Chiến thắng của ông Trump tác động tới thế giới như thế
nào?
Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng được cho là sẽ tái định
hình chính sách ngoại giao của Mỹ, hứa hẹn những chuyển biến sâu rộng trong nhiều
lĩnh vực khi chiến tranh và bất ổn đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong suốt thời gian tranh cử, ông Trump đã nêu ra những cam kết chính
sách khái quát, thường thiếu chi tiết cụ thể, dựa trên nguyên tắc không can thiệp
và bảo vệ thương mại - hay "Nước Mỹ trước hết" theo cách ông gọi.
Chiến thắng của ông báo hiệu khả năng dẫn tới những gián đoạn lớn nhất
trong cách Washington tiếp cận những vấn đề đối ngoại trong bối cảnh các cuộc
khủng hoảng song song đã kéo dài nhiều năm.
Chúng ta có thể xâu chuỗi những tuyên bố khi tranh cử và hồ sơ nhiệm kỳ
2017 – 2021 của ông Trump để phần nào hình dung cách tiếp cận của ông Trump tới
những khu vực còn xung đột như cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông, hay trước “đối
thủ chiến lược” Trung Quốc.
Với người Việt Nam, thì bên cạnh thương mại, chính sách của ông Trump đối
với Biển Đông cũng là điều đáng quan tâm.
Biển Đông
Trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, đặc biệt giữa Trung Quốc và
Philippines – đồng minh của Mỹ trong khu vực, ông Donald Trump được cho là sẽ
mang lại những thay đổi.
Ngày 31/10, Tiến sĩ Benjamin Sacks, chuyên về địa chính trị từ Rand
Corporation, nhận định về tác động của một nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump tới
Biển Đông như sau:
"Nếu ông Trump thắng cử, một mặt, tôi nghĩ sẽ có sự tiếp tục chính
sách đã có dưới chính quyền Trump đầu tiên và chính quyền Biden hiện nay: tiếp
tục nỗ lực ngăn chặn một Trung Quốc hung hăng đang tích cực tìm cách phá hoại
trật tự dựa trên luật lệ hiện có ở Biển Đông.”
Mặt khác, theo Tiến sĩ Benjamin Sacks, chính quyền Trump đầu tiên nhìn
chung phản ánh mô hình “nước Mỹ trước hết” của ông.
"Đối với Biển Đông, tôi nghĩ chính quyền Trump thứ hai sẽ tiếp tục
các hoạt động này: tìm cách răn đe Trung Quốc, đồng thời đàm phán một số loại
'thỏa thuận' giao dịch có thể tác động đến các quốc gia Biển Đông khác (và xa
hơn nữa) theo những cách không rõ ràng.
"Ông ấy có thể muốn rút lực lượng vũ trang Mỹ khỏi khu vực càng sớm
càng tốt. Cách tiếp cận này sẽ phản ánh lợi ích của nhóm ủng hộ trong nước của
Trump,” ông nói thêm.
Tương tự, Tiến sĩ Satoru Nagao chuyên về an ninh, quốc phòng, ngoại giao
từ Viện Hudson ở Washington DC, nhận xét sự “khó lường” của chính quyền ông
Trump sẽ kiềm chế sự táo bạo của Trung Quốc.
“Dưới thời chính quyền Trump từ năm 2016-2020, Trung Quốc đã 'dịu' lại.
“Có hai lý do khiến các hoạt động của Trung Quốc không quá hung hãn. Thứ
nhất, Trung Quốc sợ sự khó lường của ông Trump. Thứ hai, Đảng Cộng hòa có nhiều
chuyên gia quân sự," ông Nagao nói.Nga, Ukraine và NATO
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump đã nhiều lần nói ông có thể
chấm dứt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine “trong một ngày”.
Khi được hỏi về cách thức, ông gợi ý mình sẽ đứng ra giám sát một thỏa
thuận, nhưng từ chối cung cấp chi tiết cụ thể.
Một bài nghiên cứu vào tháng Năm, do hai cựu cố vấn an ninh cấp cao của
ông Trump viết, cho rằng Mỹ nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine với điều
kiện đi kèm là Kyiv phải tham gia đàm phán hòa bình với Moscow.
Để khuyến khích Nga, phương Tây có thể sẽ cam kết trì hoãn cho phép
Ukraine gia nhập NATO.
Hai người này cho rằng Ukraine không nên từ bỏ hy vọng giành lại toàn bộ
lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng, nhưng nên đàm phán dựa trên những tiền tuyến hiện
tại.
Các đối thủ của ông Trump từ Đảng Dân chủ, những người từng cáo buộc ông
thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói rằng cách tiếp cận của ông
Trump tương đương với việc Ukraine đầu hàng và sẽ khiến toàn bộ châu Âu gặp
nguy hiểm.
Ông Trump đã nói nhiều lần rằng ưu tiên của ông là chấm dứt chiến tranh
và ngăn Mỹ tiếp tục tiêu tốn các nguồn lực.
Chưa rõ nội dung bài nghiên cứu có phản ánh quan điểm của ông Trump hay
không, nhưng đó có thể là cơ sở giúp chúng ta hình dung ra những lời tư vấn mà
ông có thể nhận được.
Cách tiếp cận "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump trong việc chấm
dứt chiến tranh bao gồm cả vấn đề mang tính chiến lược là tương lai của NATO –
liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương với phương châm “tất cả vì một, một vì tất
cả” được thành lập sau Thế chiến II với mục đích ban đầu là thành trì đối trọng
với Liên Xô.
NATO hiện có hơn 30 quốc gia thành viên và ông Trump từ lâu đã hoài nghi
về liên minh này, cáo buộc châu Âu lợi dụng cam kết bảo vệ của Mỹ.
Chưa rõ liệu ông Trump có thực sự sẽ rút Mỹ ra khỏi NATO hay không. Nhưng
nếu ông làm vậy, đó sẽ là biến chuyển đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trong các mối
quan hệ quốc phòng xuyên Đại Tây Dương trong gần một thế kỷ qua.
Một số đồng minh của ông Trump cho rằng lập trường cứng rắn của ông chỉ
là một chiến thuật đàm phán nhằm thúc đẩy các quốc gia thành viên tuân thủ hướng
dẫn chi tiêu quốc phòng của NATO.
Nhưng thực tế thì các thành viên NATO sẽ quan ngại sâu sắc về các tác động
tiềm tàng của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump tới tương lai của NATO
và cách các quốc gia đối địch đánh giá năng lực răn đe của liên minh này
Trung Đông
Tương tự trường hợp Ukraine, ông Trump đã cam kết sẽ mang lại “hòa bình”
cho Trung Đông – ám chỉ rằng ông sẽ chấm dứt cuộc chiến Israel-Hamas ở Gaza và
cuộc chiến Israel-Hezbollah ở Lebanon, nhưng chưa đề cập tới cách thức.
Đã nhiều lần ông Trump nói rằng, nếu ông là tổng thống chứ không phải ông
Joe Biden, Hamas đã không tấn công Israel do Mỹ có chính sách “áp lực tuyệt đối”
đối với Iran – quốc gia tài trợ cho Hamas.
Đại thể, ông Trump có lẽ sẽ tìm cách quay lại chính sách từng khiến chính
quyền của ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, gia tăng các lệnh trừng
phạt với Iran và giết Tướng Qasem Soleimani – chỉ huy quân sự quyền lực nhất của
nước này.
Khi còn tại vị, ông Trump đã ban hành nhiều chính sách ủng hộ mạnh mẽ
Israel, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ
Tel Aviv tới thành phố này – động thái đón nhận sự ủng hộ từ nhóm cử tri Cơ Đốc
giáo truyền thống cốt lõi của Đảng Cộng hòa.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng gọi ông Trump là “người bạn ở
Nhà Trắng tốt nhất Israel từng có”.
Nhưng giới chỉ trích lại cho rằng chính sách của ông Trump góp phần khiến
Trung Đông bất ổn.
Người Palestine đã tẩy chay chính quyền ông Trump do Washington bác bỏ
tuyên bố của họ đối với Jerusalem – thành phố có ý nghĩa lịch sử, tôn giáo và
dân tộc đối với người Palestine.
Người Palestine càng bị cô lập thêm khi ông Trump làm trung gian cho cái
gọi là “Hiệp định Abraham” dẫn tới thỏa thuận lịch sử bình thường hóa quan hệ
ngoại giao giữa Israel và một số quốc gia Ả rập và Hồi giáo.
Thỏa thuận này không đi kèm yêu cầu Israel phải chấp nhận một tương lai độc
lập của Palestine, còn được gọi là giải pháp hai nhà nước vốn từng là một điều
kiện của các quốc gia Ả Rập cho một thỏa thuận khu vực như vậy.
Thay vào đó, những quốc gia tham gia thỏa thuận có quyền tiếp cận vũ khí
tối tân của Mỹ khi công nhận Israel.
Điều này khiến người Palestine lâm vào tình trạng bị cô lập nhất từ trước
tới nay bởi chính thế lực có khả năng gây áp lực lên cả hai bên của cuộc xung đột
– điều càng khiến họ cảm thấy mất đi năng lực tự bảo vệ bản thân trên thực địa.
Trong thời gian vận động, ông Trump đã có một vài tuyên bố rằng ông muốn
cuộc chiến tranh ở Gaza kết thúc.
Ông có một mối quan hệ phức tạp, đôi lúc bất hòa, với ông Netanyahu,
nhưng chắc chắn có đủ khả năng gây áp lực lên Thủ tướng Israel.
Ông Trump cũng từng có quan hệ bền chặt với những lãnh đạo quốc gia Ả Rập
chủ chốt có giao thiệp với Hamas.
Chưa rõ ông Trump sẽ cân bằng thế nào giữa mong muốn thể hiện sự ủng hộ mạnh
mẽ cho Israel với nỗ lực kết thúc cuộc chiến.
Đồng minh của ông Trump thường mô tả sự khó đoán của ông là một thế mạnh
ngoại giao, nhưng trong bối cảnh vô cùng căng thẳng và bất ổn chưa từng có ở
Trung Đông, chưa rõ điều này sẽ tác động thế nào.
Ông Trump sẽ phải lựa chọn cách thức – hoặc có nên hay không - tiếp quản
quy trình ngoại giao bị đình trệ do chính quyền ông Biden khởi động nhằm đạt được
lệnh ngừng bắn ở Gaza qua việc Hamas thả tự do con tin.
Trung Quốc và thương mại
Phương thức đối ngoại với Trung Quốc là yếu tố chiến lược quan trọng nhất
trong chính sách ngoại giao của Mỹ - và là điều có tác động lớn nhất tới an
ninh và thương mại toàn cầu.
Khi còn tại vị, ông Trump đã gắn mác “đối thủ chiến lược” cho Trung Quốc
và áp đặt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu qua Mỹ - hành động khơi dậy
các khoản thuế quan trả đũa của Trung Quốc lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Dù đã có những nỗ lực nhằm giảm căng thẳng thương mại, đại dịch Covid đã
quét sạch các khả năng này.
Mối quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ hơn khi cựu tổng thống gọi Covid
là “vi rút Trung Quốc”.
Chính quyền Biden đã tuyên bố sẽ có cách tiếp cận có trách nhiệm hơn với
những chính sách về Trung Quốc, nhưng thực tế là họ vẫn giữ lại nhiều mức thuế
từ thời Trump đối với hàng nhập khẩu.
Trong cách nhìn nhận của cử tri Mỹ, chính sách thương mại gắn chặt với việc
bảo vệ việc làm trong ngành sản xuất ở Mỹ - mặc dù tự động hóa công nghiệp và
những thay đổi của quy trình sản xuất có tác động nhiều hơn tới sự suy giảm dài
hạn việc làm trong các ngành công nghiệp truyền thống của Mỹ, như sản xuất
thép, so với việc cạnh tranh toàn cầu hay chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài.
Ông Trump ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa “sáng suốt” vừa
“nguy hiểm” và là một lãnh đạo cực kỳ hiệu quả có khả năng kiểm soát 1,4 tỷ người
với “bàn tay sắt” – một trong những điều mà đối thủ của ông Trump mô tả là sự
ngưỡng mộ của ông đối với “các nhà độc tài”.
Tổng thống đắc cử có vẻ sẽ chuyển hướng khỏi cách tiếp cận của chính quyền
ông Biden trong việc xây dựng các quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các quốc gia
khác để đối trọng với Trung Quốc.
Mỹ đã duy trì hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Quốc
coi là một tỉnh ly khai và sẽ sớm nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh.
Trump nói vào tháng 10 rằng, nếu ông trở lại Nhà Trắng, ông sẽ không cần
phải sử dụng vũ lực để ngăn chặn Trung Quốc phong tỏa Đài Loan vì ông Tập biết
ông Trump “[từ ngữ chửi tục] điên rồ” và sẽ áp đặt thuế quan gây tê liệt tuyến
nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Trung Quốc làm vậy.
Nhận xét
Đăng nhận xét