Giai thoại HỒ TÔNG THỐC

Giai thoại
HỒ TÔNG THỐC

 Hồ Tông Thốc người làng Thổ Thành phủ Diễn Châu, (nay thuộc huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An), không rõ năm sinh năm mất, sống thời vua Trần Nghệ tông. Thưở nhỏ đã thơ hay, nhưng chưa được nổi tiếng lắm, gặp tết Nguyên tiêu, có đạo nhân là Lê Pháp Quan treo đèn đặt tiệc, mời khách văn chương đến dự làm vui. Thốc nhận thiếp xin đề thơ, làm xong trăm bài thơ ngay trên bữa tiệc. Mọi người xúm lại xem, rất thán phục. Từ đấy tiếng dậy kinh sư, vì giỏi văn học nên được người đương thời kính trọng, mà thơ rượu thì không ngày nào không có. 

 Ông đậu Trạng nguyên năm 1372 (đời Trần Nghệ tông), giữ chức Hàn lâm viện học sĩ. Ông có soạn tập thơ Thảo nhàn hiệu tần thi tập và đã có lần đi sứ Trung quốc. Có mấy giai thoại liên quan đến lần đi sứ đó.
1/
Đọc thơ chê Hạng Võ: 

 Tương truyền, một hôm thuyền của sứ bộ nước ta đi trên sông Ô giang, đến chỗ có miếu thờ Hạng Võ dựng ở trên bờ; người ta đồn miếu đó rất thiêng, hễ thuyền bè qua lại trên sông mà không ghé vào lễ bái thì sẽ bị đắm. 

Tuy có biết chuyện đó, nhưng khi qua miếu, Hồ Tông Thốc vẫn không cho thuyền ghé vào để đốt vàng. Quả nhiên, ngay lúc đó sóng gió bỗng nổi lên ầm ầm, chiếc thuyền tròng trành chỉ chực đắm. Hố Tông Thốc chẳng hề nao núng, ung dung ra đầu thuyền ngâm một bài thơ:

 Quân bất quân hề, thần bất thần,
 Như hà miếu mạo tại giang tân?
 Giang Đông tích nhật do hiềm tiểu,
 Hà tích thiên tiền bách vạn cân.

Dịch:
 Vua chẳng vua, mà tôi chẳng tôi,
 Bên sông miếu mạo để thờ ai?
 Giang Đông ngày trước còn chê nhỏ,
 Tiền giấy nay sao lại vật nài?

 Hồ Tông Thốc đọc xong, tự nhiên gió lặng sóng im, và người ta nói miếu từ đó mất thiêng, thuyền bè qua lại không phải đốt vàng thắp hương nữa.
 (Có thuyết nói thoại nầy của Mạc Đĩnh Chi)
2/
Chữa thơ Vương Bột : 

 Vương Bột (650-675) là một nhà thơ nổi tiếng thời Sơ Đường. Năm ngoài 20 tuổi, nhân dịp dự tiệc mừng tết Trùng dương (mùng chín tháng chín) ở Đằng vương các, ông có làm bài thơ và lời tựa về Đằng vương các rất nổi tiếng. Sau đó trên đường sang Giao Chỉ thăm thân phụ, ông bị đắm thuyền và chết đuối trên sông Chương giang. 

  Tục truyền, vì Vương Bột chết trẻ nên rất thiêng, từ đó ở khúc sông này, cứ vào khoảng đêm khuya canh vắng, người ta thường nghe văng vẳng tiếng ngâm hai câu thơ tả cảnh đặc sắc trong bài "Đằng vương các tự":

 Lạc hà dữ cô lộ tề phi,
 Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc.
Nghĩa là:
 
Ráng chiều với con cò lẻ loi cùng bay,
 Nước thu cùng trời xanh một màu.

  Hồ Tông Thốc trong dịp đi sứ Trung quốc, một buổi chiều tà, nhân chèo thuyền dạo chơi trên khúc sông Chương giang nơi Vương Bột chết đuối, được nhân dân địa phương kể cho nghe câu chuyện nói trên, Hồ Tông Thốc nghe xong, bèn ra đứng ở mũi thuyền nói to lên rằng:

 Hà tất dữ, cộng nhị tự?
 Nghĩa là:
 Cần gì phải dùng hai chữ dữ, cộng (với, cùng)? 

 Mọi người hỏi tại sao ông lại bảo như vậy thì Hồ Tông Thốc giải thích rằng:
- Hai câu tuy hay, song thừa hai chữ dữ và cộng, vì đã nói "tề phi"
(cùng bay) thì mặc nhiên là có ý dữ (với) trong đó rồi; đã nói "nhất sắc" (một màu) thì mặc nhiên là có ý cộng
trong đó rồi!
  Sau đó ông sửa lại hai câu như sau:

 Lạc hà cô lộ tề phi,
 Thu thuỷ trường thiên nhất sắc.


  Mọi người nghe nói, đều phục ông bắt bẻ có lý, và hai câu của ông tuy về âm hưởng không bằng hai câu của Vương Bột, nhưng về mặt văn tự thì quả có gọn và hàm súc hơn. 

 Rôi từ đó, trên khúc sông ấy, người ta không còn nghe tiếng ngâm thơ của oan hồn thi nhân họ Vương nữa.


 (Cũng có thuyết nói thoại này của Mạc Đĩnh Chi)




Nhận xét

Bài đăng phổ biến