Giai thoại Bà ĐOÀN THỊ ĐIỂM

Giai thoại
Bà ĐOÀN THỊ ĐIỂM


Bà ĐOÀN THỊ ĐIỂM (1705-1746)  Biệt hiệu Hồng Hà nữ sĩ , người xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên,  sinh dưới triều Lê (1705), cùng thời với cống Quỳnh và Đặng Trần Côn. Tư chất thông minh, học một biết mười, bà nổi tiếng văn chương ngay khi còn nhỏ.
1/
Đoàn Thị Điểm và Đoàn Doãn Luân: 

Mới lên năm lên sáu, đã học sách Hán Cao Tổ, anh ruột là Đoàn Doãn Luân ra một câu đối để xem sức học của em :

  Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi.
 白蛇當道貴拔

  ( Rắn trắng ngang đường, ông Quý [tên vua Hán Cao Tổ] tuốt gươm mà chém nó.)

  Bà đối ngay :

  Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết.
 黃龍拊舟侮仰天而

  
( Rồng vàng đội thuyền, vua Vũ trông trời mà than rằng …) 

   Năm 15 tuổi, học vấn tiến lên đến mực uẩn súc.Một hôm, ông Luân xuống ao rửa chân, thấy em đương soi gương bên cửa sổ, bèn nói đùa :

  Đối kính họa my, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.
  對鏡畫盾一点
成兩点
  ( Soi gương, kẻ lông mày, một nét hóa ra hai nét) .
Điểm là nét vẽ, lại là tên, ý nói soi gương, một nàng Điểm thành hai nàng Điểm.
      Bà ứng khẩu đối ngay:

   Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.
  臨池玩月只倫轉作双倫對
    ( Tới ao ngắm trăng, một vầng hóa ra hai vầng ) .
Luân là ví mặt trăng tròn như bánh xe, lại là tên. Ý nói nhìn xuống ao, một ông Luân hóa ra hai ông Luân.
2/
Đoàn Thị Điểm và Trường An tứ hổ: 

     Bấy giờ, ở kinh đô có bốn danh sĩ thường được tôn là Trường An tứ hổ: Nguyễn Huy Kỳ, người Thủy Nguyên, Kiến An; Trần Danh Tân, người Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương; Nguyễn Bá Lân, người Cổ Đô, Vũ Toại,người Thiên Lộc. Bốn người rủ nhau tới nhà bà Điểm để thử tài. Bà tiếp đãi lịch sự, cho người bưng khay trầu ra mời, trên khay có để bức hoa tiên viết một câu đối :

  庭前少女勸檳榔

   Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang
Nghĩa là:
Trước sân, thiếu nữ mời ăn trầu.
Tân lang là trầu cau, cùng âm với tân lang ( 新郎 ) là chàng rễ mới, nên vế đối cũng có thể hiểu theo nghĩa: Trước sân, thiếu nữ mời chàng rễ.

Bốn hổ Trường An không đối được, trầu chẳng kịp ăn, tíu nghỉu cúp đuôi về.
3/
Đoàn Thị Điểm và sứ Trung quốc : 

  Niên hiệu Long Đức thứ 3, 1734, đời Lê Thuần Tông, vua Tàu sai sứ sang tuyên phong, bà dùng văn chương mà áp đảo được đại diện của thiên triều. 

  Tương truyền rằng, khi sứ Tàu đến, bà giả làm cô hàng nước ngồi ở bến đò. Sứ Tàu vừa muốn ghẹo gái vừa  nhiếc khéo người Việt, ra câu đối:

  An Nam nhất thốn thổ,
  Bất tri kỷ nhân canh.

( Một tấc đất An Nam, Không biết mấy người cày ).
Câu đối rất tục mà giảng thanh. Bà đối lại thanh mà ẩn tục:

  Bắc quốc đại trượng phu,
  Giai do thử đồ xuất.

( Đại trượng phu Bắc quốc, Đều do đường ấy mà ra )
4/
Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn :

 Thái học sinh Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông đưa tặng bà một bài thơ, bà cười nói: 

- Trẻ con mới cắp sách đi học, đã biết gì! 

     Đặng hậm hực ra về, thề quyết học cho thành tài, sẽ đến rửa hận. Gặp lúc chúa Uy Nam vương Trịnh Giang cấm đốt lửa trong thành ban đêm, Đặng phải đào hầm dưới đất, để thắp đèn xem sách. Công phu dùi mài này đã khiến Đặng mấy năm sau trở nên một tay học vấn uyên bác. Đặng soạn cuốn Chinh phụ ngâm khúc bằng Hán văn, lấy làm đắc ý, tìm đến trao cho bà Điểm xem, tin chắc lần này bà không chê nữa. Quả nhiên bà khen hay, và dụng tâm dịch ra quốc âm thành một áng văn tuyệt diệu. 

Dường như bà cũng nhân bản dịch này mà gói ghém đôi lời thầm khen tài Đặng, để chữa lại sự hắt hủi trước, nên hai câu kết của Đặng là :

  将 會 将 期 將 寄 言
  嗟 乎 丈 夫 當 如 是

   Tương hội, tương kỳ, tương ký ngôn
   Ta hồ! Trượng phu đương như thị.

    Dịch nghĩa:
Cùng gặp gỡ, hẹn hò, cùng gởi lời thiếp mong mỏi. Than ôi, trượng phu nên như thế.
   
 Bà đã dịch thơ là:

   Ngâm nga, mong gửi chữ tình
   Dường này âu hẳn tài lành trượng phu!


  Hai chữ "tài lành" bà thêm vào như để nhắn tin cho ai, thật là ý nhị, chắc họ Đặng xem cũng phải lấy làm hài lòng .



Nhận xét

Bài đăng phổ biến