Giai thoại Bài thơ CON CÓC

Giai thoại
Bài thơ CON CÓC

 Nói đến đề tựa này, chắc hẳn chúng ta không ai quên bài thơ trong truyện tiếu lâm chế giễu mấy nhà thơ nọ khi thấy một con cóc bèn cùng nhau làm một bài tức cảnh:

Con cóc trong hang,
Con cóc nhảy ra.
Con cóc nhảy ra,
Con cóc ngồi đó.
Con cóc ngồi đó,
Con cóc nhảy đi...

Và bài vịnh “Con Cóc” sau đây của vua Lê Thánh Tôn nói lên cái khẩu khí của một vì thiên tử:

Bác mẹ sinh ra mặc áo sồi,
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Chép miệng nuốt ba con kiến gió,
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.

Đọc bài thơ trên ta thấy tức cười, đọc bài vịnh dưới ta thấy cảm phục. Nhưng cảm phục lẫn tức cười chưa lấy gì bằng bài thơ “Con Cóc” sau đây của 4 vị quan nghè đời Tây Sơn.

 Chuyện kể rằng sau khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, triều đình có tổ chức một cuộc lễ khao quân để mừng các tướng sĩ thắng trận. Trong số đình thần có bốn ông tiến sĩ xin làm một bài thơ ca tụng chiến công của nhà vua. Ý kiến tâu lên được nhà vua chấp thuận nhưng đầu đề và vần phải do nhà vua chọn. Sau khi suy nghĩ hồi lâu, nhà vua bèn ra đầu đề “Con Cóc” và lấy vần “Bàm”. Ra đầu đề và vần xong, nhà vua lại bắt buộc tất cả bốn ông tiến sĩ phải đứng xếp hàng một, mỗi ông làm một câu, hễ ông trước làm xong bước lên thềm thì ông sau phải ứng khẩu tiếp ngay, nếu bài thơ không thành, mỗi ông sẽ bị phạt uống một tô rượu.

 Bốn ông nghè bắt đầu làm, ông thứ nhất khởi đọc:
Nghiến răng lừng biển Bắc,

Ông thứ hai tiếp theo:
Tắc lưỡi dậy trời Nam.

 Hay! Hay! Hai câu này thật là hay, đúng là con cóc lại ngụ ý nói lên được cái chiến công oanh liệt của vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long do vua Chiêu Thống dẫn đường sang và đánh chìm 500 chiến thuyền của quân Xiêm ở miền Nam do chúa Nguyễn Ánh cầu viện về. Kể ra không kém gì câu: “Chép miệng nuốt ba con kiến gió. Nghiến răng chuyển động bốn phương trời” của vua Lê Thánh Tôn.

 Nhưng đến ông thứ ba mới là khổ! Phải làm sao cho ông thứ tư còn lấy được vần “Bàm”, nếu không, mang danh là tiến sĩ mà để bị phạt uống một tô rượu thì nhục lắm. Bởi nghĩ thế nên ông ta mới buộc lòng ứng khẩu đọc tiếp:
Ấy nó là con cóc

 Thế rồi ông thứ tư đọc luôn:
Chẳng phải quả bàm bàm.

 Khi đọc xong, nhà vua và các quan văn võ ai nấy cũng đều cười muốn vỡ hội trường:

Nghiến răng lừng biển Bắc,
Tắc lưỡi dậy trời Nam.
Ấy nó là con cóc,
Chẳng phải quả bàm bàm.


 Thật ra, hai ông sau không phải là kém tài hay làm thơ dở mà chính đó mới là hay, là sát nghĩa vì cái “dễ làm” thì hai ông trên đã “hứng” mất rồi. Cái khó là làm sao phải gieo được vần “Bàm” mà không bị khổ độc, nên hai ông tiến sĩ sau đành phải ứng khẩu một cách “nôm na” như vậy. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến