Giai thoại TRẠNG QUỲNH

Giai thoại TRẠNG QUỲNH

  Khoảng giữa thế kỷ XVIII, có trạng Quỳnh (1677 – 1748)  là một nhân vật nổi tiếng trong việc dùng thơ văn để đả kích bọn phong kiến thống trị đương thời , đả phá dị đoan và công kích mọi tệ đoan xã hội. 

  Trạng Quỳnh tên thật là Nguyễn Quỳnh, quê ở làng Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa,trấn Thanh Hoá. Quỳnh là người học giỏi và thông minh,láu lỉnh; còn trẻ tuổi đã đậu hương cống, nên thường gọi là cống Quỳnh. 

    Quỳnh không đỗ trạng nguyên bao giờ , nhưng người đời  vẫn gọi  Quỳnh  là trạng, vì ông xuất khẩu thành chương, ứng đối lanh lẹ ít ai bì kịp . Ông nổi tiếng văn chương, nhưng tính hay khinh mạn và ưa nhạo báng quan trường, nên đi thi trượt mấy lần. Gặp lúc chúa Trịnh chuyên quyền , ông không màng công danh,thường đi đây đó,lấy thơ văn chọc ghẹo người đời. Ông cũng từng phụng mạng đi sứ Tàu,tài biện bác làm cho sĩ phu Trung quốc phải kính phục. 

   Đến nay, nhiều câu giai thoại về ông đã được phổ biến trong dân gian.
1/
Miệng kẻ sang, đồ nhà khó :

   Thuở Quỳnh còn ít tuổi , có viên quan huyện vừa gian tham, lại vừa hống hách, dân chúng ai ai cũng căm ghét. Một lần Quỳnh trông thấy viên quan huyện đi hành hạt ghé vào quán nọ nghỉ trưa . Hắn ta ngồi bệ vệ, miệng luôn luôn bỏm bẻm nhai trầu. Quỳnh định xỏ hắn một đòn chơi, mới mon men lại ngồi chực ở trước quán, và khi viên quan ăn trầu xong,vứt bã đi, Quỳnh liền nhặt lấy giơ lên ngắm nghía, rồi bỏ vào túi. Quan huyện thấy lạ mắt, cho đòi Quỳnh lại hỏi tên tuổi, nghề nghiệp. Quỳnh xưng là học trò. 

  Viên quan bảo: “Học trò gì mà lẩn thẩn thế?”
  Quỳnh thưa: “Bẩm, tôi thấy tục ngữ có câu:   

 Miệng kẻ sang có gang có thép ,

nên tôi muốn xem gang thép ra sao?” 

  Viên quan thấy Quỳnh có ý mỉa mình liền nạt: “Nếu là học trò thì lập tức phải đối ngay câu tục ngữ ấy, không đối được ta sẽ đánh đòn!” 

  Quỳnh giả vờ sợ sệt: “Bẩm thế thì khó quá ạ!” 

  Viên quan được thể càng quát già: “Khó cũng phải đối, mau!” 

  Quỳnh bấy giờ mới thưa:
“Bẩm có sơ suất gì quan tha tội cho thì mới dám đọc ạ!” 

  Được hắn bằng lòng, Quỳnh liền lên giọng đọc to và rành rọt từng tiếng:
- Bẩm xin đối là: 

 Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm

Quan huyện thấy câu đối xỏ xiên quá, nhưng tục ngữ lại đối với tục ngữ mà chữ nào chữ ấy chọi nhau chan chát ; thành ra không bẻ vào  đâu được, đành trả tiền hàng rồi thét lính khiêng võng đi thẳng.
2/
Tú cát - Bọ hung : 

 Khi còn nhỏ,trạng Quỳnh đã nổi tiếng thông minh và tinh nghịch. Một hôm có khách là ông Tú Cát đến chơi nhà,ông bố sợ Quỳnh nghịch mới bắt ra hầu trà. Khách thấy ông bố khoe con thông minh, liền ra một câu đối bắt Quỳnh đối:

 Trời sinh ông Tú Cát
 
Câu này có ý hợm hĩnh, kiêu căng. Quỳnh nghe tức mình bèn đối ngay rằng:

 Đất nứt con bọ hung 

 Vừa hạ khí thế của ông Tú lại vừa chơi chữ rất hay. (Cát là “lành” đối với hung là “dữ” ). Tú Cát thấy Quỳnh quả có tài mẫn tiệp khác thường, nên tuy giận mười mươi mà vẫn yêu,chẳng những không mắng mà còn giúp thêm tiền cho Quỳnh ăn học.
3/
Chó khôn chớ cắn càn : 

  Khi còn nhỏ, Quỳnh vì có khiếu thông minh nên ai cũng có bụng yêu mến, lại thường hay chọc ghẹo. 

 Một hôm nhà có giỗ, đang làm thịt lợn , ông Tú Cát đến chơi thấy Quỳnh đứng xem mổ lợn, liền chạy tới béo tai và ra cho một vế đối, bảo hễ đối được thì mới tha. Quỳnh xuýt xoa kêu đau và giục ra câu đối ngay.
 Ông Tú bèn mượn hai quẻ trong bát quái đọc rằng:

 Lợn cấn ăn cám tốn
 (
Lợn chửa ăn tốn nhiều cám;
"cấn" và "tốn" là tên hai quẻ trong bát quái )
 Quỳnh không cần suy nghĩ, đối ngay :

 Chó khôn chớ cắn càn
 (
"khôn" và "càn" là tên hai quẻ trong bát quái

 Cũng dùng tên quẻ trong bát quái mà lại có ý xược ngầm:
bảo ông Tú, này có khôn thì đừng ra câu đối càn nữa. 

 Ông Tú biết vậy nhưng cũng chịu là giỏi, tha ngay không béo tai Quỳnh nữa.
4/
Đề thơ khỏi trả tiền : 

Thời còn trẻ,Quỳnh không để ý đến việc học hành, xếp bút nghiên lên đường ngao du sơn thuỷ. Đặc biệt là nơi nào Quỳnh ghé chơi qua, đều lưu lại những giai thoại ngộ nghĩnh. 

  Ngày ấy, trên đường phiêu du,Quỳnh ghé lại một quán nước. Thấy khách có
vẻ hào hoa, cô chủ quán nhan sắc mặn mà nhanh nhẩu mời mọc: 

- Rước ông vào xơi bánh ạ… Quán này bánh trái đủ thứ, ông cứ tự tiện… 

  Quỳnh cảm ơn rối rít, ung dung ngồi xuống thanh toán, hết dĩa này đến dĩa khác. Nào là bánh rán, bánh dày, nào là khoai ngứa, khoai lang. Ăn hết bánh,
Quỳnh lại chiếu cố đến buồng chuối thanh tiêu rồi mấy chiếc nem treo lủng
lẳng. Quỳnh ăn xong, rung đùi, hút thuốc, rồi đứng dậy cảm tạ và đủng đỉnh
ra đi. Cô chủ giận quá, chạy theo níu áo đòi tiền. Quỳnh giả vờ ngạc nhiên: 

- Chết chửa, tôi lại tưởng cô chủ có lòng tốt, lâu ngày mời tao nhân mặc khách ít dĩa bánh, nào có thấm tháp gì. 

  Cũng may, cô chủ vốn thích thơ văn, cũng gượng làm vui: 

- Ông tự nhận là tao nhân mặc khách, thực hay giả đấy? Nếu thực,ông phải làm một bài thơ kể hết thức ăn trong quán,tám câu vần trắc. Làm không xong, tôi la làng đấy… 

 Quỳnh cười hì hì:
- Được mà, cô chủ yên trí… 

 Thế là Quỳnh hạ bút làm một bài thơ dán ngay vào vách. Thơ như sau:

  Bán hàng nay cô đà mấy tuổi?
  Nước non còn nóng hay là nguội?
  Lủng lẳng trên treo dăm nắm nem
  Lơ thơ dưới móc một buồng chuối
  Bánh rán bánh dầy có thoa dầu
  Khoai ngứa khoai lang đều chấm muối
  Ăn uống xong rồi chưa trả tiền
  Thương nhau cho chịu một vài buổi.


 Cô chủ quán khá thông minh, xem thơ biết khách trêu chọc, song tài thơ sáng chói nên đành ưng thuận… mất tiền.
5/
Thừa giấy vẽ voi :

 Một năm, gặp khoa thi hương, sắp tới ngày thi, có người bạn đến chơi,khuyên ông : khoa này nên kiềm thúc tính nết , văn chương phải viết theo khuôn phép, thì mới hòng đỗ. 

   Ấy cũng vì khoa trước, ông làm văn đã đắc thế lắm , nhưng bị đánh hỏng vì khi bài viết xong, còn thừa một khoảng giấy lớn,ông cao hứng vẽ hình con voi rồi đề mấy câu thơ :

 Văn chương phú lục đã xong rồi,
 Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi!
 Tớ có điều này xin bảo thật: (1)
 Đứa nào cười tớ, nó ăn bòi! 


(1) Dị bản: Vẽ xuống vẽ lên nhằng nhịt đấy,

  Bởi vậy nên kỳ này, nghe bạn khuyên can, ông cũng lấy làm phải và xin nhất nhất vâng lời. 

  Vào trường, ông giữ gìn rất cẩn thận, quả nhiên khoa ấy đỗ hương cống. Tuy vậy mà trong quyển của ông vẫn còn có những câu trào lộng , truyền tụng  mãi đến ngày nay. 

    Đầu bài chiếu là: 

    Nghĩ Hán dĩ công chúa, giá Thiền Vu chiếu.
    ( Làm bài chiếu về việc vua Hán gả công chúa cho chúa Hung Nô.) 

   Bài ông làm có câu:
 武經百戰以開圖
 文無一詩而退虜

  Vũ kinh bách chiến, dĩ khai đồ
  Văn vô nhất thi, nhi thối lỗ 

   - Về việc võ, trải trăm trận đánh nhau, mới mở mang được cơ nghiệp.
   - Đến lúc thái bình, thì trọng việc văn, nhưng văn không thể ngâm thơ mà đuổi được giặc.
(Vì vậy vua Hán phải đem công chúa gả cho Chúa Thiền Vu, dùng mỹ nhân kế để giảng hoà) 

   Đến bài biểu, ông cố nhét cho được hai câu:
  
古臣古戴咸観虞舜之功
  上雍哉下雍哉倚頭
之治

   Quân tắc cổ, thần tắc cổ, đái hàm quan Ngu Thuấn chi công
   Thượng ung tai, hạ ung tai, ỷ đầu lại Đường Nghiêu chi trị 

- Vua theo như vua đời cổ,bầy tôi cũng theo như bầy tôi đời cổ,dân đều được đội ơn, coi như công của vua Thuấn 
- Người trên hoà, người dưới hoà, dân đều được nhờ ví như đời thịnh trị của vua Nghiêu
.
   Khi yết bảng tên ông được đỗ rồi, quan trường hội nhau để kiểm điểm lại, thấy những chữ “khai đồ”,“thối lỗ”, “tắc cổ”, “ung tai”, “đái (vào) hàm quan”, “ỷ (lên) đầu lại”, mới biết là ông nhạo báng, dùng những chữ Hán có âm Việt ngữ tục tằn, cốt cho ở Hán văn thì nghĩa đứng đắn, mà đọc ra âm Việt thì lại toàn tiếng thô bỉ. Nhưng đã trót cho đỗ rồi, không thể đánh hỏng được nữa.
  Bao phen lận đận, lần này mới được đắc chí, ông cưỡi ngựa về làng, lòng mừng khấp khởi, ngâm mấy câu thơ:

  Mười năm đèn sách nhọc công nhòm,
  Đỗ suốt ba trường tiếng nổi om!
  Nhờ chút ơn vua về bái tổ,
  Nhảy lên cật ngựa chạy lom xom!
6/
Không biết thì bỏ trống : 

  Rồi sau đó ông đi thi hội, mong giật bằng tiến sĩ.Vào thi, bài viết đã trôi chảy lấy làm vừa ý, chỉ còn đoạn kết ông chưa biết làm cách nào cho thật trác lạc, khác hẳn lối kết thúc tầm thường của sĩ tử. 

 Đang nghĩ ngợi phân vân bỗng thấy một vị giám khảo đi ngang qua, ông liền hỏi:
- Bẩm quan lớn, đoạn kết bài này ngài dạy làm thế nào là phải? 

 Vị giám khảo trừng mắt:
- Không biết làm thế nào thì bỏ trống! 

 Đến lúc hội lại chấm bài, ban giám khảo đọc thấy một bài ý tứ hàm súc, ngôn từ hoa mỹ, rất đáng cho ưu, chỉ hiềm nỗi đoạn kết lại lạc lõng vào hai câu nôm:

  Ô hô, da trâu tang mít, tự ký thành bưng bít chi công.
  Y hi, đám giỗ nhà chay, thượng ký đô thì thùng chi hiệu.
 

  Chẳng ai hiểu ra sao. Bèn hợp phách lại xem tác giả là ai mà kỳ quái vậy. Té ra cống Quỳnh. Vị chủ khảo cho gọi ông cống vào hỏi duyên do. Cống Quỳnh lễ phép thưa: 

- Bẩm, đó là tôi theo lời dạy của quan giám khảo. Quan bảo đoạn kết không biết làm thế nào thì cứ bỏ trống, nên tôi viết hai câu về cái trống! 

  Mà là trống thật. Trống, mặt bằng da trâu, tang bằng gỗ mít, đã tốn công bưng bít mới thành, để khi đám giỗ đám chay nện thì thùng ra hiệu! 

  Lẽ tự nhiên, ông cống chuyến này lại hoàn ông cống!
7/
Thơ cúng thành hoàng :

  Tục truyền trong thời kỳ Quỳnh đã thi đỗ hương cống và tiếng tăm đã lừng lẫy khắp xa gần, có một lần vợ cưng của Quỳnh bị ốm nặng,nhưng không chịu thuốc thang, lại tin tưởng thầy bói. Xem quẻ xong, thầy bói quả quyết bị động thành hoàng, sắm sửa lễ vật cúng vái là khỏi. Quỳnh vốn cũng chẳng tin gì thần thánh nhưng vợ cứ khóc lóc ỉ ôi, nên Quỳnh đành phải mang hai quả trứng gà luộc ra đình làng khấn với thành hoàng để xin chữa cho vợ mình, và hứa rằng hễ vợ mình khỏi bệnh thì sẽ trả lễ thật hậu. Quỳnh đem hai trứng ra đặt lên bệ thờ thành hoàng và chắp tay trịnh trọng đọc to một bài thơ như sau:

 Này hỡi thành hoàng
 Chú là kẻ cả trong làng,
 Tớ là người sang trong nước.
 Đôi bên chức tước,
 Chẳng kém gì nhau.
 Bởi vợ tớ đau,
 Phải ra khấn vái.
 Phiên chợ thì trái,
 Không mua được gì.
 Có con gà di,
 Nó vừa nhảy ổ.
 Đem ra mà mổ,
 Thì cũng thương tình.
 Chú có anh linh,
 Xơi hai trứng vậy!...


Rồi Quỳnh để lại hai quả trứng gà và đủng đỉnh ra về.
8/
Đề tượng bà Banh :

    Ở vùng Sơn Nam hạ có một ngôi chùa thật quái dị . Chùa không thờ  Phật, trên bệ chỉ có pho tượng đá gọi là tượng bà Banh. Tương truyền bà Banh là tà thần rất linh thiêng , ai đi ngang qua chùa mà không ngả nón sẽ bị ốm đau tức khắc. Muốn khỏi bệnh phải đem xôi,gà, rượu, thịt đến lễ tạ. Vốn thường công kích những nơi bành trướng tà đạo,nghe được chuyện ấy, Quỳnh đến chùa, lấy bút mực viết ngay trên bụng pho tượng bài thơ:

  Khen ai đẽo đá tạc nên mày
  Khéo đứng ru mà đứng mãi đây!
  Trên cổ đếm đeo trăm chuỗi hạt
  Phô trang chi hỡi, lũ quân này!

( "Đẻo đá", "khéo đứng", "đếm đeo" là những từ thường gặp trong thơ Hồ
  Xuân Hương )

  Đề thơ xong Quỳnh mắng nhiếc một hồi mới bỏ đi. Ít ngày sau, pho tượng
bỗng ngã xuống, nằm úp mặt trên mặt đất. Chả biết có phài là thần xấu hổ vì
lời thơ ngạo mạn của trạng Quỳnh không? Từ đó ngôi chùa hết linh thiêng.
9/
Văn tế hai bố :

   Nhạc phụ ông người dong dỏng cao, làm tổng trấn Bắc Ninh, thân phụ ông là người lùn thấp, làm tri phủ Kiến Xương; hai người tình cờ cùng tạ thế một năm, nhạc phụ mất cuối tháng chín , thân phụ mất đầu tháng mười . Khi hai linh cữu đưa về quê, ông thu xếp cho hai đám cùng đưa một ngày, và bày bàn thờ chung nhà, để tế chung vào một tuần... cho đỡ tốn kém. 

 Ông làm bài văn tế, xem qua đủ thấy tác giả là người ngang tàng và ngỗ ngược, có một nhân sinh quan phóng khoáng đến quá mức , ngay bậc cha mẹ cũng còn đem ra mà chế giễu không từ.

   Văn tế hai bố : 


   Ông trấn Bắc Ninh. – Ông tri phủ Kiến
   Ông thấp lùn chùn. – Ông cao nghễu nghện
   Tưởng ông sống tám mươi, ông sống chín mươi cho đến một trăm. – Nào ngờ ông chết tháng chín, ông chết tháng mười, cũng về một chuyến.

     Than ôi!
   Hạc tếch lên ngàn. – Rùa bò xuống biển!
   Lẽ đâu một đám hai ma. – Song le nhất cử lưỡng tiện!
   May hai nhà cũng có bát ăn : - Chả có phen này thì biến!

   Trạng Quỳnh còn vài bài thơ nữa mà bài nào cũng có ý châm chọc :

  Con chuột

  Ông Cống (1) khoa nào chẳng thấy thi,
  Chuột thì kêu chuột, Tý làm chi?
  Bắt hơi chó sịt cong lưng chạy,
  Nghe tiếng mèo ngao rút cổ đi.
  Chỉnh nếp rá cơm tha thểnh bậy,
  Đống rơm bồ lúa ngách hang kỳ.
  Phô bày chuột lũ bay nên chạ,
  Họa có bầu nan hẳn sợ mi. (2)

(1) Cống: Hương cống, tức cử nhân thời Nguyễn
(2) Những người đi ghe bầu rất sợ ghe bầu, nhất là ghe đan bằng nan
    tre, nên họ thường gọi chuột bằng ông Tý



 Chợ Gạo đất Kinh kỳ

 Tiếng đồn chợ Gạo đất Kinh kỳ,
 Quỳnh tới dạo chơi chẳng thấy chi.
 Ngô bé (1) ngô to răng trắng nhẻ
 Đĩ già đĩ trẻ tóc đen sì.

(1) Ngô: người Tàu 



Nhận xét

Bài đăng phổ biến