Giai thoại NGUYỄN CÔNG TRỨ

Giai thoại
NGUYỄN CÔNG TRỨ

  Nguyễn Công Trứ 阮公著 (1778 -1859) tự Tồn Chất, hiệu Ngô Trai, biệt hiệu là Hi Văn 希文, người làng Uy Viễn huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1778, đỗ Giải nguyên khoa Kỷ Mão 1819 (Gia Long thứ 18).

 Tương truyền vào năm Kỷ Mão ấy, vua Minh Mệnh còn là đông cung thái tử ra hồ Tĩnh Tâm chơi, tinh thần mỏi mệt, ghé nằm trên võng thiu thiu ngủ. Bỗng thấy một người học trò, tự xưng là học giả từ Lam Sơn đến hầu. Thái tử thấy người học trò đội mũ cỏ, tay cầm một cây gậy nhọn xiên qua bên mặt trời, tự nhiên mặt trời đùn lên một đám mây đen, rồi tối sầm lại. Người học trò giơ cây gậy lên thì đám mây đen tan ngay, trời sáng bừng lên. Thái tử về cung, đem việc nằm mộng hỏi thị thần. Quan Thái bộc đoán: "Người học giả là kẻ học trò, tên y tất có chữ giả , đội mũ cỏ, tức là thêm bộ thảo đầu , tức là tên Trứ . Trong chữ Trứ có nét phẩy cài sít qua chữ nhật, tức là cái gậy xiên qua mặt trời. Từ Lam Sơn lại, người ấy tất ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Đám mây đen đùn lên ở bên mặt trời là điềm sau nầy biên thuỳ có loạn. Người ấy cầm gậy vẫy mà đám mây tan là điềm người ấy sau dẹp tan giặc. Vậy xin Điện hạ nghiệm xem khoa thi này có người tên Trứ quê ở vùng Nghệ Tĩnh thi đỗ không?" 

  Thái tử nghe lời. Đến khi quan trường chấm xong đệ danh sách vào Bộ duyệt, thấy thí sinh tên Nguyễn Công Trứ đỗ thủ khoa; Thái tử mừng là ứng vào điềm mộng và quốc gia đã tuyển được nhân tài chân chính. Khoa ấy, các quan chấm trường, và quan Thái bộc đều được thăng một cấp. 

  Quả nhiên, về sau, vào năm Minh Mạng thứ 18 (1834), tướng giặc Nồng Văn Vân đánh chiếm vùng biên giới tỉnh Cao Bằng, Nguyễn Công Trứ đang giữ chức Tổng đốc Hải Dương, được triều đình sai đi đánh, dẹp xong giặc. 


   Làm quan trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ông là người văn võ kiêm toàn, làm quan ở đâu cũng có chính tích, có tài thơ văn, đặc biệt sở trường về lối ca trù, là một trong những thi nhân có nhiều giai thoại văn chương.
1/
Hỏi anh: 

  Tương truyền Nguyễn Công Trứ lúc còn trẻ rất hay đi hát ví. Có lần, ông bị đối phương là một cô gái trẻ, đẹp, hỏi dồn cho một thôi như sau:

Hỏi anh hà tính, hà danh,
Hà châu, hà quận, niên canh kỷ hà?

 Người đẹp tham lam muốn tìm hiểu nhiều điều quá: Họ gì? Tên chi? Châu nào? Quận nào? Tuổi bao nhiêu ? Trả lời cho đầy đủ cả bấy nhiêu điều vào trong vài câu thật không phải chuyện dễ. Nhưng im lặng không trả lời gì, thì chẳng hóa ra chịu thua người đẹp ư? 

 Nguyễn Công Trứ đứng ngẩn ra một lúc, rồi đành phải đáp lại qua quýt cho xong việc:

Trước Lam thủy sau Hồng sơn,
Nhà nào đọc sách gây đờn là anh.
 Rồi đó, cắp nón chuồn thẳng không dám ngoái cổ lại.

2/
Anh hùng đè xuống dưới:

 Thiên tư thông tuệ, lại gặp được thầy hay bạn tốt, học nghiệp dễ dàng, nhưng vì nước nhà đang cảnh nhiễu nhương, nên ông đành ẩn nhẫn qua ngày. 

 Một hôm, đương đi chơi bỗng gặp mưa phải vào trú trong quán nước bên đường, ngồi lâu mưa không ngớt lại thêm gió lạnh, ông bèn nằm vào ổ rơm của nhà hàng, lấy chiếu đắp lên mình đánh một giấc. Thình lình đại binh của Tả quân Lê Văn Duyệt diễn tập về đi qua đó. Những người trong quán đều sợ hãi, nép vào một xó. Toán tiền quân đi vào quán, thấy có người nằm ngủ, thét gọi dậy, thì vừa lúc quan Tả quân cưỡi ngựa tới. Nguyễn lồm cồm đứng lên, không chút sợ hãi. Tả quân nhìn vào, thấy người có vẻ đĩnh đạc, truyền quân lính không được làm dữ, và bảo dẫn ông ra, hỏi: 

- Cớ sao thấy đại quân ta trẩy qua mà cứ nằm đó không chịu đứng dậy cho phải phép?
- Quân của đại tướng là quân nhân nghĩa, đi tới đâu, dân chúng vẫn yên ổn làm ăn, không bị kinh động. Bởi vậy, tiểu sinh vẫn nằm yên không lo ngại gì. Vả đi đường mệt nhọc, gặp nơi yên ấm ngủ quên, thành ra đắc tội, xin đại tướng lượng thứ. 

 Tả quân ôn tồn bảo:
- Mi là học trò hả? Vậy hãy thử vịnh cảnh "Nằm ổ rơm đắp chiếu" này đi. Hay, ta sẽ tha cho, bằng không thì sẽ chiếu theo quân pháp mà trị tội.
 Nguyễn ứng khẩu đọc:

Ba vạn anh hùng (1) đè xuống dưới,
Chín lần thiên tử (2) đội lên trên.

(1) Anh hùng rơm
(2) Chiếu chỉ của thiên tử, mà cũng là cái chiếu đắp. Chín lần: cửu trùng


 Tả quân kinh ngạc, thấy anh học trò tầm thường mà có khẩu khi lớn, nên hỏi họ tên, ân cần khuyên bảo mấy lời, lại thưởng tiền và cho về. 

 Từ đó Tả quân lưu tâm đến Nguyễn. Năm Gia Long thứ ba (1804) vua Gia Long ra Bắc Thành, có trú lại Nghệ An mấy ngày. Nguyễn đến hành cung hiến sách, tỏ bày các việc nên làm. Khi ấy Tả quân đi hộ giá, vốn đã biết tài ông, cho mời đến hỏi về dân tình. Nguyến đối đáp trôi chảy, và câu nào cũng xác đáng cả, Tả quân lại càng khen ngợi. 

 Sau khi ở Bắc về, mỗi khi tiếp chuyện các quan đồng triều, Tả quân không quên nhắc đến câu chuyện hai lần gặp họ Nguyễn, và nói: 

- Người ấy thực là bậc kỳ tài, lại có chí lớn. Nếu triều đình biết dùng, chắc sẽ thành một bầy tôi lương đống mai sau.
3/
Khinh thường quan võ:

 Người ta kể rằng khi Nguyễn Công Trứ còn là học trò, một hôm đi học giữa đường gặp một viên quan võ, ông cứ nghênh ngang đi không chịu tránh. 

 Viên quan giận lắm, sai lính bắt lại để hạch tội. Nguyễn Công Trứ liền kêu là học trò đang vội đến trường nên không để ý có quan đi. Viên quan thấy nói năng xấc xược nhưng mà có lý, bèn quay ra bảo: 

- Nếu vậy anh phải vịnh ngay một bài thơ thật hay không thì sẽ bị chết đòn! 

 Nguyễn Công Trứ gãi tai hỏi xin đầu bài.
 Viên qua võ hất hàm bảo cứ lấy ngay địa vị hai người mà làm đề.
 Nguyễn Công Trứ liền đọc ngay rằng:

Đoái xem văn võ cả hai hàng,
Bên văn sang, bên võ cũng sang.
Dù tía, võng xanh văn đủng đỉnh,
Gươm vàng, thẻ bạc võ nghênh ngang.
Văn dìu cánh phượng yên trăm họ,
Võ thét oai hùm dẹp bốn phương,
Gặp hội thái bình văn trước võ,
Võ đâu dám sánh khách văn chương!

 Nghe mấy câu đầu viên quan võ có vẻ khoái trí gặt gù tán thưởng. Nhưng đến hai câu kết, thấy mình bị khinh là võ biền kém cỏi không bằng khách văn chương thì quan tức quá thét lính phết cho Trứ mấy roi. 

 Nhưng rồi sau đó, chừng cảm phục tài nghệ kẻ làm thơ, viên quan lại thưởng cho Nguyễn Công Trứ mấy nén bạc và để cho đi.
4/
Được tha vì câu thơ hóm hỉnh: 

 Tương truyền một buổi Nguyễn Công Trứ đang cắp sách đến trường thì gặp cô con gái quan đốc học đi chơi. Thấy cô ả mặc chiếc áo màu lục mới tinh mà điệu bộ thì õng à õng ẹo, xung quanh lại kẻ dìu người dắt nom đến ngứa mắt, Nguyễn Công Trứ nhân đang nhai trầu liền nhổ ngay một bãi quết trầu vào áo cô ta. 

 Cô ả bị nhổ bẩn kêu thét lên và quát lính trói anh học trò láo xược ấy về trình quan. Vừa về đến dinh thì trời đổ mưa. 

 Nguyễn Công Trứ phải đứng chờ xét hỏi ở ngoài cổng, mãi lúc mưa ướt hết quần áo mới được vào công đường. Vào đến nơi, quan hỏi ra biết Nguyễn Công Trứ là học trò, bèn bắt phải vịnh thơ để chuộc tội. Nhân khi ấy trời đang đại hạn lại gặp trận mưa như thế, viên quan liền lấy ngay việc đó để ra đề cho Nguyễn Công Trứ.
  Nguyễn chẳng cần phải nghĩ lâu, đọc luôn rằng:

Thoắt chốc tai nghe một tiếng ồ,
Dần dần ngoài cửa mới đưa vô.
Tưởng rằng gió cuốn màn mây lại,
Ai biết trời luôn lộc nước cho.
Khi nãy nắng nôi ra thế ấy,
Bây giờ mát mẻ biết chừng mô.
Hỡi người ướt áo đừng năn nỉ,
Có rứa rồi ra mới được mùa.


  Viên đốc học nghe xong thấy thơ hay, lại có hai câu “Dần dần ngoài cửa mới đưa vô” và “Hỡi người ướt áo đừng năn nỉ”, chỉ việc anh học trò đứng ngoài cổng ướt áo và việc con gái mình bị nhổ bẩn rất hóm hỉnh, bèn tha phạt cho Nguyễn Công Trứ.
5/
Làm thơ khất nợ:

 Lúc thiếu thời, Nguyễn Công Trứ đã từng được người đời liệt vào hàng những tay đổ bác có tiếng. Ông vớ của thiên hạ cũng đã lắm, mà thua thiệt nợ nần người ta thì cũng nhiều. 

 Một lần đi đánh tổ tôm bị thua rồi mang nợ, chủ nợ là một ông cụ già, đến đòi năm lần bảy lượt mà Nguyễn cũng vẫn không có tiền trả. 

 Sau ông lão đòi rát quá, Nguyễn Công Trứ đành phải đi lục lọi rương hòm xem có gì đáng giá để đem cầm đợ mà lấy tiền trang trải. Nhưng khốn thay, lục mãi mà vẫn chẳng khui ra được gì ngoài mấy quyển sách nát. Túng thế, Nguyễn Công Trứ mới đọc liều cho ông già một bài thơ để xin khất nợ. Thơ rằng:

Thân "bát văn" tôi đã xác vờ,
Trong nhà còn biết "bán chi" giờ?
Của trời cũng muốn "không thang" bắc,
Lộc thánh còn mong "lục sách" chờ.
Thiên tử "nhất văn" rồi chẳng thiếu,
Nhân sinh "tam vạn" hãy còn thừa.
Đã không "nhất sách" kêu chi nữa?
"Ông lão" tha cho cũng được nhờ!

 Chỗ tài tình của bài thơ là ở chỗ Nguyễn Công Trứ khéo vận dụng những tên quân bài tổ tôm (như: bát văn, bán chi, không thang, lục sách, nhất văn, tam vạn, nhất sách, ông lão) vào bài thơ, nhưng đồng thời những danh từ ấy lại vẫn có nghĩa thông thường trong câu thơ: 

- Bát văn: tên quân bài có vẽ một thân hình lươn khươn yếu ớt, tượng trưng hài hước một anh học trò; vì vậy thân bát văn là nói bóng thân học trò.
- Bán chi: tên quân bài, và nghĩa thứ hai là bán cái gì bây giờ?
- Không thang: tên quân bài, nghĩa khác là không có thang để bắc lên trời.
- Lục sách: tên quân bài, nghĩa thứ hai là lục tìm trong sách vở.
- Nhất văn: tên quân bài, nghĩa khác là thoắt nghe (đây lấy trong câu “Nhất văn thiên tử chiếu, tứ hải trạng nguyên tâm”) Nghĩa là : Vừa nghe chiếu vua mở khoa thi, bốn biển đã nức lòng muốn chiếm trạng nguyên. Câu này còn có ý bảo: nay mai tôi đỗ đạt rồi chẳng thiếu gì tiền.
- Tam vạn: tên quân bài; một nghĩa nữa là ba vạn ngày, tức suýt soát một đời người.
- Nhất sách: tên quân bài, nghĩa thứ hai là một mưu kế.
- Ông lão: tên quân bài, nghĩa khác chỉ ông lão chủ nợ

 Ông lão rắp tâm đòi cho bằng được, thấy Nguyễn Công Trứ giở thơ ra đã có ý bực. Nhưng lần lần nghe qua cả bài thấy bài thơ hay mà khéo quá, tám câu đều có tên một quân bài tổ tôm, mà đồng thời lại nói lên được cái cảnh học trò nghèo kiết xác không có tiền… 

  Vì thế ông lão nghĩ thương tình và mến tài, bằng lòng cho Nguyễn Công Trứ khất nợ.
6/
Thơ tạ long thần: 

   Lúc còn trẻ Nguyễn Công Trứ là người rất tính nghịch. Trưa, tối thường hay lảng vảng vào các miếu long thần, thổ địa ở làng để chơi đùa, vẽ bậy. Có lần lại bê cả xôi, chuối, rượu, thịt ở bệ thờ về đánh chén; khiến ông thủ từ cứ nghi nghi hoặc hoặc mà chẳng dám kêu ca… 

 Một buổi tối Nguyễn Công Trứ lẻn vào miếu lấy rượu, thịt xuống nhắm say khướt, rồi lại nâng chén ghé mãi vào miệng long thần; thấy pho tượng cứ ngồi yên không nhúc nhích, ông tức mình vật ngửa tượng ra đổ rượu vào mồm, đánh cho mấy bạt tai rồi mới khật khưỡng đi về. 

 Sáng mai tỉnh dậy, không biết là ông hối hận hay nghĩ thế nào lại làm bài thơ yết hậu sau đây, rồi đem ra dán ở miếu để tạ long thần:

Hôm qua trời tối tới chơi đây,
Đánh phải long thần mấy cẳng tay.
Khi tỉnh thời nào ai có dám …?
Say!

 Bấy giờ ông từ mới vỡ lẽ, nhưng thấy anh học trò có lời thơ sắc sảo, hài hước, cũng bật cười, chỉ răn đe qua loa chứ không đem bắt vạ.
7/
Đối chọi với sư : 

   Lúc Nguyễn Công Trứ còn đi học, có lần trọ ở gần một ngôi chùa. Nghe đồn sư ông chùa đó là người hay chữ, nhưng lại hay ghét học trò. Thêm vào đó, nhà sư lại có tính hay ăn thịt chó, thường vùi nồi thịt ở bếp, mà hễ ai có hỏi thì cứ bảo đó là nồi cà bung. 

   Nguyễn Công Trứ tức cười về chuyện ấy, một bữa vào chùa xem thực hư ra sao. Tới nơi, quả nhiên mùi thịt chó thơm lừng mà nhà sư thì đang lúi húi gần đó. Nguyễn cố nhịn cười, vờ hỏi han vớ vẩn mấy câu, rồi cứ ngồi lần khân mãi không chịu ra. Sư ông bị người đến quấy rầy, bực mình mới đọc một câu rằng:

Khách khứa kể chi ông núc (1) bếp 

  Nguyễn Công Trứ ngứa tiết, trỏ vào nồi thịt chó và đọc lại rằng:

Trai chay nào đó vại (2) cà sư

(1)  Ông núc bếp: ông đầu rau trong bếp (tiếng Nghệ) và cũng có nghĩa là: ông khách gì mà núc trong bếp người ta
(2) Vại cà sư: cái vại đựng cà của nhà sư (ám chỉ nồi thịt chó), đồng thời có nghĩa là bà vãi cà sát ông sư, tiếng Nghệ không có dấu ngã, nên bà vãi cũng gọi là bà vại, đồng âm với cái vại.

  Sư ông bị vạch chân tướng, hốt hoảng chỉ vào pho tượng gần đó mà đọc rằng:
Xin chứng minh cho, Nam mô A di đà Phật
   
Nguyễn cũng trỏ lên bàn thờ táo quân, đọc tiếp ngay:
Có  giám sát đó, Đông trù tư mệnh Táo quân

   Nhà sư túng thế, đành phải gượng bào chữa rằng:
Thuộc ba mươi sáu đường kinh, không thần thánh,
phật tiên, song khác tục.


   Nhưng Nguyễn vẫn không tha, đọc luôn:
Hay tám vạn tư mặc kệ, chẳng phong lưu,
tuyết nguyệt, đếch ra người
.

 Rồi Nguyễn Công Trứ quay gót bỏ đi. Ra đến giữa sân, có hai con chó xổ ra cắn, một chú tiểu phải ngăn mãi mới được. Nhân đó, Nguyễn lại buột miệng đọc hai câu thơ:

Bụt cũng hiền lành, sư cũng khá,
Còn hai con chó chửa từ bi.
  

    Sư ông đành chịu thua, không dám hé răng.
8/
Thơ nhạo đời : 

  Trong buổi hàn vi, ông gặp thói đời đen bạc, thường thốt ra lời thơ mai mỉa:
I.
Chẳng phải rằng ngây, chẳng phải đần,
Bởi vì nhà khó hóa bần thần.
Mấy đời thầy kiện mà thua mẹo,
Nghĩ phận thằng nghèo phải biết thân.
Số cả bĩ thôi thời đến thái,
Cơ thường đông hết lại sang xuân.
Trời đâu riêng đói cho ta mãi!
Vinh nhục, dù ai cũng một lần.
II.
Chửa chán ru mà quấy mãi đây?
Nợ nần dan díu bấy lâu nay.
Mang danh tài sắc cho nên nợ,
Quen thói phong lưu hóa phải vay;
Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,
Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay;
Còn trời còn đất còn non nước,
Có lẽ ta đâu mãi thế này!
III.
Thế thái nhân tình gớm chết thay!
Lạt, nồng, trông chiếc túi vơi, đầy.
Hễ không điều lợi, khôn thành dại.
Đã có đồng tiền, dở cũng hay.
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi,
Hẳn hoi không hết một bàn tay.
Suy ra cho kỹ, ai hơn nữa?
Bạc quá vôi, mà mỏng quá mây!
IV.
Vận chuyển huyền cơ kể cũng mầu,
Chắc rằng ai khổ, chắc ai giàu?
Nghĩ đâu miệng thế khi yêu ghét,
Được mấy lòng người có trước sau!
Cuối tiết mới hay rằng sớm muộn,
Giữa vời sao đã biết nông sâu;
Ai suy trời đất thì liền rõ,
Mưa mãi đâu mà nắng mãi đâu. 
9/
Thơ trách nữ thần: 

  Tương truyền tỉnh Bình Định có ngôi đền tục gọi là đền Châu Chấu rất linh thiêng. Trong đền thờ một nữ thần, hễ người qua kẻ lại, ai không ghé vào thắp nhang hoặc xuống cáng, xuống ngựa thì đều bị bà ta quật ngã thẳng cẳng. 

  Lúc đó Nguyễn Công Trứ  đã đi làm quan, có dịp đi công cán qua, phu cáng xin ông xuống cáng để vào thắp hương nhưng ông cho là chuyện nhảm nhí, nhất định không chịu. Hai người phu vốn sung tín ngôi đền này, bây giờ bị bắt buộc phải khiêng qua thì run sợ lắm; hôm ấy trời lại mới mưa, đường trơn, bước chân lập cập, trẹo trọ thế nào suýt nữa thì té nhào, làm cho Nguyễn Công Trứ nằm trên cáng cũng phải một phen hú vía. Nhân thế Nguyễn Công Trứ mới đọc ngay một bài thơ rằng:

Mụ thần như rứa, rứa thì thôi.
Chút nữa làm ông thịch cái rồi
Dẫu có khôn thiêng đành phận dưới
Lẽ nào châu chấu đấu ông voi?


  Rồi chẳng mấy chốc bài thơ đến tai những khách bộ hành và lan đi khắp cùng. Thế là từ đấy người ta sinh ra nhờn với nữ thần, chẳng mấy ai chịu xuống cáng, xuống ngựa nữa. Câu chuyện đền thiêng cũng từ đấy đâm ra nhạt dần.
10/
Phá đền thì phải làm đền: 

   Không biết từ đâu mà trong dân gian lưu truyền một câu sấm đồn là của Trạng Trình:

   Gia Long nhị đại, Vĩnh Lại vi vương.
   (đời thứ hai Gia Long, người ở Vĩnh Lại làm vua) 

   Đời thứ hai Gia Long thì chỉ có thể là đời vua Minh Mệnh, Vĩnh Lại chỉ vào quê hương Trạng Trình. Vua Minh Mệnh tính vốn đa nghi, khắc nghiệt. Biết được câu sấm ấy, nhà vua vừa để ý đề phòng vừa căm giận Trạng Trình. Tổng đốc Hải Dương lúc bấy giờ là Nguyễn Công Trứ, được lệnh đến đập phá đền thờ Trạng. 

  Ông Trứ mang quân đến, cứ theo lệnh triều đình, cho đập tường, dỡ nóc. Nhưng khi rút mộng thượng lương ra thì thấy một cái hộp nhỏ đã để sẵn trong tấm gỗ rơi xuống. Ông Trứ mở xem, thấy có một mảnh giấy đề mấy chữ:

  Minh Mệnh thập tứ
  Thằng Trứ phá đền
   Phá đền thì phải làm đền
   Nào ai cướp thế tranh quyền chi ai !

 Ông Trứ giật mình hốt hoảng, đành tâu lại với triều đình, xin làm lại ngôi đền cho Trạng Trình. Sau bắt được tên trùm phỉ, tra hỏi ra mới biết câu sấm ấy là do hắn phao đồn.
11/
Thơ vần om : 

  Nguyễn Thị Quyên là con gái út của Nguyễn Công Trứ, lấy chồng là tú tài Trần Hữu Ý người làng Đan Phổ huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nên thường được gọi là bà Tú Ý. Bà nổi tiếng văn chương tài hoa, mẫn tiệp. 

  Tương truyền trên một chuyến đò sông Lam, một ông cử trong vùng, biết người đồng thuyền là bà Tú Ý, một nhân vật nổi tiếng văn chương, liền kèo nèo bà xướng một bài thơ để họa cho vui. Từ chối mãi không được, bà Tú Ý bên đọc:

Đồn rằng hay chữ tiếng om xòm
Nay được tai nghe mắt lại dòm
Kinh sử dám phô tài nấu đúc
Ngọt bùi luống được tiếng khen bom
Non Mai ngó lại tùng trăm thước
Sông Phố trôi xuôi liễu một chòm
Sẵn tiếp vài lời khi gặp gỡ
Dám đâu cửa sấm trống tì tòm.

  Một loạt vận "om, òm" như thế thì gay quá. Ông cử nọ không nghĩ ra được câu nào. Thuyền trôi rồi thuyền cập bến. Ông cử sượng sùng xin khất hôm sau sẽ gởi bài họa đến tận nhà. 

 Nhưng một tháng, rồi hai tháng, chẳng thấy tăm hơi đâu. Bà Tú Ý ngẫm nghĩ rồi buồn cười cho cái anh chàng bất tài mà hợm hĩnh, lìền gởi tiếp cho ông cử một bài thơ nữa như sau:

Mấy lâu gằn gục một bài thơ
Ván đã như chùi, chiếu lại xơ
Đầu gối lắc hoài, câu chẳng đặng
Hàm râu nhổ hết, bút còn trơ
Mực mài bản thảo đen trăm chão
Phấn rắc hoa tiên trắng một tờ
Nhắn hỏi tao ông (1) rày đã tỏ
Đây là cửa sấm biết hay chưa?

(1) Tao ông, cũng như tao nhân, là người tao nhã hay thơ văn

  Được bài thơ nầy, ông cử cũng cứng họng không họa nổi. Còn câu chuyện bài thơ vần "om" thì cứ ngày một lan rộng thành câu chuyện vui cười ở các quán nước trong cả vùng.
12/
Nguyễn Công Trứ và Hà Tôn Quyền: 

  Hà Tôn Quyền tự Tốn Phủ, hiệu Phương Trạch, biệt hiệu Hải Ông, người xã Cát Động, huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông, Đỗ tiến sĩ năm Minh Mạng thứ 3 (1822), làm quan đến Lại Bộ tham tri. 

 Ông trước sau chỉ làm quan tại triều chứ không phải đi tỉnh, vốn có ác cảm với Nguyễn, - vì Nguyễn lập được nhiều công to, lại có tính ngang ngạnh, - nên tìm mọi cách dèm pha, gây cho Nguyễn nhiều bước thăng trầm. Một hôm Hà bày một tiệc rượu mừng con thi đỗ. Có mời cả Nguyễn. Trước sân nhà Hà, có cây vông to lớn, nhân Hà ra đề “Vịnh cây vông” để mọi người ngâm vịnh. 

  Nguyễn Công Trứ vốn không thích ngâm vịnh với bọn họ, nhưng thấy mấy bài thơ rặt một giọng tán dương, nịnh hót vị đại thần chủ nhân kia thì ông tỏ vẻ ngứa ngáy khó chịu, bèn cũng vịnh một bài thơ như sau:

Biền, nam, khởi, tử (1) chẳng vun trồng
Cao lớn làm chi những thứ vông.
Tuổi tác càng già, già xốp xáp,
Ruột gan không có, có gai chông (2)
Ra tài lương đống không nên mặt,
Dựa chốn phiên ly (3) chút đỡ lòng
Đã biết nòi nào thời giống ấy,
Khen cho rứa cũng trổ ra bông!

(1) Tên bốn chữ gỗ tốt
(2) Cây vông càng già trong ruột càng xốp rỗng và ngoài vỏ càng lắm gai.
(3)  Rào giậu


 Đại ý bài thơ nói rằng: sao không trồng thứ cây gỗ tốt như bìền, nam, khởi, tử mà lại đi trồng cây vông làm gì. Vông là thứ cây xốp, làm rường cột (lương đống) không được, thân chỉ có gai, chỉ tạm làm bờ rào (phiên ly) được thôi. Giống cây ấy mà cũng ra hoa thì cũng lạ. Ý hai câu kết ám chỉ con trai viên đại thần, nòi nào giống ấy, vô dụng như cây vông, mà cũng thi đỗ thật nực cười.

   Hà thấy mình là rường cột của triều đình mà bị mỉa “Ruột gan chẳng có, có gai chông” và “rường soi cột trổ không nên mặt” giận lắm, bảo Nguyễn  :

- Quân tử ố kỳ văn chi … quan lớn.

  Nguyên đây là câu chữ liền trong sách Trung Dung: Quân tử ố kỳ văn chi trứ (người quân tử ghét những sự lòe loẹt bên ngoài). Hà dùng chữ quan lớn thay cho trứ, vừa là khiêm tốn kiêng tên, lại vừa có ý mỉa mai: người quân tử ghét cái văn của anh Trứ !
Nguyễn đáp ngay:

- Thành nhân bất đắc dĩ dụng … quý ngài

   Đây cũng là câu chữ có sẵn trong sách: Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền (thánh nhân phải dùng đến quyền lực chỉ là sự bất đắc dĩ). Nguyễn dùng chữ quý ngài thay cho quyền cũng là kiêng tên mà lại có ý nói xỏ xiên: vua dùng ông là cực chẳng đã đó mà thôi!

  Năm 71 tuổi, Nguyễn xin về hưu; trước khi rời kinh đô, ông sắm cỗ xe dùng một con bò cái cổ đeo nhạc ngựa, để kéo đi từ biệt các bạn đồng liêu. Khi tới nhà Hà Tôn Quyền, ông lấy một tấm mo cau, viết bài thơ tứ tuyệt, rồi buộc mo vào phía trong đuôi bò. Những khách qua đường xúm lại xem thơ cười rúc rích, khiến cho họ Hà, khi tiễn chân Nguyễn ra cửa, thấy vậy cũng muốn ra xem. Nguyễn gạt đi, nói rằng thơ dở lắm, không đáng để ý, và chạy lại lật sấp tấm mo. Hà càng đòi coi kỳ được, sấn tới quay ngửa tấm mo ra đọc, trước còn đọc to, sau giọng khẽ dần và mặt mày tím bầm.
Thơ rằng:

Xuống ngựa lên xe chớ tưởng nhàn,
Lợm mùi giáng chức với thăng quan!
Điền viên, dạo chiếc xe bò cái,
Sẵn tấm mo, bưng … miệng thế gian!

 Thì ra miệng thế gian hay dèm pha, như cái miệng của một vài quan đồng liêu chẳng hạn. Nguyễn Công Trứ đặt vị trí của nó vào phía trong của đuôi con bò cái!
13/
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo: 

  Năm 71 tuổi ông về hưu trí, đi qua chùa Đại Nại tỉnh Hà Tĩnh, thấy chỗ ấy dân thuần tục tốt, phong cảnh hữu tình, bèn bỏ tiền ra mở mang chùa, cảnh rất tráng lệ. Ông làm mấy gian nhà tranh ở cạnh chùa để xem sách và tiếp khách. Trong nhà nuôi một bọn ả đào, ngày ngày nghe hát. Nhiều khi lên chùa, ông cũng đem ả đào theo, vì tính ông phóng khoáng, cho như thế là thường tình. 

 Ông có làm bài hát “Ngất ngưởng” tả cái cao ngạo của mình, lúc nợ nam nhi đã trang trắng, vòng cương tỏa hết vướng chân, là lúc có thể theo sở thích của mình, không còn cần để ý gì đến những thành kiến của xã hội:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự (1)
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.
Khi thủ khoa, khi tham tán, khi tổng đốc Đông (2)
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưỡng!
Lúc bình tây cầm cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Đô môn giải tổ chi niên (3)
Nhạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi!
Gót sen theo đủng đỉnh… một đôi… dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng!
Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng.
Không Phật, không tiên, không vướng tục.
Chẳng Hàn, Nhạc cũng phường Mai Phúc, (4)
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung…
  Đời ai ngất ngưởng như ông !

(1) Trong vũ trụ đâu chẳng là phận sự
(2/ Đông là tỉnh Đông, tức Hải Dương
(3) Tổ: dây thao để đeo ấn. Ngày xưa người làm quan bỏ về gọi là giải tổ
(4) Hàn Kỳ, Nhạc Phi, danh thần đời Tống; Mai Phúc, danh nho đời Đông Hán

14/
Thơ đêm tân hôn: 

  Năm 73 tuổi, nạp một người thiếp còn đương độ thanh xuân, tối tân hôn ông cao hứng làm một bài hát nói có những câu hài hước sảng khoái:

…..
Kìa những người mái tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ đào tơ còn mảnh mảnh.
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa lấp lánh,
Nhất tọa lê hoa áp hải đường. (1)
Từ đây đà tạc đá ghi vàng,
Bởi đâu trước lựa tơ chắc chỉ.
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ:
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam! (2)
…..
Xưa nay mấy kẻ đa tình
Lão Trần là một với mình là hai.
Càng già càng dẻo càng dai.

(1) Hoa lê trắng ở bên hoa hải đường đỏ
(2) Niên kỷ, cô dâu muốn hỏi tuổi đức lang quân/
   Năm mươi năm trước tớ hăm ba!

****
   Trong thời gian ông sống nhàn ở Đại Nại, bố chánh Hà Tĩnh là Hoàng Nho Nhã, lúc rảnh việc thường đến chùa cùng ông bàn luận văn chương thế sự. Thấy ông quá đỗi phong lưu, họ Hoàng tặng câu đối :

Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu
Phong lưu đáo lão thế nhân vô

(Sự nghiệp kinh người thiên hạ có
 Phong lưu đến già thế gian không)


  Hơn 50 năm sau, ông Phan Bội Châu lên chùa Đại Nại chơi, thấy đôi câu đối treo ở nhà Tổ, lấy làm lạ, mới hỏi sự tình. Sư cụ thuật hết đầu đuôi câu truyện cho nghe. Ông Phan lấy làm khoái trá, cho là một giai thọai phong lưu đệ nhất, liền làm một bài thơ hoài niệm, có hai câu:

Hà như Uy Viễn Tướng quân thú
Túy ủng hồng nhi đáo pháp môn
(Làm thế nào được thú như Uy Viễn tướng quân
 Lúc say mang cả ả đào lên cửa Phật)
 



Nhận xét

Bài đăng phổ biến