Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố 'lạm dụng tình dục':
Phản ứng của các bên
Dư luận Chile đã có những phản ứng mạnh mẽ sau vụ một cận vệ
của Chủ tịch nước Lương Cường bị cáo buộc lạm dụng tình dục trong khi đoàn Việt
Nam đang có chuyến thăm chính thức Chile từ ngày 9-12/11. Còn phản ứng từ Việt
Nam thế nào?
Hiện chính phủ Việt Nam vẫn chưa chính thức lên tiếng và báo chí do Đảng
Cộng sản Việt Nam quản lý không đăng một tin nào về sự việc này.
Tin tức về vụ sĩ quan an ninh này bị một phụ nữ Chile tố cáo có hành vi lạm
dụng tình dục đến nay chỉ được đăng tải trên BBC News Tiếng Việt, một số báo tiếng
Việt ở hải ngoại và trên mạng xã hội như Facebook.
Trong khi đó, bên cạnh việc Bộ Ngoại giao Chile đã lập tức có thông cáo
báo chí về vụ việc hôm 11/11, báo chí tại quốc gia Nam Mỹ này đã đăng tải rất rầm
rộ, thậm chí có đài truyền hình còn phát trực tiếp phiên xét xử của tòa án tại
thủ đô Santiago.
Kênh truyền hình do nhà nước Chile tài trợ là 24 Horas – TVN Chile có gần
2 triệu người đăng ký trên YouTube đã phát một video dài bảy phút về vụ việc và
mở phần bình luận cho người xem.
Cần biết rằng Chile là một nền dân chủ ổn định đã chứng kiến sự mở rộng
đáng kể về quyền chính trị và quyền tự do dân sự kể từ khi chính quyền dân sự
được khôi phục vào năm 1990, theo báo cáo vào năm 2024 của tổ chức nhân quyền
Freedom House (Mỹ).
Các cuộc bầu cử tổng thống ở Chile diễn ra tự do và công bằng, theo
Freedom House năm 2024.
Vào tháng 12/2021, người dân Chile đã bầu ông Gabriel Boric - một thành
viên đảng cánh tả trong Quốc hội - làm tổng thống. Ông Boric trở thành tổng thống
trẻ nhất trong lịch sử Chile khi nhậm chức ở tuổi 35 tuổi.
Chile có hệ thống chính trị đa đảng, trong đó các đảng phái hoạt động tự
do. Tính đến năm 2023, Quốc hội Chile bao gồm đại diện từ 22 đảng phái chính trị
cùng một số thành viên độc lập.
Quá trình xử lý cáo buộc nhằm vào một sĩ quan an ninh trong đoàn đại biểu
của Chủ tịch nước Lương Cường đang ở thăm Chile cho thấy sự độc lập của hành
pháp và tư pháp trong một vụ việc được coi là nhạy cảm chính trị.
Báo chí nước này đã đưa tin thoải mái, không ngại ngần đặt ra các vấn đề
pháp lý, ngoại giao, chính trị xung quanh vụ bê bối.
Chỉ trích chính phủ
Trong vụ lạm dụng tình dục này, người bị cáo buộc là một sĩ quan công an
59 tuổi thuộc đội cận vệ của Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường, người vừa có
chuyến thăm chính thức Chile từ ngày 9 đến ngày 12/11.
Vụ tố cáo và phán quyết của tòa án sau đó đã gây ra các phản ứng khác
nhau trong một bộ phận công chúng Chile.
Hầu hết các bình luận mà BBC News Tiếng Việt đọc được trên các kênh tiếng
Tây Ban Nha của Chile đều chê trách cách xử lý vụ việc của giới chức nước này.
Viên sĩ quan Việt Nam, sau khi hầu tòa hôm thứ Hai 11/11, đã được tại ngoại
với điều kiện lập tức rời khỏi Chile, không được quay lại nước này trong vòng
hai năm và không được tiếp xúc với nạn nhân.
Cách giải quyết "rút gọn" này được Công tố viên phụ trách vụ án
Félix Rojas gọi là “giải pháp thay thế”, đó là một thỏa thuận với sự đồng ý của
cả nạn nhân lẫn người bị cáo buộc và luật sư của họ.
Công tố viên Félix Rojas giải thích rằng thủ tục rút gọn này không liên
quan gì đến chức vụ của người bị tố cáo và rằng “các quy định là khách quan và
áp dụng cho tất cả mọi người”.
Tuy nhiên cách giải thích này dường như không thuyết phục được một bộ phận
dân chúng Chile.
Nhà báo người Chile Ivan Herrera chia sẻ hình ảnh của nghi phạm trên mạng
xã hội X và bình luận:
"Hình phạt lớn nhất dành cho ông ta là không được trở lại Chile thêm
hai năm nữa. Đây là cách vận hành công lý và ngoại giao của chính phủ [của Tổng
thống] Boric."
Liên tiếp trong các bài đăng khác nhau trên X, ông viết:
"Đây là những quyền mà phụ nữ đã giành được với [Tổng thống] Boric.
Một kẻ hiếp dâm vẫn đang lẩn trốn và một kẻ lạm dụng tình dục người nước ngoài
bỏ đi mà không bị trừng phạt."
"Ở Chile, cưỡng hiếp hoặc lạm dụng tình dục ai đó là miễn phí,"
nhà báo Ivan Herrera bình luận chua chát và đề cập đến một lãnh đạo trong chính
phủ Chile đã bị tố cáo lạm dụng tình dục nhưng vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ.
Phần bình luận dưới video về vụ việc trên kênh 24 Horas – TVN Chile nhận
gần 300 bình luận bằng tiếng Tây Ban Nha sau một ngày đăng tải.
Tài khoản Patrick-mc3jd viết: "Tín hiệu tốt đẹp, công lý gửi đi, rằng
bất kỳ người nước ngoài nào cũng có thể lạm dụng một phụ nữ Chile."
Tài khoản Lucx6129 cho rằng cách giải quyết này là do Chile đang
"làm ăn" với Việt Nam: "Vì Chile đang làm ăn với Việt Nam nên họ
để sự việc trôi qua. Rõ ràng là sự an toàn của người dân được đổi chác cho hoạt
động kinh doanh của chính phủ tai hại này."
Người dùng Rene-vc5jw viết: "Hệ thống tư pháp Chile thật đáng xấu hổ,
những tội ác này rất nghiêm trọng và thậm chí không được bảo lãnh."
Còn tài khoản Robertohernandez-ek6ll viết: "Có thể họ đã thỏa thuận
với nạn nhân, cũng có thể... mọi thứ thật kỳ lạ... giải pháp thay thế trong một
vụ tố cáo lạm dụng tình dục, thật là bất ngờ..."
Một số bình luận từ người xem cũng tạo ra những tranh luận nhỏ từ những
người xem khác. Tài khoản Hola12136 viết: "Ở nước của hắn, hắn đã chết rồi,
hắn làm điều đó ở đây vì không có hình phạt hay bản án nào, luật pháp thì lỏng
lẻo, không muốn nói là tệ."
Đáp lại, tài khoản Namhoainguyen2784 tự nhận là người Việt và viết:
"Tôi đến từ Việt Nam, ở đất nước tôi, ông ta sẽ ổn thôi. Không ai có thể
phàn nàn về một viên chức ở cấp bậc ấy. Mọi người phải im lặng."
Tài khoản MinhPham-bg1zq đồng tình với ý trên: "Ở Việt Nam, không ai
biết về hành động của người đàn ông này vì chính phủ được coi là không bao giờ
làm điều gì sai trái."
Người dùng Galam-ma bình luận: "Gã này bị buộc tội lạm dụng tình dục...Không
hiểu tại sao nạn nhân được cho là đã chấp nhận các điều khoản dàn xếp?"
Cũng có người giới thiệu mình từ Việt Nam bình luận: "Không biết ông
ta sẽ bị buộc tội gì ở Chile, nhưng khi ông ta trở về Việt Nam, báo chí cộng sản
Việt Nam sẽ không đăng bất kỳ bài viết nào về hành vi quấy rối của ông ta. Báo
chí sẽ bịt miệng tất cả những ai lên tiếng về vụ việc này, đã có rất nhiều vụ
việc như thế này trong quá khứ. Nhân tiện, tôi là người Việt Nam và tôi hiểu rất
rõ chính quyền gian dối này, một sự ô nhục đối với người dân Việt Nam."
(9tom9)
Người dùng MinhPham-bg1zq viết: "Nếu ai đó báo cáo về tin tức này ở
Việt Nam, họ có thể bị đưa đến đồn cảnh sát và đối mặt với nguy cơ vào
tù."
Việt Nam - chính thống im lặng, dân mạng sục sôi
Hiện chính phủ Việt Nam vẫn chưa chính thức lên tiếng và báo chí do Đảng
Cộng sản Việt Nam quản lý không đăng một tin nào về sự việc này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa phản hồi đề nghị bình luận về vụ việc của
BBC News Tiếng Việt.
Tin tức về vụ bê bối lạm dụng tình dục tại Chile chỉ được đăng tải trên
BBC News Tiếng Việt, một số báo tiếng Việt ở hải ngoại và trên mạng xã hội như
Facebook.
Sự im lặng này tương phản hoàn toàn với một số vụ tương tự trong quá khứ,
chẳng hạn vụ việc năm 2022 khi hai nam nghệ sĩ ở Hà Nội vướng vào cáo buộc
"tấn công tình dục" một nữ du khách 17 tuổi trong một khách sạn ở
Majorca, Tây Ban Nha.
Vào thời điểm đó, dù mới chỉ là cáo buộc và chỉ có một số báo tiếng Tây
Ban Nha đưa tin nhưng không nêu tên mà chỉ đề cập đến “hai nghệ sĩ nổi tiếng của
Việt Nam,” truyền thông Việt Nam đã lập tức đăng tải rầm rộ và nêu đích danh họ,
thậm chí có nhiều báo còn đưa tin về người thân của họ.
Một số bạn đọc đặt câu hỏi: Phải chăng báo chí tiêu chuẩn kép, chỉ phản
ánh những chuyện mà họ cảm thấy an toàn, còn đụng tới chính trị thì im lặng?
Trên Facebook cá nhân, tác giả Thái Hạo cho rằng việc báo chí đăng công
khai vụ sĩ quan an ninh Việt Nam bị cáo buộc lạm dụng tình dục ở Chile sẽ cho
thấy một sự thay đổi thật lòng về cái gọi là "kỷ nguyên mới". Theo
ông, điều này “sẽ cho thấy tinh thần minh bạch và thái độ thẳng thắn đối diện với
những cái sai cái cái xấu. Thế giới đã phẳng, im lặng hay phớt lờ đã không còn
được coi khôn ngoan nữa. Lên tiếng, đừng để vuột mất cơ hội.”
Nhà văn Châu Đoàn viết trên Facebook cá nhân: “Báo chí ở xứ giãy chết đua
nhau đưa tin, cả hãng thông tấn Mỹ, AP, là hãng tôi hợp tác làm phóng viên ảnh
cho mấy chục năm cũng vậy, rồi lại thêm các bạn trên mạng xã hội… tất cả đang
xôn xao về việc một cán bộ cảnh vệ tháp tùng Chủ tịch nước Lương Cường thăm
chính thức Chile vừa bị bắt vì bị tố cáo lạm dụng tình dục hôm Thứ Hai, ngày
11/11…”
“…Sự việc nó cũng chỉ có vậy, tôi cũng không phải là hả hê gì khi quốc thể
bị ảnh hưởng nhưng nên nhìn vào sự thật để mà sửa. Các vị nên nhìn ra thực trạng
cán bộ. Tham nhũng tràn lan, đạo đức và văn hóa quá thấp kém, các doanh nghiệp
phải khốn khổ để bôi trơn cho hoạt động, các công trình công cộng thì chưa dùng
đã nát.”
Tác giả Châu Đoàn viết tiếp: “Người cầm bút như tôi có nhận xét vài câu
khách quan, chính trực thì bị quy chụp đủ điều, lại bị dọa bắt bớ. Có ai trong
số đã bị bắt tham nhũng đồng nào của ngân sách đâu. Có ai đủ khả năng để gây ra
một vụ bê bối đáng xấu hổ như đồng chí cán bộ cảnh vệ vụ này đâu.”
Và ông kết luận: “Không có thế lực thù địch và phản động nào nguy hiểm bằng
chính các đồng chí, cán bộ trong bộ máy của các vị. Nên đối xử công bằng với những
người cầm bút chính trực.”
Bác sĩ Vũ Hồng Nguyên từ Mỹ viết trên Facebook cá nhân: “Báo chí Việt Nam
có lẽ sốc quá nên chưa biết nói thế nào! Search [tìm kiếm] tên bác ấy và Chile
chỉ thấy nói về ‘nâng tầm quan hệ’... Những việc đình đám như này thì ‘báo chí
cắt mạng’ im lặng tuyệt đối.”
Nhân vụ này, nhiều người đã nhắc lại vụ việc Đại sứ quán Việt Nam tại
Chile phơi vây cá mập trên sân thượng bị phát hiện.
Nhà báo Đinh Bá Truyền viết trên Facebook rằng vụ việc ở Chile đã xảy ra
hơn 3 ngày, các hãng truyền thông quốc tế có uy tín đều đã đưa tin, “nhưng sao
chưa thấy bất cứ 1 trong 600 tờ báo quốc doanh Việt Nam đưa tin nhỉ?”
Và ông dẫn lời cố Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết
điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình,
vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm
đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính."
BBC
Nhận xét
Đăng nhận xét