và những ông vua rượu vang là quan hệ với nhau, cũng như ở Lyon, những người có xưởng tơ lụa mới qua lại, mới cưới nhau. Họ thậm chí coi thường tầng lớp quý tộc, các bá tước, nam tước. Họ không muốn lấy con gái những nhà như vậy vì sợ của hồi môn sẽ bị đem ra đánh bóng tên tuổi cho những gia đình đó.
 
Tôi tự hỏi làm sao tôi có thể lấy được chồng tôi và làm sao được [nhà chồng] chấp nhận ngay lập tức. Tôi nghĩ đó là nhờ các chị em nhà Garay, các nữ tu sĩ đã hoàn tục, các hiệu trưởng của trường nội trú Jeanne d’Arc ở Bayonne, người em trai của họ là linh mục nhà thờ Sainte Eugénie ở Biarritz, chính họ đã nói tốt về tôi.
 
Mọi thứ tưởng như sụp đổ khi họ biết tôi là con nuôi của Albert Sarraut, nhưng nhờ một lá thư của nữ công tước d’Uzès và một lá thư khác của Paul Doumer mà tình hình đã được cứu vãn”.
 
Paul Doumer và Albert Sarraut đã chữa cháy tình thế này bằng cách phát thiệp báo hỷ ghi tên cả hai người họ, đồng thời tuyên bố chính thức vai trò cùng là cha nuôi của Hoàng Thị Thế: “Ông Paul Doumer, Tổng thống nước Cộng hòa, cùng ông Albert Sarraut, Thượng nghị sĩ, hân hạnh báo tin hôn lễ của con gái nuôi, công chúa Hoàng Thị Thế, với ông Robert Bourgès”.
 
Đám cưới của Hoàng Thị Thế với thanh niên Robert Bourgès được cử hành ở Caudéran (Caudéran đã sáp nhập vào Bordeaux từ ngày 22 tháng 2 năm 1965), một xã giáp ranh với Bordeaux, với sự hiện diện của một người cha nuôi cô dâu là Albert Sarraut.
 
Trong buổi lễ dân sự, bài phát biểu theo phong tục do ông Gauthier, phó thị trưởng đọc vì người đứng đầu xã, ông Léglise, cũng là nghị sĩ tỉnh Gironde, vắng mặt vì sức khỏe. Sau khi chào “bà công chúa” và ông Bourgès, ông này giải thích sự vắng mặt của thị trưởng, và cho hay rằng bố của chú rể, ông Paul Bourgès, là một thành viên đồng nhiệm với ông trong hội đồng xã từ mười hai năm nay, viên quan thị chính dành phần còn lại của bài phát biểu để ca ngợi “Ngài Bộ trưởng Albert Sarraut, […] một nhân vật mà cả nước tự hào. […] Ông Albert Sarraut luôn là chính khách cừ khôi. Tất cả chúng tôi cầu chúc cho ông tiếp tục cống hiến dài lâu hơn nữa cho đất nước”.
 
Trong bài diễn văn đó, ông ta đã kể lể sự nghiệp chính trị và cai trị thuộc địa của Albert Sarraut và nhấn mạnh “lòng nhân từ cao cả của Albert Sarraut đối với người dân [An Nam], coi trọng tình hữu nghị với họ, và họ mong muốn rằng khi chiến sự kết thúc thì ông Albert Sarraut sẽ trở lại làm Toàn quyền Đông Dương” […]
 
Những người ký tên làm chứng: phía công chúa Hoàng Thị Thế là ông Albert Sarraut; phía ông Robert Bourgès là người anh họ, ông René Dubos.
 
Tuy nhiên, một sự bất thường cần phải lưu ý trong giấy chứng nhận kết hôn: trong khi Hoàng Thị Thế sinh ngày 31 tháng 3 năm 1901 thì trên giấy tờ lại ghi là 31 tháng 3 năm 1905. Sai sót hay giả mạo? Câu trả lời nằm ngay trong giấy chứng nhận này: ngày sinh của chồng bà, Robert Bourgès là 15 tháng 8 năm 1907. Như vậy, Hoàng Thị Thế lớn hơn chồng sáu tuổi. Để hợp với lề thói, bà buộc phải khai man tuổi...
 
Nghi lễ nhà thờ diễn ra vào ngày hôm sau, thứ bảy ngày 16 tháng 8, lúc nửa đêm theo một phong tục cổ xưa, tại thánh đường Saint-Amand de Caudéran. […]
 
Dẫu thế nào đi nữa, đám cưới của Hoàng Thị Thế với Robert Bourgès cũng gây tiếng vang lớn ở Bordeaux. Trong số ra ngày 5 tháng 9 năm 1931, nhật báo địa phương La Vie Bordelaise dành hẳn một bài ba cột chạy tít: “Một công chúa vùng Viễn Đông tổ chức hôn lễ ở xứ ta”. […]
 
Nếu như đám cưới của Hoàng Thị Thế với con trai nhà Bourgès gây một tiếng vang lớn ở Bordeaux, thì nó cũng tạo được một dư chấn không nhỏ, nhưng với nội dung khác hẳn, tại Hà Nội.
 
Ngày 28 tháng 2 năm 1932, tuần báo L’Eveil économique de l’Indochine trong mục “Thời sự” đăng một bài với tựa La princesse mère, chúng tôi xin trích dẫn những đoạn sau đây:
 
“Cả nước Pháp đã biết tin, nhất là qua tờ Ève, về đám cưới của công chúa Hoàng Thị Thế với một công dân có danh vọng người Bordeaux. Hoàng Thị Thế là con gái nuôi của ông Albert Sarraut, cựu Bộ trưởng bộ Thuộc địa, và ông Paul Doumer, Tổng thống nước Cộng hòa, cả hai người họ đều từng đảm nhiệm chức vụ Toàn quyền Đông Dương”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến