Giai thoại HỌC LẠC

Giai thoại
HỌC LẠC

  Nguyễn Văn Lạc (Học Lạc) (1842-1915) người làng Mỹ Chánh, tỉnh Mỹ Tho. Thông minh, hiếu học, ông vì nhà nghèo nên thi vào ngạch học sinh, để được cấp lương học tại trường tỉnh. Do đó, học sinh Lạc sau này được gọi là Học Lạc. 

  Học Lạc học rất tiến, mà thi mãi không đỗ. Gặp lúc tình thế nhiễu nhương, triều đình phải nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp năm 1862, rồi tân triều khởi xướng lên phong trào “vứt bút lông đi, giắt bút chì”, Học Lạc không chịu theo, đã bỏ làng Mỹ Chánh, về làng Thuộc Nhiêu (cũng ở Mỹ Tho), cất ba căn nhà lá dạy học và hốt thuốc. 

  Học Lạc hình dạng thấp nhỏ,nước da trắng xanh,tiếng nói sang sảng như chuông , tính tình khẳng khái, làm thuốc rất hay, bói Dịch cũng giỏi, lại thêm cầm kỳ thi hoạ, đủ mùi. Ông lui về quê, là muốn tránh cảnh rối ren lúc giao thời, lấy nghề bốc thuốc vừa làm kế sinh nhai vừa làm phương độ thế, nhưng ông không thể điềm nhiên toạ thị trước sự đảo lộn của học phong và sĩ khí, nên thường lấy thơ phú ra ngụ lời mai mỉa thói đời.
   Về Hán văn của ông, còn truyền lại vài câu, tỏ ra ông không chịu nô lệ khuôn sáo, cố tìm những ý tứ mới mẻ. 

  Tả cảnh chiếc ghe giương buồm chạy lẻ loi trên sông:

 
绿樹走双岸
 紅日炤孤舟

  Lục thụ tẩu song ngạn
  Hồng nhật chiếu cô châu
(Cây xanh vun vút bờ xanh
Vừng hồng rọi xuống chiếc mành cô liêu)

Đề cửa một quán cơm:

 莫未舘中無漂母
 只嫌路上少王孫

  Mạc vị quán trung vô Phiếu mẫu
  Chỉ hiềm lộ thượng thiểu Vương tôn

(Chớ nói quán này không Phiếu mẫu
Chỉ hiềm khách lại ít Vương tôn)

   Ý nói quán này vốn sẵn lòng làm như bà phiếu mẫu khi xưa đem cơm cho Hàn Tín, nhưng e rằng khách bây giờ ít ai tài giỏi như Hàn Tín, để mà cho cơm không lấy tiền. 

   Hai câu này rất được tán thưởng; nhiều nhà hàng cơm ở Mỹ Tho đã nhờ người viết ra để dán hai bên cửa.

   Trong thời kỳ ở Thuộc Nhiêu ông làm bài thơ sau đây :

   Chợ Thuộc Nhiêu

   Đất linh bồi đắp cuộc Ba Giồng
   Cảnh Thuộc Nhiêu nhiều khách ngộp trông
   Lộ thẳng ngựa biêu chơn ngắn bước
   Rạch cùng cá lội mến quen sông
   Trướng văn giỏi kẻ thêu rồng phượng
   Miễu võ thờ tay trí bá tòng
   Cứng cát thú quê vui tục cũ
   Thềm dâu ruộng lúa dễ cho không.

   Bấy giờ vào lúc khẩn trương của cuộc đối lập Pháp Nam. 

   Ông diễn tả tâm trạng mình bằng bài thơ “gà chọi”, ngụ ý mong đồng bào nên nghĩ ơn tổ quốc, đừng tham sống mà không dám liều “một nắm xương lông” hãy yên trí rằng nếu có chết sẽ được hương khói phụng thờ:

  Vịnh đôi gà chọi

  Đôi bên chưa chắc đặng cùng không,
  Thiên hạ ngày tròn mỏi mắt trông.
  Một trận quyết đền ơn tấm mẳn (1)
  Hai ngươi chớ ngại nắm xương lông.
  Rủi may đã có người hương khói,
  Khuya sớm cho cam kẻ ẵm bồng.
  Lừng lẫy danh thơm trong mấy nước,
  Làm sao năm đức giữ cho cùng! (2)

(1) Tấm mẳn: tấm cám, thức ăn của gà – ơn tấm mẳn: ơn cơm áo.
(2) Năm đức của gà: uy vũ, can đảm, gáy sáng, thảo ăn, khéo nuôi con.


  Nhìn thấy bọn sĩ phu, cậy có năm ba cuốn sách trong bụng mà lên râu với bà con, đến khi gặp giặc thì chạy tơi bời, chỉ sợ máu huyết phải đem làm lễ bôi chuông, giống như nông nỗi con trâu trong bài:

   Vịnh con trâu

   Mài sừng cho lắm cũng là trâu,
   Ngẫm lại mà xem thật lớn đầu!
   Trong bụng lam nham ba lá sách,
   Ngoài cằm lém đém một chòm râu.
  Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy, (1)
  Làm lễ bôi chuông nhớn nhác sầu. (2)
  Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ,
  Năm dây đàn gảy biết chi đâu! (3)

(
1) Điền Đan đốt đít trâu cho trâu chạy xông vào trận địch
(2) Đời xưa, lấy máu trâu bôi vào chuông mới đúc cho khỏi nứt
(3) Đàn gảy tai trâu

  Lại còn cái bọn ra phò tân trào, coi mới đáng ghét làm sao! Tiểu nhân đắc chí, đeo râu mang kiếm, hống hách vô sỉ, có khác gì con tôm kia :

   Vịnh con tôm

   Chẳng phải vương công, chẳng phải hầu,
   Học đòi đeo kiếm lại đeo râu.
   Khoe khoang mắt đỏ trong dòng biếc,
   Chẳng biết mình va: cứt “lộn đầu!”

   Hoặc con chó, lúc sống thì lăng xăng đuổi thỏ để cho thỏ bị bắt làm thịt, mà lúc chết chẳng được ai thương, xác bị quăng ra sông nổi lều bều, chỉ có tôm tép tiễn đưa, quạ diều săn sóc:

  Vịnh chó chết trôi

  Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu!
  Thác thả dòng sông, bụng chướng phều.
  Vằn vện xác còn phơi lững đững,
  Thối tha, danh hãy nổi lều bều!
  Tới lui, bịn rịn: bầy tôm tép,
  Đưa đón, lao xao: lũ quạ diều.
  Một trận gió dồi cùng sóng dập,
  Tan tành xương thịt biết bao nhiêu!

  Có khi ông không ngại kêu hẳn tên mà mai mỉa. Như Nguyễn Kim Chi, có tính keo kiệt và tham lam, đã làm tổng đốc Định Tường (Mỹ Tho) danh phận cao sang là thế mà còn bắt vợ đi bán bánh ở chợ, bắt lính trồng trầu ở dinh, để lấy thêm huê lợi, còn việc nước việc dân không màng gì đến, gặp những án nặng nhưng có hối lộ nhiều là kiếm cớ tha liền.

  Vịnh Nguyễn Kim Chi

   Nghĩ thương quan thượng Nguyễn Kim Chi,
   Khôn khéo không ai dám sánh bì.
   Gói bánh vợ đem bưng dưới chợ,
   Trồng trầu lính mót bán trong ty.
   Bề ngoài đầy đủ cho qua chuyện,
   Việc nước nên hư chẳng kể gì.
   Cái án hạp binh nên xé thịt,
   Đành ăn hối lộ lại tha đi!

   Hoặc như quan võ Nguyễn Công Nhàn, được thiên hạ gọi là “Hùng dũng” chỉ vì có tính nóng, hay đánh đập: lúc gặp Pháp tấn công, ông cho đóng cọc dưới sông để chặn tàu, nhưng giặc biết mưu nhổ lên hết rồi thình lình tiến đến, khiến ông hốt hoảng co chân định chạy, sau nghĩ đến vợ con lại dùng dằng, toan cho đóng cũi tự giam mình mà đầu hàng:

     Vịnh Nguyễn Công Nhàn

   Có quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn,
   Hùng dũng nhưng mà lại nhát gan!
   Giặc tới Bến Tranh, run lập cập,
   Tàu vô Cửa Tiểu, chạy bò càng,
   Mưu thần trước biết ngang sông chắn,
   Kế dữ sau toan ... đóng cũi hàng!
   Thất thủ muốn liều cho vẹn tiết,
   Ngặt vì con, vợ, bận chưa an!

  Học Lạc có tính ngạo đời, nên trong hương lý không mấy người ưa. Có lần,theo lệ làng phải làm một mâm xôi đem ra đình cúng thần, đáng lẽ đề vào vành mâm tên họ chức tước  là “Học sinh Nguyễn Văn Lạc” ông chỉ biên hai chữ “Thằng Lạc”, nên hương chức cho là xấc với thần linh, bắt trói vào cọc ngoài sân. 

   Ông ngồi đấy, tình cờ bên cạnh có một người Tàu cũng bị bắt vì tội đánh bông vụ (tiếng Bắc gọi là đánh thò lò) nên ông tức cảnh nên thơ:

     Bị trói

    Hoá An Nam, lứ khách trú, (1)
    Trăng trói lăng nhăng nhau một lũ.
    Ngoài mặt ngỡ ngàng lạ Bắc Nam,
    Trong tai (2) cắc cớ xui đoàn tụ.
    Bợm làng chẳng vị sĩ năm kinh, (3)
    Ông Bổn không thương người bảy phủ. (4)
    Phạt tạ xong rồi, trở lại nhà:
    Hoá thì hốt thuốc, lứ bông vụ.

(1) Hoá, lứ: tôi, anh (tiếng Triều Châu)
(2) Tai nạn
(3) Sĩ năm kinh: chỉ người học trò
(4) Bảy bang Hoa kiều ở miền Nam: Quảng Đông, Triều Châu, Huệ Châu, Hải          Nam, Phúc Kiến, Tuyền Châu, Phúc Châu.

   Sau đó, làng bắt ông phải tạ lỗi với ban hương đảng. Ông liền ngâm bài thơ:

     Tạ hương đảng

   Vành mâm xôi đề “thằng Lạc”!
   Nghĩ mình ti tiện không đài các.
   Văn chương chẳng phải bợm mèo quào,
   Danh lợi không ra cái cóc rác!
   Bởi thế bơ thờ thẹn núi sông,
   Dám đâu xấc láo ngạo cô bác!
   Việc này dẫu có thấu lòng chăng,
   Trong có ông thần, ngoài cặp hạc!

    Khi về già, thấy thời thế đã đổi thay hẳn cục diện, Pháp đã nắm vững được nước ta, ông đành ôm hận, thỉnh thoảng cao hứng đi lên tiệm ăn cơm:

     Ăn cơm nhà hàng

   Dễ muốn ăn chơi thế vậy à?
   Người đời thấm thoắt bóng câu qua.
   Tháng ngày thoi trở năm càng thúc
   Tơ tóc sương bay tuổi đã già.
   Khiển hứng no nê mùi Quảng Tống,
   Tiêu sầu chếnh choáng rượu Lang Sa. (1)
   Trải xem ai nấy đều mê mệt,
   Há dễ mình ta tỉnh đặng mà!

(
1) Lang Sa: Pháp

   Học Lạc mất năm 1915, thọ 73 tuổi. Bà Bảy Khánh, vợ ông Học Lạc, cũng là nhà thơ, làm bài thơ sau đây:

    Thuyền lỡ vời

 Đùng đùng sóng gió khéo nương hơi,
 Chiếc bá linh đinh mới lỡ vời.
 Lố xố hoa trôi khoan lại thúc,
 Lao xao gấm vẽ nhặt rồi lơi.
 Mảnh buồm lững đững trôi trong nước,
 Bánh nguyệt chơi vơi đứng giữa trời.
 Chèo hạnh so le ngơi mái nhịp,
 Thuyền tình thong thả dễ buông khơi. 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến