THƠ VÀ PHÊ BÌNH THƠ

 
THƠ VÀ PHÊ BÌNH THƠ
MÃ GIANG LÂN
1.Tinh hoa và đại chúng
Đúng là thơ đã phát triển rộng khắp, thơ của các nhà thơ và số lượng rất lớn sáng tác thơ lại nằm ở lực lượng sáng tác quần chúng. Sáng tác và in ấn thơ được dân chủ chưa bao giờ như bây giờ. Có chút ít tiền là có thể in tập thơ. Nhiều người về hưu, người cao tuổi có nhu cầu giãi bày tâm sự, trò chuyện tâm giao bằng hình thức dễ nhớ bằng những vần thơ. Chịu khó đọc chúng ta dễ nhận ra thơ của nhà thơ và thơ của người viết không chuyên nghiệp.
 
Sự thật bao giờ cũng thế, từ cái phong phú bề bộn đại chúng là sự kết đọng tinh hoa. Trước đây đại chúng chưa biết chữ, không có phương tiện in ấn, văn chương đại chúng chỉ có một con đường là truyền miệng. Văn học truyền miệng đồng nghĩa với văn học dân gian, văn học đại chúng. Trên cái nền đại chúng ấy, thơ truyền từ người này sang người khác, từ đời này đến đời khát, gọt giũa, trau chuốt thành những viên ngọc, thành tài sản vô giá của dân tộc. Nhiều nhà thơ tiền bối như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... cũng đã tiếp thu phần tinh túy của đại chúng để tăng thêm giá trị tác phẩm của mình. Tinh hoa không tách khỏi đại chúng. Đại chúng thực sự đã làm giàu có, làm phong phú cho thơ ca.
 
Thơ hôm nay có nhiều tìm tòi cách tân, sôi động nhưng chưa ổn định. Một điều cần được khẳng định nền thơ đã cao hơn trước nhiều, đội ngũ sáng tác đông và tiềm năng sáng tạo, năng động. Cái gì nhiều quá cũng mất giá, giảm giá. Hình như ít có người chuyên tâm, chuyên nghiệp với thơ. Thiếu chuyên nghiệp, không thể tạo nên chất lượng cho tác phẩm và nhiều tác phẩm để trở thành tác giả. Người sáng tác (văn học nói chung) cùng lúc phải phân tán, làm nhiều việc, cái chính là phải làm tròn trách nhiệm của người công chức, viên chức. Viết được cái gì thì viết, bằng không, chẳng chết, có lương rồi. Chúng ta vẫn nằm trong cơ chế bao cấp. Báo chí xuất bản, cách này cách khác, còn được trợ cấp.
 
Trở lại tình hình sáng tác văn học, sáng tác thơ ở Việt Nam trước 1945, chỉ tính từ 1930 đến 1941 - 1942, hơn mười năm ấy, chúng ta có một thành tựu sáng giá. Nhiều tác phẩm, tác giả lừng danh trùm bóng lên cả thế kỷ XX. Hơn mười năm ấy, xuất bản, báo chí và các tác giả phải tự xoay xở, tự nuôi mình. Viết văn làm thơ trước hết là nhờ tài, nhờ năng khiếu cùng với sự ham mê, bền bỉ, trở thành cái nghiệp, viết chuyên nghiệp. Nhưng hầu hết họ là những người tự do, không bị ràng buộc vào công việc của một số cơ quan nhà nước. Công việc văn chương trở thành một nghề - nghề kiếm sống, dù chẳng dư dả bao nhiêu, nếu không nói là nghèo túng. Muốn có tiền nuôi mình, nuôi vợ con, nhiều người trong số họ phải lao động cật lực, liên tục để có tác phẩm in báo, bán cho nhà xuất bản đều đều. Điều đó thôi thúc người cầm bút luôn luôn trong tư thế tìm tòi sáng tạo, nâng cao chất lượng sáng tác. Tính chuyên nghiệp trở thành yêu cầu, nếu như không muốn bỏ cuộc, chuyển nghề.
 
Bây giờ khác, rất nhiều người làm thơ. Nhưng có chuyên nghiệp không? Thời kỳ sung sức sáng tạo, thì gắn với công việc ăn lương, nghỉ hưu thì lão hóa, cảm xúc khó vượt qua sức ỳ, đành chấp nhận những gì là khuôn thước. Những cây bút trẻ hiện nay xông xáo, linh hoạt, biến hóa... nhưng họ đều phải có công việc “ngoài thơ” để sống, nhất là trình độ sống, mức sống hiện nay đòi hỏi cao, không ai bám vào thơ để sống. Chuyên chú văn chương, chuyên nghiệp nghề viết phải ý thức chấp nhận “lỗ vốn” chất xám. Văn hóa đọc xuống cấp, lượng độc giả không đông, lượng xuất bản không nhiều, làm thơ càng “lỗ vốn”.
 
Trên cái nền thơ đại chúng, hy vọng sẽ có những sàng lọc, chưng cất thành tinh hoa của thơ dân tộc.
 
2.  Cái gốc là tình cảm
Theo tôi cuộc sống hàng ngày, công việc hàng ngày đều tạo ra cảm xúc thơ. Đi thực tế, tiếp xúc, ghi chép, nhiều khi đọc sách lịch sử, địa lý, tiểu thuyết... vẫn xảy ra ý thơ. Có khi ngẫu hứng. Ngẫu hứng nhưng có tích lũy khi điều kiện khách quan gặp tình cảm thì thành thơ. Cái tình cảm là quan trọng. Những tư liệu ghi chép cũng có thể tạo nên cái nền tình cảm. Ghi chép là một cách nhớ. Những điều quan sát lắng nghe... qua ghi chép được chọn lọc, ăn sâu vào tiềm thức. Và từ đấy khi cần nó bật dậy, rất tự nhiên. Ghi chép con người, cảnh vật, những câu chuyện huyền thoại, thơ ca dân gian... sẽ bồi đắp tình cảm. Cuộc sống được ghi lại trong những sổ ghi chép. Ghi chép là một cách củng cố trí nhớ và các sổ ghi chép là những “bộ nhớ” tốt nhất, tốt hơn “bộ nhớ” của con người.
 
Không phải nằm trong thực tế cuộc sống là viết được. Có khi phải thoát ra, phải hồi tưởng. G.Vicô, nhà triết học Ý thế kỷ XVIII nói đại ý: Khi nhà thơ ngồi cầm bút nên quên đi tất cả những chuyển động ngoài đời mà chỉ nắm bắt giữ lại cái tất yếu của cuộc sống. Mỗi thời kỳ xã hội có chuyển biến, người làm thơ phải có bản lĩnh. Có người đưa thực tế vào thơ một cách ồn ào, sống sượng. Thời kỳ hòa bình xây dựng ở miền Bắc sau 1954, thời kỳ đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thời kỳ chống tiêu cực sau chiến tranh..., thơ có hiện tượng như thế. Thơ không nên là những đợt sóng trên mặt biển, chóng tan, thơ phải là ngọc trai đáy biển, sóng càng dữ ngọc trai càng sáng. Gần đây có những cuộc hội thảo thơ đáng chú ý. Ý kiến còn phân tán, thậm chí đối lập nhưng thú vị. Có tranh luận, cọ xát mới nảy ra vấn đề.
 
Mỗi thời kỳ có một loại hình thích hợp với người đọc. Có dạo kịch chống tiêu cực ăn khách, thơ thời chống thực dân Pháp (1945 - 1954), chống đế quốc Mỹ (1965 - 1975) được hưởng ứng nhiệt liệt. Xa hơn những bài ca dân gian đã ghi sâu trong trí nhớ nhiều cụ già, chưa hẳn vì nghệ thuật cao nhưng đáp ứng được tình cảm lúc đó.
 
Hiện nay thơ có xu hướng trầm hơn, nội tâm hơn, có nhiều bài hay mở ra nhiều hướng, nhiều cách biểu hiện. Hình thức thơ đa dạng, nội dung cảm hứng có chiều sâu. Sự tìm tòi lộ ra rõ rệt. Có thành công và có phần chưa thành công nhưng không đơn điệu.
 
Tìm tòi gì thì thơ vẫn trở về cái gốc là tình cảm, đó là nguyên lý cơ bản. Trong lịch sử thơ ca những bài có tình cảm chân thành thì sống đến ngày nay, có tư tưởng sâu sắc thì vẫn là những viên ngọc quý. Những bài thơ hay của Nguyễn Duy là những bài viết về quê, về kỷ niệm, sinh hoạt dân dã, Nguyễn Khoa Điềm viết về đồng tiền ngoại ô thật “sống”.
 
Một nguyên lý cơ bản nữa là thơ cần tinh lọc. Hồi cải cách ruộng đất (1953) hồi đầu kháng chiến chống Mỹ (1965) thơ có nhiều sự việc, có sự kiện nhưng thiếu tâm trạng, có rộng thiếu sâu, chất ký tràn vào thơ, văn xuôi tràn vào thơ, hồi chống tiêu cực (1968) cũng xuất hiện những bài thơ loại ấy, sự việc át tâm trạng.
 
Thơ cần ngắn, những bài thơ ngắn, ít kể, đã có sự tinh lọc. Người biên tập ở các báo cũng cần có bản lĩnh. Không chạy theo những yêu cầu như yêu cầu đối với các loại hình khác. Không nên lấy lý do sát thời sự thời cuộc mà bỏ mất cái gốc của thơ.
 
Đọc nhiều có thêm kiến thức, nhưng cái chính, đọc tạo ra không khí, mở ra những cách nhìn, cách biểu hiện. Cũng phải cảnh giác tránh chủ quan chỉ theo ý mình, “gu” của mình. Trong nhiều bài thơ dở, có khi đột ngột có một ý thơ, câu thơ lấp lánh, từ đấy gợi suy nghĩ, sáng tạo mới. Việc này đòi hỏi đọc kiên trì, có tâm huyết, tìm câu thơ hay trong những bài thơ dở.
 
Và học, học bằng nhiều cách. Đi cũng là học, quan trọng là thời trẻ. Thời trẻ tích lũy, ghi sâu, khó mờ. Mỗi người học lao động theo cách riêng của mình. Cái chính là kiên trì. Năng khiếu rất cần nhất là ở bước đầu, lâu dài là lao động. Qua thời kỳ sáng tác bản năng, phải là thời kỳ sáng tác có định hướng. Đối với các nhà thơ lớp trước như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh... học tập các ông ấy khó lắm. Các ông ấy là thi sĩ suốt đời. Trong sáng tác có người bước đầu thành công, nấp vào đấy, sống. Các ông lớp trước là thi sĩ, sáng tác đến cùng. Hỏi kinh nghiệm thì các ông ấy ngại nói nhưng trò chuyện với các ông ấy rút ra nhiều điều bổ ích: cách làm việc, cách cảm xúc và bản lĩnh thi sĩ. Nhìn người ta nên nhìn thời kỳ rực rỡ của họ, đừng nhìn khi về già sẽ phiến diện cực đoan. Trong lao động, sáng tác là học tập lẫn nhau, chê nhau sẽ sinh ra tâm lý không muốn học nhau.
 
Làm thơ mỗi người có cách khác nhau. Kinh nghiệm người này, người kia khó học tập, thậm chí khó chấp nhận, nhưng dù sao, cách làm việc, cách cảm xúc... của mỗi nhà thơ cũng gợi ra những bổ ích. Vậy thì điều cuối cùng là tôn trọng. Tôn trọng tất cả những kinh nghiệm, những sáng tạo, cả những sáng tạo chưa đem lại kết quả như mong muốn
 
3. Thơ hiện tại
Thơ ta bây giờ đúng là còn nhiều điều phải bàn. Thành tựu đã rõ, nhưng cần cách tân táo bạo hơn để nhanh chóng có một diện mạo mới. Không có gì đáng buồn hay đáng vui. Trình độ tư duy, tư tưởng tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ của ta bao đời nay vẫn thế. Có thay đổi, có chuyển nhưng mà chuyển “tà tà”. Bứt phá để có một thi pháp mới trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật không thể ngày một ngày hai mà phải qua nhiều thập kỷ, biết đâu lại còn phải có cơ may, cơ duyên, vận hội. Tất nhiên là phải chủ động quyết tâm tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ văn hóa và không thể quên là phải có tài năng, tài năng mới kích hoạt được sáng tạo, nếu không thành quả chỉ ở “thường thường bậc trung”.
 
Chuyển từ duy tình sang duy lý, từ mô tả giãi bày đến chiêm nghiệm sâu sắc, từ ổn định quy phạm đến tự do đa dạng, kết tinh được giá trị truyền thống và hiện đại... là bước tiến quan trọng của thơ, cần được khẳng định. Nhìn toàn bộ phong trào cũng như một số tác giả tiêu biểu cũng thế. Trong hai mươi lăm triệu đồng bào thời kỳ 1930 - 1941, Hoài Thanh, Hoài Chân đã chọn được 42 nhà thơ hiện đương cầm bút đưa vào tuyển Thi nhân Việt Nam (1941). Bây giờ theo tỉ lệ thuận (với dân số) chúng ta cứ chọn gấp ba lần số lượng trên, chắc đủ để nói về một nền thơ đang chuyển động, có nhiều ý nghĩa. Có gì mà đáng buồn.
 
Thế kỷ XXI mới đó mà đã hai thập kỷ. Hai thập kỷ bao sự kiện đã diễn ra. Văn chương có gì nên nói, so với hai thập kỷ đầu thế kỷ XX. Đầu thế kỷ XX là một bước ngoặt quyết định, một cuộc cách mạng từ trung đại chuyển sang hiện đại.
 
Xã hội, chính trị, kinh tế, văn chương nghệ thuật đều thoát xác một diện mạo mới. Thế kỷ XXI vẫn chỉ là tiếp biến thế kỷ XX không phải là đột biến. Hình như ở Việt Nam đến nay vẫn tồn tại hòa trộn cả ba đợt sóng văn minh thế giới: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp (văn minh thông tin). Những năm cuối thế kỷ XX, chúng ta sống, hoạt động trong môi trường cách mạng công nghệ lần thứ ba: tự động hóa. Tự động hóa máy tính chi phối, vận hành xã hội kể cả văn chương nghệ thuật.
 
Và thế kỷ XXI, cách mạng công nghệ lần thứ tư gắn với thuật ngữ Công nghệ 4.0. Đặc trưng công nghệ 4.0 là kết nối. Kết nối ở mọi giác độ, mọi môi trường, không gian lãnh thổ, toàn cầu... Cuộc cách mạng liên quan mật thiết đến công nghệ thông tin. Các phương tiện làm việc, công cụ sản xuất tự động và thông minh phát triển dẫn đến tình trạng nhiều người nhàn rỗi thất nghiệp. Vậy văn chương nghệ thuật sẽ thế nào. Sẽ xuất hiện nhiều kiểu, nhiều cách. Với thơ, loại hình có điều kiện nảy nở nhanh, rộng, dễ nhận ra. Phương tiện, thời gian cho hoạt động sáng tạo thơ tối giản: một ý nghĩ trong đầu, một mảnh giấy, một quyển sổ con, cao cấp hơn là một laptop, một iPhone...
 
Đất nước mở cửa, hội nhập công nghệ thông tin phát triển. Internet qua không gian mạng. Các lý thuyết, trường phái thơ thế giới tràn vào, công việc dịch thuật in ấn (cả samizdát) tạo nên một không khí sinh hoạt sáng tác thơ vô cùng sôi động. Thơ nảy nở như rừng, nhiều câu lạc bộ thơ mở ra. Người làm thơ chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp hòa lẫn vào nhau. Phương thức truyền bá, quảng bá (PR) nhiều khi làm cho thơ đại chúng lấn át thơ tinh hoa. Kẻ có tiền hưởng lợi. Nhìn đại thể vẫn thấy ba loại thơ, ứng với ba loại hình tác giả.
 
Loại thơ mực thước, câu chữ gọn gàng rành rõ, chiếm ưu thế, có đông độc giả. Cái cần có ở đây là phải không ngừng cách tân, hiện đại hơn, hiện đại dựa trên nền tảng dân tộc, giữ được hồn cốt dân tộc mà mới, hiện đại.
 
Loại thơ tìm tòi quyết liệt, phóng túng, câu thơ, dòng thơ ào ạt, nhiều lời lắm chữ mà ít ý. Ở đây thể loại bị xóa nhòa, lấn sang văn xuôi, ghi chép. Ý tứ chông chênh, dông dài, rối rắm... nhưng từ đây bật lên những mầm mống sáng tạo: nhiều biểu tượng, nhiều hình ảnh, hình tượng đa nghĩa mang lại nhận thức mới.
 
Loại thơ cao siêu, chú trọng tư tưởng. Thấp thoáng trong thơ là F. Kafka, A. Camus, J. Sartre... Loại thơ có ít độc giả, nói cách khác là kén chọn người đọc. Thơ cần có tư tưởng, nhưng phải là tư tưởng riêng, độc đáo. Dựa vào tư tưởng có sẵn ở người khác, liệu được bao nhiêu. Cần sáng tạo tư tưởng, nâng cao tính triết luận cho thơ, nhưng là những triết luận rút ra, hòa vào cuộc sống hiện hữu.
 
Thế kỷ XX thơ đã có một vị trí, chất lượng xứng đáng, tạo ra những cách tân, cách mạng cho thơ được khẳng định, có giá trị lâu dài. Sang thế kỷ XXI, ở Việt Nam, thơ phát triển, sáng tác nhiều, in ấn nhiều, gửi gắm, giải tỏa được phần nào tâm tình, tâm sự và cũng là một cách giải trí nhẹ nhàng thanh sạch. Nhưng thế kỷ này có nhiều loại hình nghệ thuật khác hấp dẫn lôi cuốn lấn át thơ. Ở Việt Nam, thế kỷ XXI không phải là thế kỷ của thơ. Và như vậy công việc phê bình nghiên cứu thơ khó có tiếng nói tập trung tạo ra điểm nhấn, mà chủ yếu là những ý kiến tùy hứng ngẫu hứng nhiều khi chủ quan cảm tính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến