27- DU THẢN CHI


27
DU THẢN CHI
Thảm kịch khúc phượng cầu lạc điệu!

Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em

(Phụng hiến - Bùi Giáng)

Tôi muốn dùng hai câu thơ thiết tha cháy bỏng đó để làm "hành trang" cùng bạn đọc đi vào tâm hồn của một nhân vật của Kim Dung, nhân vật xứng đáng được gọi là kẻ tình nhân vĩ đại nhất trong mọi nền văn học cổ kim: Du Thản Chi trong Thiên Long Bát Bộ. 

Hình tượng cực cùng bi thảm của Du Thản Chi đã gây cho người viết nỗi chấn động kinh hoàng từ thuở nhỏ. Cậu học sinh mới bước vào ngưỡng cấp 3 là tôi ngày ấy đã thẫn thờ khép tập sách cuối cùng của Thiên Long Bát Bộ lại với tất cả nỗi hoang mang thơ dại của tuổi học trò. Tiếng Du Thản Chi tuyệt vọng kêu gào tên A Tử giữa cảnh trời chiếu quan ải, với đôi mắt mù lòa đẫm lệ, như đồng vọng mãi trong tâm khảm người đọc, và như muốn réo gọi những ẩn ngữ thương đau nào còn đang mơ hồ chìm khuất giữa nhân gian.

Một thanh niên khỏe mạnh đang lứa tuổi rạo rực thanh xuân, vì muốn trả thù cha, đã tìm cách vượt qua biên giới Hán - Liêu. Hình ảnh người cha gục chết dưới chưởng lực của Tiêu Phong, trong trận huyết chiến kinh hoàng tại Tụ hiền trang, ắt hẳn đã nung nấu trong hồn y mối phụ thù "bất cộng Từ Vi Phạm thiên" cháy bỏng. Thuở lâm hành, ắt hẳn hồn y hăng hái lắm và tấc lòng hiếu thảo ấy đã sục sôi biết bao là nhiệt huyết, dù y biết rõ rằng mình tài sức thua kém hẵn Tiêu Phong. Và y đã trà trộn cùng đám người Hán để vượt qua Nhạn môn quan với tâm sự kẻ sang Tần. 

Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn 
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn.
 
(Gió hắt hiu hề sông Dịch lạnh tê, 
Tráng sĩ một đi hề chẳng trở về) . 

Ngọn gió biên thùy ngoài Nhạn môn quan dầu không hắt hiu như trên sông Dịch, nhưng lòng kẻ ra đi ắt hẳn vô cùng khẳng khái, vì y hiểu rõ rằng ra đi là "nhất khứ hề bất phục hoàn" khi đem tài lực mình đối chọi với Tiêu Phong. Y đã tìm cách tiếp cận Tiêu Phong và dùng rắn độc để trả thù. 

Ngọn roi của Tiêu Phong quật chết con rắn đã dập tắt ngay ước vọng trả thù của người con hiếu hạnh ấy. Con linh cẩu đành nhìn con hùng sư bằng đôi mắt bất lực lẫn căm thù. Thất bại lần đầu, chưa nghĩ cho ra phương sách khác, thì y lại gặp phải A Tử và bị vướng ngay vào cái lưới tình vô cùng cay nghiệt. Ðể rồi từ đây mở đầu cho một trang bi kịch cực kỳ thảm khốc của tình yêu. 

Em lơ đãng ném hoa vàng giăng lối 
Tôi dại khờ khốn quẩn giữa trùng vây.
 

Cô bé tinh quái A Tử đã không ném lưới tình bằng những hoa vàng giăng lối, không giăng lưới tình bằng nụ cười hàm tiếu hay bằng khoé mắt thu ba, mà bằng những trò chơi vô cùng man rợ gần như mất cả tính người. Cô đã đem kẻ tình si kia làm vật giải trí trong những trò tiêu khiển, vì thói nhàn rỗi độc ác của một công nương. Nhưng, than ôi, tâm hồn của những kẻ si tình tự cổ chí kim - từ những người tài trí tuyệt luân cho đến kẻ khờ khạo ngu si - vẫn luôn luôn vô ngần hào hoa trong tinh thể: 

Tôi chấp nhận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hoảng hốt những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt 
Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em 

(Phụng hiến - Bùi Giáng)

Vâng, tôi xin chấp nhận tất cả. Xác thân tôi đây, linh hồn tôi đây em hãy tha hồ mà đày đọa dày vò, em hãy cứ cột dây vào cổ tôi rồi cho ngựa kéo đi để biến tôi thành con diều người, hãy cứ hủy hoại xác thân tôi bằng những trò chơi oái ăm tàn nhẫn chưa từng có giữa nhân gian, nhưng em hãy để tôi yêu em, hãy để tôi vĩnh viễn đui mù si dại trong máu lệ của tình câm. 

Có biết bao con đại bàng kiêu ngạo bay bổng tuyệt vời, ý chí muốn vượt cả mây xanh, không chịu khuất phục trước hàng hàng lớp lớp cung tên, nhưng lại dễ dàng xếp cánh khi vướng phải một sợi tóc cực kì mềm mại! Ðó là bi kịch hay là nét đẹp của cuộc đời? 

Trong truyện ngắn Marka Tsuđra của Maxim Gorki, khi anh chàng Lôikô Zôbar kiêu ngạo, vì bị khuất phục bởi nàng Radda xinh đẹp mà đành phải giết cả nàng rồi tự vẫn, để bảo vệ lòng kiêu hãnh của mình, thì thử hỏi đó là sự kiêu ngạo ngu xuẩn hay nét đẹp tâm hồn của khách mày râu? Ðáp án cho câu hỏi này có lẽ vẫn mãi còn lơ lững đến ngàn thu.

Lúc A Tử cho người hầu dùng cái khuôn sắt nung cháy trùm lên đầu Du Thản Chi và hủy hoại khuôn mặt của y, thì trong cơn đau quằn quại xé nát cả thịt da đó, tâm hồn y vẫn hân hoan hướng về cô gái tàn ác như kẻ hành hương hướng về một đấng Chí Tôn. 

Trong tâm hồn cuồng điên si dại đó, máu và lệ của mối tình câm đã ngập tràn, như muốn nhận chìm cả mối hờn căm đã từng sôi sục thuở vượt qua Nhạn Môn Quan để trả mối phụ thù. Có mấy ai lại không động lòng trắc ẩn, thậm chí rùng mình, khi đọc đến đoạn Du Thản Chi, với xác thân tàn tạ, bò lết lại gần A Tử như một con chó trung thành, chỉ để được nhìn một gót chân hồng của cô với một tấm lòng hân hoan cảm tạ.

Cái dung nhan kiều lệ của A Tử trong trang phục uy nguy của một quận chúa Khất Ðan hiện ra trước mặt Du Thản Chi như một bậc thần tiên giáng thế. Chi tiết trên tưởng chừng như vô cùng tàn nhẫn, nhưng nếu chịu khó đọc kinh Hoa Nghiêm, thuật lại cuộc lịch hành chiêm bái của Thiện Tài đồng tử đi cầu Bồ Tát đạo, đến đoạn vị đồng tử kia đến chiêm bái Hưu Xả ưu bà di để vấn đạo, thì chúng ta mới cảm thấy được hết cái thâm hậu trong bút lực của Kim Dung: 
"Lúc ấy Hưu Xả ưu- bà- di ngồi toà chơn kim, đội mão hải - tạng - chơn - châu - võng, đeo bửu xuyến chơn kim hơn cõi trời, rũ tóc xanh biếc, đại - ma - ni - bửu trang nghiêm trên đầu, sư -tử - khẩu - ma -ni -bửu làm bông tai, như - ý ma -ni -bửu làm chuỗi ngọc, bửu võng trùm trên thân. Trăm ngàn na- do- tha chúng sanh cúi mình cung kính …” . 

Có ai thấy ưu - bà- di này thời tất cả các bệnh khổ đều trừ diệt, lìa phiền não, hết kiến chấp, xô núi chướng ngại, nhập cảnh giới vô ngại thanh tịnh nhã. Tâm họ rộng lớn đầy đủ thần thông, thân không chướng ngại đến khắp mọi xứ .

Dời qua một bình diện khác, hãy thử thay hình ảnh Hưu Xả ưu bà di bằng A Tử và để cho Du Thản Chi đứng vào vị trí của Thiện Tài đồng tử, thì chúng ta thấy được gì? Hình ảnh lộng lẫy của quận chúa A Tử trong đôi mắt của Du Thản Chi nào có khác gì hình ảnh tôn nghiêm của Hưu Xả ưu bà di, với pháp môn giải thoát "lưu ly an ổn tràng", trước mắt Thiện Tài đồng tử? Quân hầu thị tỳ vây quanh cung phụng quận chúa có khác gì "Trăm ngàn na- do- tha chúng sanh cúi mình cung kính"? 

A Tử ưu bà di đang thị hiện kim thân trước đồng tử Du Thản Chi trong cuộc lịch hành chiêm bái giữa Mê Cung huyền ảo của tình yêu. Cái mỵ lực kỳ dị của hồng nhan thừa sức xua tan đi bao não phiền đau khổ. Ðây gót sen hồng, đây bàn tay ngà ngọc với những với đường gân xanh nhỏ li ti, hỡi kẻ si tình hãy hôn đi, hãy chỉ một lần chạm nhẹ môi vào cũng đủ để cảm nhận được vạn đại thiên thu về dồn tụ trong khoảnh khắc. 

Trong cái giây phút chiêm ngưỡng đắm say đó, ắt hẳn kẻ si tình kia hân hoan vô tả và cảm thấy được "tất cả các bệnh khổ đều trừ diệt, lìa phiền não, hết kiến chấp, xô núi chướng ngại, nhập cảnh giới vô ngại thanh tịnh"! Cái tâm si của con người khi yêu quả có đủ sức mạnh để kiến tạo nên một Thiên Ðường lộng lẫy từ cõi Ðịa Ngục u minh. 

Còn gì chua xót hơn khi Du Thản Chi tình nguyện dâng cặp mắt - cái vốn liếng duy nhất còn lại trên đời để y có thể đối mặt được với A Tử - với tâm nguyện cứu A Tử thoát khỏi cảnh mù lòa, dù biết rõ rằng điều đó sẽ khiến bi kịch tình yêu của mình thêm tan hoang đổ vỡ. Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt, tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em. Cái đui mù nghĩa bóng trong thơ đã được Du Thản Chi thực hiện theo nghĩa đen bằng tất cả khối si tâm. Lưỡi dao trên cung Linh Thứu khi đặt vào đôi mắt Du Thản Chi đã mở ra chân trời huyền mật trong tâm thức luyến ái của nhân gian!

Hình ảnh A Tử móc mắt ném trả Du Thản Chi, rồi ôm xác Tiêu Phong rơi vào vực thẳm mà đã được Bùi Giáng gọi là : "triệt để mù loà chạy vào sa mạc của tình yêu", thế thì còn ngôn từ nào thiết tha hơn nữa sẽ dành cho hình ảnh Du Thản Chi mù loà và cô đơn, kêu gào tuyệt vọng tên người yêu giữa cảnh trời chiều quan ải? 

Ngày vượt Nhạn Môn Quan với hiếu tâm bồng bột, để cuối cùng một mình đứng chết lặng giữa gió chiều với một khối si tâm. Cuồng điên máu lệ tình câm. Bước chân A Tử xa xăm muôn trùng. Bóng chiều qua ải mông lung. Y không biết rằng bóng chiều đang phủ xuống, vì trong hai hốc mắt kia bóng tối đã vĩnh viễn ngập tràn. Y cũng không biết rằng A Tử đã chết. Ðiều đó có nghĩa là y phải tiếp tục sống đọa đày trong nỗi đợi chờ khắc khoải. 

Hãy tưởng tượng một kẻ mù loà si dại thất thểu giữa giang hồ để đi tìm một người yêu đã chết, bằng một trái tim say đắm thiết tha! Kim Dung đã xây dựng một hình tượng làm tan nát cả lòng người. Ông không để Du Thản Chi chết ngoài quan ải, ông không muốn vùi chôn Du Thản Chi nơi đồng quạnh chốn biên cương, mà muốn mai táng y trong muôn triệu tâm hồn của những tình nhân suốt vòm trời kim cổ. Ðẩy khối tình si đến chỗ tận tuyệt của thảm khốc đoạn trường có lẽ khó có ai qua nỗi Kim Dung với hình tượng Du Thản Chi.

Con người sinh ra chỉ để đi tìm lại "một nửa của mình", hay đi gieo một khúc phượng cầu như Tư Mã Tương Như thuở trước. Phượng hề!
Phượng hề! Qui cố hương. Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng. Con chim phượng rong chơi bốn bể để ngày qui hồi cố quận tìm lại được chim hoàng. Lời ca đó trong cung đàn của con chim phượng Tư Mã đã nhận được hồi ứng từ con chim hoàng Trác Văn Quân. 

Chúng ta cũng đã bao lần gieo khúc phượng cầu Nếu được ứng họa thì phượng và hoàng sẽ sánh đôi để cùng nhau nhả nhạc cho đời, còn nếu không được ứng họa hay lạc sai cung điệu thì, đối với chúng ta, trong đau thương vẫn có chút ngọt ngào, trong đắng cay vẫn còn niềm thơ mộng. Còn Du Thản Chi?

Nói bất cứ điều gì về Du Thản Chi chúng ta ắt hẳn đều cảm thấy có chút gì tàn nhẫn, vì nỗi khổ đau của y quá lớn, cảnh đoạn trường mà y trải qua quá độ thẳm sâu. Một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết mà sao vẫn có thể làm cho chúng ta quay quắt thương đau đến thế, phải chăng vì hình tượng đó phản ánh được tiếng nói thực của con người trong tình mộng cuồng điên?

HUỲNH NGỌC CHIẾN



Nhận xét

Bài đăng phổ biến