Giai thoại LÊ QUÝ ĐÔN

Giai thoại LÊ QUÝ ĐÔN

 Lê Quý Đôn (1726 – 1784) tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, người xã Duyên Hà, huyện Duyên Hà, tỉnh Hưng Yên, nay thuộc tỉnh Thái Bình. Con Trung hiếu công Lê Phú Thứ, thượng thư bộ Hình đời Lê Dụ Tông. 

 Từ thuở nhỏ, đã nổi tiếng thông minh lanh lợi, nổi tiếng thần đồng. Mới 14 tuổi đã đọc hết tứ thư, ngũ kinh, sử, truyện, và đọc đến cả bách gia, chư tử ; một ngày có thể làm xong mười bài phú. 

 Năm 13 tuổi theo cha lên học ở kinh đô. Mười tám tuổi, thi hương đỗ giải nguyên ; năm 26 tuổi (1752, Cảnh Hưng 13), thi hội đậu đầu, vào thi đình cũng đậu đầu, trúng bảng nhãn. Nước ta, đỗ tam nguyên bảng nhãn duy có ông về đời Lê, và sau này, triều Nguyễn, có Vũ Phạm Hàm. 

 Đầu tiên bổ Hàn Lâm Viện thị thư (Cảnh Hưng 14 – 1753). Đi sứ Tàu năm Cảnh Hưng 21 (1760). Cảnh Hưng 30 và 31 (1769 – 1770); dự việc đánh đồ đảng Lê Duy Mật ở Thanh Nghệ. Cảnh Hưng 36 (1775), làm Tổng tài Quốc Sử Quán coi việc tục biên quốc sử cùng Nguyễn Hoàn. Tiếp đó, vào Thuận Hoá, giữ chức Tham thị, cùng Bùi Thế Đạt, chống Tây Sơn. Sau, làm đến Công Bộ thượng thư. 

Năm Giáp Thìn (1784) tạ thế, thọ 59 tuổi.

 Lê Quý Đôn là một học giả xem nhiều, biết rộng, để lại những công trình rất uẩn súc:
1/ Quốc âm: bài kinh nghĩa "Về nhà chồng phải răn, chớ trái lời chồng", bài văn sách "Lấy chồng cho đáng tấm chồng", … 

2/ Hán văn: Đại Việt thông sử, Vân đài loại ngữ (chia loại các lời nói), Toàn Việt thi lục (sưu tập các thi gia từ đời Lý đến Hậu Lê), Hoàng Việt văn hải (sưu tập văn hay), Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục. 

 Lê Quý Đôn thông minh tột đỉnh mà cũng rất kiêu ngạo. Có mấy giai thoại văn chương liên quan đến hai cá tính đó của ông.
1/
Ba sông, bốn mắt

 Tương truyền năm mới lên 7 tuổi, một hôm có người bạn của cha đến chơi, thấy chú bé thông minh đĩnh ngộ, hỏi đâu nói được đấy thì rất lấy làm kinh ngạc. Nhân muốn thử thêm tài của Đôn, ông khách trỏ vào con sông chảy quanh sau vườn nhà, ở chỗ đó sông tự chia ra làm ba nhánh, bèn tức cảnh ra một vế đối: “Tam xuyên” (ba con sông). Vế đối này bề ngoài có vẻ khá đơn giản, nhưng kỳ thực rất “hóc búa”, vì 2 chữ “Tam xuyên”,  三 川, chữ nào cũng chỉ có 3 nét, hơn nữa chữ “xuyên” lại là chữ “tam” quay một phần tư vòng tròn (ngược chiều kim đồng hồ) mà thôi. 

 Chú bé 7 tuổi hiểu ngay cái lắt léo của vế đối, nhất thiết không chịu mắc lừa vì vẻ dễ dàng của nó. Đôn nhìn quanh để tìm ý. Chợt trông lên mặt ông khách, thấy ông ta đang đeo mục kỉnh, Đôn mừng quá, bèn tức cảnh đối lại ngay là “Tứ mục” (bốn mắt).
 Vế đối lại này hết sức tài tình ở chỗ Đôn  đã tìm ra 2 chữ cũng rất giản dị, “Tứ mục”, 四 目, mỗi chữ chỉ có 4 nét, nhất là chữ “mục” cũng chính là chữ “tứ” quay một phần tư vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ mà thành. Vế đối tức cảnh lại còn nêu lên được một đặc điểm của ông khách già là đeo kính. Khách thán phục đứng dậy nắm lấy hai vai của chú bé mà nói: “Tài học của chú rồi sẽ dọc ngang một đời!”
2/
Thơ tự răn mình : 

 Tương truyền Lê Quý Đôn lúc nhỏ tuy rất thông minh nhưng tính khí rất ngỗ ngược, vì thế đã làm cha mẹ ông phải nhiều phen bực dọc. 

Hồi tám chín tuổi, một hôm cởi truồng đi tắm. Tình cờ giữa đường gặp quan thượng hỏi thăm vào nhà cha mình là Trung hiếu công Lê Phú Thứ, ông liền đứng dạng hai chân ra và bảo quan thượng rằng: "Đố ông biết chữ gì đây? Nếu ông biết thì tôi sẽ đưa ông đi!" Ông khách thấy đứa trẻ hỗn xược, giận tím mặt không thèm nói gì cả. Đôn liền cười vang mà nói rằng: "Chữ thái, thế mà cũng không biết!" 

(Chữ thái trông giống người đứng dạng hai chân) 

  Thấy đứa trẻ quá ngỗ ngược, ông quan ngạc nhiên lắm, sau hỏi ra mới biết là con Trung hiếu công. Lúc vào chơi nhà, ông thượng đem chuyện ấy ra phàn nàn.
Trung hiếu công bèn gọi Lê Quý Đôn lên mắng rằng: "Mày là thằng rắn mày rắn
mặt, phải vịnh một bài thơ tự trách mình, nếu không làm được thì ta đánh đòn! " 

Đôn đọc ngay tám câu Đường luật:

 Chẳng phải liu điu, vẫn giống nhà.
 Rắn đầu biếng học, lẽ không tha!
 Thẹn đèn hổ lửa, đau lòng mẹ,
 Nay thét mai gầm, rát cổ cha.
 Ráo mép chỉ quen tuồng dối trá.
 Lằn lưng, đành chịu vọt năm ba.
 Từ nay Trâu Lỗ chăm nghề học, (1)
 Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia
!

(1/ Trâu: nước thầy Mạnh Tử. Lỗ: nước đức Khổng Tử. Cầu này có ý nói, từ nay sẽ chăm học theo đạo Khổng Mạnh

 Bài thơ vừa ra giọng tự trách mình, vừa có ý nêu tên một số rắn (liu điu, rắn, hổ lửa, mai gầm, ráo, thằn lằn, trâu, lỗ, hổ mang), vậy mà đọc vần không thấy gượng gạo chút nào. Ông thượng thấy Đôn mới tí tuổi mà đã tài như thế, bao nhiêu tức bực đều tiêu tan hết, tấm tắc khen mãi không thôi.
3/
“Nghi nhất tự lai vấn” :

Vốn có tính kiêu ngạo, tự cho mình là thông suốt thiên kinh vạn quyển, nên khi đỗ bảng nhãn rồi, ông sai treo ngoài cửa một tấm bảng: 

天下疑一字來問
“Thiên hạ nghi nhất tự, lai vấn”   
(Ai có chữ gì không biết, hãy cứ đến mà hỏi). 

 Bấy giờ gặp lúc thân phụ là Lê Phú Thứ vừa mất, trong nhà đang rộn rịp sửa soạn tang lễ, bỗng một ông già chống gậy tìm vào, Lê Quý Đôn nhìn không phải khách quen, bèn hỏi lai lịch. Ông già nói: 

- Cháu còn nhỏ không biết, lão là bạn học với cụ nghè, nhưng vì nhà nghèo đường xa, tuổi già, nên ít đi lại. Hôm nay nghe tin cụ mất, lão mới đến để gửi câu đối viếng. Cháu đem giấy bút ra, lão đọc để cháu viết hộ, vì lão tay run không viết được
.
 Lê Quý Đôn vâng lời, cầm bút đợi viết. Ông già đọc:
- Chi.
 Lê Quý Đôn không biết là chữ Chi nào, nên dùng dằng đợi xem chữ sau là gì đã, sẽ tuỳ theo nghĩa mà viết cho đúng chữ nào. Ông già lại đọc tiếp:
- Chi.
Lê Quý Đôn thưa:
- Bẩm, Chi nào ạ? 

 Ông già thở dài thườn thượt nói:
- Trời ơi, cháu đỗ đến bảng nhãn mà chữ Chi không biết viết ư? Thế có ai xem bảng treo ngoài kia mà vào hỏi chữ "Chi" thì cháu trả lời ra sao? 

 Lê Quý Đôn giận xám cả mặt. Lúc đó ông già mới đọc luôn hai vế:

 Chi chi tam thập niên dư, xích huyện hồng châu kim thượng tại;
 Tại tại sổ thiên lý ngoại, đào hoa lưu thuỷ tử hà chi?
 Dịch nghĩa:
Cách hơn ba chục năm, xích huyện, hồng châu nay vẫn đó;
Xa ngoài mấy ngàn dặm, đào hoa, lưu thuỷ bác về đâu? 

Thấy câu đối lạ tai, Lê Quý Đôn và cử toạ đều giật mình. Đọc xong, ông già lại phủ phục trước linh sàng cụ nghè mà khóc: 

- Ới anh ơi, anh bỏ đi đâu, con anh đỗ đến bảng nhãn mà chữ “Chi” không biết, anh ơi ... 

Rồi ông già chống gậy ra về, mời thế nào cũng không ở lại. 

Dụng tâm của ông già là làm cho Lê Quý Đôn phải gỡ tấm bảng ngạo nghễ kia đi. 

Cũng có thuyết cho là một dật sự của Cao Bá Quát. Song thân phụ họ Cao là một ông đồ, có lẽ không có dịp đi những “xích huyện hồng châu”. Vả lại có đỗ đến bảng nhãn cao nhất nước, mới dám treo bảng, chứ như Cao Bá Quát chỉ đỗ á khoa thi hương, ắt không dám nghênh ngang thế. 

 Họ Cao có một câu tuy không kém nghênh ngang nhưng chỉ là lời nói đùa: “ Có bốn bồ chữ, thì tôi hai bồ, anh tôi một, còn một mới đem chia cho cả thiên hạ!”. 

Dù sao trong thoại này, tên người chủ động không quan hệ bằng bài học mà người sau có thể rút được về cái thói tự kiêu, tự mãn.
4/
Lê Quý Đôn và nhà sư : 

 Sau bài học này, Lê Quý Đôn lại nhận được một lần nữa nơi một nhà sư trụ trì ở chùa làng và chú tiểu. 

  Nhân việc ma chay trên kia, Lê  phải lui tới trên chùa làng để làm lễ cầu siêu. Một hôm Lê vừa bước vào phương trượng thì nhà sư reo mừng: 

- A, quan bảng nhãn tới đây rồi. May quá, bần tăng đang có điều muốn nhờ quan lớn chỉ giáo. Số là chú tiểu của bản tự mới gặp một người ra câu đố mà chú không giải được, bần tăng cũng chịu nốt, bây giờ phải nhờ đến quan bảng mới xong: "nghi nhất tự lai vấn" mà! Câu đố như thế này:

 Hạ bất khả hạ,
 Thượng bất khả thượng.
 Chỉ nghi tại hạ,
 Bất khả tại thượng.

- Dưới không thể dưới, trên không thể trên, đúng nên ở dưới, không thể ở trên.

“Họ đố là chữ gì, chắc chỉ quan bảng là giảng được thôi!” 

 Lê Quý Đôn ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu, chưa giải đáp được thì chú tiểu ở ngoài chạy vào: 

- Bẩm quan bảng, ngài đã nghĩ ra chưa?
- Chưa chú ạ! Khó quá!
- Thế mà cháu vừa tìm ra rồi đấy!
- Thế thì chịu chú, nào chú giảng thử coi!
- Thưa đó là chữ nhất. Hạ bất khả hạ: trong chữ hạ thì chữ nhất ở trên chứ không thể ở dưới; thượng bất khả thượng: trong chữ thượng thì chữ nhất ở dưới chứ không thể ở trên; Chỉ nghi tại hạ: trong chữ chỉ và chữ nghi thì chữ nhất nằm dưới; Bất khả tại thượng : trong chữ bất và chữ khả thì chữ nhất nằm trên. Dễ quá, quan bảng nhỉ! 

 Lê Quý Đôn biết mình bị lỡm vì cái bảng “Nghi nhất tự lai vấn” trong đó họ lấy ngay chữ nhất mà nhạo mình, nhưng không có cách gì đối phó lại được, đành nói vài câu chữa thẹn rồi cáo lui. 



Từ đó, tấm bảng kia không còn treo ở cửa nữa.



  

Nhận xét

Bài đăng phổ biến