VỀ BÀI THƠ CHỐNG THAM Ô LÃNG PHÍ CỦA PHÙNG QUÁN


VỀ BÀI THƠ CHỐNG THAM Ô LÃNG PHÍ
CỦA PHÙNG QUÁN

Ngày 10 tháng 10 năm 1955, Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bừng lên niềm vui, ngập trong cờ, hoa và nắng thu. Những chàng trai ngày “ra đi đầu không ngoảnh lại”, trải qua cuộc trường chinh ba ngàn ngày trở về trong niềm vui hân hoan và những dòng “nước mắt dành khi gặp mặt” (Nam Hà).

Sau những giờ phút thiêng liêng, hồ hởi là những ngày tháng gian khổ, cam go. Nước Cộng hòa chiến thắng phải đối đầu với bao thử thách. Tổ quốc mới giành được một nửa, “nửa còn trong lửa, nước sôi” (Tố Hữu).

Ở miền Bắc, sau khi cuốn gói, thực dân Pháp đã để lại cảnh đói nghèo của hơn bảy mươi năm đô hộ và chiến tranh xâm lược; những “cánh đồng quê chảy máu; Dây thép gai đâm nát trời chiều (Nguyễn Đình Thi)”; những lô cốt, boong-ke, bom mìn rình rập trong lòng đất, những nhà máy bị đập phá, tháo gỡ... Tất nhiên là chúng còn để lại chín mươi lăm phần trăm người dân mù chữ, những tệ nạn xã hội khét mùi thực dân và những thế lực thù địch.

Miền Bắc phải gánh chịu trên vai số mệnh lịch sử giao phó: Xây dựng miền Bắc và thống nhất nước nhà. Kế hoạch “Năm năm khôi phục kinh tế”, “thắt lưng buộc bụng”, tích cực lao động xây dựng cuộc sống mới. Những cánh đồng hoang chằng chịt dây thép gai, cỏ dại, ngổn ngang đồn bốt, boong-ke, chiến hào được khai hoang phục hóa. Những nhà máy bị thực dân Pháp tháo gỡ, đặt mìn phá hủy được công nhân lấy máu mình để bảo vệ bắt đầu sản xuất. Trường học đã vang lừng tiếng hát...

Song bên cạnh những “đổi thịt thay da” ấy đã xuất hiện một khoảng tối. Nạn tham nhũng đã manh nha từ trong kháng chiến mà Bác Hồ đã phê chuẩn bản án cao nhất đối với một đại tá chủ nhiệm quân nhu, một thứ trưởng Bộ Nông nghiệp là một bằng cớ, lúc này có điều kiện nảy nòi, sinh sôi và giờ đây đã trở thành “quốc nạn”. Lúc bấy giờ, Phùng Quán đã dự báo “thói dối trá, đạo đức giả, tệ quan liêu tham nhũng, tuy ngày đó chỉ mới manh nha, nhưng tôi đã dự cảm sẽ là hiểm họa khôn lường đang rình phục nhân dân tôi; Đảng tôi; có nguy cơ làm băng hoại những gì thiêng liêng cao quý mà cả triệu người suốt thế kỷ qua không tiếc máu xương để tạo dựng, bảo vệ” (Khai từ - Trăng hoàng cung - PQ.).

“Văn nghệ là một mặt trận. Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Bác Hồ). Lúc bấy giờ, các chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ được Đảng và Chính phủ yêu cầu đi thực tế “ba cùng với nhân dân” trong những ngày tháng khôi phục kinh tế đầy sôi động và cũng rất gian khổ để mài sắc vũ khí chống lại thù trong, giặc ngoài, ngợi ca “cuộc sống mới, con người mới”. Nhiều nhà văn lên Tây Bắc, Điện Biên đến với những chiến sĩ bạt núi, phá rừng, san bằng lô cốt, boong-ke để xây dựng nông trường, đến với những “chiến sĩ chon von trên chòi canh biên giới” (Lưu Trùng Dương), những chiến sĩ “hải đảo xa xôi đêm ngày sóng bủa”.

Phùng Quán về với những người nông dân Kiến An, Hồng Quảng, Định, Thanh Hóa... Giọt nước mắt nóng hổi của người con miền Nam, người chiến sĩ và nhà văn trẻ thấm ướt bờ vai sần sùi, chằng chịt vết sẹo của những anh hùng bị cực hình tra tấn từ địa ngục Côn Đảo trở về. Phùng Quán đã dâng hiến đứa con tinh thần “Vượt Côn Đảo” cho những người anh hùng vượt ngục, vượt đại dương và cho nhân dân mình. Không ngủ yên trong thành công, Phùng Quán hăm hở “đi với nhân dân thì thơ không thể khác” (Thơ P.Q). Anh về Hồng Quảng, Kiến An, Định... đau xót trước cảnh lúa, khoai, hoa màu bị luộc trên những cánh đồng ướp muối. Anh tham gia lao động cùng với nông dân, cùng với những “bà mẹ già quấn dẻ rách, da đen như củ cháy giữa rừng”, hai bàn tay rớm máu khi mở dây thép gai và san bằng lô cốt, boong-ke, công sự. Bữa ăn của họ toàn củ khoai tím vỏ.

Ở định, nơi các anh thường đi qua có một công trình xây dựng đang bỏ dở. Hỏi ra anh mới biết đó là “Đài xem lễ” (Lễ đài để làm lễ, mít ting, có hội trường để hội họp) ngốn hết mười một triệu đồng rồi nhưng công trình bị rút ruột nên để dầm mưa, giãi gió. Thời ấy, lương của chị công nhân đổ thùng hai mươi bảy đồng tháng “vừa đủ nuôi con”. Nếu tính ra số tiền để dầm mưa, giãi gió ấy có thể cứu hơn bốn mươi vạn người đang ăn vỏ khoai trừ bữa ra khỏi cảnh đói nghèo.

Đi thấy, về thấy, cái “Đài xem lễ” đó như cái đinh chọc vào mắt anh, bắn vào tim anh.
Lệ thường, sau ngày làm việc mệt nhọc, anh thường lang thang với phố phường vừa đi vừa ngẫm nghĩ như đếm từng bước. Anh đã chứng kiến cảnh những chị công nhân vệ sinh trong cơn mưa phùn, gió bấc, rét như cắt da thịt, dưới ánh sáng le lói của ngọn đèn bão múc từng thùng phân từ những hầm xí bị hư hỏng, xì hơi.

Mấy hôm liền, Phùng Quán bần thần như người ốm nghén. Đến cơ quan, gặp ai anh cũng lặng lẽ. Có người bảo: - “Phùng Quán mới có một “Vượt Côn Đảo” mà đã tự cao rồi”.
Khi chơi thân với nhau, xem tôi như người em ruột, anh mới kể về cái đêm anh viết bài thơ “Chống tham ô, lãng phí”:

- “Sau khi lang thang với phố phường về, mình mặc lại cái áo trấn thủ lính, đội mũ nan bọc vải kết dải ngụy trang, đính quân hiệu, đặt ống điếu thuốc lào như khẩu Bazoka, hướng nòng về phía trước, tay cầm bút, chân gác lên ghế trong tư thế xung phong... viết... viết... viết liên tục, từng chữ, từng câu như trào ra đầu ngọn bút. Ban đầu là những lời “ôn nghèo, kể khổ", rồi lời thề vang lên (“Tôi quyết rời bỏ... Tôi quyết đúc thơ thành đạn...”), rồi lao lên điểm xạ từng tên (“lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, bé, gầy”) rồi hô xung phong (“Trung ương Đảng ơi!...”). - Anh hóm hỉnh - “Mình là xạ thủ cấp kiện tướng trung đoàn mà - Viết xong, mình thiếp đi. Tỉnh dậy, trời đã sáng tự lúc nào”.

Anh định gửi bài thơ “Chống tham ô, lãng phí” cho báo Nhân dân bởi trong bài anh đã viết:
“Đến một ngày Đảng muốn phê bình tất cả

E phải nghìn số báo Nhân dân”.

Suy đi, nghĩ lại thế nào anh lại gửi cho báo Giai phẩm mùa thu (Nhân văn và Giai phẩm (mùa thu, mùa đông) là những tờ báo mới ra không bao lâu đã phải chịu số phận của người sinh ra nó).

Bài thơ ra đời đã gây xôn xao dư luận đặc biệt trong giới học sinh, sinh viên, nhà giáo, văn nghệ sĩ... Có người thuộc từng câu từng chữ. Có nhiều người lo ngại cho Phùng Quán. Một người bạn vỗ vai anh: - “Tuyên chiến sớm thế!”

Trong vụ án Nhân văn, bài thơ “Chống tham ô, lãng phí” không bị đấu tố. Bời bài thơ đã điểm xạ chính xác, không có lý để đánh trả. Khi bài “Lời mẹ dặn” in trên tuần báo Văn nghệ (1957), Phùng Quán mới bị phê phán trên báo chí. Khởi đầu là bài thơ “Lời mẹ dặn có phải là bài thơ “Chân thật” của Trúc Chi. Lời phê phán cũng chỉ bằng thơ, trong đó có câu: “Chúng yêu ai? Yêu đĩ điếm cao bồi”. Trúc Chi là tác giả của tập sách “Một đời văn”. Năm 1978, Phùng Quán tìm ra tập sách “Một đời văn” mới biết Trúc Chi là Hoàng Văn Hoan hồi ấy là ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng đã cao chạy, xa bay.

Sau “vụ án chính trị Nhân văn, Giai phẩm”, Phùng Quán bị liệt vào một trong những tên phản động nguy hiểm và bị “cấm bút”. Bài thơ “Chống tham ô, lãng phí” tất nhiên cũng phải chịu số phận cùng tác giả.

Năm 1975, tiếp quản Bộ chỉ huy sư đoàn I ngụy, lục trong đống hồ sơ lộn xộn của ban II (ban An ninh quân đội), tôi bắt gặp tờ báo Tranh đấu của học sinh, sinh viên miền mà Ban II thu giữ để điều tra đàn áp. Trong tờ báo ấy, có in những bài thơ: Cô gái sông Hương của Tố Hữu; Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm; Nhất định thắng của Trần Dần; Màu tím hoa sim của Hữu Loan; Lời mẹ dặn và Chống tham ô lãng phí của Phùng Quán...

Tôi viết “Sự tích bài thơ Chống tham ô lãng phí của Phùng Quán” lúc Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ VIII, khóa XI. Trong chương trình nghị sự có thảo luận và thông qua luật “Chống tham nhũng” sau một thời gian dài dự thảo, thảo luận, trưng cầu ý kiến của nhân dân. Thời gian này, báo Thanh niên mở trang “Tuyên chiến với lãng phí”.

Năm mươi năm về trước, với “Chống tham ô, lãng phí”, Phùng Quán đã tuyên chiến rồi. Và, anh đã bị giáng trả những đòn chí mạng, “đã trả giá cho thơ bằng ba mươi năm tốt đẹp của đời mình” (P.Q). Sau năm mươi năm, lời thỉnh cầu của anh được quan tâm. “Thượng phương bảo kiếm” sẽ được trao tay, đội quân đi trừ diệt tham nhũng sẽ được thành lập, mặt trận mở rộng, không chỉ hàng nghìn số báo Nhân dân mà triệu trang báo của nghìn tờ báo khắp trên đất nước thống nhất đã châm ngòi nổ. Chỉ tiếc rằng: “Đi trong đội ngũ tiền phong” của “đội quân đi trừ diệt” tham nhũng không có anh.

Nhân dịp lần giỗ thứ mười một của Phùng Quán, bài viết này thay nén hương báo tin mừng cho anh.

 LÊ GIA NINH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến