Giai thoại NGUYỄN HIỀN

Giai thoại
NGUYỄN HIỀN

Đối đáp với quan Lang Trung:

Hồi mới lên bảy tuổi, Nguyễn Hiền thường hay chơi trò nặn đất với bọn trẻ mục đồng. Một lần trạng nặn con voi đất, rồi lấy bốn con cua để vào bốn chân, lấy đỉa làm vòi, lấy bướm làm tai, thành ra voi đất cũng cử động được, khiến bọn trẻ vui thích reo hò ầm ĩ. Chợt một ông quan đi qua đứng lại xem và hỏi chuyện cậu bé Hiền. Thấy cậu bé khéo léo lại láu lỉnh, ông quan liền đọc đùa một câu:

vế ra:
童子六七人無如爾巧 
Đồng tử ngũ lục nhân, vô như nhĩ xảo! 
(Bọn trẻ năm sáu đứa, không đứa nào khéo bằng mày)

Cậu bé Hiền thấy vậy, hỏi ông quan rằng: “Trước hết xin ông cho biết ông làm chức quan gì?”. Quan nói: “Ta là quan Lang Trung, mỗi tháng ăn lương hai ngàn hộc”
Thấy quan có ý khoe khoang, cậu bé Hiền liền đọc rằng:

郞中二千石莫若公... 
Lang trung nhị thiên thạch, mạc nhược công ... 
(Quan thái thú ăn lương hai ngàn hộc, chẳng ai. . . bằng ông).

Quan cười bảo: “Đối còn thiếu một chữ!”. Nguyễn Hiền nài cho tiền rồi sẽ đối nốt. Quan cho tiền xong, cậu bé Hiền liền bổ sung chữ  Liêm vào cuối vế đối.

Quan chịu là giỏi, nhưng vui miệng hỏi thêm:
“Thế nếu ta không cho tiền, thì cháu đối chữ gì?”.
Nguyễn Hiền trả lời:
“ Khó gì? Nếu ông không cho tiền thì tôi chỉ việc điền chữ  Tham vào thôi!”.

Quan biết thằng bé láu cá, đành phải bỏ đi không dám trêu chọc gì nữa, kẻo lại mang tiếng “to đầu mà dại”! Có thuyết khác nói giai thoại này là của Vũ Công Duệ đời Hậu Lê, Vũ Công Duệ (1468 - 1522) tên lúc nhỏ là Nghĩa Chi, người xã Trình Xá, huyện Sơn Vi, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú). Đỗ Trạng nguyên năm 20 tuổi khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 đời Lê Thánh Tông (1490). Làm quan đến Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ chầu Kinh diên, được tặng Thiếu bảo, tước Trịnh Khê Hầu

Đối đáp với các quan khâm sai:

Nguyễn Hiền vốn quê làng Hà Dương (tỉnh Nam Định). Nguyễn Hiền thi đình, đỗ trạng nguyên lúc mới 13 tuổi. Tại lễ triều kiến các vị tân khoa, vua Trần Thái Tông thấy trạng quá nhỏ, bèn cho trạng về quê, hẹn ba năm sau sẽ cho vào triều phong quan. Được ít lâu, sứ thần Mông Cổ sang An Nam đem 1 bài thơ sang thách giải nghĩa:

"Lưỡng nhật bình đầu nhật,
tứ sơn điên đảo sơn,
lưỡng vương tranh nhất quốc,
tứ khẩu tung hoành gian".

Vua Trần hỏi các quân thần thì không ai hiểu nghĩa lý ra làm sao, phải sai hai quan văn võ đến nhà ông Nguyễn Hiền mời vào triều để hỏi. Hai viên khâm sai không quản ngày đêm, phi ngựa nước đại tìm về làng Trạng, thấy một lũ trẻ đang đùa nghịch ở gốc đa đầu làng, viên quan võ thử ra một câu đối để dò xem Trạng có mặt trong đám ấy chăng, vế ra là:

Tự là chữ, cất giằng đầu, chữ tử là con, con ai con nấy? 
(câu này nói về cách chuyển hóa chữ: “tự” [] (chữ), ‘tách’ [] (giằng đầu), còn “tử” [] (con)

Một đứa trẻ đối ứng khẩu ngay: 
Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này?
 (vế dưới cũng là phép tương tự: “vu” [] (chưng), ‘bỏ’ [] (ngang), thành chữ “đinh” [] (đứa)

Đối xong đám trẻ giải tán ai về nhà nấy, hai viên sứ giả biết đứa trẻ ấy là Trạng Hiền, mới hỏi thăm đến tận nhà thì thấy Trạng đang lúi cúi ở dưới bếp.

Viên quan văn bèn đọc một câu rằng: 
Văn quân từ viễn bảo trù, hà tu nự áo 
(Tôi nghe quân tử xa chỗ bếp nước, lọ là phải nịnh vua bếp)

Trạng Hiền ứng khẩu đối ngay: 
Ngã bản hữu quan cư đinh nại, khả tam điêu canh 
(Ta cốt có chức làm được Tể tướng, nhưng còn tạm nấu nồi canh.
Nấu canh lạt mặn tại tay cũng như chức làm tướng)

Hai vị khâm sai biết đúng là trạng bèn mời về cung, trạng nói:
“Nhà vua muốn mời ta về phải có voi ngựa, bằng sắc, mũ áo rước ta đi”.

Sứ phản hồi xin vua đầy đủ các nghi thức trên, bấy giờ trạng mới chịu hồi cung. Khi đến kinh, Trạng Hiền cầm bút viết ra một chữ và giải rằng:

"Câu thứ nhất nghĩa là chữ nhật, ngược xuôi bằng đầu nhau;
Câu thứ nhì là bốn chữ san, ngược xuôi cũng là chữ san cả;
Câu thứ ba hai chữ vương tranh nhau ở trong một nước,
câu thứ tư là bốn chữ khẩu ngang dọc đều là khẩu cả.
Tóm lại chỉ là một chữ điền".

Giải xong, đưa cho sứ Tầu xem, sứ Tầu phải chịu vì thế vua cử Nguyễn Hiền làm Kim tử vĩnh lộc đại phu; sau làm đến Công bộ thượng thư, không được bao lâu thì ông mất.

Hiện nay, tại đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền ở quê hương ông, thôn Dương A (Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định) còn giữ đôi câu đối ca ngợi công tích của Trạng như sau:

Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc (Mười hai tuổi khai khoa hai nước)
Vạn niên thiên tuế lập tam tài (Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài)
Đông A nhất giáp sinh tri Trạng
Nam Việt thiên thu quốc tế thần

Câu đối khắc tại đình Lại Đà thuộc xã Đông Hội huyện Đông Anh thủ đô Hà Nội:

Kình thiên đại quán long lân trụ
Dục nhật linh quang hổ nhãn trì
Dịch nghĩa:
Quán lớn chống trời cột vẩy rồng
Ao mắt hổ tắm trong ánh mặt trời

Nhận xét

Bài đăng phổ biến