Những giai thoại KHUYẾT DANH

 Những giai thoại
KHUYẾT DANH
1/
Thơ nhạo tri phủ: 

 Gặp tiết trời đại hạn, một viên tri phủ lập đàn cầu đảo, nhưng cầu mấy bận mà chẳng thấy mưa, chỉ khổ cho nhân dân phải đóng góp tốn công, tốn của. Có anh
học trò thấy vậy làm bài thơ nhạo như sau:

Thái thú xuất kỳ vũ,
Nhân dân giai hỷ duyệt.
Bán dạ thôi song khai,
Kiến nguyệt!

Tạm dịch:
Tri phủ cầu mưa rơi,
Nhân dân sướng mê tơi!
Nửa đêm mở cửa ngỏ,
Trăng soi!

  Bài thơ lọt đến tai viên tri phủ, y giận lắm, sai lính bắt anh học trò. Lúc anh ta đến, y bảo phải làm bài thơ khác đền tội, nếu không sẽ đánh đòn. Anh học trò dạ dạ, vâng vâng, xin quan ra đầu đề. Nguyên tri phủ có hiệu là Tây Pha, hắn liền lấy hai chữ ấy cho anh học trò vịnh. Anh ta vịnh rằng:

Cổ nhân hiệu Đông Pha,
Kim nhân hiệu Tây Pha.
Nhược tương lưỡng nhân giáo,
Sai đa!

Tạm dịch:
Người xưa hiệu Đông Pha (1),
Người nay hiệu Tây Pha.
Đem hai người sánh lại,
Khác xa!

(1) Đông Pha: tên hiệu của Tô Thức, nhà thơ nổi tiếng đời Tống

 Viên tri phủ càng giận hơn, sai lính đánh 18 roi. Anh học trò chịu đòn xong, ức quá, vừa xoa đít vừa đọc:

Tác thi thập thất tự,
Bị đả nhất thập bát.
Nhược thướng vạn ngôn thi,
Đả sát!

Tạm dịch:
Làm thơ mười bảy chữ,
Bị đánh mười tám roi.
Nếu làm thơ muôn chữ,
Chết toi!

 Nghe đến đây, viên tri phủ chịu không nổi, bèn kết án anh học trò 3 năm tù.
2/
Quan án giỏi thơ :

 Viên án sát tỉnh Kiến An xuất thân là một ông tiến sĩ, thơ nôm nổi tiếng khắp vùng, nhưng tính tình thì hay nóng nảy thô bạo. Trên bàn giấy lúc nào cũng để một con sấu đá. Con sấu này người ta tặng để làm cái chặn giấy, nhưng ông ta lại dùng vào việc khác. 

 Mỗi lúc hỏi kiện, quan án thường cầm con sấu đá đập chan chát xuống bàn để thị oai. Không những thế, quan án còn quát tháo om sòm, rồi trợn mắt và rên ư ử, mắng nhiếc người ta đủ điều. Đôi khi còn tát tai người ta như thầy đồ đánh học trò.  
 Tuy nhiên, ông ta rất thanh liêm, xử kiện công minh chính trực. Song dầu sao mặc lòng, dân chúng vẫn không ưa lối xét xử thô bạo như vậy. 

 Một buổi sáng nọ, lính canh thấy một tờ giấy dán ở cổng dinh, liền bóc vào trình quan. Thì ra, đó là một bài thơ bát cú như sau:

Án sát gì …
Miệng thì ư ử, mắt thì giương
Tát tai tổng lý sao không nghĩ?
Xích tử triều đình dạ chẳng thương (1)
Hỏi kiện lơ mơ giương mắt ếch
Án từ phê chữ dáng đuôi lươn
Nào là tổng lý ta đâu tá?
Xỏ khố khênh ra trả sứ đường.

(1) Xích tử: con đỏ, đây chỉ dân chúng

 Biết là sĩ phu địa phương làm thơ chửi xỏ, quan án căm lắm. Nhưng khác hẳn lúc xử kiện, ông ta cứ bình tĩnh như thường, không tỏ vẻ nóng nảy gì cả. Ông sai lấy một tờ giấy giống hệt tờ kia, rồi hoạ lại một bài bát cú theo nguyên vận:

Án sát Kiến An …
Gặp tuần hoa nở, cánh hồng giương
Đù cha tổng lý sao không nghĩ ?
Xích tử triều đình dạ vẫn thương
Trộm cướp bỏ tù giương mắt ếch
Gian ngoan đòn đánh tuốt da lươn
Nếu còn "cò trắng quay đầu lại"
Có bửa căng thây giữa sảnh đường.

 Xong, quan án sai lính dán cả hai bài thơ hai bên cổng dinh.
 Dân chúng xúm lại xem đông như hội. Ai cũng cho quan án là người có tài và cư xử phải lẽ. Rồi từ đó họ hiểu, không oán ghét quan án nữa.
3/
Ngàn năm văn vật đất Thăng Long :

   Khoảng đầu thế kỷ thứ XX, chính quyền thực dân Pháp ra sức củng cố thế lực ở Việt Nam trong đó có việc đàn áp tư tưởng cách mạng và tăng cường truyền bá văn hóa nô dịch. Chúng giao cho báo Trung Bắc tân văntổ chức một cuộc thi ca tụng Văn miếu. Nhà báo khôn khéo không ra mặt mở cuộc thi, chỉ cử cô B. (một cây bút trong tòa soạn) viết lên báo mấy lời, đại ý nói: "Cô mới đi chiêm ngưỡng Văn miếu về. Cảm động quá, muốn làm một bài thơ mà chỉ mới nghĩ được một câu phá: 

Ngàn năm văn vật đất Thăng Long 

 Xin nhờ quân tử nối tiếp hộ cho. Bài nào hay, xin hậu tạ"
  Thơ dự thi gửi đến hàng ngàn bài, cố nhiên phần đông là ca tụng công khai hóa của thực dân Pháp, nhưng cũng có bài không nịnh hót mà lại đả kích kịch liệt như bài sau đây:

Ngàn năm văn vật đất Thăng Long,
Văn vật ngày nay mới lạ lùng:
Tham biện, tham tằm, tham cán sự,
Đốc bò, đốc chó, đốc canh nông (1).
Du côn, mật thám đầy sông Nhị,
Giang há (2), ma cô (3) chật núi Nùng.
Trừ miếu Khổng kia chưa tiện nói,
Còn thì văn vật đất Thăng Long.

(1) Tham biện: Tham biện tòa sứ. Tham tằm: coi nhà nuôi tằm. Tham cán sự: tham tá chuyên môn. Đốc bò, đốc chó: đốc thú y
(2) Giang há: gái giang hồ, do chữ giang hồ đọc chệt ra.
(3) Ma cô (phiên âm tiếng Pháp maquereau): bọn dắt gái, đưa gái

 Còn một bài khác, tuy nhẹ nhàng kín đáo hơn, mà cũng sâu sắc:

Ngàn năm văn vật đất Thăng Long,
Văn miếu xây từ Lý Thánh tông.
Sau đó Trần, Lê tu bổ lại,
Gần đây Pháp, Việt bảo tồn chung.
Tiệc trà Khai Trí năm xưa mở (1),
Tuồng diễn Kim Kiều (2) buổi họp đông.
Lân chẳng thấy đâu, dê vẫn thấy (3),
Nghe quyên kêu, biết đạo ta cùng.

(
1) Năm 1919, hội Khai Trí Tiến Đức do thực dân Pháp đỡ đầu, làm lễ khánh thành và mở tiệc trà tại Văn miếu
(2) Năm 1920, người ta diễn tuồng Kim Vân Kiều ở Văn miếu để kỷ niệm 100 năm ngày mất của Nguyễn Du
(3) Lân: con kỳ lân, theo truyền thuyết khi có thánh nhân thì lân mới xuất hiện, nghĩa rộng: lân tượng trưng cho đạo thánh hiền, đạo nho. Câu thơ có ý nói đạo nho đã suy tàn quá rồi, trông vào Văn miếu chẳng thấy lân (đạo nho) đâu, mà chỉ thấy dê vào gặm cỏ hằng ngày
4/
Long Biên ái hoa hội 

 Khoảng năm 1916, Bắc kỳ bị lụt to, lại thêm cái họa chiến tranh ở Âu châu ảnh hưởng đến. Vì thế, dân chúng bị bắt phu, bắt lính liên miên, đời sống rất khó khăn. Thế mà một nhóm quan lại Bắc kỳ và một số nhà giàu ở Hà Nội lại bày ra cái trò chơi hoa đặt tên là "Long Biên ái hoa hội" (Hội yêu hoa ở thành Long Biên). Hội quán đặt ở ngôi đình Thái Hà của Hoàng Cao Khải. Họ định hằng năm cứ đến ngày rằm tháng giêng là mở hội thi hoa. Năm ấy là năm đầu tiên nên họ thi hoa và thi cả thơ vịnh hoa nữa cho thêm rôm rả. Đề thi là "Long Biên ái hoa hội". 

  Hoa đưa đến dự thi cũng lắm mà thơ gởi đến cũng nhiều. Lúc bình thơ, không biết vô tình hay hữu ý, người ta lại đem đọc một bài không trúng cách, bài thơ ấy như sau:

Các cụ Long Biên khéo khéo là
Đương cơn lụt lội lúc can qua
Có yêu sao chẳng yêu nòi giống
Yêu cóc làm chi mấy cái hoa ?


  Mọi người nghe xong vỗ tay rào rào. Nhưng mấy ông giám khảo ngồi chiếu cạp điều thì lại quở mắng người bình thơ là láo xược, đọc bậy. Rồi cuộc bình thơ bỗng biến thành cuộc đấu khẩu, chẳng còn ra thể thống gì nữa.
5/
Thợ vẽ đề thơ

  Có một người thợ vẽ, vẽ đã giỏi mà làm thơ cũng khá. Vị đại thần nọ gọi người ấy đến vẽ cho quan một bức chân dung. 

   Bức họa vẽ xong, quan lớn ngắm nghía lấy làm thích thú nhưng vẫn giả vờ chê ỏng chê eo, rồi lại bắt người thợ vẽ đề luôn một bài thơ vào đấy cho được tôn thêm giá trị. 

  Người thợ vẽ vốn đã không ưa lão quan này, nay thấy hắn bày đặt như thế nên càng ghét hơn, liền nảy ý định xỏ hắn một vố chơi. Người ấy nghĩ một lát rồi cầm bút viết bốn chữ cách nhau rõ xa: 

Chân....    Lão....   Cầm....   Thú.... 
 Có nghĩa: "Thực là cầm thú già". 

  Đề chân dung một bậc trọng thần mà viết như vậy thì xỏ xiên quá đáng. Quan lớn mới liếc qua đã nổi giận đùng đùng, thét lính vật người thợ vẽ xuống để đánh
đòn về cái tội láo xược đó.

   Nhưng người thợ vẽ không hề hoảng sợ, bình tĩnh nói: "Dạ, bẩm ngài nóng tính quá, tôi còn đang viết dở, mới viết bốn chữ đầu cho khỏi quên, chứ đã xong đâu !"
Vị đại thần vẫn còn hậm hực, nửa tin nửa ngờ: "Nếu vậy nhà ngươi viết nốt ta xem"
  Người thợ vẽ liền viết liền viết tiếp vào các chữ trước thành bài thơ như sau:

Chân tể tướng
Lão trung thần
Cầm chi phượng
Thú chi lân
  Dịch:
Thật tể tướng
Lão trung thần
Cầm thì phượng
Thú thì lân.

   Bốn chữ đã biến thành bài thơ ca ngợi rất mực cung kính: nào bảo vị đại thần là  tể tướng trung thần chân chính, nào ví địa vị ông ta cũng cao tột bậc như con phượng, con lân là vua trong loài chim loài thú. Bấy giờ vị đại thần mới hài lòng, nhưng người thợ vẽ vẫn cười thầm, vì bài thơ xét kỷ vẫn còn có ý xỏ xiên bên trong. Nếu chỉ đọc bốn chữ đầu câu, vẫn thấy rành rành câu "Chân lão cầm thú".
6/
Chả kém Lý Bạch 

   Một ông quan võ sính thơ nôm ở bên một người hàng xóm khéo tán để kiếm ăn. Hễ làm được bài thơ nào, quan cũng gọi người kia đọc cho nghe. Hắn nghe xong tán tụng khen thơ hay và khen quan "chả kém gì Lý Bạch", thế là quan cho hắn ăn uống lu bù. 

   Có lần quan gọi hắn sang đánh chén, khi ngồi ăn, quan nói: "Tôi mới cho làm cái chuồng chim ở sân vườn, nhân nghĩ được bài thơ tứ tuyệt, tôi thử đọc bác nghe xem sao nhé!". Rồi quan khề khà đọc:

Bốn cột chênh vênh đứng giữa trời,
Đứa thì bay bổng đứa bay khơi.
Ngày sau nó đẻ ra con cháu,
Nướng chả băm viên đánh chén chơi.

  Người kia nức nở khen: "Chà! Hay quá, xin quan đọc từng câu để con được thưởng thức hết cái hay của bài thơ ạ!" 

  Quan thích chí, hai cánh mủi phập phồng, dõng dạc đọc lại ngay: 

Bốn cột chênh vênh đứng giữa trời
   Người kia tán:
"Tuyệt! Cứ như câu nầy thì quan sẽ làm đến chức tứ trụ triều đình"
  Quan tiếp: 

Đứa thì bay bổng đứa bay khơi

  Người kia nịnh:
"Ôi, quan còn thăng chức chưa biết đến đâu!"
  Quan đọc đến câu: 

Ngày sau nó đẻ ra con cháu

  Thì hắn ta lại tán:
" Hay quá! Con cháu của quan còn là vô kể!"
  Quan đọc nốt: 

Nướng chả băm viên đánh chén chơi.

  Hắn lại tâng bốc:
"Tuyệt quá! Cảnh quan lớn về sau thì tha hồ mà phong lưu!" 

  Quan mủi nở bằng cái đấu, đắc chí rung đùi, rót rượu mời người kia và nói: "Thơ tôi kể cũng tự nhiên đấy nhỉ? Bay giờ nhân cuộc vui, tôi thử làm một bài tức cảnh nữa nhé!" 

  Nhìn ra sân thấy con chó, quan mới vịnh luôn một bài rằng:

Chẳng phải voi mà chẳng phải trâu,
Ấy là con chó cắn gâu gâu.
Khi ngủ với nhau thì phải đứng,
Cả đời không ăn một miếng trầu.


  Người kia lại gật gù tâng bốc, quan lại thương rượu và gọi thêm đồ nhắm, hắn ta lại được thể lại càng đưa quan lên chín tầng mây. Rồi vui miệng, hắn cũng xin đọc theo một bài. Được quan cho phép, hắn liền đọc:

Quanh quanh đằng đít lại đằng đầu,
Hễ thấy ai vào cắn gâu gâu.
Ăn hết của thơm cùng của thối,
Trăm năm chẳng được chén chè tàu.

  Cứ thế, cuộc ngâm vịnh kéo dài mãi cho đến khi hai người say mềm mới thôi.
7/
Hé gương 

   Một o hàng vải xứ Nghệ – chắc chắn là tay cừ trong đám hát hàng vải – một hôm mang vải đi thuyền xuống tỉnh bán. Thuyền chật, người đông, nhất là trong khoang, chỗ sang trọng nhất, thì đã bị đám dăm bảy thầy đồ ý chừng cũng xuôi tỉnh thi cử gì đây, chiếm hết cả. O hàng vải không có chỗ ngồi, nhưng không chịu lép, leo ngay lên mui thuyền ngồi. Chẳng biết cô ta có nghĩ rằng ngồi như vậy là ngồi trên đầu các thầy nho hay không. Một lúc lâu, cô ả muốn tụt xuống, không ngờ tà váy bị gió thổi, mắc vào một đầu sào gác dọc trên mui thuyền. Hai chân đã  chạm xuống khoang thuyền mà tà váy lại cứ bị níu lại ở trên, ả loay hoay mãi mới gỡ ra được. Nhưng dù sao, các thầy đồ ngồi trong khoang cũng đã trông thấy cả rồi. Một thầy đồ trẻ nhất bọn, lấy giọng ngâm một câu "Kiều lẩy" như sau:

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Sẳn đây ta đúc một tòa thiên nhiên
 (Nguyên câu trong truyện Kiều là:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẳn đúc một tòa thiên nhiên)
 

  Ai ngờ cô ả đã ngồi xuống đàng hoàng ở đằng lái, khoan thai sửa lại vành khăn trên đầu rồi cũng lên giọng trong trẻo ngân nga, "lẩy" lại một câu rằng:

Mười lăm năm mới một lần
Hé gương cho khách hồng trần thử soi
  (Nguyên câu trong truyện Kiều là:
Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Làm gương cho khách hồng trần thử soi)

  Các khách hồng trần – các thầy đồ – đau điếng người, nhưng phải phục lăn vì cô ả đã tài tình, thật đã góp những trận cười giòn nhất vào trận cười thích thú của hành khách. 







Nhận xét

Bài đăng phổ biến