Giai thoại Vua TỰ ĐỨC

Giai thoại
Vua TỰ ĐỨC

  Hoàng đế Tự Đức (嗣德) (1829-1883), húy Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (阮福洪任), còn có tên Nguyễn Phúc Thì (阮福蒔) là vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1847 đến 1883. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn. 

 Là ông vua hay chữ nhất triều Nguyễn nên ông rất đề cao Nho học. Ông chăm lo việc khoa bảng, sửa sang việc thi cử và đặt ra Nhã Sĩ Khoa và Cát Sĩ Khoa để chọn lấy người có tài văn học ra làm quan. 

 Ông là người ham học, hiểu biết nhiều và đặc biệt yêu thích thơ văn. Ông làm nhiều thơ bằng chữ Hán, trong đó có bộ Ngự chế Việt sử tổng vịnh, vịnh hàng trăm nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn làm cả sách bằng chữ Nôm để dạy cho dân dễ hiểu, điển hình như Luận ngữ diễn ca, Thập điều, Tự học diễn ca, ...

  Có rất nhiều giai thoại văn chương về Tự Đức, nhất là những chuyện vua giao thiệp với các đình thần, các văn nhân đương thời.
1/
Thơ nói lái

 Chuyện kể rằng, sau một buổi chầu, Tự Đức họp các quan để bàn luận chuyện cổ kim cùng ngâm vịnh thơ phú cho vui. Hôm ấy có một viên quan ở Hàn lâm viện, chức khá cao, đứng lên xin kể chuyện đức Thánh Trèm. Theo truyền thuyết, đức Thánh Trèm tên thật là Lý Ông Trọng, quê ở làng Trèm (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội), có thân hình cao hơn hai trượng, có sức khoẻ phi thường, thi đỗ võ quan với nhà Tần (Trung quốc), có công đánh đuổi quân Hung Nô. Sau khi Ông Trọng trở về nước nam, vua Tần sai đúc tượng Ông Trọng đặt ở cửa Kim Mã, kinh đô Hàm Dương để quân Hung Nô khiếp oai không dám xâm phạm bờ cõi nước Tần nữa… Khi kể chuyện, viên quan muốn tỏ ra mình uyên bác, đã nói rằng sử sách Trung quốc và Đại Nam đều chép sai, phải gọi là Lý Trọng Ông mới đúng. Nhiều người có ý kiến bảo chính ông ta nói sai, nhưng ông ta không chịu cứ gân cổ cố cãi bừa, rằng từ nay phải gọi là Lý Trọng Ông.

 Tự Đức nghe hai bên tranh cãi ầm ĩ, thấy cũng tức cười, bèn ứng khẩu đọc ngay một bài thơ rằng:

Ông Trọng như hà hoán Trọng Ông,
Chỉ nhân học vấn thiểu phu công.
Tư nhân an đắc cư lâm hãn,
Nghi truất Nội Hà tác phán thông.


Có người dịch ra thơ nôm như sau:
Ông Trọng làm sao gọi Trọng Ông
Chỉ vì học vấn kém phu công
Người này không ở Lâm Hàn được
Đuổi quách ra Hà giữ phán thông.

 Ý chế giễu của bài thơ là ở chỗ câu nào cũng dùng những chữ nói lái như: Ông Trọng thành Trọng Ông, công phu thành phu công,  hàn lâm thành lâm hàn, Hà Nội thành Nội Hà, thông phán thành phán thông. 

 Các triều thần nghe những câu thơ nói lái hài hước của vua Tự Đức, ai nấy đều phì cười, còn viên quan Hàn lâm nọ thì thẹn quá, chỉ biết cúi đầu đỏ mặt mà thôi.
2/
Thơ vịnh muỗi 

 Tự Đức là ông vua hay làm thơ, đồng thời cũng là ông vua thích dùng thơ để vui đùa với các đình thần. Tương truyền một hôm, Tự Đức nổi hứng đọc cho các viên quan ở Hàn lâm viện chép một bài thơ như sau:

Tiêu hà tá hán khởi ư phong
Sấn nhập trùng vi nhiễu trướng trung
Bất luận huân tiêu phàn khoái lực
Hốt văn hàn tín tự tiêu không.

 Đây là bài thơ "Vịnh muỗi". Nhưng Tự Đức cố tình không đọc đầu đề, lại cố ý dùng toàn những chữ đồng âm với những chữ chỉ tên người, tên đất trong sử sách Trung quốc như: Tiêu Hà (thừa tướng nhà Hán), Hán (nhà Hán), Phong (đất Phong Bái nơi Hán Cao Tổ dấy binh), Phàn Khoái (tướng giỏi của Bái Công), Hàn Tín (đại nguyên soái của Bái Công). Mấy ông Hàn lâm vốn là “những con mọt sách”, làu thông sử sách, nên khi nghe vua đọc đến những tên lịch sử ấy thì đều cho ngay đó là bài thơ vịnh sử, rồi cứ cắm đầu cắm cổ mà viết chẳng cần suy nghĩ gì cả. 

 Họ có ngờ đâu đã bị nhà vua cho một vố chơi khăm. Mãi đến khi Tự Đức xem bài của họ, vừa cười thích thú vừa chữa những chữ viết lầm của họ, thì họ mới biết đó chỉ là bài thơ “Vịnh muỗi”. 

 Hóa ra chữ tiêu là tàu lá chuối, chữ hà là lá sen; hai chữ này viết khác hẳn hai chữ Tiêu Hà là tên người. Chữ hán chỉ là chữ hãn là cái cánh, đọc chệch âm, viết cũng khác chữ Hán là nhà Hán. Chữ phong là gió, viết khác hẳn chữ Phong là tên đất. Còn hai chữ phàn khoái là hun đốt đều có bộ hỏa ở bên, mà viết cũng khác hai chữ Phàn Khoái là tên người. Hai chữ hàn tín là tin lạnh, chỉ trời trở rét; chữ hàn là lạnh rét viết khác hẳn chữ Hàn là họ Hàn, (chỉ có chữ tín là trùng với chữ Tín trong tên Hàn Tín). Như vậy, cả bài thơ theo đúng nghĩa phải dịch Nôm là:

Bẹ chuối đài sen cất cánh bay
Xông vào màn trướng quấy vo rầy
Chẳng cần hun đốt ra công sức
Tin lạnh đưa về tẩu tán ngay.


 Qua nội dung bài thơ "Vịnh muỗi", các vị hàn lâm viện cuối cùng cũng hiểu ra là nhà vua có ý chỉ trích họ chỉ là “những con mọt sách” mà thiếu hiểu biết đời sống thực tế của nhân dân. Không ngờ là các quan hàn lâm lại viết sai mấy chữ Hán thông thường, mọi người đều cảm thấy vừa thẹn vừa tức cười cho bản thân mình. Bấy giờ không chỉ có vua Tự Đức cười mà tất cả đều cười vang.
3/
Bài vè của vua 

Tương truyền rằng:
Năm 1873, vua Tự Đức ngự thuyền ra cửa Thuận An. Vua đang ngắm cảnh biển. Bỗng có hai chiếc tàu ô của bọn cướp biển xông đến. Các thuyền hộ giá nhà vua sẵn sàng khí giới, súng ống đầy đủ, được vua ra lệnh cho bắn phá bọn tàu ô. Nhưng kết quả thuyền của triều đình thua to, bị chúng bắn lại nhiều người trọng thương. Chúng còn cướp được hai chiếc tải thuyền đem đi mất tích. 

 Vua ngao ngán trở về. Ông chứng kiến rõ ràng tình trạng quan quân bạc nhược. Người ta chờ đợi một sự trừng phạt các quan lại. Nhưng nhà vua vẫn im lặng. 

 Vài hôm sau bọn cung nhân, thị nữ và nội giám đều hát vang lên một bài vè tả cuộc thất bại ở Thuận An rất đầy đủ, cuối bài là những lời chỉ trích nặng nề các quan. Bài vè như sau:

Rằng năm Quí Dậu tháng tư
Ngửa vâng Hoàng thượng thánh từ sắc ban
Mười hai giá ngự Thuận An
Triều đình văn võ quân quan hộ tòng
Tưng bừng cờ phất trống rung
Chèo ba mái nhẹ thuyền rồng như bay
Càng nhìn càng đẹp càng say
Dẫu mà trăm cảnh không tày Thuận An
Ai ngờ một phút tự nhiên
Bỗng đâu chín chiếc tải thuyền chạy ra
Ngọn buồm trông thấy xa xa
Gần vời nghe tiếng súng ra đùng đùng
Tàu ô hai chiếc buồm giong
Đều buông tiếng súng gẫm cùng to gan
Trương buồm chạy dọc chạy ngang
Căm hờn mấy lũ mấy đoàn tàu ô
Tung hoành bố mạy, xí lô
Đứa đâm, đứa chém, đứa xô xuống tàu
Các quan khi ấy gửi tâu
“Ngửa trông Hoàng thượng lên lầu ngự ra”
Lệnh truyền: “Hộ vệ thần cơ
Ai mà bắn đặng tàu ô nó rày
Quyền ban lộc thưởng cao dày! "
Sắc vừa ban xuống nạp ngay súng liền
Bắn thời phát thẳng phát xiên
Bắn ra chẳng trúng vào thuyền tàu ô
Hở ra thì nó chạy vô
Bắt đi hai chiếc ai mô chẳng tường
Thấy thôi nửa giận nửa thương
Giận thay chúng nó, thương đường quân ta
Đứa thì bị thuốc cháy da
Đứa thời bị đạn máu ra đầm mình
Làm cho chúng nó dể khinh
Nghĩ lại phận mình chẳng biết cứu nhau
Phải chi diệu vợi nơi đâu
Đã toan lập lưỡng chước mầu tâu vô
Chẳng qua sự đã sờ sờ
Ai ai cũng lặng như tờ nín hơi
Nghĩ đời mà chán cho đời
Làm tôi ăn uống lộc trời lắm ru
Nghênh ngang võng võng dù dù
Bài vàng thêm mão xuân thu tháp đầu
Gẫm không tài cán chi đâu
Tham sanh úy tử một bè như nhau
Ăn thời giành trước giành sau
Đến khi có giặc rút đầu rút đuôi
Cũng xưng là đấng làm tôi
Cớ sao chẳng biết hổ ngươi trong mình!

  Các quan triều nghe hát đều sửng sốt, bàn tán. Song họ cũng mau chóng biết được đó là bài vè ngự chế (vua làm) mà nhà vua đã giấu tên theo kiểu dân gian. Ai cũng bảo nhà vua thâm thúy; cho dù có phạt tội các quan theo luật hình cũng không thấm thía bằng những lời phê phán sắc bén ở đoạn cuối bài vè. Do vậy các quan đều cảm thấy tủi hổ vô cùng. 

 Rồi chẳng mấy lâu sau, bài vè cũng có cánh bay ra ngoài dân chúng. Mọi người đều cho là chuyện hi hữu xưa nay: vua mà cũng làm vè. Thế nhưng dân chúng cũng rất thú vị về cách trị tội các quan có một không hai này.
4/
Thơ phong hoa tuyết nguyệt 

 Tương truyền, có lần vua Tự Đức ra đầu đề cho các quan làm thơ. Nhà vua nêu quy tắc rất nghiệt ngã. Đầu đề muốn chọn thế nào cũng được, nhưng bài thơ phải có đủ tám câu. Tám chữ đầu của tám câu ấy bắt buộc phải là tám chữ: phong, hoa, tuyết, nguyệt, cầm, kỳ, thi, họa, đồng thời theo thứ tự từ câu đầu đến câu cuối, phải có tám chữ số là : nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, bát.   

 Đa số các quan, các văn nhân đều gác bút, hoặc chỉ viết được những bài có “phong, hoa, tuyết, nguyệt,…” mà lại thiếu “nhất, nhị, tam, tứ, …” hoặc ngược lại. Nhưng Hồng Bảo, anh ruột của Tự Đức lại làm thành một bài thơ vừa hay vừa đủ các điều kiện của đầu đề. Nội dung bài thơ như sau:

Vân đạm, phong khinh, nhất diệp châu
Hoa cù ẩn ước nhị tầng lâu
Tuyết ngưng địa thượng tam đông lãnh
Nguyệt đáo thiên trung tứ bích sầu
Cầm vận ngũ huyền ca nhã hứng
Kỳ vi lục cuộc thúc doanh thâu
Thi thành thất bộ chung hoài cổ
Họa nhập Tiêu Tương bát cảnh đồ.


 Nguyễn Đôn Như dịch thơ như sau:
Gió nhẹ mây êm một lá thuyền
Lầu hai lấp ló khóm hoa hiên
Ba đông tuyết phủ dồn hơi lạnh
Bốn vách trăng soi gởi nỗi phiền
Đàn gảy năm dây hòa giọng hát
Cờ vây sáu cuộc đổi thay phiên
Thơ xong bảy bước xui hoài cổ
Bút họa Tiêu Tương tám cảnh tiên!


 Thơ làm được như vậy là cực nhanh và giỏi. Tự Đức phải phục tài. 

 Nhưng có người đã mách riêng với nhà vua rằng câu thơ thứ tư có dụng ý mỉa mai. Nói rằng "trăng lên giữa trời, gieo thảm sầu cho thiên hạ" là có ý ám chỉ Tự Đức không xứng đáng lên ngôi vua. Có lẽ Tự Đức cũng ngầm công nhận ý kiến ấy nên đã rất đề phòng ông anh mình. Người ta nói, sau này, Hồng Bảo làm đảo chính bị thất bại, phải tự tử, một phần là vì đã để lộ hình tích trong bài thơ nói trên. 



5/
Nguyễn Đăng Hành và vua Tự Đức 

  Nguyễn Đăng Hành (con Nguyễn Đăng Giai) làm quan đời Tự Đức, là người rất hay chữ. 

   Nhân việc dẹp được âm mưu lật đổ của Hồng Bảo , vua Tự Đức mở tiệc ăn mừng . Trong khi đang đãi yến các quan , nhà vua ăn uống thế nào lại để răng cắn phải lưỡi. Vua bèn lấy sự việc đó làm đầu đề bảo các quan làm thơ để mua vui. Các quan đều làm thơ dâng lên vua, nhưng chỉ có bài của Nguyễn Đăng Hành là hay hơn cả. Bài thơ như sau:

Ngã sinh chi sơ, nhữ vị sinh,
Nhữ sinh vị hậu, ngã vi huynh.
Kim triêu hạnh hưởng cao lương vị,
Hà nhẫn độc thương cốt nhục tình.

 Có người dịch thơ như sau:
Tớ sinh, ngươi chửa ra đời,
Ngươi sinh sau tớ, tớ thời làm anh.
Hôm nay ăn uống ngon lành,
Mối tình cốt nhục, sao đành hại nhau?


 Rõ ràng đây là bài thơ nói về việc răng cắn phải lưỡi. Lưỡi có trước khi mọc răng, vậy thì lưỡi là anh và răng là em. Thế mà khi được miếng ăn ngon, đáng lẽ  cùng nhau hưởng thụ, răng lại nỡ lòng cắn lưỡi để tranh ăn lấy một mình.    

 Nhưng bài thơ lại ngụ ý chê trách nhà vua nỡ giết anh là Hồng Bảo để độc hưởng phú quý. 

  Tự Đức xem xong, biết là Hành ám chỉ việc riêng của mình , tức giận lắm, nhưng cũng phải phục là tài. Rồi để thỏa nỗi tức giận của mình, nhà vua sai đem tác giả ra cửa Ngọ Môn nọc đánh ba chục roi  về tội châm biếm  phạm thượng. Nhưng sau đó, để tỏ ra rằng mình cũng biết quí trọng văn tài, nhà vua lại thưởng tiền lụa cho tác giả.
6/
Lê Ngô Cát và vua Tự Đức 

  Lê Ngô Cát, người huyện Chương Đức tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), đỗ cử nhân năm 1848 (niên hiệu Tự Đức thứ nhất), là một nhà nho giỏi thơ nôm ở thời đó. 

  Tương truyền hồi Lê Ngô Cát đang làm bố chánh Cao Bằng thì được vua Tự Đức triệu về kinh để sửa lại bộ Quốc sử diễn ca. Trong bộ sử, ông có viết mấy câu về bà Triệu như sau:

Vú dài ba thước vắt lưng,
Cưỡi voi gióng trống bên rừng trẩy ra.
Cũng toan gánh vác sơn hà,
Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam.
 

  Khi dâng sách lên, vua Tự Đức đọc đến đoạn đó thích lắm, chữa hai chữ "Cũng toan" thành "Ghé vai" và nói đùa rằng: "Thế đàn ông nước Nam đâu cả" 

  Rồi vua ban thưởng cho Cát một tấm lụa với hai đồng tiền vàng.

  Nghe tin, các thân hữu đến mừng, đòi Lê Ngô Cát phải có rượu khao. Khi rượu đã ngà ngà say, các bạn hứng chí đòi chủ nhân phải có thơ tức sự việc được vua ban vàng lụa. Lê Ngô Cát bèn ngất ngưỡng đọc hai câu lục bát như sau:

Vua khen thằng Cát có tài,
Ban cho cái khố với hai đồng tiền.

  Ít lâu sau bỗng Lê Ngô Cát nhận được lệnh lại phải đi bố chánh Cao Bằng, ông rất sửng sốt và lo ngại. Mãi về sau mới vỡ lẽ, thì ra hai câu thơ của ông đã đến tai Tự Đức, nhà vua cho ông có ý xỏ vua keo kiệt (cho một tấm lụa chỉ đủ làm cái khố) vì thế lại đày ông lên "nước non Cao Bằng" cho bõ ghét.
7/
Cao Bá Quát và vua Tự Đức   

  Khi Tự Đức lên ngôi (1848) thì Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát đang giữ chức quan nhỏ (hành tẩu) ở bộ. Cả Siêu và Quát đều tài hoa mẫn tiệp, xuất khẩu thành chương, áp đảo được mọi người nên đời bấy giờ vẫn truyền tụng là Thần Siêu, thánh Quát. Người đời cũng khen ngợi hai ông bằng hai câu:

Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường
.
Nghĩa:
Văn như ông Siêu, ông Quát thì nhà Tiền Hán không đáng kể nữa
Thơ đến Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương thì đời Thịnh Đường còn kém
.

  Giữa ông vua hay chữ và thánh Quát, đã có nhiều lần "đụng độ" về thơ văn.

- Bịa thơ tài hơn vua :

 Tự Đức vốn là ông vua sính thơ và hay khoe thơ mình. Nghĩ được câu thơ, bài thơ nào thường vẫn đem đọc cho quần thần nghe và lấy làm tự đắc lắm. Một hôm sau buổi chầu, Tự Đức nói với các quan:
- Đêm qua trẫm nằm mơ làm được hai câu thơ thật kỳ lạ, để trẫm đọc cho các khanh nghe !
 Rồi đọc luôn:

Viên trung oanh chuyển “khề khà” ngữ,
Dã ngoại đào hoa “lấm tấm” khai.
 

  Các quan nghe xong đều lấy làm lạ vì chưa hề được nghe lối thơ vừa chữ vừa nôm ấy bao giờ, nhất là những chữ “khề khà”, “lấm tấm” nghe thật thú vị. Còn Cao Bá Quát lúc bấy giờ cũng có mặt ở đấy, thì vẫn thản nhiên mà tâu rằng: 

- Tâu bệ hạ, tưởng gì chứ hai câu ấy thì từ hồi còn để chỏm đi học, thần đã được nghe rồi ạ! Thần được nghe cả bài tám câu kia, nếu bệ hạ cho phép, thần xin đọc lại tất cả. 

 Tự Đức đang hí hửng về mấy câu thơ dở chữ dở nôm rất độc đáo của mình, không dè lại bị Quát giội cho một gáo nước lạnh thì tức lắm, vì rõ ràng hai câu thơ đó chính ông ta nghĩ ra. Tuy nhiên, ông ta vẫn cố trấn tĩnh bảo Quát đọc cho nghe cả bài thơ, với thâm ý nếu không đọc được thì sẽ trị cái tội khi quân cho hả giận. 

 Còn đình thần cũng bực tức là Quát dám cả gan xúc phạm đến vua, và họ đang chờ một trận lôi đình; ông nọ lấm lét nhìn ông kia, không khí triều đình trở nên căng thẳng, nặng nề khác thường. 

 Quát bình thản suy nghĩ một lát như để nhớ lại một bài thơ lâu ngày không nhìn đến, rồi cất giọng sang sảng ngâm rằng:

Bảo mã tây phương "huếch hoác" lai,
"Huênh hoang" nhân tự thác đề hồi.
Viên trung oanh chuyển "khề khà" ngữ,
Dã ngoại đào hoa "lấm tấm" khai.
Xuân nhật bất văn sương "lộp bộp",
Thu thiên chỉ kiến vũ "bài nhài".
"Khù khờ" thi cú đa nhân thức,
"Khệnh khạng" tương lai vấn tú tài.


Nghĩa là:
Ngựa báu từ phương tây huếch hoác lại
Người huênh hoang nhờ cậy dìu về
Trong vườn oanh hót giọng khề khà
Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm
Ngày xuân chẳng nghe tiếng sương rơi lộp bộp
Tiết thu chỉ thấy mưa bài nhài
Tứ thơ khù khờ đã nhiều người biết
Lại còn khệnh khạng mang đến hỏi bậc tú tài!

 Bài thơ vừa đọc dứt, cả đình thần hoang mang nhìn nhau, còn Tự Đức thì biết đích là Cao Bá Quát chơi xỏ mình, nhất là 2 câu cuối, nhưng cũng rất sửng sốt và hết sức thán phục. Vua sai lấy chè và quế ban cho Quát và bắt Quát phải thú thật là đã bịa thêm sáu câu.

- Tự tiện chữa văn của vua :

 Vua Tự Đức có làm hai câu đối để ở điện Cần Chánh như sau:

子能承父業
臣可報君恩
Tử năng thừa phụ nghiệp
Thần khả báo quân ân

Nghĩa là:
Con nối được nghiệp bố,
Tôi đền được ơn vua.


 Các đình thần từ lâu vẫn phục hai câu này là hay, cho rằng nói lên được hai giường mối lớn trong đạo tam cương ... 

 Một hôm, Cao Bá Quát có dịp vào điện Cần Chánh, thấy đôi câu đối như vậy thì bỗng nảy ra một ý tinh nghịch, lấy bút ngoáy ngay vào bên cạnh mấy chữ rằng: “Hảo hề! Hảo hề! Phụ tử, quân thần điên đảo” (Hay chưa! hay chưa! cha con, vua tôi đảo lộn).
 Việc đó được tâu lên vua. Tự Đức giận lắm,cho đòi Quát đến để hỏi tội. Quát thản nhiên đáp lại: 

- Tâu bệ hạ, thần thường nghe nói đạo vua tôi phải ở trên đạo cha con; vả từ ngàn xưa bao giờ cũng vẫn vua trước mà tôi sau, cha trước mà con sau. Nay bệ hạ để như vậy chẳng phải là đã làm đảo lộn hết cả rồi sao? 

 Tự Đức nghe biện bạch cũng thấy xuôi tai, bèn bảo Quát thử chữa lại xem thế nào. Bấy giờ Quát mới chữa ngoặc lại như sau:
君恩臣可報
父業子能承
Quân ân, thần khả báo
Phụ nghiệp, tử năng thừa.

  Nghĩa là:
Ơn vua, tôi phải báo,
Nghiệp bố, con phải theo.


 Tự Đức và các quan lúc ấy đều phải chịu là câu của Quát quả sắc sảo và chắc tay hơn; không ai còn có thể bắt bẻ vào đâu được nữa! 


  Nhưng rồi cũng từ đó, Tự Đức càng tỏ ra ghét Quát hơn; vì dù sao thì Quát cũng đã làm một việc tối ư vô lễ là dám tự tiện chữa văn của nhà vua.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến