Trung Quốc xây hệ thống radar trên đảo Tri Tôn: Việt Nam đối
mặt nguy cơ nào?
Các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy đảo Tri Tôn thuộc quần đảo
Hoàng Sa đang trở thành một trong những căn cứ do thám chính của Trung Quốc
trên Biển Đông.
Một khi được hoàn tất, hệ thống radar trên đảo Tri Tôn, hiện đang do
Trung Quốc chiếm đóng, sẽ góp phần gia tăng đáng kể năng lực tác chiến điện tử
và ngăn chặn trên khắp quần đảo Hoàng Sa.
Thêm vào đó, điểm radar này sẽ góp mặt vào mạng lưới giám sát rộng lớn
hơn vốn đã bao phủ phần lớn Biển Đông, theo viện nghiên cứu Chatham House (Anh)
vào ngày thứ Năm 17/10.
Đảo Tri Tôn là một thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và nằm gần Việt Nam
nhất.
Hòn đảo này chỉ cách đất liền của Việt Nam khoảng 136 hải lý và cách đảo
Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 121 hải lý.
Quần đảo Hoàng Sa được Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng lại đang nằm dưới
sự quản lý của Trung Quốc.
Trong suốt thế kỷ 20 và những thập niên đầu thế kỷ 21, nơi đây là tâm điểm
của nhiều xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong đó, trận Hải chiến Hoàng Sa vào năm 1974 là một dấu mốc quan trọng,
khi Trung Quốc hoàn thành việc chiếm hữu trên thực tế đối với quần đảo này sau
một trận chiến ngắn với Việt Nam Cộng hòa.
Vào năm 2014, căng thẳng lại dâng cao sau khi Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan
Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gần quần
đảo Hoàng Sa.
Vào tháng 1/2016, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ
USS Curtis Wilbur đã đivào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn.
Lầu Năm Góc tuyên bố việc di chuyển này là thách thức trước những tuyên bố
hạn chế quyền tự do tiếp cận trên Biển Đông của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc bấy giờ đã cáo buộc Mỹ vi phạm luật pháp của
Trung Quốc "khi vào vùng lãnh hải của Trung Quốc mà không được cho phép
trước".
Tàu chấp pháp Trung Quốc cũng thường tấn công tàu cá Việt Nam trên vùng
biển này.
Hệ thống radar SIAR
Thông qua các hình ảnh vệ tinh từ công ty Maxar, các nhà nghiên cứu từ
Chatham House đã phát hiện việc xây dựng một hệ thống radar mới, được gọi là hệ
thống radar khẩu độ xung lực tổng hợp (SIAR), có thể phát hiện được máy bay và
các thiết bị tàng hình.
Hệ thống radar chống tàng hình trên đảo Tri Tôn có cấu trúc hình bát
giác, giống hệ thống SIAR cũng do Trung Quốc xây dựng trên đá Xu Bi ở quần đảo
Trường Sa vào năm 2017, theo Chatham House.
Hình ảnh cũng cho thấy một cái tháp đang được xây dựng gần radar SIAR, có
thể là trung tâm vận hành.
Một khi được hoàn thành, hệ thống radar trên đảo Tri Tôn sẽ góp mặt để
hình thành một mạng lưới gồm ít nhất ba hệ thống radar chống tàng hình trên Biển
Đông mà Trung Quốc đã thiết lập trong thập kỷ qua, bao gồm đảo Hải Nam và đá Xu
Bi ở Trường Sa.
Đảo Hải Nam cách đá Xu Bi khoảng 1.100 km, còn đảo Tri Tôn nằm ở giữa,
cách đảo Hải Nam chừng 350 km và cách đá Xu Bi chừng 850 km.
Trả lời Chatham House, J. Michael Dahm, nhà nghiên cứu cấp cao về không
gian và Trung Quốc từ Viện Mitchell, phân tích:
"Các radar SIAR bị giới hạn tầm nhìn do độ cong của vỏ Trái Đất. Điều
này có nghĩa là có một khoảng trống do thám không phận bên giữa đá Xu Bi và đảo
Hải Nam. Hệ thống radar trên đảo Tri Tôn sẽ giúp lấp khoảng trống này."
Theo hãng tin AP hồi tháng 8/2023, các hình ảnh vệ tinh cho thấy dường
như Trung Quốc đã tiến hành xây dựng đường băng trên đảo Tri Tôn.
AP nhận định đây có thể là đường băng dài hơn 600 mét, đủ cho các máy bay
cánh quạt và drone cất và hạ cánh, không phải dành cho những chiến đấu cơ hoặc
máy bay ném bom.
Vào năm 2018, một bài viết của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS)
cho biết Trung Quốc đã tập trung vào việc xây dựng hạ tầng quân sự trên các đảo
mới được bồi đắp trên Biển Đông.
Các cơ sở hạ tầng bao gồm đường băng, cảng và công sự. Trung Quốc cũng
tăng cường sức mạnh do thám và tình báo với các mạng lưới radar có hình dạng và
kích cỡ khác nhau.
Riêng tại quần đảo Trường Sa vào năm 2018, đã có hơn 40 cơ sở radar trên
7 điểm đảo khác nhau.Nguy cơ nào cho Việt Nam?
Việc Trung Quốc xây dựng các công trình do thám trên đảo Tri Tôn sẽ làm
"giảm đáng kể khả năng hoạt động bí mật" của Việt Nam trong khu vực,
theo đánh giá của Chatham House.
Viện nghiên cứu Chatham House cho rằng hệ thống radar hiện hữu trên đảo
Tri Tôn đã có khả năng theo dõi tàu bè trên biển. Sắp tới, với hệ thống radar mới,
Trung Quốc sẽ có khả năng theo dõi các di chuyển trên không, phát hiện sớm nhất
cử nhất động của Việt Nam trong khu vực này, bao gồm hoạt động tiếp cận các mỏ
dầu khí trong khu vực.
Bill Hayton, nhà nghiên cứu chương trình châu Á-Thái Bình Dương của
Chatham House, cho rằng việc Trung Quốc tăng cường hạ tầng trên đảo Tri Tôn cho
thấy ham muốn gia tăng kiểm soát những nguồn tài nguyên này.
"Những diễn biến này có thể là lời cảnh báo cho thấy Trung Quốc đang
lên kế hoạch tiến hành một đợt thăm dò dầu khí nữa," ông nhận định.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hồi tháng 7/2024 liên quan đến khả năng Trung
Quốc sử dụng căn cứ quân sự Ream tại Campuchia, nhà nghiên cứu Gregory B
Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á từ CSIS, cho rằng trong kịch bản xung
đột Việt - Trung xảy ra thì Việt Nam sẽ bị gọng kìm bao vây từ ba hướng.
"Tôi nghĩ cả Việt Nam và Thái Lan đều ngày càng lo ngại về việc
Trung Quốc tiến hành do thám từ căn cứ Ream. Điều này mang tính chất nghiêm trọng
hơn đối với Việt Nam, vì Việt Nam đã phải đối mặt với các mối đe dọa của Trung
Quốc từ hai mặt trận, từ biên giới trên bộ và từ Biển Đông, chẳng hạn tại quần
đảo Hoàng Sa."
"Có một mặt trận thứ ba, bị Trung Quốc do thám từ phía nam, là một vấn
đề cho Việt Nam khi lực lượng quân sự Việt Nam cảm thấy bị bao vây."
Nhận xét
Đăng nhận xét