Giai thoại NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

  Giai thoại

NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
1.
Nguyễn Đình Chiểu và Lê Tăng Quýnh

          Đọc truyện Dương Từ - Hà Mậu, Lê Tăng Quýnh rất thích thú và phục tài tác giả. Lê tăng quýnh nhắn với bạn ở Tân Thuận Đông, người đã cho mượn cuốn Dương Từ - Hà Mậu, khi nào gặp dịp hãy rước Nguyễn Đình Chiểu xuống nhà mình chơi. Một hôm, nhân có ghe đi Cần Giuộc, người bạn viết thư giới thiệu và nhờ người chủ ghe đưa Nguyễn Đình Chiểu xuống thăm Lê Tăng Quýnh.

          Nguyễn Đình Chiểu đến nhà Lê Tăng Quýnh vào lúc ông này đang dạy học. Thấy Nguyễn Đình Chiểu mặc bộ đồ nâu cũ với chiếc khăn gói nhỏ sau lưng, Lê Tăng Quýnh ngỡ là người đi bán thuốc dạo thường gặp trong vùng nên chỉ chào hỏi qua loa rồi mời khách ngồi nghỉ tạm ngoài hiên. Lê Tăng Quýnh vẫn ngờ ngợ trong lòng về người khách mới đến nên kết thúc buổi học sớm hơn thường lệ. Chờ học trò về xong, Nguyễn Đình Chiểu đưa thư giới thiệu. Lê Tăng Quýnh xem thư mới biết khách là người mà từ lâu mình đã mong mỏi được gặp liền vội vàng xin lỗi. bữa cơm trưa hôm ấy, hai bên trò chuyện rôm rả. Câu chuyện bắt đầu từ việc thuốc men, bệnh tật dần dần chuyển sang chuyện văn chương đạo lý. Lê Tăng Quýnh càng lúc càng ngạc nhiên về học vấn uyên bác của Nguyễn Đình Chiểu. Câu chuyện kéo dài đến lúc đám học trò đi học buổi chiều. Họ đến vây quanh bộ phảng, nơi hai người đang say sưa bàn luận. Bài giảng về đoạn kinh Thi mà thầy Quýnh vừa dạy cho đám môn sinh ban sáng, giờ đây được người khách mới đến đem ra phân tích cặn kẽ khiến các học trò vô cùng thán phục. Tình bạn của hai người bắt đầu từ cuộc gặp gỡ này ở đất Cần Giuộc và ngày càng thắm thiết khi Lê Tăng Quýnh trở thành anh vợ của nhà thơ.
2.
Mối tình của Nguyễn Đình Chiểu và Lê Thị Điền

          Sau lần gặp gỡ ở Cần giuộc, Lê Tăng Quýnh thường hay lên xuống Tân Thuận Đông, thăm Nguyễn Đình Chiểu. Những chuyến đi của Lê Tăng Quýnh thường kéo dài nhiều ngày. Ở nhà Nguyễn Đình Chiểu, Lê Tăng Quýnh thường hay ngồi cùng đám môn sinh chăm chú nghe thầy Đồ Chiểu dạy học. Mến phục tài học lại thương cảm cảnh mù lòa, Lê Tăng Quýnh bàn với gia đình gả em gái là Lê Thị Điền cho Nguyễn Đình Chiểu. Cô Điền, em gái Lê Tăng Quýnh, từ nhỏ đã theo học anh mình nên cũng có một vốn chữ nghĩa nhất định. Đến tuổi trưởng thành, quanh vùng đã có nhiều người đến dạm hỏi nhưng cô đều từ chối.

          Có cô gái lớn tuổi trong nhà, ai cũng có tâm lý lo lắng. Nhưng khi bàn đến chuyện chồng con, cô Điền thường gạt đi:

          - Sau này, dù có chồng đui mù nhưng nếu họp với nguyện vọng của em thì em cũng không ngại.

          Lần ấy, Lê Tăng Quýnh đem ý muốn gả em cho Nguyễn Đình Chiểu bàn với cô. Lê Thị Điền tuy có tin lời phân tích của anh mình nhưng vẫn còn do dự. Muốn sau này cô khỏi ân hận, Lê Tăng Quýnh tìm cách để chính em mình gặp gỡ Nguyễn Đình Chiểu mà tự tìm hiểu lấy. Bàn bạc với anh xong, Lê Thị Điền giả trai lên Tân Thuận Đông xin làm học trò Đồ Chiểu. Qua một thời gian tiếp xúc với người thầy mù, cô Điền nhận thấy rằng người mà mình tìm kiếm bấy lâu nay chính là đây.
3.
Tài ứng đối của Nguyễn Đình Chiểu

          Ở xã Trường Bình có một ông thầy thuốc, tính tình ngay thẳng tới mức ngang bướng, nhân dân vẫn gọi là thầy Tàng. Ông này bị nghễnh ngãng, hay qua lại chơi với Nguyễn Đình Chiểu. Một hôm đang ngồi chơi, thầy Tàng đọc:
          Trâu khát nước bò xuống uống

       Nguyễn Đình Chiểu đối lại:
          Trê thèm mồi lóc lên ăn.
          (Câu đối chơi chữ ở hai chữ "bò" và "lóc", vừa có thể hiểu như danh từ, vừa có thể hiểu như động từ).

          Kế đó Nguyễn đình chiểu đọc:
          Thầy Tàng tai không nghe sấm.
          (Nói về con vịt, có câu "Trí lôi thanh ư nhĩ ngoại, võng nhiếp thiên uy" tức là: Để tiếng sấm ở ngoài tai, chẳng sợ oai trời). Nguyễn Đình Chiểu vừa có ý trêu chọc thầy Tàng bị nghễnh ngãng, vừa có ý nói đến tính ngay thẳng tới mức ngang ngạnh "không sợ trời, không sợ đất" của thầy Tàng.

          Thầy Tàng đối lại:
          Đồ Chiểu mắt chẳng xé mây.
          (Lời Mã Siêu nói khi theo hàng Lưu Bị: "Nay gặp được minh chúa, khác nào vén đám mây mù mà trông thấy trời xanh". Thầy Tàng cũng vừa có ý trêu lại Nguyễn đình chiểu bị mù lòa, vừa có ý phân bua rằng thời buổi này đâu có ai là minh quân thánh chúa mà tôi phải kính trọng, cũng như ông đó thôi, ông có thấy ai là minh quân thánh chúa không?

          Cả hai cùng cười...
4.
Nguyễn Đình Chiểu với Tôn Thọ Tường

          Về sống ở vùng đất hẻo lánh của trấn Vĩnh Long - Ba Tri, uy tín của người thầy giáo, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục vang xa, lan rộng. Đặc biệt những thơ văn yêu nước của ông vẫn có những cách bay riêng của nó, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân Nam kỳ lục tỉnh. Những bạn bè, đồng chí cũ, trong đó có những sĩ phu yêu nước - vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi, tìm ở nơi người trí thức mù lòa ở đất Ba Tri này một ý kiến phân tích tình hình, thế cuộc hay nhận một lời khuyên bảo chân tình.

          Nhận biết được vấn đề này, thực dân Pháp lúc bấy giờ, một mặt đề cao truyện Lục Vân Tiên (tất nhiên ở một số mặt nào đó), một mặt tìm đủ mọi cách dụ dỗ, mua chuộc Cụ Đồ. Tôn Thọ Tường được giao làm nhiệm vụ thứ hai này. Tường vốn là chỗ cố giao với Cụ Đồ nhưng nhiều lần đến, Cụ đều tìm cách lánh mặt, từ chối không tiếp. Một hôm, người nhà báo cho cụ có thư và quà của Tôn Thọ Tường gửi tặng. Đó là một hũ mắm cá lóc mà Tường đã nói rõ trong thư là chính tay của vợ mình làm để biếu Cụ. Cụ Đồ đành miễn cưỡng nhận. Sau khi ăn gần hết mắm, nghe người nhà phát hiện ở đáy hũ có mấy nén vàng, Cụ Đồ vô cùng tức giận, bèn sai người đem số vàng đó trả lại và viết thư trách Tôn Thọ Tường đã làm nhục mình.
5
Còn biết ăn mắm không phải là Tây

          Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị không chỉ là bạn văn thơ mà còn là bạn đồng tâm, đồng chí. Từ ngày Nguyễn Đình Chiểu tỵ địa về Ba Tri, Phan Văn Trị thường hay tới lui thăm viếng, đàm luận về thời cuộc và vận mệnh của đất nước.

          Phan Văn Trị vốn thích ăn mắm đồng. Biết vậy, Nguyễn Đình Chiểu bảo người nhà trong mâm cơm thường có món mắm ngon để đãi bạn. Giữa bữa cơm, trong lúc câu chuyện thời thế đang rôm rả, Nguyễn Đình Chiểu nhắc đến Tôn Thọ Tường. Cử Trị bĩu môi nói:

          - Thằng Tường theo Tây được chức quan lớn, vì vậy mà thiên hạ có người bảo nó khôn. Còn tôi như vầy chúng lại bảo là tôi khùng. Anh thấy đó, khùng thì khùng chứ "Di, Tề nào khứng giúp Châu".

          Nguyễn Đình Chiểu đặt chén xuống bàn, cười khẩy, nói:
          - Thằng Tường theo tây đã quán món ăn Tây, chắc nay không ăn mắm được như bọn mình nữa rồi.

          Cử Trị tán thành:
          - Phải rồi. Hễ còn biết ăn mắm sống thì không phải là Tây!
6.
Nguyễn Đình Chiểu với Michel Ponchon

          Bọn thực dân Pháp rất xảo quyệt, chúng biết Nguyễn Đình Chiểu có uy tín lớn trong nhân dân nên tìm mọi cách mua chuộc, lôi kéo ông về phía chúng. Tuy nhiên, con người tiết tháo và trung dũng ấy đã khiến cho kẻ thù phải khâm phục khi ông thẳng thừng từ chối mọi đề nghị của kẻ thù. Tên Michel Ponchon từ một tên chủ sự thương chính được chính quyền thuộc địa điều về làm Tỉnh trưởng Bến Tre từ 1883. Đối với hắn, Cụ Nguyễn Đình Chiểu vẫn là "cái đinh" nhức nhối cần phải quan tâm trong kế hoạch bình định vùng đất cù lao này. Hắn đã nhiều lần đến tận An Bình Đông để gặp Cụ Đồ. Một lần lấy cớ nhuận chính cho tập thơ Lục Vân Tiên, Ponchon cùng tên Lê Quang Hiền (thông ngôn) đến thăm cụ. Trong cuộc "hội kiến" bất đắc dĩ này, mặc dù Hiền cố gắng dịch chậm rãi, rõ ràng từng chữ, từng câu nhưng Cụ Nguyễn Đình Chiểu vẫn chập chập lắc đầu, đưa tay ra hiệu giả vờ là mình điếc đặc không nghe, không hiểu gì cả. Kết cục, cả thầy lẫn tớ hôm ấy đành tiu nghỉu ra về.

          Lần khác, Michel Ponchon đến nhà và thông báo về việc chính quyền Pháp đã xét để trả lại ruộng đất của Cụ Đồ ở Tân Thới (Gia Định) và giục Cụ cho người về nhận. Cụ trả lời:

          - Đất vua còn phải bỏ, thì đất tôi sá gì!

          Chủ tỉnh Ponchon lại tỏ vẻ lo lắng về cảnh già nua và bệnh tật của Cụ và đặt vấn đề cấp tiên dưỡng lão. Cụ từ chối:

          - Tôi đang sống đầy đủ trong sự tôn kính của các môn đệ và sự quí mến của đồng bào. Điều đó đã làm tôi thỏa mãn lắm rồi.

          Michel Ponchon khẩn khoản hỏi Cụ có điều gì yêu cầu, hắn sẽ can thiệp với chính quyền thuộc địa thỏa mãn cho Cụ. Cụ Đồ nói:

          - Tôi có một điều mong ước mà lâu nay chưa thực hiện được. Đó là làm lễ tế vong hồn những người dân đã chết trận. Tôi chỉ mong mỏi điều ấy thôi.

          Michel Ponchon ưng thuận nhưng lại đề nghị đích thân đứng ra cùng tổ chức sự kiện này. Cuộc lễ dự định cử hành vào một ngày gần đó, thì trước một ngày, Cụ đã cho người đặt bàn hương án, tổ chức một buổi lễ thật là tươm tất ở tại chợ Đập (chợ Ba Tri ngày nay). Cụ đứng ra làm chủ tế. Dân chúng đến dự lễ rất đông. Nghe giọng Cụ Đồ đọc bài văn tế bi ai, mọi người không cầm được nước mắt. Đọc xong văn tế, Cụ vật ra khóc đến ngất. Bà con phải khiêng Cụ về nhà. Đêm hôm sau khi Ponchon cho người khệ nệ đem cờ xí và lễ vật xuống Ba Tri thì mới hay Cụ Đồ đã làm tế lễ từ hôm trước rồi. Nguyễn Đình Chiểu đã cùng với nhân dân công khai tổ chức trọng thể lễ tế nghĩa sĩ lục tỉnh trận vong. Bài "Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh" do ông sáng tác và đọc tại buổi lễ làm cho hàng ngàn người có mặt xúc động không cầm được nước mắt. Buổi lễ đã gây ấn tượng sâu sắc trong nhân dân về "Khúc ca của những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang" và đã trở thành sự kiện có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với nhân dân ở nhiều nơi trong vùng kể từ khi giặc Pháp chiếm đóng hoàn toàn Nam Kỳ lục tỉnh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến