Kỳ 118 -DANH TƯỚNG TRẦN NGUYÊN HÃN RA OAI TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG THAY ĐỔI
Kỳ 118
DANH TƯỚNG TRẦN
NGUYÊN HÃN RA OAI
TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG THAY ĐỔI
Theo chủ trương tránh mạnh đánh yếu, mùa thu năm 1425 Bình Định vương lệnh
cho Tư đồ Trần Nguyên Hãn và Thượng tướng Lê Nỗ, Chấp lệnh Lê Đa Bồ đem quân đi
tuần hai xứ Tân Bình (thuộc Quảng Bình ngày nay), Thuận Hóa (thuộc Quảng Trị,
Thừa Thiên Huế ngày nay). Nhiệm vụ của Trần Nguyên Hãn và Lê Nỗ không dễ hoàn
thành vì quân Minh và ngụy binh ở các xứ này vẫn còn rất đông, mặc dù đã mất
liên lạc với các thành trì phía bắc của giặc.
Theo nhiều sử liệu cũ, Tư đồ Trần Nguyên Hãn thuộc dòng dõi Tư đồ Trần
Nguyên Đán, một quý tộc nổi danh cuối thời Trần. Là người trí dũng song toàn,
Trần Nguyên Hãn từ lúc theo Lê Lợi khởi nghĩa đã nhiều lần xông pha trận mạc, lập
nhiều chiến công nơi trận tiền. Bình Định vương biết tài lược của ông, rất tin
dùng, cho dự bàn mưu kín, rồi thăng dần lên chức Tư đồ. Việc phái Trần Nguyên
Hãn vào nam không chỉ vì tài năng, mà còn vì uy tín của một hậu duệ quý tộc Trần.
Khoảng 1.000 quân Lam Sơn và 1 thớt voi hành quân từ Nghệ An vào nam, đến
châu Bố Chính (thuộc Quảng Bình), gặp phải tướng Minh là Nhậm Năng đem quân dàn
trận bên sông Giang đón đánh. Trần Nguyên Hãn cùng Lê Nỗ, Lê Đa Bồ thấy quân
Minh đông hơn quân ta gấp mấy lần vẫn không nao núng, một mặt cho người về Nghệ
An xin thêm viện binh, mặt khác bình tĩnh chia quân đối phó. Quân Lam Sơn ngầm
bố trí mai phục chỗ đường hẹp tại Hà Khương, Trần Nguyên Hãn cùng quân tướng
còn lại thì ra đường lớn dàn trận dụ địch.
Nhậm Năng vốn chưa đụng trận với quân Lam Sơn nên chưa không rõ về thuật
dùng binh của quân ta, cứ đem hết quân qua sông mà đánh vỗ mặt. Trần Nguyên Hãn
cầm quân vừa đánh vừa lui, nhử quân giặc vào bẫy. Đến chỗ mai phục, quân ta hai
mặt nổi lên đánh kẹp lại. Lê Nỗ dẫn voi và các quân khỏe mạnh xông ra, đánh cắt
ngang đội tiên phong của quân Minh, phá nát thế trận của giặc. Nhậm Năng không
chống nổi phải quay đầu chạy, các quân tướng giặc cũng đều tan chạy cả. Quân
Lam Sơn truy bức đến tận bờ sông. Trận này quân Minh bị giết và chết đuối hơn
1.000 người. Thiệt hại phía quân ta không đáng kể.
Nhậm Năng thua trận đầu nhưng quân vẫn còn đông, tỏ ra thận trọng hơn.
Lúc này, Bình Định vương Lê Lợi nhận được tin tức từ cánh quân nam tiến của Trần
Nguyên Hãn, Lê Nỗ và Lê Đa Bồ báo về, liệu rằng cần phải dùng thủy quân để tăng
cường. Ngài bèn lệnh cho các tướng Lê Ngân, Lê Bôi, Lê Văn An đem 70 chiến thuyền
từ Nghệ An vượt biển vào tiếp ứng. Quân Lam Sơn hai đạo thủy bộ họp lại, vừa
đánh giặc vừa chiêu mộ thêm lực lượng, cùng nhân dân vây bức, dụ hàng các đồn
trại quân Minh ở các châu huyện.
Khí thế của quân Lam Sơn cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của nhân dân khiến
cho quân Minh không thể địch nổi, rút vào hai thành Tân Bình, Thuận Hóa tử thủ.
Trần Nguyên Hãn vẫn theo sách lược chung, chia quân vây bức thành trì mà không
công phá, giữ gìn lực lượng, chiêu dụ nhân dân. Trên thực tế đất đai hai xứ Tân
Bình, Thuận Hóa đã thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Lam Sơn, quân Minh ở
trong thành đã hoàn toàn bị cô lập, chỉ còn trông cậy vào lương thực, khí giới
đã tích lũy từ trước mà cầm cự lay lắt qua ngày.
Chẳng những chiếm được đất đai, lực lượng quân Lam Sơn lại còn được dịp
phát triển vượt bậc về số lượng. Trần Nguyên Hãn với tài năng và uy tín của
mình đã tuyển chọn thêm được hàng vạn quân sung vào đội ngũ, khiến tương quan lực
lượng tổng thể giữa quân Lam Sơn và quân Minh có một chuyển biến lớn. Cho đến
tháng 10.1425, một dải giang sơn từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa đã thuộc quyền làm
chủ của nghĩa quân Lam Sơn. Ngoài ra mở rộng vùng giải phóng, phát triển thêm
thế lực thì việc này còn giúp quân Lam Sơn tránh khỏi mối lo “nội cố”, tức bị
trong đánh ra, ngoài đánh vào, phải tiến hành phòng thủ các hai hướng bắc và
nam. Với thế trận mới, một lực lượng cơ động chiến lược lớn của quân ta được rảnh
tay mà dồn sức tạo thành những mũi tiến công lớn.
Theo như sách lược mà Nguyễn Chích đã đề ra từ trước, quân Lam Sơn sẽ
tiến đánh Nghệ An rồi dùng nhân tài vật lực xứ này mà quay ra đánh Đông Quan.
Nhưng trong quá trình thực hiện, kế hoạch chung của nghĩa quân đã thay đổi theo
tình hình thực tế. Quân ta chẳng những đánh chiếm đất đai Nghệ An mà còn đánh cả
Diễn Châu, Thanh Hóa và tiến đánh sâu vào nam, kiểm soát một vùng rộng lớn. Với
nhân tài, vật lực các xứ đã chiếm được, quân Lam Sơn đủ sức vừa tiến hành bao
vây chặt quân Minh ở các thành trì vừa có thể chuyển sang giai đoạn mới, đó là
bắt đầu kế hoạch bắc tiến để thu phục Đông Quan, khôi phục lại toàn bộ giang
sơn Đại Việt.Với những chiến công vang dội liên tiếp, các tướng đồng loạt suy
tôn Bình Định vương Lê Lợi là Đại Thiên Hành Hóa (tức người thay trời làm việc
giáo hóa). Từ đó về sau các mệnh lệnh, thư từ Lê Lợi đều dùng danh hiệu này để
xưng.
Bấy giờ, tuy quân dân ta thắng trận giòn giã, nhưng quốc lực nước Minh
vẫn đang trong lúc cường thịnh nhất. Mặc dù nước Minh bị phân tán lực lượng khi
phải đối phó với người Mông Cổ, nhưng nếu vua tôi Minh triều hạ quyết tâm thì vẫn
có thể điều động hàng chục vạn quân để tăng viện cho quân Minh ở Đại Việt. Lê Lợi
biết rằng cuộc chiến đấu vẫn còn nhiều gian nan, nên muốn dùng biện pháp chính
trị, ngoại giao để phối hợp với quân sự. Để tiện cho việc giao thiệp với nước
Minh và góp phần phân hóa nội bộ Minh triều, Lê Lợi đã cho rước một người tự
xưng là con cháu họ Trần tên là Trần Cao, từ châu Ngọc Ma về để tôn làm vua.
Thực chất, Trần Cao chỉ là vua bù nhìn để góp phần khiến cho phe chủ
chiến ở triều đình nước Minh hết đường viện cớ xua quân tăng viện, là mất đi sự
“chính danh” giả hiệu mà vua tôi nước Minh vẫn rêu rao và tự huyễn hoặc chính
mình. Còn trên thực tế, Lê Lợi vẫn là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và dùng uy
tín của mình để kêu gọi toàn dân đánh đuổi quân Minh.
Quốc Huy
Nhận xét
Đăng nhận xét