ĐIỀM TRIỆU - THỰC TẾ VÀ VĂN CHƯƠNG


ĐIỀM TRIỆU - THỰC TẾ
VÀ VĂN CHƯƠNG

"Tam quốc diễn nghĩa" (hồi 97) kể một hôm Khổng Minh mở tiệc thết đãi các tướng bàn ngày xuất quân. Bỗng một cơn gió từ Tây Bắc thổi tới làm đổ một cây thông cổ thụ ở giữa sân. Khổng Minh thất sắc "bấm một quẻ độn" và nói "Trận gió này báo điềm mất một Đại tướng". Các tướng không tin. Lúc cuộc rượu đương vui có tin báo hai con Triệu Vân đến xin gặp. Khổng Minh quẳng chén rượu và nói: "Tử Long hỏng rồi!". Quả thật, Triệu Tử Long vừa chết hồi đêm!


Không chỉ ở "Tam quốc", mà hầu như tiểu thuyết cổ điển phương Đông nào cũng đều sử dụng "điềm triệu" (còn gọi là điềm báo), coi đấy như một thủ pháp nghệ thuật. Những chi tiết ấy gây cho người đọc sự tò mò, hồi hộp, chờ đợi thực tế có đúng như thế không, chưa đọc hết muốn đọc ngay, đọc xong cứ như bị ám ảnh phải chăng có một lực lượng siêu nhiên hay ma thuật nào đó giúp được con người.
Nhân vật Thúy Kiều (Truyện Kiều) trong cơn mê gặp Đạm Tiên và được báo trước những tai ương trong đời sau này. Lý luận văn học gọi đấy là "hiệu ứng lạ hoá".

Không cứ truyện truyền kỳ ngày trước, mà thời hiện đại, các nhà văn cũng thường hay sử dụng, được khái quát gọi là "khuynh hướng tâm linh". Bạn đọc cũng thích đọc những truyện kiểu này, được theo dõi những sự kiện trôi chảy giữa hai bờ hư thực thì thấy hấp dẫn hơn là những gì như có thật ngoài đời, đã khô còn nhạt.

Cũng phù hợp với tâm lý độc giả: ai cũng có lúc gặp khó khăn, lúc ấy ước ao có một thần thánh nào đó "phù trợ" nên cứ mơ tưởng vào những chuyện đâu đâu. Khi ngủ ai cũng mơ, tỉnh dậy cứ băn khoăn đấy là "điềm" gì… Tin vào "điềm báo" nhất là những người "chơi đề" và họ "giải mã" điềm báo theo cách của… họ. Có người "chơi" theo "ý chỉ" của giấc mơ, "đầu" thế này, "đít" thế nọ. Có người "đánh" theo số biển xe của khách ngẫu nhiên đến nhà…

Nhưng đó là thực tế có trong đời sống. Có người làm nghề lái xe, sáng ra đi làm gặp người phụ nữ chửa liền quay về, mươi phút sau mới đi lại. Ở nhà quê đi việc quan trọng còn phải "đón vía". Đi đường gặp con rắn trong bụng mừng thầm sẽ gặp may… Những cái đó cho thấy dù sống ở thời hiện đại, người ta vẫn tin vào "điềm triệu" đã có từ hàng ngàn năm.

Bài viết không đi vào bản chất khoa học hay không khoa học của vấn đề, mà chỉ xin lý giải dưới góc độ nghệ thuật. Nhưng cũng xin hé mở cách giải thích của khoa học hiện đại, ví như chuyện gặp phụ nữ chửa không may là có lý. Mỗi người đều có "trường sinh học", còn gọi là "hào quang" (có thể hiểu là "vía", mỗi người "vía" dữ/lành khác nhau), cũng "hút, đẩy" nhau như điện trường nhưng theo quy luật riêng. Có người vừa nhìn thấy nhau đã ghét/yêu là do "trường sinh học" cùng hay khác "dấu"… (Tình yêu sét đánh là có thật!). Vì cơ thể mang thêm một sinh thể mới, một sinh mệnh mới nên phụ nữ có thai, theo lẽ tự nhiên có "trường sinh học" đặc biệt. Không chỉ khó khăn về sinh lý, mà còn khó chịu về tâm lý, hay cáu gắt, mệt mỏi, căng thẳng… Có người thích ăn những đồ rất lạ. Thế nên người chồng nào có vợ chửa phải biết yêu chiều vợ hơn.

Trong "Kinh Dịch", dương ứng số lẻ là một nét liền, âm ứng số chẵn là một nét gẫy (hai vạch ngắn liền nhau) là có ý nói phụ nữ tuy một mà hai, từ một chia hai, thánh thiện nhưng cũng rất... "phức tạp".

Người bình thường tiếp xúc "hào quang" của người phụ nữ chửa khó có cảm nhận nhưng "trường sinh học" của người lái xe nhạy cảm hơn sẽ chịu "ảnh hưởng". Hiểu theo triết lý âm dương thì anh ta "lơ lửng" không tiếp âm cũng chẳng toàn dương (vì ngồi trên xe, không tiếp đất) nên độ an toàn không cao. Nếu "bị nhiễm" "vía" không tốt tất ảnh hưởng sức khỏe, tâm trí… Do vậy làm nghề lái tàu xe, máy bay, vũ trụ thì sức khỏe, nhất là sức khỏe thần kinh phải tốt. Những người làm nghề này hay "kiêng", nghề đi biển càng kiêng kỹ...

Ngày nay khoa học sinh học giải thích một số môn phái cổ truyền phương Đông và đạo Phật chủ trương đi chân đất đầu trần là khoa học, vừa tiếp âm, vừa đón khí dương. Anh hùng Asin trong thần thoại Hy Lạp vì bay lên trời nên vừa không được Mẹ Đất tiếp thêm sức mạnh, vừa để lộ điểm yếu chí tử mà bị chết oan.

Các cụ ta lại hay nói "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" là có hạt nhân hợp lý. Thời trẻ người viết bài này từng đi đánh trận cũng phải học kỹ phép kiêng kỵ như cơm sống thì ăn cơm khê không ăn... Có giấc mơ gì lạ (kiểu như "sinh dữ tử lành") phải báo ngay cho tiểu đội trưởng... Những điều ấy thuộc về điềm báo. Trong đánh nhau, giáp mặt với cái chết nên linh giác (linh tính/giác quan thứ sáu) con người thường rất nhạy bén. Có trường hợp bạn bè và chính bản thân dự đoán gần như chính xác sự kiện sắp đến qua "điềm báo"... Lại xin kể vào dịp khác.

Đặc trưng của "điềm báo" so với tiên tri, bói toán, cầu mộng, tướng số, tử vi... là tính chất ngẫu nhiên, tự phát, không qua thỉnh cầu/cầu xin (thần thánh/ma quỷ). Nó xuất hiện thông qua các hiện tượng tự nhiên và chính con người. Thế nên "giải mã" nó phải căn cứ vào không thời gian và hoàn cảnh cụ thể. Như đi đường gặp rắn là tốt nhưng ở nhà gặp rắn thì rõ ràng nguy hiểm, nên "rắn đến nhà chẳng đánh thì quái" (rắn đến nhà không đánh là điều quái lạ). Còn phải căn cứ vào tín ngưỡng vùng miền, dân tộc...

Ở nông thôn miền Bắc nước ta có cụ già đêm nghe tiếng chim lợn kêu ở phía nào là có thể đoán ngay cụ già nào vừa về với tiên tổ. Nhưng ở nước khác thì tiếng chim lợn báo lại là chuyện vui... Nhưng cũng có điểm chung như con mèo đen đều là điềm báo không may ở hầu hết các nước. Nhưng ở Trung Hoa xưa thì mèo lại là điềm báo lành. 

Ngày nay ở Campuchia, con mèo được coi làsứ giả nhà trời nên được đưa vào lồng rước đi khắp nơi để cầu mưa. Người ta tưới nước vào để nó kêu to thấu đến thần mưa Indra. Ở ta thì ai cũng biết câu: "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu", xét dưới góc độ "trường sinh học" thì lại có lý.

Ngày trước, cuộc sống khép kín nên nhà có khách là việc "đại sự". Việc này có con chim khách làm nhiệm vụ bay đến đậu cây trước nhà cất tiếng kêu. Sáng chim kêu thì chiều nhà có thư hoặc điện. Viết về chuyện này, nhà văn Nguyễn Kiên có một truyện ngắn trong tập "Chim khách kêu" (2000) có ý nghĩa khá thú vị: tiếng chim khách kêu hay là báo một sự đổi thay, báo một điều mới lạ, một niềm vui sắp đến...

Trong văn hóa cổ xưa thì điềm báo dựa vào trạng thái tự nhiên là phổ biến nhất. Dĩ nhiên phải là những trạng thái lạ. Càng lạ càng hấp dẫn vì "đánh" vào thói hiếu kỳ của người đọc. Những điềm này thường ứng với các sự kiện lịch sử. "Hoàng Lê nhất thống chí" kể ngày, rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần (1782), trong cung bỗng có một tiếng rất to dài đến hơn một khắc. Năm Quý Mão (1783), núi vua Hùng sụt xuống hơn hai chục thước, con sông Thiên Đức cạn hẳn một ngày một đêm. Năm Giáp Thìn (1784), giữa một đêm tháng mười, hồ Thủy Quân thình lình có tiếng phát ra như sấm, nước sủi lên như chảo đun... Đấy là điềm báo về "đại loạn".

Loại điềm báo thứ hai là động thực vật. Dĩ nhiên cũng phải lạ. "Vũ trung tùy bút" kể ở làng Cổ Bi có cây gạo không mấy khi nở hoa nhưng mỗi khi nở thì sẽ có người thi đỗ. "Việt sử lược" kể có cây đa tự mọc ra cái rễ quấn vòng quanh thân báo hiệu có người đỗ đại khoa... "Hoàng Lê nhất thống chí" kể trước khi ra trận,  hiên có bầy ong ở đâu tự dưng bâu lại đốt vào cổ Nguyễn Hữu Chỉnh, quả nhiên rận ấy Chỉnh thua to. Có con quạ khoang bay xuống trước sân nhìn Trịnh Tông hai ba lần như muốn mổ, lính hầu phải xua giáo đuổi đi ứng với việc Trịnh Tông bị hạ bệ...

Loại điềm báo thứ ba là giấc mơ. "Việt điện u linh" kể mẹ Lý Thánh Tông nằm mơ thấy mặt trăng đi vào bụng sau đó có mang mà sinh ra nhà vua. Cũng ở tập này kể nếu ai mơ thấy rắn là sinh con gái, thấy gấu là sinh con trai, mơ thấy rồng, ngọc, mặt trời là điềm sinh con quí tử...

Không xem xét đó là chuyện mê tín hay không, nhìn dưới góc độ hình thức nghệ thuật thì có thể coi điềm báo như là một thủ pháp đặc sắc. Hôm nay cứ khái quát "thi pháp huyền thoại", "huyền ảo", "siêu thực"... cho có vẻ mới, nhưng với văn học trung đại của ta thì nó đã cũ!

NGUYỄN THANH TÚ



Nhận xét

Bài đăng phổ biến