Giai thoại ĐÀO DUY TỪ

Giai thoại
ĐÀO DUY TỪ

 Đào Duy Từ (1572 – 1634) người làng Hoa Trai huyện Ngọc Sơn, nay là huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hoá. Thân phụ là Đào Tá Hán. 

Lúc còn là học trò nghèo, gặp lúc Lê Mạc đánh nhau, Tá Hán đầu quân theo giúp vua Lê. Nhân lúc Trịnh Kiểm thống lĩnh quan quân vừa chiếm được Thanh Nghệ làm căn cứ vững chắc cho nhà Lê, Tá Hán cao hứng làm bài ca kể công họ Trịnh, có những câu như sau:

Trang quốc sĩ ai bằng Trịnh Kiểm,
Tỏ thần uy đánh chiếm hai châu.
Thẳng đường dong ruổi vó câu,
Phò Lê diệt Mạc trước sau một lòng…


 Viên Xuất đội đem bài ca ấy tố cáo Tá Hán đem tên huý của quận công đại tướng ra hò hát. Tá Hán lo sợ vô cùng. Quan Trung quân nhận được giấy tố cáo, đòi Tá Hán vào hầu, thấy diện mạo khôi ngô, lại còn ít tuổi, nghĩ thương tình mới cho sửa lại hai câu đầu:

Trang quốc sĩ ai bằng họ Trịnh,
Tỏ thần uy bình định  hai châu.

 Dù vậy, Tá Hán vẫn bị phạt 20 roi và đuổi không cho làm lính. Không có kế sinh nhai, Tá Hán phải đi theo một gánh hát, sau mấy năm trở thành nghệ nhân hát chèo nổi tiếng.

Đào Duy Từ rất thông minh, học giỏi, lại có tài thao lược, nhưng khi nạp đơn đi thi với nhà Lê, bị phát giác là con nhà hát xướng nên bị đuổi khỏi trường thi, đau buồn thành bệnh nặng, nằm mê mệt ở nhà trọ, không về làng được. Ngay lúc ấy, Đoan quận công Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hoá, phụng mệnh vua Lê Thế Tông và chúa Trịnh Tùng về Thanh Hoá bàn việc nước. Nguyễn Hoàng đến thăm quan Thái phó Nguyễn Hữu Liêu, Hữu Liêu đưa cho xem văn bài của Đào Duy Từ và kể việc bị đuổi (Nguyễn Hữu Liêu là chủ khảo kỳ thi đó). Nguyễn Hoàng xem văn biết Duy Từ có tài kinh bang tế thế. Nguyễn Hoàng vốn có chí hùng cứ một phương, liền đến tận nhà trọ giúp đỡ tiền bạc cho Duy Từ uống thuốc và có ý định mời vào nam giúp mình. 

  Một hôm Duy Từ vừa khỏi bệnh, Nguyễn Hoàng đến chơi, nhân thấy trên vách có treo bức tranh ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi dầm mưa dải tuyết vào Long Trung tìm Gia Cát Lượng; Nguyễn Hoàng và Duy Từ vịnh một bài thơ liên ngâm để bày tỏ chí mình.

 Nguyễn Hoàng đọc trước:
Vó ngựa sườn non đá chập chùng,
Cầu hiền lặn lội biết bao công.


Duy Từ tiếp:
Đem câu phò Hán ra dò ý,
Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng.


Nguyễn Hoàng tiếp hai câu "thực":
Lảnh thổ đoán chia ba xứ sở,
Biên thùy vạch sẵn một dòng sông.


Duy Từ kết:
Ví chăng không có lời Nguyên Trực, (1)
Thì biết đâu mà đón Ngoạ Long. (2) 

(1) Nguyên Trực: tức Từ Thứ
(2) Ngoạ Long: Gia Cát Lượng


Hai người hiểu ý nhau rất tương đắc. Nhưng Nguyễn Hoàng không dám đưa Duy Từ theo vào ngay, e tiết lộ cơ mưu, nên chỉ ân cần dặn: 

- Lão phu về trước, xin đắp đài bài tướng chờ đợi tiên sinh. Năm nay lão phu hơn 70 tuổi, nếu có thất lộc, cũng để di ngôn lại cho con cháu sau nầy phải rước tiên sinh vào. 

 Duy Từ bái tạ nhận lời mà từ biệt.

 Nguyễn Hoàng trở về Thuận Hoá và mất năm 1613. Mãi đến khoảng năm 1625, Duy Từ mới tìm cách vào Nam với ý định giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên chống họ Trịnh. Nhưng gặp lúc chúa đi kinh lý nơi xa nên không gặp. Duy Từ hết tiền lưng, phải xin vào chăn trâu cho nhà phú hộ ở làng Tài Lương tỉnh Bình Định để đợi thời. Con trai phú hộ mở Tùng Châu thi xã, lấy Duy Từ làm người hầu hạ các bạn văn chương.

Thỉnh thoảng ông làm gà cho những hội viên trong thi xã những bài thơ rất hay, dần dần đến tai quan Khám lý Trần Đức Hoà. Biết ông là bậc tài cao học rộng, Trần Đức Hoà mời Duy Từ về nhà dạy học và gả con gái cho.

Trong thời kỳ ở Bình Định, Đào Duy Từ có làm bài "Ngoạ Long cương vãn",
tự ví mình với Gia Cát Lượng, nhưng chưa gặp thời:

Ngọa Long cương vãn ( trích )

Cửa xe chầu trực sớm trưa
Thấy thiên Võ cử đời xưa luận rằng
An, nguy, trị, loạn, đạo hằng
Biết thời sự ấy ở chưng sĩ hiền
Hán từ tộ rắn vận thuyền
Ba phân chân vạc, bốn bên tranh hùng
Nhân tài tuy khắp đời dùng
Đua chen trường lợi áng công vội giành
Nào ai lấy đạo giữ mình
Kẻ đua với Nguỵ, người dành về Ngô
Nam Dương có kẻ ẩn nho
Khổng Minh là chữ, trượng phu khác loài
……….
Hưng vong bỉ thái có thì
Chớ đem thành bại mà suy anh hùng
Chốn này thiên hạ đời dùng
Ắt là cũng có Ngoạ Long ra đời
Chúa hay dùng đặng tôi tài
Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên.


 Sau đó, do Trần Đức Hoà tiến cử Đào Duy Từ và dâng bài "Ngọa Long cương vãn" lên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa xem khen là có chí lớn, sực nhớ lời thân phụ căn dặn nên trọng dụng Duy Từ, phong cho chức Nha uý nội tán, tước Lộc Khê hầu.

 Năm Kỷ tị 1629, sau khi đuổi được nhà Mạc, Trịnh Tráng được vua Lê phong làm Thanh vương. Nhân đó, Trịnh Tráng muốn lấy danh nghĩa nhà Lê bắt chúa Sãi phải hàng phục.Chúa Trịnh sai sứ mang sắc phong Nguyễn Phúc Nguyên chức Thái phó quốc công, dụ chúa Nguyễn cho con ra chầu và nộp 30 thớt voi, 30 chiến thuyền.
  Chúa Sãi tiếp sứ, nhưng không muốn thụ phong, cũng không muốn tuân theo yêu sách của chúa Trịnh. Chúa bèn hỏi Đào Duy Từ cách đối phó. 

  Duy Từ khuyên chúa cứ nhận sắc phong rồi sẽ có cách. Ông sai làm một cái mâm đồng có 2 đáy, để đạo sắc phong của vua Lê vào giữa 2 đáy, kèm theo một mảnh giấy viết một bài thơ. Chúa Nguyễn sai xếp lễ vật vào chiếc mâm và sai sứ là Văn Khuông mang ra Thăng Long tạ ơn vua Lê, chúa Trịnh.

 Chúa Trịnh chỉ thấy có lễ vật mà không có biểu tạ về việc được vinh phong, lấy làm nghi ngại lắm. Sau có người quan sát thấy cái mâm dày và nặng, mới khám phá ra là mâm có hai đáy. Tờ sắc và mảnh giấy được lấy ra dâng lên chúa. Chúa Trịnh thấy trên mảnh giấy có chép 4 câu thơ như sau:

矛而無腋
覔非見蹐
愛落心腸
力來相敵
Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm tràng
Lực lai tương địch.

  Chúa và quần thần không hiểu nghĩa làm sao, mới triệu quan Thái uý Phùng Khắc Khoan vào hỏi. Khắc Khoan ngẫm nghĩ một lúc rồi bẩm rằng đây là ẩn ngữ cho biết rằng họ Nguyễn ở Nam trấn chẳng chịu nhận sắc phong. Ông tiếp tục giảng giải:

"Câu thứ nhất: Chữ Mâu mà không có nét phẩy ở bên nách là chữ Dư
Câu thứ hai: Chữ Mịch mà bỏ chữ kiến đi thì còn lại chữ Bất
Câu thứ ba: Chữ Ái mà rơi mất chữ Tâm ở trong ruột là chữ Thụ
Câu thứ tư : Chữ Lực đứng ngang với chữ Lai là chữ Sắc

 Cả 4 câu thơ ghép lại là 4 chữ 予 不 受 勑 : Dư bất thụ sắc, có nghĩa là 'Ta không nhận sắc mệnh'. Họ Nguyễn không chịu thần phục triều đình nên làm ra 4 câu thơ đó. Người soạn ra bài thơ phải là bậc hào kiệt của phương nam"

 Chúa Trịnh tức lắm, sai quan quân đuổi theo bắt sứ giả lại, nhưng Văn Khuông đã đi xa rồi. Chúa Trịnh muốn cất quân vào đánh, nhưng ở Cao Bằng và Hải Dương đương có quân nhà Mạc lại rục rịch chực đánh phá nên phải hoãn lại.

  Thực ra, giai thoại trên thiếu chính xác về mặt lịch sử,  vì lẽ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan mất năm 1613 và sự kiện chúa Nguyễn trả sắc xảy ra vào năm 1629.
Đó cũng là tình trạng của một số giai thoại văn chương khác.

 Sau khi đã biết rõ chính Đào Duy Từ là tác giả 4 câu thơ, Trịnh Tráng bực tức lắm, nhưng cũng rất phục tài Đào Duy Từ, nên đã sai kẻ tâm phúc đem nhiều vàng bạc và một bức mật thư vào thuyết Duy Từ, để hòng thu phục ông về làm quân sư cho mình. Xem xong thư, Duy Từ mỉm cười, trả lại số vàng bạc và lấy giấy bút viết một bài ca, dặn đưa về cho chúa Trịnh. Bài ca như sau:

Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu!
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?


  Trịnh Tráng nhận được bài thơ, biết Từ không đổi ý chí, nhưng vẫn kiên trì phái người vào dụ dỗ Từ một lần nữa. Từ thấy vậy, lại nhờ người gửi ra cho Trịnh Tráng hai câu thơ nữa:

Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa kẻo chồng em ghen!


 Dụ dỗ, mua chuộc mãi mà không được, Trịnh Tráng tức lắm; từ chỗ mến phục chuyển sang căm ghét Duy Từ. Chúa tôi  họ Trịnh đặt ra những bài hát như sau để đả kích ông:

Có ai về tới Đàng Trong,
Nhắn nhe "bố đỏ" liệu trông đường về. (1)
Mải tham lợi, bỏ quê quán tổ,
Đất nước người dù có cũng không …

(1) Nói "bố đỏ" cũng có ý ám chỉ rằng Duy Từ họ Đào

hoặc:
Rồng khoe vượt gió tung mây, (2)
Biết đâu rồng đất có ngày xác tan …

(2) Duy Từ là tác giả bài văn "Ngoạ Long cương vãn", tự ví mình với con rồng nằm, có ngày sẽ vượt gió tung mây.

  Duy Từ hay biết các câu hát ấy chỉ cười khảy và càng quyết tâm nghiên cứu kế hoạch phá Trịnh.


  Đào Duy Từ có công mặt ngoài thì chống đánh Trịnh, mặt trong mở đất Chiêm Thành làm cho dân giàu nước mạnh. Về mặt nghệ thuật, ông sửa lại các lối hát và các điệu múa cổ, đặt ra các điệu múa Song quang, Nữ tướng quân, Tam quốc, Tây du,… dùng khi quốc gia đại lễ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến